Hậu
trường cỗ máy truyền thông hái ra tiền của Obama
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 23/11/2020
- 18:10
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201123.....obama
Khi mới bước vào Nhà Trắng, gia tài của hai vợ chồng
ông Barack Obama được khai là 1,3 triệu đô la ; đến năm 2018 đã lên 40 triệu
và sắp tới sẽ là 242 triệu đô la - theo trường đại học Washington. Một chuyên
gia khẳng định : « Vì xã hội Mỹ chia rẽ nặng nề, thương hiệu Obama sẽ
còn được ưa chuộng ». Ngược lại, tài sản của tỉ phú địa ốc Donald Trump lại
« bốc hơi » mất 1 tỉ đô la khi làm tổng thống.
https://s.rfi.fr/media/display/41927dcc-2d9f-11eb-b8d2-005056bff430/w:980/p:16x9/obama_sach_1.webp
Hồi ký « A promised
Land » (Một vùng đất hứa) của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama được trưng bày tại
một hiệu sách ở New York ngày 18/11/2020. AP - Mark Lennihan
Tựa chính các báo Paris
hôm nay đều dành cho thời sự nước Pháp, chủ yếu về đại dịch. La
Croix chạy tựa « Làm thế nào dỡ bỏ phong tỏa thành
công », Les Echos giải thích « Vì sao vẫn tiếp tục
làm việc từ xa », còn Le Figaro cho biết « Nước Pháp
chuẩn bị tiếp nhận vaccin Covid như thế nào ». Libération nói về
phiên tòa xử ông Nicolas Sarkozy vì cáo buộc tham nhũng và hối mại quyền thế,
khai mạc hôm nay. Đây là lần đầu tiên một cựu tổng thống Pháp phải ra
tòa. Le Monde dành trang nhất cho nhà sử học Daniel Cordier,
kháng chiến quân thời Đệ nhị Thế chiến, vừa qua đời ở tuổi 100.
« Thương hiệu
nhượng quyền » Obama
Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Figaro có bài viết về bộ máy truyền
thông của hai vợ chồng Barack Obama, có thể giúp tài sản của cựu tổng thống
tăng vọt lên 240 triệu đô la.
Được lăng-xê vào ngày
17/11 vừa qua tại 23 nước cùng một lúc theo kiểu các bộ phim bom tấn Hollywood,
tập 1 hồi ký của tổng thống thứ 44 Hoa Kỳ đã là một hiện tượng. Bản in tại Pháp
dày 850 trang, còn tại Mỹ và Canada đã bán được 890.000 bản ngay hôm ra mắt.
Trước đây cuốn « Becoming » của cựu đệ nhất phu nhân
xuất bản năm 2018 « chỉ » bán được 724.000 bản trong ngày đầu tiên,
nhưng số bán tổng cộng đã lên đến 14 triệu cuốn.
Michelle và Barack đã trở thành một
thương hiệu với vô số sản phẩm phái sinh, mang lại lợi nhuận rất lớn. Gần 65 triệu đô la qua hợp
đồng với nhà xuất bản khổng lồ Penguin Random House, trên 50 triệu đô nhờ
thương lượng với Netflix, cộng thêm tấm chi phiếu từ Spotify ước tính khoảng 20
triệu đô la để đổi lấy các postcast độc quyền…Và danh sách này còn lâu mới chấm
dứt. Cần phải thêm vào 1001 món gia vị, từ các cuộc nói chuyện giá 400.000 đô
la một buổi – tương đương một năm lương tổng thống Mỹ - cho đến những chiếc
tách in các câu phát biểu mang tính sáng tạo, giá đến 20 đô.
VIDEO :
Hậu trường cỗ
máy truyền thông hái ra tiền của Obama
https://www.youtube.com/watch?v=9XZye89YihI&feature=emb_logo
Thăng tiến nhờ kỹ
thuật số và được coi như thần tượng
Cặp vợ chồng quyền lực xuất hiện trên rất nhiều nền tảng khác nhau. Sau hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, Obama đã xây dựng
nên đế chế truyền thông của riêng mình. Thật ra tại Hoa Kỳ, việc một cựu tổng
thống ra sách hay lập một quỹ riêng đã trở thành truyền thống. Bush, Clinton…đều
đã thực hiện. Nhưng theo Louis Morales-Chanard, giám đốc chiến lược của Dentsu,
Obama là người đầu tiên tiến xa như thế. « Đó
là cặp vợ chồng tổng thống đầu tiên của kỷ nguyên truyền thông xã hội. Sự thăng
tiến của họ trùng hợp với sự bành trướng ra quốc tế của Facebook, Twitter,
YouTube, và họ đã biết khai thác rất sớm ».
Nếu sức mạnh « nhượng
quyền », tên tuổi toàn cầu của Obama nhờ vào các nền tảng kỹ thuật
số rất nhiều, thì sự thu hút của ông còn có các nguyên nhân khác. « Ngay
từ khi mới bước vào Nhà Trắng, Barack Obama đã được coi như thần tượng thay vì
chính khách. Là tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, nên Obama trở thành biểu tượng » -
Jean-Emmanuel Cortade de la Saussay, nhà sáng lập Story Mind, tổ chức nghiên cứu
về thương hiệu và truyền thông nhận xét. Bằng chứng là vừa mới nhậm chức,
Obama đã được tặng ngay…giải Nobel hòa bình !
Một yếu tố khác : được
cho là đại diện cho thiểu số, sự khoan hòa…cặp Obama nhanh chóng được xếp về
phía thiện lương. Để cố định ý tưởng này, Barack Obama luôn cẩn thận duy trì hình
ảnh một tổng thống dễ mến. Những giọt nước mắt của ông khi nghe nữ ca sĩ da đen
Aretha Franklin hát, chiếc áo sơ mi xắn tay vẻ bình dân…không có gì là tình cờ,
nhất là trên mạng xã hội. Với
126 triệu người theo dõi trên Twitter và 34 triệu trên Instagram,
Obama tự giới thiệu theo thứ tự là « một người cha, người chồng, tổng thống,
công dân ».
Một đòn bẩy nữa là tâm lý hoài cổ. Chuyên gia Saussay phân tích : « Trong
khi các tiêu chí và giá trị bị nhạt nhòa, xã hội bị phân cực, Obama là hiện
thân cho sự an toàn của thế giới cũ. Với quan điểm này, Donald Trump là nhiên
liệu tuyệt vời cho cỗ máy Obama ».
Làm tổng thống :
Obama giàu lên gần 200 lần, Trump mất 1 tỉ đô
Phải nói rằng hệ thống Obama hoạt động rất tốt. Liên kết với những tên
tuổi số một thế giới về xuất bản như Penguin, về video như Netflix,
dịch vụ âm nhạc kỹ thuật số như Spotify, đó là bảo đảm cho việc bước vào
những diễn đàn có thể đưa tiếng nói của mình đi xa một cách mạnh mẽ. Cặp Obama tăng cường ảnh hưởng cùng lúc với
việc kiếm tiền. Các đối tác quảng bá cho họ và là công cụ để thu hút khán giả.
Tất cả các bên cùng có lợi.
Có người cho rằng cung
cách hoạt động như trên chỉ đơn thuần với mục đích kinh doanh, được tổ chức hết
sức khôn khéo ; người khác coi rằng không chỉ tiền bạc mà là « tiếp tục làm chính trị bằng các phương tiện khác ».
Cho đến nay,
cặp Obama tỏ ra hoàn hảo, đụng vào bất cứ thứ gì cũng có thể biến thành vàng. Khi mới bước vào
Nhà Trắng, tài sản của hai vợ chồng được khai là 1,3 triệu đô la ; đến năm
2018 đã lên 40 triệu và sắp tới sẽ là 242 triệu đô la, theo trường đại học
Washington. Chuyên gia Saussay khẳng định : « Vì xã hội Mỹ
chia rẽ nặng nề, thương hiệu Obama sẽ còn được ưa chuộng ».
Sắp tới Obama có thể đối
mặt với đương kim tổng thống Donald Trump, được cho là có ý định lập ra tập
đoàn truyền thông riêng. Như vậy phe nào cũng có thần tượng riêng của mình. Nghịch
lý là mối đe dọa thực sự đến từ phe Dân Chủ, theo ông Saussay : « Bà Kamala Harris là
Obama bis, sẽ là người cạnh tranh rất đáng ngại đối với kỹ nghệ Obama ». Trong
khi chờ đợi, doanh nghiệp của Barack và Michelle hoạt động hết cỡ, còn tỉ phú
Donald Trump, theo Forbes năm 2019, gia tài đã bị sụt mất 1 tỉ đô la khi làm tổng
thống.
Tranh cử từ xa kiểu
Biden có thể tiếp tục sau đại dịch ?
Về phần cựu phó tướng của
Obama, được truyền thông cho là tổng thống tân cử, Le Figaro đặt
câu hỏi « Chiến dịch tranh cử vô hình của Joe Biden có thể trở
thành hình mẫu hay không ? »
Có một điều mà người ủng
hộ của Biden lẫn Trump đều đồng ý : cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã bị đại
dịch làm đảo lộn ở tất cả các cấp độ. Ứng cử viên của đảng Dân Chủ từ tháng Ba
đã tổ chức rất ít các cuộc mít-tinh, tránh tiếp xúc với người ủng hộ, và đội
ngũ của ông hầu hết hoạt động trên mạng. Sonia Dridi, tác giả một cuốn tiểu sử
về Joe Biden cho biết, quyết định này do những người thân cận nhất của ông đưa
ra gồm bà vợ Jill, cô em gái Valerie và hai cộng sự Ted Kaufman, Tony Blinken.
Phe Biden đưa lên
internet những cuộc mít-tinh, vận động, quyên góp… « Digital
organizing team » (ban tổ chức kỹ thuật số) không ngừng mở rộng, với 60
người ở trung ương, 100 ở các bang tranh chấp, 200.000 tình nguyện viên. Do phải
ở nhà vì đại dịch, những người tình nguyện có nhiều thì giờ hơn cho chiến dịch,
đạt kỷ lục tiếp xúc 700 triệu lần so với 25 triệu hồi năm 2012.
Một số tiền khổng lồ 770
triệu đô la được đổ vào để quảng cáo trên internet. Chỉ riêng trong tháng Chín,
Biden chi đến 330.000 đô la cho một công ty livestream và 535.000 đô la cho một
công ty sản xuất nội dung trên mạng. Tuy đây là chiến dịch tranh cử đắt đỏ chưa
từng thấy, nhưng phe Dân Chủ tiết kiệm được chi phí đi lại, quyên được tiền từ
nhiều người hơn trên cả nước.
Liệu mô hình này có áp được
dụng cho tương lai ? Một chuyên gia cho rằng không có gì thay thể được sự
tiếp xúc trực tiếp giữa nhân vật mong muốn trở thành nguyên thủ tương lai với
dân chúng. Tuy nhiên ảnh hưởng sẽ còn lâu dài : Biden giờ đây đối thoại
liên tục với các cố vấn ở rải rác khắp nơi thông qua ứng dụng Zoom.
Vaccin ARN thông
tin chống virus corona : Sự đột phá ngoạn mục
Trên lãnh vực y tế, Les
Echos ca ngợi « Sự đột phá khó tin của các vaccin
ARN thông tin » và cho biết « Paris cùng với
Bruxelles đã thương lượng mua vaccin chống Covid như thế nào ». La
Croix đặt câu hỏi « Xét nghiệm, cảnh báo, bảo vệ, chúng
ta có thể đi đến đâu ? », còn Le Figaro nói
về sự chuẩn bị của Pháp trong việc tổ chức nhận các lô vaccin và chiến dịch
tiêm chủng.
Phải chăng các vaccin acid nucleic (ADN và ARN thông tin) là những
vaccin của tương lai ? Tuy hãy còn quá sớm để khẳng định, nhưng kết quả
ngoạn mục của BioNTech và Moderna với hai vaccin dựa trên ARN
thông tin, đã chứng tỏ thành công từ sự huy động tổng lực toàn cầu, mà đại dịch
xuất phát từ Vũ Hán là chất xúc tác.
Hồi thập niên 50, phải mất
đến 9 năm để chế tạo và được cấp phép vaccin chống bệnh sởi. Thập niên vừa rồi,
thời hạn trung bình để 21 vaccin được FDA cấp phép lưu hành là 8 năm, còn giờ
đây hai phòng thí nghiệm trên đã hoàn thành quy trình trong vòng chưa đầy 1
năm. Đáng chú ý nhất là trong ba thập niên qua, vaccin ARN thông tin chưa bao
giờ được thử nghiệm trên người và loài vật. Vaccin từ ADN thì đã được dùng trên
cá hồi, gà, chó và ngựa.
Ngược với các loại vaccin
hiện nay, các vaccin acid nucleic không hề chứa độc tố virus (đã được làm yếu
đi, làm vô hiệu hóa hay phối hợp), mà là các chỉ định di truyền cho tế bào tự sản
xuất ra kháng thể, các chỉ định này được « viết » ra dưới dạng ADN
hay ARN thông tin.
No comments:
Post a Comment