Wednesday, 25 November 2020

LỖI KHÔNG PHẢI Ở NHÀ VĂN (Chu Mộng Long)

 


LỖI KHÔNG PHẢI Ở NHÀ VĂN   

Chu Mộng Long

03:26  25/11/2020   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4187536257927252

 

Dư luận chửi rủa, đúng hơn là phỉ nhổ vào Hội Nhà văn. Lý do, nhiệm kỳ nào cũng như nhiệm kỳ nào, một đám lổn nhổn, lộn xộn, ồn ào, kể cả thô tục, mất vệ sinh.

 

Tôi thì thấy bình thường và rất vui. Tôi ghét những đại hội khoa trương khẩu hiệu, cờ hoa, và hình thức trang nghiêm. Những đại hội như vậy thì phải gọi là “đại lễ” chứ không phải “đại hội”. Lễ mới có chuyện báo cáo thành tích để vỗ tay và ngợi ca như ngợi ca thần thánh. Bất cứ sự trang nghiêm nào cũng chỉ là cái vỏ hình thức rỗng tuếch. Cho nên ta hiểu vì sao ở xứ sở gì cũng thần tượng hoá này, các đại hội thường nhạt toẹt, vô vị.

 

Đại hội Hội Nhà văn đúng nghĩa là hội lớn, ngày hội về thế tục: hội được nói, được ăn, được chơi, được ch*ch và bầu ra chủ ch*ch. Nó phải vui như hội Carnaval của phương Tây mới là đại hội. Tiếc là các quan chức trong Hội Nhà văn vẫn trịnh trọng chào cờ, hát quốc ca và báo cáo thành tích, trong không khí vui nhộn ấy mọi thứ trang nghiêm thành thừa thãi, vì chẳng ai nghe.

 

Sự bình thường mà tôi nói ở đây là… cái giống nhà văn nó thế! Đòi nhà văn có học, có văn hoá là bất khả. Bởi gốc nhà văn là vô học, vô văn hoá nếu hiểu đầy đủ văn hoá là kiến tạo phản tự nhiên. Nhà văn sống theo bản năng tự nhiên, cho nên thường hồn nhiên đến trần tục. Nhiều nhà văn không có học, thậm chí không cần học, nếu hiểu học là phải đặt chân đến học đường. Thì đấy, giới bình dân có học đâu mà có cả kho tàng văn chương đồ sộ? Đúng nghĩa bình dân phải là thô tục. Tôi dám chắc mảng văn học tục, gồm truyện tiếu lâm, câu đố, ca dao tục có sức sống mạnh mẽ hơn những thể loại trang nghiêm như thần thoại, ngụ ngôn, cổ tích, anh hùng ca.

 

Đến lượt nhiều nhà văn tên tuổi cũng có học đâu? M. Gorki, Nguyên Hồng chỉ học ở trường đời. Trần Đăng Khoa làm thơ hay khi chưa đi học, sau đó do học ở Trường Viết văn Nguyễn Du hay Gorki mới làm thơ dở. Còn gọi là tệ nạn thì vô số. Dostoievsky mê cờ bạc và mắc nợ nần, Balzac thì mắc tội loạn luân, Nguyễn Công Trứ hiếp dâm gái quê, Nguyễn Bính bạc tình và nhiều nhà văn Việt Nam trước 1945 nghiện rượu, ma tuý, hát cô đầu và truỵ lạc ở các nhà chứa của phố Khâm Thiên…

 

Không gì thuộc về con người xa lạ với nhà văn. Lỗi tại các giáo sư, tiến sỹ làm phê bình, do không có đủ tri thức về nhà văn nên cứ tôn vinh nhà văn thành thánh với đủ lời ngợi ca. Học trò và nhiều người tưởng thật, xem nhà văn như là tấm gương về văn hoá nên khi biết sự thật mới sốc. Nhớ năm trước, một giáo sư khoe một đứa học trò viết sách và tặng sách cho mình, rằng “thêm một người nữa bước vào đền thiêng văn học”.

 

Tôi đọc đến cụm từ “đền thiêng văn học” mà bật cười. Giáo sư gọi văn học rồi phê bình văn học là cái “đền thiêng” để tự phong thánh cho nhà văn và cho mình thì đúng là bị ngáo. Theo tôi, thay vì chê cười Hội Nhà văn, dư luận nên cảm ơn Hội Nhà văn đã có một ngày hội lớn tưng bừng, để phơi mọi thứ trần tục nhất mà hàng ngày nhà văn phải mang chiếc mặt nạ thần thánh để ăn cúng, thực chất là ăn xin…

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4187536127927265&set=pcb.4187536257927252

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4187536157927262&set=pcb.4187536257927252

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4187551431259068&set=pcb.4187536257927252

 

 

48 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats