Sunday, 8 November 2020

NHỮNG ĐIỀU (THỰC SỰ) THÚ VỊ VỀ BẦU CỬ MỸ (Y Chan - Luật Khoa)

 


 

 

Những điều (thực sự) thú vị về bầu cử Mỹ

Y Chan  -  Luật Khoa

07/11/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/11/buc-tranh-da-sac-mau-ve-bau-cu-my-va-khong-lien-quan-den-hai-ong-lao-ung-vien/

 

Cuộc bầu cử Mỹ thu hút sự chú ý của cả thế giới. Nhưng hầu hết đều bị cuốn vào những ồn ào của chuyện ai làm tổng thống mà quên đi rằng nơi đó là một lục địa rất rộng, và quả bầu (cử) của người Mỹ chứa nhiều thứ thú vị không kém, nếu không muốn nói là thú vị hơn nhiều so với chuyện hai người đàn ông đã hơn thất thập đấu nhau.

 

Dưới đây là một số mảnh ghép đa sắc đa màu như vậy về kỳ bầu cử lần này của người Mỹ.

 

.

1. Có hơi bị nhiều ứng viên tổng thống

 

Bạn nghĩ có bao nhiêu ứng viên tổng thống trong kỳ bầu cử này?

 

Nếu bạn chọn “hai”, xin chúc mừng, bạn đã trả lời trúng… một con số!

 

Theo thống kê trên trang web của Ủy ban Bầu cử Liên bang, năm nay có 1.212 công dân Mỹ đăng ký tranh cử làm tổng thống.

 

Bạn tưởng đó là nhiều? Hãy nghĩ lại, hoặc nếu lười nghĩ (đừng ngại, nhiều người giống bạn lắm), chỉ cần vào trang web của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ để xem. Đường link nằm ngay trong chữ “thống kê” ở trên, và để cho chắc, ở đây luôn. Nếu vào rồi, bạn có thể dễ dàng tìm ra con số của năm 2016 và sẽ thấy có hơn 1.700 ứng viên tổng thống vào thời điểm đó. 

 

Tất nhiên 99.9% các ứng viên này trên thực tế đều không có cửa làm tổng thống.

 

Nhưng ở một xã hội dân chủ thật sự, ai cấm cản được giấc mơ?

 

https://lh6.googleusercontent.com/jmMnLK4Mkd36UoqB7I1rjnadQdOw1LpN2VJsPQQ7tR4xomxnyVphJt3-800tbm-LR2JzUqpuVNDDJ21667f8jY_Y071ARXL7Q783JTPYlbTnW75s6er2kfLaVBPQfbLnMt9r5oSe

Từ trái qua: Brock Pierce (tỷ phú kinh doanh tiền ảo), Mark Charles (chuyên gia tin học) và Jade Simmons (nhạc công dương cầm) là ba trong số 1.212 ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Ảnh: BBC.

 

Tuy ít tiền và ít tiếng tăm hơn hẳn hai ứng viên gà nhà của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, các ứng viên độc lập thỉnh thoảng vẫn có thể làm lớn chuyện, dù không nên được chuyện lớn.

 

Như George Wallace vào kỳ bầu cử năm 1968 thu được gần 10 triệu phiếu bầu và chiến thắng đến tận năm bang. Hay Ross Perot vào năm 1992 dù không thắng được bang nào nhưng vẫn được gần 20 triệu người bỏ phiếu cho mình.

 

 

2. Ứng cử viên từ thế giới bên kia

 

Đó là trường hợp của David Andahl, ứng viên cho ghế dân biểu tại quận 8 thuộc bang North Dakota. Ông là một trong hai ứng viên của Đảng Cộng Hòa cho hai chiếc ghế dân biểu tại quận này. Andahl được 5.901 phiếu bầu (35.5%), đứng vị trí thứ hai. Người còn lại của Đảng Cộng Hòa đứng đầu với hơn 40% số phiếu.

 

Với kết quả trên, hai ứng viên của Đảng Cộng Hòa nắm chắc hai ghế dân biểu cho khu vực này. Nhưng David Andahl đã qua đời trước đó vào tháng 10 do nhiễm COVID-19.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/Andahl.jpg

Chân dung David Andahl, người được chọn làm dân biểu bang North Dakota khi đã qua đời. Ảnh: FB nhân vật.

 

Việc này là chưa từng có tiền lệ ở North Dakota, nên Tổng chưởng lý bang đã yêu cầu Đảng Cộng Hòa tìm một người ngồi tạm vào ghế của Andahl, cho tới khi tiến hành một cuộc bầu cử đặc biệt để quyết định.

 

Chuyện người chết vẫn còn được tin tưởng hóa ra không quá hiếm hoi ở Mỹ. 

 

Theo thống kê, tính từ năm 2000, có ít nhất sáu ứng viên của thế giới bên kia đã chiến thắng trong các kỳ bầu cử ở Mỹ, từ cuộc đua thị trưởng của thành phố cho tới ghế Thượng nghị sĩ đầy quyền lực ở quốc hội.

 

.

3. Người dân tự quyết tiền lương

 

Với thể chế đặc trưng của Mỹ, cuộc bầu cử diễn ra trên tất cả các bang, ngoài việc chọn tổng thống, các dân biểu và thượng nghị sĩ, đây còn là dịp để người dân gật hay lắc với những vấn đề riêng của từng khu vực.

 

Ở Florida, 60.8% cử tri đã bỏ phiếu thông qua một đề xuất sửa luật, cho phép nâng mức lương tối thiểu của người lao động tại bang này lên mức 15 USD/ giờ. 

 

Kết quả bỏ phiếu trên vừa khít để thông qua đề xuất, khi yêu cầu là phải có ít nhất 60% đồng ý. Nhưng người lao động tại đây sẽ không đi ngủ và sáng mai thức dậy thấy lương của mình tăng liền 75%, từ mức 8,56 USD/ giờ như hiện tại. 

 

Lộ trình tăng này được thực hiện dần dần, tăng lên 10 USD/ giờ vào năm sau, và mỗi năm tiếp theo thêm 1 USD cho tới khi đạt mức 15 USD/ giờ vào năm 2026. Sau đó, mức tăng lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh dựa vào các chỉ số giá tiêu dùng.

 

https://lh3.googleusercontent.com/jqHfC2qV-FuLKaoj_gF8lb2MKVb_VRvC1h0VbjI2Lj2j9H1KW4sbLAVM-XU6M2sWP8sZ7hHpgcaSVG1yw5GgjrwWn1NrgsB3rmaVZ5vOAmIGPMoJhn6W4DpT2FHbhk0GanpsOtI9

Trayvonne Williams, 19 tuổi, đi vận động ủng hộ cho đề xuất tăng lương tối thiểu ở bang Florida. Ảnh: Martha Asencio Rhine/ Times.

 

Cuộc vận động thay đổi mức lương tối thiểu cho người lao động tại Mỹ là một cuộc chiến đúng nghĩa, đầy máu và nước mắt, và đã kéo dài hàng trăm năm qua.

 

Nếu chưa từng tìm hiểu và có một chút tò mò, bạn có thể pha sẵn chén trà và đọc thêm tại đây.

 

.

4. Ai lên chức chưa biết, nhưng cần sa thì lên ngôi

 

Cần sa có tên tiếng Anh là cannabis hay marijuana.

 

Trong kỳ bầu cử lần này, cử tri của năm bang tại Mỹ là New Jersey, Montana, South Dakota, Arizona và Mississippi đã bỏ phiếu đồng ý hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho người lớn (từ 21 tuổi trở lên).

 

Như vậy, cùng với 93 triệu người Mỹ khác hiện đang sống tại các bang mà việc sử dụng cần sa là hoàn toàn hợp pháp, sẽ có 1/3 số người trưởng thành tại Mỹ có quyền dùng cần sa.

 

https://lh5.googleusercontent.com/qm_wCI4zA7pabSnqXT6NzoJdo-hw5dA1xDW0dYMlCBgXefX9ukfnmXMAXK5Q112O8W7Yf_nL0-9k4O8E8Xy115-DVBTU_Rtgxv8EMjQ75FeKzo_TZZZFOCc-eO0UZ5w_9OfPeNbU

Các huy hiệu quảng bá bầu cử với dòng chữ “marijuana”. Ảnh: Getty.

 

Đây là một diễn biến chóng mặt, nếu nhớ lại chưa tới 10 năm trước, việc sử dụng cần sa cho mục đích cá nhân (recreational use) là hoàn toàn trái luật tại Mỹ. 

 

Dù vẫn còn tranh cãi, nhưng với nhiều ứng dụng tích cực trong các lĩnh vực khác nhau, cộng với thể chế xem trọng quyền tự do lựa chọn của cá nhân, cần sa có lẽ sẽ sớm xưng đế tại Hoa Kỳ (vẫn chậm chân hơn Uruguay và Canada).

 

.

5. Cầu vồng cất tiếng

 

Cầu vồng (rainbow) từ lâu được xem là biểu tượng của giới LGBTQ, từ viết tắt để chỉ cộng đồng những người đồng tính, song tính, và chuyển giới. 

 

Kỳ bầu cử này có hơn 1.000 ứng viên tại Mỹ thuộc giới LGBTQ quyết định tham gia tranh cử cho các vị trí trong chính quyền. Con số này tuy là nhiều nhất trong lịch sử, nhưng vẫn được xem là quá ít ỏi.

 

Theo thống kê, có khoảng 5% dân số Mỹ thuộc giới LGBTQ, nhưng chỉ có 0.17% những người như họ làm việc trong chính quyền. Đã thiếu người thật sự hiểu nguyện vọng của mình, lại còn gặp phải một chính quyền liên bang bảo thủ muốn ngăn cản các lợi ích hợp pháp (như kết hôn), không khó hiểu khi các ứng viên tham gia tranh cử từ cộng đồng LGBTQ ngày càng tăng.

 

Và họ đã tạo nên nhiều chương mới trong kỳ bầu cử lịch sử này.

 

Như Mondaire Jones và Ritchie Torres trở thành hai người da đen đồng tính đầu tiên được bầu làm dân biểu liên bang. Hay Sarah McBride là người chuyển giới đầu tiên thắng cử chiếc ghế thượng nghị sĩ tại bang Delaware.

 

https://lh3.googleusercontent.com/z-zOXtWSxOO3kIM5Bpy-7MoR1BTXt5OAKCvL7kUQs0yn_nQ2x-jpP6-50eDFTCBWDR4QKCCzH_b6XDobv6Regv7QY5x-zIxa74XihZ6LsmmdP6M8coBAiqygGT1eR8naOYXxIT0J

Sarah McBride đắc cử ghế thượng nghị sĩ bang Delaware (trái) và Ritchie Torres trở thành dân biểu Hạ viện. Ảnh: Gulte.com.

 

Mức độ ủng hộ của người Mỹ đối với cộng đồng LGBTQ tăng lên qua các năm, với các khảo sát cho thấy hơn 70% đồng ý bảo vệ những người LGBTQ chống lại sự phân biệt đối xử, hay con số gật đầu tương tự cho việc hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người đồng tính. 

 

Giống như xu hướng của đa số người Mỹ ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa, mức độ khoan dung rộng rãi của xã hội Mỹ sẽ khiến bảy sắc cầu vồng ngày càng rực rỡ tại đây (và tất nhiên, khiến không ít người thích mù màu càng thêm ngứa mắt).

 

.

6. Ai cũng có đại diện, kể cả những người có vấn đề

 

Bên cạnh cầu vồng, cũng có những màu khác (khó tả) tiếp tục xuất hiện trên chính trường Hoa Kỳ.

 

Marjorie Taylor Greene, ứng viên vừa thắng cử ghế dân biểu Hạ viện trong kỳ bầu cử này là một trường hợp như vậy. Bà là một người ủng hộ nhiệt thành cho các loại thuyết âm mưu, trong đó nổi bật là thuyết QAnon. 

 

https://lh5.googleusercontent.com/-N5glFHpJH6ynB6BiG2sbdBk-1DFyzPf361ILXlmGkbBUvBK8TpSpF5cTnQIgrrKinnQsJbe98rl8C-ys9EH7bsBxbpVIZF_kJT8lmVbsTTcydaiUT8qxXReDyvAgI6iQgoofU93

Người tham gia trong một cuộc tuần hành của Donald Trump với poster ủng hộ QAnon trên tay. Ảnh: ABC News.

 

QAnon, dựa theo một nhân vật ẩn danh với cái tên “Q”, tập hợp các loại thông tin thất thiệt xào nấu, cho rằng cả thế giới này bị một đường dây những kẻ ấu dâm thao túng và điều hành, và Donald Trump là người dũng cảm đứng ra chống lại các thế lực hắc ám đó (để rồi đang bị chúng hãm hại!).

 

Trong khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo những thành viên theo đuổi các thuyết âm mưu như QAnon là các mối hiểm họa khủng bố quốc nội, thì dân biểu mới đắc cử Greene lại không tiếc lời khen ngợi đó là “những người yêu nước”.

 

Về phần mình, tổng thống Trump dành lời khen cho cả Greene (“ngôi sao tương lai của Đảng Cộng Hòa”) lẫn các thành viên QAnon (“họ thích tôi, họ là những người yêu nước”). 

 

Thật không ngạc nhiên khi những chuyện như thế này giờ đây không còn làm ai ngạc nhiên.

 

.

7. Cử tri không chỉ có quyền bỏ phiếu

 

Nếu ghen tị với quyền tự do bỏ phiếu của người Mỹ, bạn sẽ phải kiếm thêm thứ gì nuốt vào bụng để đỡ tủi thân trước một thứ quyền khác của họ: giám sát quá trình kiểm đếm phiếu.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/5fa5b6838d818.image_.jpg

Người giám sát của hai Đảng Cộng Hòa (đứng, bên trái) và Dân Chủ (đứng, bên phải) trong phòng kiểm phiếu tại Lehigh County, Pennsylvania. Ảnh: Mary Altaffer/ AP.

 

Tại Mỹ, các cử tri có quyền trở thành những “poll watcher”, hay người giám sát việc kiểm đếm phiếu.

 

Mỗi bang có quy định riêng về việc ai được lựa chọn làm người giám sát trong phòng kiểm phiếu, số lượng được chọn, và yêu cầu ứng xử trong khi giám sát.

 

Nhìn chung, các đảng phái, ứng viên tranh cử và ủy ban bầu cử địa phương được quyền chỉ định những “giám sát viên dân sự” này. Theo thông lệ, đại diện của cả hai đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ cũng như cử tri của hai đảng này hay cử tri độc lập đều được chọn có mặt trong phòng kiểm phiếu để giám sát. Tất cả đều phải giữ khoảng cách nhất định để không ảnh hưởng đến công việc của những người kiểm phiếu.

 

Giám sát kiểm phiếu là quy trình bình thường lâu nay trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng trong cuộc bầu cử lần này, nó trở thành chuyện nổi trội khi Donald Trump cùng các thành viên đảng Cộng Hòa liên tục đưa ra những cáo buộc rằng các phòng kiểm phiếu tại những bang chiến địa không cho người của họ vào giám sát.

 

Cáo buộc này, không ngạc nhiên gì, lại được bóc mẽ là một trong vô số những lời nói dối khác.

 

Các phòng kiểm phiếu thậm chí còn cho quay trực tiếp phát trên youtube quá trình kiểm đếm để bất kỳ ai có nhã hứng cũng có thể vào xem giết thời gian.

 

Một chi tiết khác ít người biết là Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng Hòa (RNC) đã bị cấm trong suốt hơn 30 năm không được tham gia trong các hoạt động giám sát kiểm phiếu. Lý do là họ đã lợi dụng việc đó đe dọa những cử tri gốc Phi vào thập niên 1980, không cho những người này thực hiện quyền bầu cử của mình. Chỉ mới hai năm trước, một thẩm phán tại bang New Jersey mới ra phán quyết dỡ bỏ lệnh cấm này. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats