Bà
Hồ Thị Kim Thoa có thể bị đưa về nước theo Hiệp định Dẫn độ giữa
Việt Nam và Pháp
Hiếu Bá Linh, tổng hợp
17/11/2020
Bà Hồ Thị Kim Thoa có thể bị bắt khẩn cấp theo Điều
16 của Hiệp định Dẫn độ Việt – Pháp. Điều 16 quy định rằng, trong trường hợp khẩn
cấp, các cơ quan có thẩm quyền của bên yêu cầu, có thể yêu cầu bắt khẩn cấp người
bị yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, không phải cứ bị bắt khẩn cấp là sau đó đương
nhiên sẽ bị dẫn độ về nước.
***
Hiệp định về dẫn độ giữa
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp, tuy được ký kết hồi
ngày 6/9/2016 tại Hà Nội, nhưng mãi đến đầu tháng 5 năm nay 2020 mới bắt
đầu có hiệu lực.
Cựu Thứ trưởng Bộ
Công thương Hồ Thị Kim Thoa rất có thể sẽ là người đầu tiên bị đưa
về nước theo hiệp định dẫn độ này.
Ngày 28/7/2017 bà Thoa
nộp đơn xin nghỉ hưu sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển
trách về mặt Đảng. Và sau khi được Bộ Công Thương chính thức ban hành quyết định
cho nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/9/2017, bà Thoa đã
sang Pháp sinh sống.
Các điều kiện pháp
lý mà Hiệp định dẫn độ Việt – Pháp yêu cầu, đã được thực hiện
trong thời gian qua, chẳng hạn như ngày 10/7/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra
ra quyết định khởi tố bà Thoa về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài
sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí“. Đến ngày 13/7, Cơ quan Cảnh sát điều
tra Bộ Công an ra quyết định truy nã bà Thoa. Sau đó, Việt Nam cũng đã gửi
lệnh truy nã lên Interpol quốc tế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/2-3.png
Thiếu tướng, GS,
TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ
Công an, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và ông Pierre-Christian Soccoja, Cục trưởng
Cục Điều ước quốc tế, các vấn đề dân sự và tương trợ tư pháp, Bộ Ngoại giao ký
tắt dự thảo Hiệp định dẫn độ với Cộng hòa Pháp, tháng 12-2014 tại Paris, Pháp.
Hiệp định dẫn độ
Pháp – Việt gồm 24 điều. Theo Điều 7, mỗi bên chỉ định một cơ quan trung
ương để thực hiện hiệp định này. Theo đó, đối với Việt Nam, cơ quan trung ương
là Bộ Công an; đối với Pháp, cơ quan trung ương là Bộ Tư
pháp.
Đặc biệt, bà Hồ Thị
Kim Thoa có thể bị bắt khẩn cấp theo Điều 16 của Hiệp định dẫn độ
Việt – Pháp. Điều 16 quy định rằng, trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có
thẩm quyền của bên yêu cầu có thể yêu cầu bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ.
Tuy nhiên, không phải
cứ bị bắt khẩn cấp là sau đó đương nhiên sẽ bị dẫn độ về nước.
Điều 3 của Hiệp định nêu ra các trường hợp bắt buộc từ chối
dẫn độ, chẳng hạn như:
– Đối với các tội phạm được
Pháp xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính
trị;
– Hoặc Pháp có lý do
xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng
phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến;
– Hoặc trong trường hợp
người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị xét xử bởi một tòa án không đáp ứng các bảo đảm
cơ bản về thủ tục;
– Hoặc trong trường hợp
hình phạt có thể bị áp dụng theo pháp luật của bên yêu cầu về những hành vi bị
yêu cầu dẫn độ là tử hình, trừ trường hợp bên yêu cầu cung cấp bảo đảm chắc chắn
rằng, hình phạt tử hình sẽ không bị áp dụng, tuyên án hay thi hành.
Đó là các trường
hợp bắt buộc từ chối dẫn độ, ngoài ra còn có các trường
hợp có thể từ chối dẫn độ (theo Điều 4 của Hiệp định),
chẳng hạn như vì những lý do nhân đạo, trong trường hợp việc chuyển giao người
bị yêu cầu dẫn độ có thể gây ra cho người đó những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,
chủ yếu do tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe.
Như vậy, sau khi Bộ
Công an Việt Nam yêu cầu dẫn độ và bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt khẩn
cấp, thì cuộc chiến pháp lý sẽ diễn ra giữa Bộ Tư pháp của Pháp
và luật sư của bà Thoa.
No comments:
Post a Comment