Saturday 14 November 2020

CHUYỆN TRUMP ĐÁNH SẬP TRUNG QUỐC (Teresa Trần Kiều Ngọc)

 


CHUYỆN TRUMP ĐÁNH SẬP TRUNG QUỐC  

Teresa Trần Kiều Ngọc

12/11/2020  lúc 15:25  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1007241329701387&id=100012465871163

 

Chuyện Trump đánh sập Trung Quốc

 

(Nhiều anh chị em ủng hộ ông Donald Trump yêu cầu Kiều Ngọc trình bày quan điểm về phương diện ông chống Trung Quốc một cách hữu hiệu như thế nào. Nay Kiều Ngọc xin trả lời quan điểm của mình qua bài viết như sau.)

 

Những người Việt ủng hộ ông Donald Trump, phần lớn, vì tin rằng ông có biện pháp cứng rắn với Trung Quốc. Thậm chí có người còn ảo tưởng ông Trump sẽ đánh sập Trung Quốc nữa.

 

Quả thật là trong bốn năm qua, các chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc cứng rắn hơn so với 8 năm của ông Barack Obama.

 

Đảng Cộng hòa, dưới thời của Ronald Reagan, và George HW Bush, có những chính sách mạnh mẽ dứt khoát với chế độ cộng sản, đặc biệt là Liên Xô. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng, chính Henry Kissinger, là kiến trúc sư đằng sau chính sách ngăn chặn và cô lập Liên Xô bằng cách bắt tay với Trung Quốc, dọn đường cho Richard Nixon nối lại bang giao với Trung Quốc từ năm 1972 trở đi.

 

Kể từ đó, các tổng thống Mỹ và các chính sách đối ngoại của Mỹ tiếp tục đi theo con đường tiếp cận (engagement) với Trung Quốc. Mỹ đã yểm trợ và trang bị Trung Quốc để phát triển về khoa học kỹ thuật, kinh tế, và trở thành hiện đại hóa trong suốt thập niên 1970 và 1980. Mỹ hy vọng rằng, chính sách hiện đại hóa và giúp cho Trung Quốc hội nhập với thế giới sẽ làm cho Trung Quốc trở thành có trách nhiệm và ngày càng dân chủ hóa hơn.

 

Nhưng điều đó không xảy ra. Biến cố Thiên An Môn làm cho Tổng thống Bush (cha) bối rối, và giới ngoại giao và tình báo của Mỹ chưng hửng.

 

Tuy thế, từ thời Bill Clinton cho tới George W Bush (con), rồi đến Barack Obama, vẫn tiếp tục chính sách tiếp cận với Trung Quốc và hy vọng rằng, khi càng mở cửa và hội nhập, người dân và xã hội Trung Quốc sẽ thay đổi theo chiều hướng dân chủ hơn, nhân quyền được tôn trọng hơn.

 

Có nhiều sách nói về những điều nêu trên, nhưng Kiều Ngọc muốn giới thiệu cuốn “Cuộc Đua Marathon 100 Năm” do tiến sĩ Michael Pillsbury viết, và Phong Trào Việt Hưng của tiến sĩ Nguyễn Võ Long phát hành. Đây là tác phẩm mà mọi người nên tìm đọc để biết sự thâm độc của chính quyền/Đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ thời Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình hiện nay (xin xem link ở dưới).

https://www.voatiengviet.com/.../pillsbury.../5164625.html

 

Chắc các bạn cũng biết rằng, chính sách đối phó với hiểm họa của Trung Quốc hiện nay dưới thời của ông Trump có bàn tay của ông Pillsbury. Nói đúng hơn, ông Trump tin tưởng vào chuyên gia Pillsbury và được chính ông Pillsbury cố vấn.

 

Trong cuốn sách của Pillsbury, ông đưa ra 12 sách lược bao vây Trung Quốc để ngăn chặn sự bành trướng và mộng bá quyền của Trung Quốc vào dịp 2049, khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (xin xem link ở dưới).

https://www.voatiengviet.com/.../chien-luoc.../4617326.html

 

Trong bốn năm qua, ông Trump đã mở cuộc thương chiến với Trung Quốc nhưng kết quả, cho đến nay, vẫn còn gây nhiều tranh cãi về mức độ hiệu quả của nó.

 

Mỹ tiếp tục thách thức Trung Quốc bằng cách cho các chiến hạm của mình thường xuyên đi qua Biển Đông, nơi mà Trung Quốc khẳng định sự độc quyền của mình.

 

Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã đến Nhật vào đầu tháng 10 vừa qua và sau đó họp với Bộ trưởng nhóm Bộ tứ (QUAD) với mục đích, củng cố hợp tác chiến lược và cổ vũ cho một khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (xin xem link ở dưới).

https://www.voatiengviet.com/.../bo-tu-hop.../5610754.html

 

Ông Pompeo cũng đến Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua để vận động cho một tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoại-trưởng-mike-pompeo-thăm-việt-nam/5641330.html

 

Có thể nói, trong 12 sách lược của Pillsbury thì bước 6 (xây dựng liên minh Hoa Kỳ theo hàng dọc), bước 8 (cứng rắn với các hành xử cạnh tranh bài Hoa Kỳ), và các biện pháp quyết liệt khác như liệt kê các công ty Trung Quốc vào sổ đen (ZTE, Huawei v.v…) hay cấm buôn bán các kỹ nghệ cao cấp với Trung Quốc, đều có chữ ký của Pillsbury trong đó.

 

Vấn đề là:

 

1. Tại sao đến giờ này, gần cuối nhiệm kỳ của ông Trump, thì các nhà ngoại giao của Mỹ mới nỗ lực xây dựng thế liên minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương? Có phải quá trễ không? Trong khi những năm đầu, ông Trump lại tỏ vẻ coi thường đồng minh, lại rút ra Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương/TPP?

 

2. Ngay cả khi ông Trump có đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, sách lược tiến hành bao vây Trung Quốc, dù hiệu quả nhất, cũng không phải vì thế mà sẽ làm cho Trung Quốc sụp đổ. Nghĩ thế chỉ là ảo tưởng. Là coi thường sức mạnh của họ. Cần phải “biết người, biết ta”, để chiến đấu đường dài.

 

3. Mỹ và Trung Quốc sẽ có chiến tranh nóng hay lạnh với nhau? Điều này thì nhiều nhà phân tích cũng đã chia sẻ, kể cả cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd. Từ căng thẳng của chiến tranh lạnh 1.5, như hiện nay, leo thang thành chiến tranh nóng, là nguy cơ (xin xem link ở dưới). Cả hai nước đều không muốn như thế. Chiến tranh hạt nhân thì cả thế giới không muốn.

https://www.afr.com/.../us-china-tensions-could-lead-to-a...

 

Mỹ mất hơn bốn thập niên để chiến thắng Liên Xô, làm cho nó sụp đổ năm 1991. Trung Quốc ngày nay kinh tế mạnh hơn Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh. Theo viện nghiên cứu Lowy Institute thì Mỹ có chỉ số 81,6 điểm trên 100, và Trung Quốc 76,1. Nghĩa là Trung Quốc đang tiến gần bằng Mỹ. Tuy nhiên, thế liên minh của Mỹ với nhiều quốc gia hiện nay, cộng với khả năng quân sự vượt trội hẳn Trung Quốc, sẽ tạo ra một thế cân bằng quyền lực nghiêng hẳn về Mỹ và đồng minh (xin xem link ở dưới).

https://www.rand.org/paf/projects/us-china-scorecard.html

https://power.lowyinstitute.org

 

Điều đó có nghĩa là Mỹ cần nỗ lực xây dựng lại thế liên minh với các đồng minh càng chặt chẽ và càng sớm càng tốt để bao vây Trung Quốc.

 

Cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, người đã đề ra bao nhiêu chính sách thực tiễn để đối phó với sự can thiệp thô bạo của Trung Quốc tại Úc (kể cả các bộ luật liên quan đến an ninh quốc gia, tình báo, can thiệp từ nước ngoài v.v…), cho rằng ông Trump đã làm tồi tệ thêm sự chia rẽ của nước Mỹ, mà kẻ hưởng lợi nhiều nhất của một nước Mỹ chia rẽ không ai khác hơn là kẻ thù của Mỹ.

 

Nói tóm lại, sách lược bao vây và kiềm chế Trung Quốc cần nhiều thời gian, có khi vài thập niên. Hiện nay không một chuyên gia hàng đầu nào về Trung Quốc dám khẳng định chuyện gì cả. Giới tinh hoa của Mỹ, thuộc hai đảng, đều hiểu rõ rằng, phải ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc trước khi hiểm họa trở nên quá lớn và chiến tranh lúc đó không thể tránh được.

 

Muốn làm được chuyện này, nước Mỹ cần đoàn kết để tập trung vào sách lược của mình, và nỗ lực xây dựng thế liên minh với các quốc gia tại Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Còn chuyện ông Trump có thể đánh bại Trung Quốc với một nước Mỹ cực kỳ chia rẽ, và trong một hay hai nhiệm kỳ, thì là điều hoang tưởng.

 

Ngoài ra, người Việt trông vào sức mạnh của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc thì cũng chính đáng, nhưng nếu trông cậy vào nước khác để bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình cũng hoang tưởng không kém. Bao nhiêu bài học lịch sử chẳng lẽ chúng ta chưa thấm nhuần sao!

 

Teresa Trần Kiều Ngọc

https://www.facebook.com/photo?fbid=1007241283034725&set=a.101337746958421

Adelaide, 13/11/20

 

 

73 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats