Tuesday, 24 November 2020

MỸ : JOE BIDEN BỔ NHIỆM CÁC QUAN CHỨC ĐẦU TIÊN TRONG TÂN NỘI CÁC (Thụy My - RFI)

 


Mỹ: Joe Biden bổ nhiệm các quan chức đầu tiên trong tân nội các   

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 24/11/2020 - 14:23

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-m%E....C3%A1c

 

Hôm qua, 23/11/2020, tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden công bố những tên tuổi đầu tiên trong nội các mới, bất chấp nỗ lực của Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử ngày 03/11 mà ông cáo buộc là có gian lận.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d4eca01c-2e57-11eb-8a03-005056a964fe/w:980/p:16x9/2020-11-23T201450Z_1066525643_RC289K9EKENF_RTRMADP_3_USA-BIDEN.webp

Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden trong một trực tuyến tại tổng hành dinh của ông ở Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ, ngày 23/11/2020. REUTERS - JOSHUA ROBERTS

 

Trong thành phần chính phủ mới, ông John Kerry, 76 tuổi, được chọn làm đặc sứ Mỹ phụ trách vấn đề khí hậu. Cựu ngoại trưởng thời Obama cũng chính là người đã thay mặt Hoa Kỳ ký kết hiệp định khí hậu Paris vào tháng 12/2015. John Kerry là một tên tuổi lớn của đảng Dân Chủ, là thượng nghị sĩ suốt 28 năm.

 

Trong thời gian làm ngoại trưởng, John Kerry thường được phái đi để giải quyết những vấn đề gai góc như Iran, thương lượng với Nga một thỏa thuận về vũ khí hóa học ở Syria, cố làm dịu cơn giận của đồng minh Pakistan không được thông báo vụ đột kích tiêu diệt Oussama Ben Laden…Là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, ông nhiều lần quay lại thăm chiến trường xưa.

 

Khí hậu được John Kerry dành cho mối quan tâm lớn, và cách đây một năm, ông đã lập ra một liên minh mang tên « World War Zero » (Đại chiến thế giới zero), trong đó có sự tham gia của những ngôi sao như Leonardo DiCaprio, Emma Watson, Arnold Schwarzenegger. Theo ông Kerry, cần phải coi vấn đề chống biến đổi khí hậu như một cuộc chiến toàn cầu.

 

Chức vụ ngoại trưởng được dành cho Antony Blinken, một nhân vật thân cận với ông Joe Biden từ nhiều năm qua, từng là nhân vật số hai trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thời Obama. Năm nay 58 tuổi, tân ngoại trưởng Mỹ nói tiếng Pháp như người Pháp, vì thời thơ ấu sống ở Paris. Nhà ngoại giao này luôn điềm tĩnh trong các tình huống, và còn là một người chơi đàn guitar rất đam mê âm nhạc.

 

Ông ủng hộ chủ trương can thiệp quân sự vì lý do nhân đạo. Sự gắn bó với nhân quyền của Antony Blinken có liên quan đến cha dượng của ông là luật sư nổi tiếng Samuel Pisar, sống sót trong trại tập trung Auschwitz và Dachau thời kỳ phát-xít Đức chiếm đóng Ba Lan.

 

Theo các nhà quan sát, nội các mới của Mỹ sẽ gồm nhiều nhân vật cánh trung, vì không chắc những khuôn mặt cánh tả trong đảng Dân Chủ sẽ được thượng Viện, do Cộng Hòa nắm, chuẩn y.

 

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm nay ngỏ lời mời ông Joe Biden, một khi chính thức trở thành tân tổng thống Mỹ, đến thăm châu Âu, chỉnh đốn lại quan hệ đôi bên đã bị xói mòn trong nhiệm kỳ ông Trump. Tổng thống Donald Trump đã gây ngạc nhiên cho các đồng minh, đa số là thành viên NATO do Mỹ lãnh đạo, khi áp thuế lên hàng châu Âu, rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và hiệp định nguyên tử Iran.

 

----------------------------------------------

.

Ngoại trưởng tương lai có thể tái lập vị thế toàn cầu Mỹ 

VnExpress  (Theo New York Times)

Thứ ba, 24/11/2020, 20:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/ngoai-truong-tuong-lai-co-the-tai-lap-vi-the-toan-cau-my-4196111.html

 

Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ tương lai, được kỳ vọng sẽ kiến tạo lại con đường đưa Washington trở về vị thế lãnh đạo toàn cầu sau thời kỳ Trump.

 

Antony J. Blinken, 58 tuổi, người ủng hộ các liên minh toàn cầu và cố vấn chính sách đối ngoại thân cận nhất của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự kiến được đề cử trở thành người lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

Theo giới chuyên gia, những kinh nghiệm và hiểu biết về chính sách đối ngoại sâu rộng của Blinken được kỳ vọng sẽ giúp "trấn tĩnh" các nhà ngoại giao Mỹ cùng lãnh đạo toàn cầu sau 4 năm chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện những chính sách khiến đồng minh ngày càng xa rời Washington.

 

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/24/AP-302528898827-1587-1606193363.jpg

Antony J. Blinken, người được tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lựa chọn trở thành lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Ảnh: AP.

 

Tổng thống đắc cử Biden dự kiến bổ nhiệm một trợ lý thân cận khác là Jake Sullivan làm cố vấn an ninh quốc gia, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề. Sullivan, 43 tuổi, từng kế nhiệm Blinken đảm nhận vai trò cố vấn an ninh quốc gia cho Biden trong thời gian ông làm phó tổng thống, đồng thời là người phụ trách hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Hillary Clinton.

 

Blinken bắt đầu sự nghiệp tại Bộ Ngoại giao dưới thời tổng thống Bill Clinton, từng đảm nhận chức thứ trưởng ngoại giao trong chính quyền tổng thống Barack Obama.

Cùng với nhau, Blinken và Sullivan, hai người bạn tốt có thế giới quan gần như tương đồng, sẽ trở thành các cánh tay đắc lực của Biden, đưa ra những lời khuyên cho Tổng thống đắc cử Mỹ về chính sách đối ngoại, giới phân tích đánh giá.

 

Bên cạnh đó, Blinken và Sullivan còn là hai tiếng nói đi đầu chỉ trích chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, cho rằng nó sẽ chỉ khiến Mỹ bị cô lập và tạo cơ hội cũng như khoảng trống cho các đối thủ.

 

Blinken đã ở bên cạnh hỗ trợ Biden gần 20 năm. Trong vai trò thứ trưởng ngoại giao dưới chính quyền Obama, ông đã giúp định hướng phản ứng của Mỹ trước những biến động chính trị và bất ổn ở Trung Đông.

 

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong các ưu tiên mới của Blinken là tái xây dựng vị thế Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy, sẵn sàng gia nhập lại các hiệp định và thể chế toàn cầu, bao gồm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

"Rõ ràng là không có giải pháp đơn phương nào cho những vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt với tư cách một quốc gia hay tư cách toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, đại dịch đến sự phổ biến của những vũ khí xấu", ông nói hồi tháng 7 tại Viện Hudson. "Ngay cả một đất nước mạnh mẽ như Mỹ cũng không thể tự mình giải quyết chúng".

 

Việc phối hợp cùng nhau có thể mang đến nhiều lợi ích khi đối đầu với những thách thức ngoại giao hàng đầu, như cạnh tranh với Trung Quốc, bằng cách lựa chọn những giải pháp đa phương nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư công nghệ và nhân quyền, thay vì buộc một quốc gia riêng lẻ nào đó phải lựa chọn giữa hai nền kinh tế siêu cường, Blinken giải thích.

 

Điều này có thể đồng nghĩa Blinken sẽ dành nhiều thời gian để củng cố mối quan hệ bền chặt hơn với Ấn Độ và trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi 14 nước vừa ký một thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay cùng Trung Quốc.

 

Ông cũng có thể sẽ dành nỗ lực để tăng cường sự tham gia của Mỹ tại châu Phi, nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng với những khoản đầu tư về công nghệ và cơ sở hạ tầng.

 

Tại hội nghị của Viện Hudson hồi tháng 7, Blinken từng nêu rõ rằng châu Âu sẽ là đối tác mà Mỹ "tìm đến đầu tiên, không phải cuối cùng" khi đối mặt với các thách thức chung.

Trong các cuộc phỏng vấn và tuyên bố công khai những tuần gần đây, Blinken không giấu giếm các định hướng chính sách của bản thân ông lẫn Tổng thống đắc cử Biden ở những tuần đầu tiên nhiệm kỳ.

 

Ông sẽ có khoảng 15 ngày sau khi nhậm chức để gia hạn thêm 5 năm đối với hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Nga, động thái mà Trump đã từ chối thực hiện vì muốn đưa cả Trung Quốc tham gia vào hiệp ước, dù Bắc Kinh đã bác bỏ.

 

"Chắc chắn chúng tôi muốn sự tham gia của Trung Quốc vào các vấn đề kiểm soát vũ khí", Blinken mới đây cho hay. "Nhưng chúng ta có thể thiết lập thế ổn định chiến lược bằng cách gia hạn New START và tìm cách củng cố nó sau này".

 

Blinken đã trở nên cứng rắn hơn với Nga sau khi Moskva bị cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, điều mà Điện Kremlin một mực phủ nhận. Ông từng gợi ý sử dụng điểm bất lợi của Nga khi phải phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ, làm đòn bẩy đàm phán.

 

"Có một khe cửa trong nỗ lực đối phó với Moskva", Blinken nói. "Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách giảm bớt phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc, điều vốn khiến ông ấy ở vào vị thế không mấy thoải mái".

 

Blinken, được một số người mô tả là một nhà ngoại giao chủ trương ôn hòa, cũng từng

tìm cách giảm bớt mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn.

 

Trong ngày làm việc cuối cùng dưới chính quyền Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đặt ra mức giới hạn 110.000 người tị nạn được phép tái định cư tại Mỹ trong năm tài khóa 2017. Con số này giảm xuống còn 15.000 trong năm tài khóa 2021, dưới thời chính quyền Trump.

 

Blinken từng nói ông sẽ tìm cách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với Guatemala, Honduras và El Salvador, các quốc gia thuộc Tam giác phía Bắc vùng Trung Mỹ, nhằm thuyết phục người di cư rằng họ sẽ được an toàn và tốt hơn khi ở nhà, thay vì tìm đường vượt biên vào Mỹ.

 

Tất cả những kế hoạch đặt ra khiến Blinken có ít thời gian và nguồn lực hơn cho Trung Đông, dù đó từng là lĩnh vực chính sách được ông quan tâm hàng đầu, sau vụ khủng bố 11/9/2001 và cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.

 

Trước khi đảm nhận công việc tại văn phòng chính sách châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1993, Blinken từng mơ ước trở thành nhà báo hoặc nhà sản xuất phim.

 

Ông rèn giũa kỹ năng truyền thông bằng cách trở thành người viết diễn văn chính sách đối ngoại cho tổng thống Bill Clinton và sau đó nhận nhiệm vụ giám sát chính sách về châu Âu và Canada tại Hội đồng An ninh Quốc gia ở Nhà Trắng.

 

Blinken lớn lên ở New York và Paris, tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Đại học Columbia. Ông thường xuyên nói về việc Mỹ phải trở thành một tấm gương đạo đức cho phần còn lại của thế giới.

 

"Trong thời kỳ khủng hoảng hoặc thiên tai, chính Mỹ là nơi mà thế giới hướng về đầu tiên và luôn như vậy", ông phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới hồi năm 2015. "Chúng ta là lãnh đạo được tìm đến đầu tiên không phải vì chúng ta luôn đúng, chúng ta được tất cả mọi người yêu quý hay chúng ta có quyền định đoạt kết quả. Đó là bởi vì chúng ta luôn cố gắng hết sức để điều chỉnh hành động theo những nguyên tắc của mình và bởi sự lãnh đạo của Mỹ có khả năng độc nhất vô nhị trong việc huy động những người khác để tạo nên sự khác biệt".

 

Vũ Hoàng (Theo New York Times)

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats