Thursday, 5 November 2020

KIỂM PHIẾU BẦU CỬ MỸ 2020 : LO NGẠI TỐI CAO PHÁP VIỆN CAN THIỆP NHƯ NĂM 2000 (RFI)

 


Kiểm phiếu bầu cử Mỹ 2020: lo ngại Tối Cao Pháp Viện can thiệp như năm 2000

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 05/11/2020 - 13:41

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-bau-cu-my-2000-tranh-chap-phap-ly

 

Ngày 05/11/2020, nước Mỹ chưa có kết quả bầu tổng thống. Kết quả sơ bộ cho thấy hai ứng  viên đang ngang ngửa. Trong lúc kiểm phiếu đang diễn ra tại một số bang quyết định, ứng cử viên Donald Trump dọasẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện, yêu cầu đình chỉ việc kiểm phiếu bầu, gửi qua đường bưu điện tại một số nơi. Viễn cảnh cuộc chiến pháp lý liên quan đến kiểm phiếu hứa hẹn sẽ căng thẳng. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/2a981764-1f60-11eb-8a7a-005056bf87d6/w:980/p:16x9/US_Compt_Voting_Pennsylvania.webp

Biểu tình phản đối việc can thiệp nhằm ngừng kiểm phiếu bầu gửi qua Bưu điện, Harrisburg, Pennsylvania, ngày 04/11/2020. REUTERS/Nathan Layne REUTERS - NATHAN LAYNE

 

Hiện tại ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden dẫn trước 264 phiếu đại cử tri, theo một số tổng hợp kết quả sơ bộ, tức coi như chỉ còn thiếu 6 phiếu bầu để đắc cử, vượt xa ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump, 214 phiếu. Tuy nhiên, cuộc đấu chưa ngã ngũ.

 

Con số tổng hợp phiếu bầu nói trên mới chỉ là tạm thời. Ông Donald Trump một mặt có cơ hội cao, sớm san bằng khoảng cách, với hàng chục phiếu đại cử tri nằm trong tầm tay, tại một số bang căn cứ địa của phe Cộng Hòa, mặt khác, phía Cộng Hòa cũng bắt đầu cuộc chiến pháp lý, chống lại điều mà họ cho là « bất hợp pháp ». Mục « Theo dòng thời sự » của RFI hôm nay, tổng hợp báo chí Pháp, giới thiệu một số nét chính của cuộc chiến pháp lý liên quan đến kiểm phiếu bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

 

1 - Phe Cộng Hòa và ứng cử viên Donald Trump phản đối và đòi hỏi những gì ? 

Theo AFP, sáng sớm hôm qua (04/11), trong một phát biểu từ Nhà Trắng, ứng cử viên tổng thống mãn nhiệm khẳng định có nhiều gian lận trong cuộc bỏ phiếu. Nhóm phụ trách tranh cử của tổng thống Trump đã tung ra cuộc tấn công pháp lý đầu tiên tại bang Wisconsin, nơi ứng viên Joe Biden được coi là chiến thắng, với khoảng cách dưới 1% tổng số phiếu, theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ. Phe Cộng Hòa muốn kiểm lại toàn bộ phiếu. Phe Cộng Hòa cũng đệ đơn lên tư pháp ở cấp bang, yêu cầu đình chỉ việc kiểm phiếu tiếp tại « bang chiến trường » Pennsylvania, cũng như tại hai bang Michigan và Georgia, nơi khoảng cách giữa hai ứng viên rất sít sao. 

 

Tại sao đình chỉ việc kiểm phiếu tiếp ? Đài Europe 1 dẫn quan điểm của phe Cộng Hòa, theo đó, các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện đến sau ngày bầu cử 03/11, là không thể chấp nhận được, vì có nguy cơ gian lận cao. Sáng hôm qua, ứng cử viên Donald Trump khẳng định ông đã dẫn trước tại một số bang then chốt, nhưng đột ngột khoảng cách thu hẹp một cách kỳ lạ, với sự xuất hiện của rất nhiều phiếu bầu « không biết từ đâu tới ». Trên Twitter, ứng cử viên Donald Trump khẳng định mình là nạn nhân của phiếu bầu giả mạo quy mô lớn, và sự thật chính ông là người chiến thắng. Ngay từ tối mùng 3/11, tức tối ngày bầu cử, ông Trump dọa sẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện. 

 

2 - Phản ứng của phe Dân Chủ ra sao ? 

Phe Dân Chủ sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý. Trước tình thế phe Cộng Hòa mở ra nhiều mặt trận pháp lý, nhóm của ứng viên Joe Biden mở cuộc vận động gây quỹ. Hôm qua, trợ tá của ông Biden, ứng cử viên phó tổng thống, bà Kamala Harris, thông báo trên Twitter: « Trump đe dọa kiện lên tư pháp để ngăn cản toàn bộ số phiếu bầu được kiểm » và « công việc của ban vận động bầu cử có thể sẽ phải kéo dài thêm nhiều tuần nữa ». 

 

3 - Thực hư ra sao về việc phe Cộng Hòa và ứng cử viên Donald Trump lên án gian lận quy mô lớn ?  

Trong khi chờ đợi tái kiểm phiếu để làm sáng tỏ tình hình tại một số nơi, trước hết cần nhấn mạnh một nét chung là tại Hoa Kỳ, mỗi bang có thể ra quy định riêng về việc kiểm phiếu và tái kiểm phiếu. Theo báo chí Pháp, tại bang Wisconsin, các quy định bầu cử cho phép chấp nhận yêu cầu tái kiểm phiếu của ứng cử viên, bị dẫn trước dưới 1% phiếu bầu (chính quyền bang sẽ bồi hoàn chi phí của việc tái kiểm phiếu, nếu khoảng cách này là dưới 0,25%). 

 

Yêu cầu đình chỉ kiểm phiếu tại bang Michigan liên quan đến việc mà giám đốc chương trình tranh cử ông Trump, Bill Stepien, cho là nhóm của bên Cộng Hòa « không có điều kiện tiếp cận » để quan sát việc kiểm phiếu, theo luật của bang.  Ngoài hai vụ kiện nói trên, còn có khoảng 300 đơn kiện khác, của cả hai phe, tại hàng chục bang, đặc biệt liên quan đến việc thay đổi luật bầu cử địa phương, do bối cảnh đại dịch. 

 

Riêng tại bang Pennsylvania, việc ứng cử viên Donald Trump đòi đình chỉ việc kiểm phiếu đến sau ngày 03/11 là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước. Trong suốt thời gian cuối kỳ tranh cử, ông Donald Trump đã liên tục thể hiện quan điểm nghi ngờ phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, mà theo ông, có thể bị gian lận quy mô lớn, có lợi cho phe Dân Chủ. Giờ đây ông Trump tiếp tục dọa sẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện. 

 

Trên thực tế, chính quyền bang Pennsylvania đã ra quyết định cho phép tiếp nhận phiếu bầu, đóng dấu bưu điện muộn nhất vào ngày 03/11, và có thể đến trễ ba ngày, so với ngày bỏ phiếu chính thức, do dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh khiến rất nhiều cử tri chọn bỏ phiếu qua bưu điện. Pennsylvania không phải là bang duy nhất chấp nhận phiếu đến trễ. Bang Bắc Carolina cho hạn 6 ngày. Hồi tuần trước, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết cho rằng việc bang Pennsylvania cho phép kiểm phiếu đến sau ngày bầu cử là « hợp pháp ». 

 

Báo Le Monde dẫn lời chưởng lý bang Pennsylvania, ông Josh Shapiro, khẳng định khiếu nại của nhóm tranh cử của ứng viên Donald Trump là « mang tính chính trị hơn là pháp lý », và tiến trình kiểm phiếu tại bang diễn ra minh bạch, với sự chứng kiến của nhiều quan sát viên. Không hề có quan hệ nào giữa gian lận và bỏ phiếu tại bang này. 

 

Pennsylvania có đến 3,1 triệu phiếu bầu qua bưu điện, nên thời gian kiểm phiếu sẽ kéo dài. Việc tất cả các phiếu này chỉ được chính thức kiểm từ ngày 03/11, khiến có nhiều biến động lớn trong quá trình kiểm phiếu trong ngày 04/11. Thoạt tiên số phiếu đã kiểm cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump cao, sau đó khoảng cách giữa hai ứng cử viên giảm mạnh, sau khi nhiều phiếu tới qua đường Bưu điện đến lượt kiểm. Theo Francetvinfo, thì sự biến động nói trên là chuyện bình thường, do việc cử tri bỏ phiếu bằng đường Bưu điện đại đa số ủng hộ bên Dân Chủ. 

 

4 - Tình hình kiện tụng sẽ đi đến đâu? Tối Cao Pháp Viện có vào cuộc hay không ? 

Khả năng Tối Cao Pháp Viện vào cuộc là khá cao. Theo nhà bình luận Neil Cavuto, trên đài Mỹ Fox News, được Les Echos dẫn lại, quy mô cuộc chiến pháp lý của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 này lớn hơn nhiều so với cuộc chiến pháp lý hồi 2000, giữa ứng cử viên Dân Chủ Al Gore với ứng viên Cộng Hòa George W. Bush. Ngoài việc tại nhiều bang, nơi khoảng cách khá sít sao, như Michigan, Nevada, Wisconsin hay Georgia, đã hoặc có thể được hai phe Cộng Hòa hoặc Dân Chủ yêu cầu tái kiểm, tâm điểm chú ý tập trung vào bang Pennsylvania, bang chiến trường mà kết quả chưa ngã ngũ, có số phiếu đại cử tri cao nhất (20 phiếu).

 

Một số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện cho biết có thể sẽ xem xét lại vấn đề tại Pennsylvania, nếu xuất hiện một số yếu tố mới.

 

Theo một số nhà quan sát, phe Cộng Hòa muốn tái diễn lại kịch bản năm 2000, khi Tối Cao Pháp Viện can thiệp, bằng quyết định ngưng kiểm phiếu. Ứng cử viên George W. Bush được chấp nhận chiến thắng với khoảng cách chỉ 527 phiếu bầu so với đối thủ Al Gore.  

 

5 - Có nhiều khả năng Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết có lợi cho ứng cử viên Donald Trump hay không ? « Kịch bản năm 2000 » có tái diễn ? 

Trong bài trả lời phỏng vấn Libération, ngày 04/11, giáo sư luật Idris Fassassi, Đại học Amiens, một chuyên gia về Hoa Kỳ, cho biết can thiệp của Tối Cao Pháp Viện như vào năm 2000 là điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, bởi mỗi bang có luật bầu cử khác nhau. Can thiệp của Tối Cao Pháp Viện hồi đó, với 5 thuận 4 chống, sau đó đã bị chỉ trích. 

 

Lần này, Tối Cao Pháp Viện đã chấp thuận quan điểm của chính quyền bang Pennsylvania. Giới luật gia nhìn chung nghi ngờ về khả năng Tối Cao Pháp Viện có thể thụ lý một vụ kiện như vậy. Theo luật gia Idris Fassassi, tuy Tối Cao Pháp Viện hiện nghiêng hẳn về « phe bảo thủ », với tương quan 6 / 3, thế nhưng, các thẩm phán vốn theo quan điểm bảo thủ vẫn cố gắng giữ lập trường trung lập về chính trị, không thiên vị để bảo đảm tính độc lập của tư pháp, bảo đảm uy tín cá nhân.  

 

Tuy nhiên, với những gì đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, kịch bản này không phải là không thể. Ông Trump cũng có thể đặt nhiều kỳ vọng vào thẩm phán mới, bà Amy Coney Barette, vừa được bổ nhiệm, do đích thân tổng thống mãn nhiệm Donald Trump hậu thuẫn. Luật gia Idris Fassassi nhấn mạnh là cần cảnh giác với kịch bản này. Nếu Tối Cao Pháp Viện lần này đưa ra một quyết định bất công, phản ứng trong xã hội Mỹ sẽ rất dữ dội, khác hẳn năm 2000. Theo Idris Fassassi, người đứng đầu Tối Cao Pháp Viện, có lập trường bảo thủ, đã hiểu rõ điều này, nên đã có một « lập trường mang tính thỏa hiệp », khi chấp thuận việc bang Pennsylvania cho phép nhận phiếu bầu trễ. Một số quan sát dự đoán, nếu ông Trump đưa vụ việc lên Tối Cao Pháp Viện, thì kết quả bầu cử chính thức sẽ chỉ có được trong nhiều tuần nữa. Luật gia Idris Fassassi cũng lo ngại Tối Cao Pháp Viện có thể từ bỏ lập trường độc lập, dưới áp lực của phe Cộng Hòa.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats