Friday, 27 November 2020

DOANH NGHIỆP TRỞ MẶT VỚI TRUMP (Lê Mạnh Hùng)

 


Doanh nghiệp Mỹ trở mặt với Trump

Lê Mạnh Hùng

Nov 25, 2020

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/doanh-nghiep-my-tro-mat-voi-trump/

 

Quan ngại rằng việc Tổng Thống Donald Trump từ chối không chịu chấp nhận kết quả bầu cử sẽ làm hại đến đất nước, trên 160 vị tổng quản trị (CEO) đã gởi một bức thư đến ông Trump hôm Thứ Hai, 23 Tháng Mười Một, đòi phải lập tức công nhận ông Joe Biden là người thắng trong cuộc bầu cử và bắt đầu việc chuyển nhượng quyền lực sang một chính quyền mới.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/11/A1-Doanh-nghiep-My-tro-mat-Trump-1536x1078.jpg

Biểu tình bên ngoài Tòa Thị Chính Los Angeles, California, hôm 22 Tháng Mười, 2020, kêu gọi cử tri đừng bỏ phiếu cho Proposition 22, để các công ty phải trả phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một vừa qua, cử tri California đã thông qua Prop 22, theo đó, người lái Uber, Lyft tiếp tục “làm việc tự do,” và do đó không được hưởng quyền lợi hay các bảo vệ về việc làm. (Hình: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

 

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này tìm cách dùng ảnh hưởng của họ để bảo đảm một sự chuyển nhượng quyền lực hòa bình vốn là một đặc trưng của hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Tuy rằng họ không đồng ý với nhau về những quan điểm chính trị, nhưng hầu hết đều muốn chấm dứt những lộn xộn sau bầu cử.

 

Có sức mạnh của túi tiền, để tìm cách tăng áp lực với đảng Cộng Hòa, một số những vị doanh nhân này đã thảo luận đến việc ngưng không tài trợ cho chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên Thượng Viện của đảng Cộng Hòa tại tiểu bang Georgia trừ khi các lãnh tụ đảng đồng ý áp lực Tổng Thống Trump phải chấp nhận chuyển quyền. Hai cuộc bầu cử bổ túc tại Georgia vốn sẽ xảy ra vào Tháng Giêng năm tới để quyết dịnh cán cân quyền lực tại Thương Viện Liên Bang.

 

Khi đọc tin này trên tờ New York Times tôi bỗng có nhiều cảm giác mâu thuẫn. Một mặt tôi cảm thấy mừng rằng những vị lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ biết đến sự quan trọng của chế độ dân chủ khai phóng tại Mỹ và biết cách bảo vệ nó. Mặt khác, tôi không khỏi có cảm giác rằng một số những quan ngại của các doanh nghiệp là “quá ít, quá muộn.” Hầu hết các tổ chức doanh nghiệp đều đã hăng say ủng hộ chính quyền Trump khi chính quyền này chuẩn bị thông qua một đạo luật có thể nói cắt giảm thuế doanh nghiệp lớn nhất kể từ đầu thế kỷ thứ 21 này.

 

Tôi cũng quan ngại rằng, ngay cả nếu nhiều người vui mừng rằng giới thượng lưu trong doanh nghiệp nay coi việc phá hoại tiến trình bầu cử là môt nguy cơ cho nước Mỹ và tìm cách bảo đảm làm sao có một sự chuyển nhượng quyền lực yên ổn và hòa bình, nhưng con số gần 72 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho ông Trump thì sao? Một số trong bọn họ có thể không đồng ý.

 

Tôi có cảm giác rằng khi những người này đọc trên báo thấy một nhóm CEO các công ty đa quốc, thảy sức mạnh tiền bạc của họ vào chính trị thì họ, vốn đã bị những lý thuyết về âm mưu nhồi sọ, sẽ lập tức nghĩ: “Đúng rồi! Quả có một tổ chức của những kẻ giàu có và nhiều quyền lực cai trị đất nước này đằng sau những người khác. Họ mới là những kẻ có ảnh hưởng và là những kẻ phá hoại dân chủ.”

 

Và quả thật, đáng buồn là những suy nghĩ như vậy không phải là hoàn toàn sai. Ai theo dõi chính trị Mỹ cũng đều biết rằng hệ thống chính trị này được làm để ưu đãi những kẻ giàu và có quyền lực. Tuần trước, một tài liệu nghiên cứu vừa được Viện Tư Tưởng Kinh Tế Mới (Institute for New Economic Thinking) công bố đã định lượng hóa vấn đề này. Dựa trên những dữ liệu thu thập trong các kỳ bầu cử đến năm 2014, tài liệu này chứng minh rằng khi dư luận trong nhóm 10% người giàu nhất nước Mỹ thay đổi, thì thay đổi trong chính sách của chính phủ sang chiều hướng mới có nhiều triển vọng xảy ra.

 

Các tác giả tài liệu nghiên cứu  này, Shawn McGuire và Charles Delahunt, cho thấy rằng ý kiến của những ai bên ngoài con số 19% giàu nhất hầu như không có ảnh hưởng gì đến các chính sách của chính phủ. Các con số cho thấy: “Không những người dân thường không có một ảnh hưởng đặc biệt nào đối với các quyết định về chính sách mà thật sự họ không có một ảnh hưởng nào đối với các chính sách cả.”

 

Đó chính là lý do mà cuối cùng chúng ta có việc ông Trump lên làm tổng thống. Ông Trump không phải là nguyên nhân nhưng là biểu tượng của một tình trạng vốn đã quay sang tập trung quá lớn quyền lực vào tay các doanh nghiệp và những nhà giàu dẫn đến hủ hóa cả trong chính trị và trong doanh nghiệp.

 

Chúng ta đã có nhiều thập niên trong đó Quốc Hội và chính phủ sửa đổi mọi thứ từ chính sách thuế cho đến tiêu chuẩn quản lý và tiêu chuẩn kế toán để làm lợi cho tư bản chống lại lao động. Các phán quyết của Tối Cao Pháp Viện tỉ như vụ kiện Citizens United cũng mở đường cho việc tăng vọt số tiền đổ vào các cuộc vận động tranh cử làm tăng ảnh hưởng của những nhà giàu. Hậu quả là hệ thống kinh tế chính trị của Mỹ càng ngày càng giống một hệ thống thiểu số độc quyền (oligopoly).

 

Gần đây nhất, ta chỉ cần nhìn vào cung cách mà Uber, Instacart, Lyft và những công ty kỹ thuật số thành công trong việc hủy bỏ một đạo luật lao động tại California. Các công ty này bỏ ra $200 triệu để đẩy cho dân chúng bỏ phiếu cho Proposition 22, một sáng kiến dân ý trong đó giúp các công ty không phải trả phúc lợi cho các công nhân phù động. Các công ty này chắc hẳn sau đó sẽ mang các cố gắng này của họ sang các tiểu bang khác.

 

Như nhận xét rất đúng của Karl Marx, chỉ khi bị đe dọa từ quần chúng, những kẻ làm chủ các phương tiện sản xuất mới nhận thấy quyền lợi chung. Doanh nghiệp Mỹ đã có được những gì họ muốn từ ông Trump, tức là cắt giảm thuế và giảm nhẹ quản lý của nhà nước. Nay thì họ biết rằng chẳng có thể có gì thêm từ ông Trump cả, thành ra họ muốn ông đi đi và đừng có làm gì phiền thêm họ nữa.

 

Họ cũng muốn ông Joe Biden mau chóng nhậm chức và bình thường hóa mậu dịch, ngoại vụ cũng như giải quyết dịch bệnh COVID-19. Việc giải quyết bất tài dịch bệnh của ông Trump khiến cho nó đang hoành hành mạnh hơn lúc đầu tại Mỹ đã là một tai họa cho kinh tế Mỹ. Doanh nghiệp hy vọng rằng ông Biden có thể kiểm soát đuợc tình thế dù rằng nếu có bị ông Biden tăng thuế trở lại.

 

Ông Trump dần dà rồi cũng phải ra đi, nhưng những bất mãn khiến cho người ta bỏ phiếu cho ông Trump cũng vẫn sẽ còn lại. Giới lãnh đạo doanh nghiệp đã đúng khi kêu gọi ông Trump hãy tôn trọng kết quả bầu cử. Nhưng họ không nên dừng tại đây.

 

Tôi mong muốn thấy các doanh nghiệp hợp tác với chính quyền Biden để tìm ra môt cách nào cho dân Mỹ một hệ thống bảo hiểm y tế phổ quát giống như dân hầu hết các nước Châu Âu được hưởng. Điều đó không những có lợi cho những công nhân phù động (gig worker) mà cả cho các doanh nghiệp nhỏ phải chịu gánh nặng bảo hiểm y tế quá lớn. Nếu các doanh nghiệp sử dụng sức mạnh của họ bằng những cách như vậy, ta sẽ không có bao nhiêu lo ngại một hiện tượng Trump mới nữa. [qd]

 

--------------------

Xem Thêm

 

Nước Mỹ và bóng ma ‘chủ nghĩa xã hội’

Nov 24, 2020

 

RCEP và thách thức của ông Joe Biden

Nov 17, 2020

 

Trump thua nhưng chủ nghĩa Trump vẫn còn sống mạnh

Nov 11, 2020

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats