Monday, 2 November 2020

NHỮNG KỲ VỌNG NÀO ĐÃ MẤT TRONG VIỆC GIÚP ÔNG TRUMP LẬT NGƯỢC TÌNH THẾ? (VietBF)

 


Những kỳ vọng nào đã mất trong việc giúp ông Trump lật ngược tình thế?  

VietBF

1/11/2020

https://www.intermati.com/forum/showthread.php?t=1401737

 

Khi các cuộc thăm dò cho thấy Biden dẫn trước, Trump đã hy vọng một "bất ngờ tháng 10" sẽ xoay chuyển tình thế, nhưng nó không bao giờ tới.

Vaccine chống Covid-19, sự phục hồi thần kỳ của nền kinh tế, một cuộc điều tra bom tấn của Bộ Tư pháp, một bước đi sai lầm của đối thủ hay bê bối liên quan đến Biden và con trai Hunter là những yếu tố mà Tổng thống Donald Trump từng kỳ vọng sẽ là "món quà tháng 10" có thể giúp ông lặp lại kịch bản năm 2016 với Hillary Clinton.

Nhưng cuối cùng, tháng 10 đã qua mà không có bất ngờ chấn động nào, khiến Trump vẫn chìm trong những vấn đề như Covid-19 mất kiểm soát, nền kinh tế chao đảo vì đại dịch, tranh cãi về phong cách, hành vi và những phát biểu của ông.

Một số sự kiện đã làm dấy lên hy vọng lội ngược dòng cho đội ngũ của Trump như ghế thẩm phán trống tại Tòa án Tối cao, các cuộc biểu tình trên đường phố mà Tổng thống tìm cách đổ lỗi cho phe Dân chủ và cả việc Trump phải nhập viện ba ngày do nhiễm nCoV - điều một số cố vấn đã hy vọng có thể khiến cử tri dành cho ông những "lá phiếu cảm thông".

Nhưng rốt cục, không vấn đề nào đủ sức nặng để giúp Trump lật ngược thế cờ. Các luồng dư luận về Trump gần như không thay đổi. Yếu tố định hình cuộc đua vẫn là Covid-19, đại dịch bùng nổ ở Mỹ từ tháng ba, đẩy Trump vào tình thế chật vật ứng phó với cả cuộc khủng hoảng y tế lẫn chính trị.

Khi ngày bầu cử đang cận kề, ca nhiễm mới nCoV ở Mỹ lại vọt lên, tăng gần 100.000 ca vào ngày 30/10, đặc biệt ở vùng Trung Tây, nơi có một số bang chiến trường quan trọng. Những tin tức về đại dịch đã lấn át điểm sáng kinh tế là GDP quý III chứng kiến mức tăng kỷ lục.

"Bất ngờ tháng 10 đã xảy ra vào tháng ba", chiến lược gia đảng Cộng hòa Mike DuHaime nói, đề cập đến thời điểm bùng phát của Covid-19 ở Mỹ.

Jennifer Palmieri, cố vấn hàng đầu của Hillary Clinton vào năm 2016, nói rằng với bối cảnh nước Mỹ hiện nay, ý tưởng cho rằng thế cờ bị đảo ngược chỉ bởi một sự kiện là điều rất khó xảy ra. "Một đại dịch, một cuộc suy thoái kinh tế. Từ lâu người ta đã quyết định xem họ đứng về phía nào. Cuối cùng, tháng 10 không có gì đáng ngạc nhiên. Không phải năm nay", Palmieri nói.

Trump vẫn có cơ hội chiến thắng. Ông có thể lặp lại chiến thắng năm 2016 bằng cách kêu gọi những cử tri da trắng cổ cồn xanh đi bỏ phiếu. Đây là nhóm cử tri vốn "lười" đi bầu, nhưng 4 năm trước, Trump đã tạo được động lực để họ bỏ phiếu. Nguyên nhân các cuộc thăm dò 4 năm trước cho kết quả áp đảo nghiêng về Clinton là chúng đã đánh giá thấp lượng cử tri thuộc nhóm này đi bầu.

Tuy nhiên, chiến thắng 2016 của Trump không chỉ dựa vào sức hút của ông với nhóm cử tri này mà còn nhờ vào các sự kiện làm rung chuyển những tuần cuối cùng của đường đua, trong đó có việc FBI mở cuộc điều tra với bê bối email của bà Clinton.

Nhưng Biden không phải là Clinton. Bà vốn là người gây tranh cãi sau các bê bối tình dục của chồng và công việc khi còn là ngoại trưởng dưới thời Obama. Vì thế, danh tiếng của bà tổn hại nghiêm trọng vì loạt tin xấu trong những tuần tranh cử cuối cùng, khi giám đốc FBI James B. Comey mở lại cuộc điều tra về lùm xùm bà dùng hệ thống email riêng để xử lý công vụ.

Ngược lại, chiến dịch của Trump vẫn "sống sót" sau một biến cố tưởng chừng là "bất ngờ tháng 10" khác, khi các hãng truyền thông lúc đó công khai video ông bình luận khiếm nhã về phụ nữ. Trong khi các cuộc thăm dò năm 2016 cho thấy nhiều cử tri phải lựa chọn giữa hai ứng viên mà họ đều không thích, lần này nhiều cử tri ở bang chiến trường có thiện cảm với Biden.

Trong lịch sử bầu cử Mỹ, đã có nhiều lần những diễn biến vào tháng 9 hay tháng 10 làm đảo lộn chiến dịch của một ứng viên. Đôi khi các sự kiện xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của cả hai bên, như việc Osama bin Laden đăng video vào năm 2004 tuyên bố chính ông ta đã ra lệnh tiến hành vụ khủng bố 11/9. Nó được coi là động lực muộn màng cho Tổng thống George W. Bush trước đối thủ John F. Kerry, vì chiến dịch của ông đã nhấn mạnh nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tương tự vụ 11/9 nếu không chống khủng bố mạnh mẽ.

Nhưng thông thường, "bất ngờ tháng 10" là những sự kiện "nội sinh" - tin tức tiêu cực về đối thủ được một bên tung ra vào thời điểm các cử tri đang chú ý nhất. Giữa tháng trước, New York Post đăng bài báo đặt nghi vấn về giao dịch kinh doanh nước ngoài của Hunter Biden, dựa trên thông tin do luật sư của Trump Rudolph W. Giuliani cung cấp. Dữ liệu được cho là được thu từ chiếc laptop Hunter để quên tại một cửa hàng sửa máy tính ở Delaware. Bài báo thu hút sự chú ý trên truyền thông bảo thủ, nhưng dường như không làm thay đổi cuộc đua.

Một số chính trị gia tự hỏi liệu trong thời đại này, "bất ngờ tháng 10" có thực sự tồn tại nữa hay không. Tim Pawlenty, cựu thống đốc Minnesota thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng hiện giờ cử tri dễ dàng tiếp cận và xác thực tin tức nên những tin tức xấu được một bên phát tán về đối thủ khó có sức nặng và thậm chí còn có nguy cơ phản tác dụng.

Hai vấn đề "ngoại sinh" lớn nhất trong đường đua là việc thẩm phán tòa án tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời và Tổng thống phải nhập viện vì Covid-19 vào đầu tháng 10. Bất chấp sự phản đối của đảng Dân chủ, Trump đã thúc đẩy đề cử Amy Coney Barrett vào vị trí thay thế Ginsburg, khiến cán cân tại Tòa án Tối cao càng nghiêng về phe bảo thủ. Tuy nhiên, cuộc chiến này gây ít ồn ào hơn cả hai chiến dịch nghĩ và có rất ít bằng chứng cho thấy nó làm thay đổi đường đua vào Nhà Trắng.

Việc Trump nhiễm nCoV không làm người Mỹ thông cảm với ông mà càng cho thấy ông đã phớt lờ các khuyến cáo y tế.

"Dễ thấy cuộc bầu cử này có thể khác đi như thế nào nếu Trump có những hành động và chính sách khác", David Wasserman, biên tập viên của Cook Poli Report, nói. "Nhưng những sự kiện ngoại sinh như ghế trống tại Tòa án Tối cao và việc Trump nhiễm nCoV đã không làm thay đổi nhiều quỹ đạo cuộc đua. Nếu có thì có khi nó còn giúp sức cho Biden một chút".

Bà Clinton đã lập luận rằng lá thư của Comey gửi quốc hội Mỹ thông báo mở lại cuộc điều tra email là yếu tố chính khiến bà thất cử. "Lý do chính khiến chúng tôi không thắng ở ba bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin là thư của Comey", Clinton nói với New York Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Chúng tôi đã lập bản đồ theo dõi tình hình ủng hộ trước và sau sự kiện đó".

Trong nhiều tháng, các đảng viên Dân chủ đã lo lắng về những gì Trump có thể làm gì khi đối mặt với một cuộc chiến đầy cam go. Ông từng điều 5.200 binh sĩ đến biên giới với Mexico vài ngày trước bầu cử giữa kỳ năm 2018 và bị xem xét bãi nhiệm vì kêu gọi chính phủ nước ngoài điều tra gia đình Biden.

Nhưng hầu hết những gì Trump cố gắng làm để khuấy động cuộc đua dường như không hiệu quả. Ông đã thúc đẩy cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về vai trò của chính quyền Obama trong việc xem xét mối quan hệ của ông với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng nó không được hoàn thành trước Ngày Bầu cử. Chưa vaccine tiềm năng nào được phê duyệt. Không có gói kích cầu kinh tế lớn vào mùa thu. Một báo cáo của phe Cộng hòa ở Thượng viện về cáo buộc tham nhũng chống lại Biden không đưa ra được bằng chứng.

Điều đó không có nghĩa là Trump không cố gắng sử dụng các đòn bẩy của chính phủ để làm rung chuyển cuộc đua. Ông đã công kích các quan chức nội các không làm theo ý mình.

Ông phàn nàn rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã không công bố email từ Clinton mà ông nói rằng "sẽ tiết lộ những hành vi của đảng Dân chủ nhằm phá hoại chiến dịch năm 2016" của ông. Ông cảnh báo Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr sẽ "lâm vào tình huống rất đáng buồn" vì không truy tố các đảng viên Dân chủ như Biden và cựu tổng thống Obama.

Khi Trump đi vận động trên khắp nước Mỹ, ông phàn nàn ở hầu hết các cuộc mít tinh rằng truyền thông đã không chú ý đầy đủ đến những cáo buộc chống lại Hunter Biden. "Tại sao vụ tham nhũng của Biden không thành chủ đề nóng trên Twitter? Đó là câu chuyện gây chấn động và đáng tin cậy nhất trên thế giới", ông viết ngày 28/10.

Thư ký báo chí của ông, Kayleigh McEnany, đã đến khu vực phía sau chuyên cơ Không lực Một vào một đêm gần đây để yêu cầu các phóng viên tháp tùng Trump trên hành trình vận động tranh cử đến xem Tucker Carlson phỏng vấn Tony Bobulinski, cựu cộng sự kinh doanh của Hunter Biden.

Nhưng ngay cả một số thành viên trong chính đảng Cộng hòa cho rằng tin tức này không tạo được sóng gió. "Tôi không nghĩ nó lay chuyển được bất kỳ cử tri nào", thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc đảng Cộng hòa nói.

Dù vậy, một số người lo sợ có thể có bất ngờ tháng 11. Các đảng viên Dân chủ lo lắng rằng Trump và đảng Cộng hòa có thể làm đảo lộn cuộc bầu cử thông qua các chiến thuật chèn ép cử tri và kiện tụng về kết quả kiểm phiếu.

Dù vậy, DuHaime cho biết tình hình năm 2020 rất khác năm 2016. Và Biden không phải là mục tiêu công kích lâu năm của phe bảo thủ như Clinton. "Mọi người sẽ không đột nhiên tin rằng bạn tham nhũng hai tuần trước cuộc bầu cử", ông nói.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats