Jackhammer
Nguyễn
19/11/2020
https://baotiengdan.com/2020/11/19/co-nen-qua-lo-lang-ve-rcep/
Ngày 15/11/2020, Hiệp định
Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership,
viết tắt RCEP) được ký kết, tạo nên một khối kinh tế thương mại lên đến 2,2 tỷ
người, bao gồm toàn bộ Đông Á và Đông Nam Á, cộng thêm Úc, Tân Tây Lan.
Một làn sóng lo ngại rất
rõ ràng dâng lên trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, mặc cho những
bài báo của báo chí nhà nước nói về những cơ hội lớn lao cho Việt Nam. Nguyên
do là vì, Trung Quốc là hạt nhân của khối này, là nước đề ra sáng kiến này, được
cho là để tăng cường sự bá chủ của mình trong khu vực và trên thế giới.
Trong nước có bà Phạm
Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, nói với BBC Việt ngữ rằng, bà lo lắng
nhiều hơn là mừng vì chuyện nhập cảng từ Trung Quốc vẫn là mối lo
cho Việt Nam từ trước đến nay, bây giờ với sự tháo bỏ thuế quan trong RCEP, thì
hàng hóa Trung Quốc lại càng có cơ lấn lướt.
Nếu nỗi lo lắng của bà Phạm
Chi Lan khá đơn thuần về kinh tế, thì mối lo của nhà văn Phạm Đình Trọng
mang tính chính trị xã hội hơn khi ông so sánh RCEP và TPP của Tổng thống Obama
trước đây như Đệ Tam và Đệ Nhị Quốc Tế, sau khi những học thuyết
kinh tế chính trị xã hội chủ nghĩa ra đời.
Trước đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP – Trans-Pacifc
Partnership), gồm 12 quốc gia, loại trừ Trung Quốc, được Tổng thống Obama
đưa ra để bao vây, không cho Trung Quốc ấn định luật chơi của họ tại nơi trọng
yếu này của thế giới. Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi TPP ngay sau khi
ông ta nhậm chức.
Quốc tế thứ 3 mà nhà văn
Phạm Đình Trọng đề cập chính là khối cộng sản, bao gồm Liên Xô và 12 quốc gia
khác theo học thuyết cộng sản nay đã tan rã. Quốc tế thứ 2 để lại nhiều dấu ấn
trong các đảng phái chính trị của xã hội dân chủ Tây Âu hiện nay. Nhà văn Phạm
Đình Trọng lo ngại, RCEP như là một kiểu thống trị đế quốc cộng sản như khối
Liên Xô cũ.
Ở hải ngoại, nhà báo
Tường An, từ Pháp, có bài viết chỉ trích những hành động rút khỏi TPP của
Donald Trump làm cho Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng mạnh của họ tại Á châu.
Là người ủng hộ TPP, tôi chia sẻ cả ba lo ngại của
các vị nêu trên, cả về kinh tế, lẫn chính trị, xã hội. Nhưng nhìn từ một góc
nhìn lạc quan, tôi tự hỏi là, liệu chúng ta có cần lo lắng đến thế hay không?
Gần như đồng thời với việc
ký kết RCEP, hai nước Úc và Nhật Bản, cũng là thành viên của RCEP, công bố họ sẽ
ký kết một hiệp ước về quốc phòng trong năm sau. Đây là một bước ngoặc lớn của
Nhật Bản trong việc thúc đẩy vai trò tích cực hơn cho quân đội mình, nhằm chống
lại ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuyên bố này lập tức được Bắc Kinh đáp trả bằng một
sự giận dữ, qua bài viết đăng trên báo ABC của Úc: Trung Quốc cảnh báo Úc và Nhật về hiệp ước quốc phòng mới, cam
kết các biện pháp đối phó.
Hai quốc gia này là hai
quốc gia có nền dân chủ phát triển nhất trong khối RCEP, chia sẻ nhiều giá trị
về dân chủ, nhân quyền với Hoa Kỳ và Tây Âu.
Liệu sự khác biệt, đồng
sàng dị mộng này của Nhật-Úc (và có thể cả Hàn Quốc, Tân Tây Lan) với Bắc Kinh
sẽ làm cho RCEP xuôi chèo mát máy?
Những căng thẳng địa
chính trị Nhật – Trung dù đang lắng dịu, nhưng chưa được giải quyết. Chiến
tranh thương mại, chính trị giữa Úc và Bắc Kinh chưa thấy triển vọng xuống
thang.
Một viên chức Việt Nam
nói với tôi: RCEP cũng bình thường thôi, những quốc gia khác làm thì mình cũng
làm thôi.
Câu bình luận này thoạt
nghe có vẻ yếm thế cho Việt Nam, nhưng theo tôi đó là một thực tế. Có hay không
có RCEP thì Việt Nam luôn bị sự đe dọa thường trực từ Bắc Kinh, cả kinh tế, lẫn
quân sự, chính trị.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
lên Việt Nam rất lớn, nhưng ảnh hưởng đó lên Thái Lan, Philippines và cả
Singapore, đồng minh thân thiết của Mỹ ở Á châu, cũng không phải là nhỏ.
Và RCEP đâu có cấm các mối
quan hệ khác của Việt Nam với những khối khác, những nước khác!
Bên cạnh RCEP, khối TPP
không có Mỹ đã được hình thành, một tương lai của sự trở lại của Hoa Kỳ là có
thật, mặc dù trong ngắn hạn, chính quyền Biden có lẽ không có thời giờ để xem
xét, hơn nữa cuộc khủng hoảng xã hội Mỹ xoay quanh nhóm công nhân công nghiệp nặng
vẫn còn chưa có hướng giải quyết thích hợp với chính sách quốc tế của chính quyền
mới.
Tóm lại, mặc dù RCEP là sự thất bại của Mỹ ở châu Á, nhưng không phải tận
cùng không lối thoát. Chúng ta hãy nhìn những
bản tin quốc tế đưa về RCEP, trong đó luôn tách Việt Nam ra mặc dù đã đề cập đến
ASEAN như là một thành viên lớn trong đó có Việt Nam. Lý do ở đây tôi cho là,
Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng với gần 100 triệu dân, vị trí địa lý,
cùng tiềm lực kinh tế quốc phòng của nó. Một nhà phân tích người Úc là ông Kyle
Springer nhận xét rằng, Việt Nam đang trở thành một sức mạnh trong khu vực Ấn Độ – Thái
Bình Dương.
Nếu các nhà lãnh đạo Việt
Nam biết sử dụng sức mạnh đó để thương lượng với các cường quốc, thì RCEP không
thành vấn đề gì. Nếu không, thì chớ có kỳ vọng gì ở Mỹ, bởi có chục ông Biden
hay ông Trump cũng không làm gì được.
Vấn đề quan trọng nhất là
bên trong Việt Nam phải kiến tạo một xã hội dân chủ và đa nguyên, cùng chia sẻ
các giá trị với các nền dân chủ phương Tây, Nhật Bản,… Nếu không làm việc đó
thì dù có TPP hay bất cứ định chế lý tưởng nào khác, cũng không làm Việt Nam
tách rời khỏi cái bóng đe dọa của Bắc Kinh được.
No comments:
Post a Comment