Monday, 2 November 2020

CHUYỆN NGỤ NGÔN MỘT NGƯỜI MÙ (Ngô Nhân Dụng)

 


Chuyện ngụ ngôn một người mù

Ngô Nhân Dụng

02/11/2020

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-dai-loan-covid/5645001.html

 

Lâu lâu có lẽ chúng ta cũng nên nghe chuyện cổ tích. Hôm nay tôi xin phép kể một chuyện cổ tích Ấn Độ. Ấn Độ có lẽ là một lục địa nhiều chuyện cổ tích nhất thế giới.

 

Ngày xưa có nột người mù, mù bẩm sinh, từ lúc ra đời đã không trông thấy gì cả. Khi lớn lên, anh ta nghe người chung quanh nói lá cây mầu xanh, hoa mầu đỏ, mặt trăng khi tròn khi khuyết, anh ta không hiểu họ nói gì hết. Nghe nói mãi phát bực mình, anh kết luận: Toàn chuyện bịa đặt! (Fake News, nếu hồi đó những chữ này đã thông dụng).

 

Thế rồi có một ông thày thuốc giỏi chữa được đôi mắt cho anh ta. Mắt sáng rồi, anh sung sướng ngắm nhìn thế giới chung quanh. Cái này là cây xanh; chỗ kia là núi cao; vẫn nghe tiếng cóc kêu oang oang bây giờ mới biết con cóc nó nhỏ tí; đàn ông, đàn bà khác nhau, không phải chỉ khác trong tiếng nói mà còn ở hình vóc, dáng điệu nữa! Vân vân. Lúc nào mở được mắt là anh nhìn, anh đi tìm coi những thứ gì mình chưa thấy, chỗ nào cũng soi mói. Được giác ngộ nhờ đôi mắt nhìn rồi, anh chàng hãnh diện về mớ kiến thức mới của mình. Anh khoe với mọi người: Cả loài người không ai trông thấy nhiều như tôi! Thế giới này có cái gì tôi đã thấy hết!

 

Thương hại anh, có một vị đạo sĩ khuyên: Anh chưa thấy hết đâu. Còn rất nhiều thứ anh chưa bao giờ thấy!

 

Anh chàng nhất định cãi, không tin.

 

Xứ Ấn Độ, từ ngày xửa ngày xưa, vẫn có nhiều vị đạo sĩ, họ tu luyện kỳ công, sau bao nhiêu năm có thể làm cho tai, mắt họ bắt được những làn sóng âm thanh hay ánh sáng mà người bình thường không thể nào biết đến. Chuyện này cũng dễ tưởng tượng được. Như loài chó, loài dơi có thể nghe được những âm thanh mà tai con người không bắt được. Loài cú hay loài mèo có thể nhìn rõ trong ánh sáng rất yếu, mắt con người thì chịu chết, chỉ thấy tối om. Trong võng mạc của các sinh vật có những cái “que” để bắt được các hình dạng, và những cục hình con quay (hình côn ních) để nhận ra mầu sắc. Nếu những con quay mà yếu thì mắt sẽ khó phân biệt màu sắc, những cái que bị hư thì khó nhìn ra đường thẳng hay đường cong.

 

Nhưng ở xứ Ấn Độ ngày xưa có những đạo sĩ đã dày công tập luyện để có “thiên nhãn” hay “thiên nhĩ.” Họ nghe được, thấy được những thứ mà mình thường không ai biết đến. Ông đạo sĩ đã chỉ cho anh chàng các phương pháp tập luyện. Sau khi tập luyện thành công, anh mù đã sáng mắt thêm một lần nữa. Anh công nhận mình chưa nhìn thấy tất cả các thứ trong thế giới này.

 

Câu chuyện trên là một trong những “thí dụ” kể trong Kinh Pháp Hoa. Chúng ta sẽ không thấy thí dụ này trong bản kinh lưu truyền ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc. Bởi vì ở Á Đông lâu nay vẫn dùng bản dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của Cưu Ma La Thập (Kumàrajìva, 344-413), là bản hay nhất trong số 6 bản dịch Kinh Pháp Hoa qua chữ Hán. Ở Việt Nam hay dùng bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, từ năm 1949, và gần đây có bản dịch của Hòa thượng Trí Quang, đều dịch từ bản La Thập. Không hiểu sao, ngài La Thập bỏ sót nửa cuối chương thứ năm trong Kinh Pháp Hoa, không dịch. Nhưng trong một bản kinh chữ Sanskrit thì thấy có kể chuyện này.

 

Đầu thế kỷ 19, có một người Anh làm việc ở Nepal, ông Brian Hodgson đã thấy nhiều văn bản chữ Phạn (Sanskrit), ông ta gửi về cho các viện nghiên cứu ở Ấn Độ, Anh, Pháp. Trong số 24 bản kinh Phật giáo Hodgson gửi cho Société Asiatique ở Paris, nước Pháp, vào tháng Tư năm 1837, có bản Kinh Pháp Hoa. Ông Eugene Burnouf đã dịch sang tiếng Pháp, trong “phẩm” thứ năm, Dược Thảo Dụ, có kể cả chuyện ngụ ngôn người mù sáng mắt kể trên.

 

Đó là một “chuyện ngụ ngôn,” trong kinh gọi là “thí dụ.” Ông Burnouf dịch “thí dụ” ra chữ “parabole” trong tiếng Pháp, vì trong Kinh Thánh Tân Ước cũng có khoảng 50 lần dùng chữ “parabolé” trong tiếng Hy Lạp với ý nghĩa tương tự. Đức Phật kể thí dụ trên có ngụ ý dạy các đệ tử, nhưng đó là một đề tài về tôn giáo, không thuộc phạm vi mục này.

 

Hôm nay chúng tôi kể chuyện ngụ ngôn người mù sáng mắt này vì mới đọc bản tin về Hội nghị Trung ương kỳ thứ 5 của đảng Cộng sản Trung Quốc mới kết thúc. Sau khi công bố kế hoạch 5 năm sắp tới, ông trưởng ban Tuyên giáo của Trung Cộng đã khoe khoang thành tích chống Covid-19 của Đảng. Ông giải thích Đảng đã thành công rực rỡ là nhờ chế độ độc tài theo “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc!” Và ông tiên đoán rằng thế giới sẽ phải học tập, vì thán phục thứ “Quyền Lực Mềm” của Trung Quốc!

 

Cách nhìn đó giống như anh chàng mù chưa mở mắt, hoặc mới được mở mắt, tưởng rằng mình đã thấy hết, không ai thấy nhiều như mình! Quyền Lực Mềm của Trung Cộng có cái gì cho thế giới học hỏi và bắt chước? Tập Cận Bình và cả Bộ Chính Trị vẫn tôn thờ một chủ nghĩa Marx của thế kỷ 19! Và tổ chức chính quyền theo khuôn mẫu của Lenin đầu thế kỷ 20. Sang đầu thế kỷ 21 rồi, Cộng sản Trung Quốc vẫn còn ôm lấy những tư tưởng hủ lậu đã được loài người ném vô thùng rác từ ba chục năm nay!

 

Còn thành tích chống Covid-19 của Trung Cộng có thể đem so sánh ngay với một nước Trung Hoa khác, là Đài Loan.

 

Hôm qua là đúng 200 ngày sau khi con bệnh sau cùng ở Đài Loan bị nhiễm vi khuẩn corona. Trong số 23 triệu dân Trung Hoa Dân quốc, chỉ có 7 người chết. Tới ngày 12 tháng Tư chỉ có 553 người Đài Loan nhiễm bệnh, trong đó chỉ có 55 trường hợp do người trong nước truyền bệnh cho nhau, còn gần 500 là từ bên ngoài đem tới.

 

Ngay khi biết Vũ Hán có bệnh cúm lạ, Đài Loan đã chuẩn bị đối phó. Tổng thống Thái Anh Văn đã chỉ huy cuộc chiến phòng vệ, còn trong lục địa thì chính quyền Trung Cộng vẫn bưng bít tin tức, các bác sĩ lên tiếng báo động thì bị trù vập. Đài Loan biết có con bệnh đầu tiên ngày 21 tháng Giêng 2020. Hai ngày sau Vũ Hán mới ra lệnh “cấm cung” (lockdown), thì 5 triệu người dân đã tự động di tản đi khắp các tỉnh khác. Trung Cộng phải dùng guồng máy công an mật vụ truy tầm những người Vũ Hán đi trốn bịnh dịch! Đó là một chế độ chiến tranh dựa trên long sợ hãi của người dân trước bạo lực!

 

Nhưng suốt từ đầu Đài Loan cũng không bao giờ ra lệnh “cấm cung” cả nước, và cũng không bao giờ giới hạn các quyền tự do dân sự và chính trị của dân chúng. Người dân thi hành các chính sách phòng bệnh vì họ tin tưởng và kính trọng người nắm quyền.

Nếu tính theo tỷ lệ dân số, là 1,300 triệu dân so với 23 triệu dân Đài Loan, mà ở Đài Loan chỉ có 7 người thiệt mạng vì bệnh dịch, thì trong lục địa sẽ chưa tới 400 người chết vì Covid-19. Chứ không phải tới gần 5,000 người!

 

Bắc Kinh vẫn chưa chịu mở mắt để nhìn thấy hòn đảo Đài Loan, cũng cùng một chủng tộc, cùng một tiếng nói, cùng một nguồn gốc văn hóa, đã thành công hơn hẳn chế độ độc tài trong việc chống bệnh dịch! Và người dân Đài Loan có đủ các quyền tự do, trong khi kinh tế vẫn thịnh vượng!

 

Bao giờ thì Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh chịu mở mắt?

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats