Đằng sau
chuyến thăm Việt Nam của ông Mike Pompeo
Nguyễn
Quang Dy - Viet Studies
02/11/2020
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_ChuyenDiPompeo.html
Người ta nói rằng tháng
10 có nhiều bất ngờ (October surprise), không chỉ vì thông tin gây sốc trong
laptop của Hunter Biden, mà còn chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mike
Pompeo đến Việt Nam (29-30/10). Chuyến thăm này diễn ra trước ngày bầu cử Tổng
thống Mỹ có vài ngày (3/11) và trước Đại Hội Đảng XIII của Việt Nam vài tháng
(Quý I/2021). Trước các đồn đoán về chuyến thăm này, hãy thử lý giải ý nghĩa đằng
sau sự kiện đó.
Chuyến thăm Việt
Nam có bất ngờ?
Theo thông lệ ngoại giao,
chuyến thăm chính thức của quan chức cấp cao (như ngoại trưởng) thường được
thông báo trước hàng tháng. Chuyến thăm Châu Á của ông Mike Pompeo tới Ấn Độ,
Sri Lanka, Maldives, và Indonesia (26-30/10), lúc đầu không có Việt Nam. Việc
thăm chính thức Việt Nam chỉ được quyết định bổ sung thêm vào phút chót,
khi Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPBF) được khai mạc
tại Hà Nội (28/10).
Cùng ngày 28/10, Bộ Ngoại
giao Việt Nam mới thông báo về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo
(29-30/10) theo lời mời của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, để “kỷ niêm 25 năm
bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ”. Ngày hôm sau (29/10), Bộ Ngoại giao Mỹ mới
thông báo về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Mike Pompeo “nhằm
ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”, và nhấn mạnh Mỹ và
Việt Nam cùng chung tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng
mở.
Dư luận bất ngờ về một
chuyến thăm bất thường, chắc phải có lý do đặc biệt nào đó, trong khi bầu cử Tổng
thống Mỹ đầy kịch tính chỉ còn vài ngày, cuộc họp thượng đỉnh Đông Á chỉ còn
vài tuần, và Đại hội Đảng XIII của Việt Nam chỉ còn vài tháng. Trước tình hình
Biển Đông và Biển Hoa Đông đang căng thẳng do thái độ hung hăng của Trung Quốc,
bàn cờ địa chính trị “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP) đang biến chuyển
nhanh hơn.
Đây có phải là chuyến
thăm “đột xuất” hay nằm trong một kế hoạch từ trước, nhưng được giữ kín tới
phút chót để Việt Nam tránh phản ứng của Trung Quốc? Chuyến thăm của Mike
Pompeo tới năm nước Châu Á tiếp theo chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật Suga
Yoshihide tới Việt Nam và Indonesia (18-21/10), và cuộc họp ngoại trưởng Bộ tứ
(Quad) tại Tokyo (6/10). Mỹ và Nhật chắc sẽ phối hợp thúc đẩy chiến lược FOIP
và “Bộ Tứ mở rộng” (Quad plus). Trong khi Nhật và Việt Nam thỏa thuận hợp tác
quân sự và chuyển giao công nghệ quốc phòng, Mỹ và Việt Nam cũng thỏa thuận hợp
tác về năng lượng và an ninh quốc phòng.
Trong mấy năm qua, quan hệ
Việt-Mỹ đã phát triển mạnh về cả kinh tế và an ninh quốc phòng, đưa hai nước đến
gần nhau hơn như “đối tác chiến lược” trên thực tế (de facto), nhưng vẫn còn bất
cập và rủi ro về thặng dư thương mại và về nhân quyền. Văn phòng Đại diện
Thương mại (USTR) thông báo (2/10), theo lệnh của Tổng thống, họ đã mở điều tra
(theo điều 301) về hai vấn đề là (1) có phải Việt Nam cố tình hạ giá tiền đồng,
và (2) có phải mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam dựa vào lượng gỗ nhập phi
pháp. Trước chuyến thăm của Mike Pompeo, Việt Nam đã thả Michael Nguyễn (bị kết
án 12 năm tù vào năm ngoái).
Mục tiêu kép chống
Trung Quốc và tranh cử
Dù chuyến thăm Việt Nam bất
ngờ hay đã được chuẩn bị từ trước, thì chắc ông Pompeo muốn kết thúc (wrap up)
chuyến thăm Châu Á tại Việt Nam, nhằm vận động các nước này tham gia chống
Trung Quốc, theo tầm nhìn Indo-Pacific. Tại các nước này, ông đã làm rõ chủ
chương chống Trung Quốc của chính quyền Trump. Điều đó đã được Tổng thống Trump
nhấn mạnh trong tranh cử với ông Joe Biden, khi chỉ ra điểm yếu của Joe Biden
trước Trung Quốc, liên quan đến quan hệ của Hunter Biden với các doanh nghiệp
Trung Quốc.
Theo báo South China
Morning Post (29/10), ông Pompeo hẳn đã nhận thức được rằng trong trường hợp
Joe Biden trở thành tổng thống tiếp theo, thì Pompeo phải “củng cố di sản của Tổng
thống Trump trong chính sách đối ngoại”, với trọng tâm là chiến lược
Indo-Pacific. Ông muốn nhấn mạnh là Mỹ không bỏ rơi ASEAN và đặc biệt là Việt Nam
(Chủ tịch ASEAN). Trước chuyến thăm Châu Á, Pompeo nói rằng ông sẽ thảo luận việc
“làm thế nào để các quốc gia tự do có thể làm việc cùng nhau nhằm ngăn chặn mối
đe dọa từ Trung Quốc”.
Theo ABC News, trước khi
ông Pompeo đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc về “các hành
động ác ý và gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực sông Mekong, bao gồm thao túng
sông Mekong, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người sống phụ thuộc vào
dòng sông này” và Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Indo-Pacific để
bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi Biển Đông, phù
hợp với luật pháp quốc tế. Trước cuộc hội đàm tại New Delhi, Chính quyền Trump
đã thông báo cho Quốc hội kế hoạch bán hệ thống tên lửa Harpoon cho Đài Loan
(trị giá 2,37 tỷ USD).
Trong chuyến công du chống
Trung Quốc của Pompeo (anti-China roadshow) bắt đầu từ Ấn Độ cùng Bộ trưởng Quốc
phòng Mark Esper, Pompeo tố cáo Trung Quốc chống dân chủ, pháp quyền, minh bạch,
và tự do hàng hải. Tại Maldives, Pompeo lên án Trung Quốc vô pháp đe dọa hủy hoại
môi trường, đưa các nước nhỏ vào bẫy nợ. Tại Sri Lanka, Pompeo nói Trung Quốc
là kẻ cướp với các hợp đồng tồi tệ, vi phạm chủ quyền và luật pháp trên đất liền
và biển. Tại Indonesia, Pompeo muốn triển khai máy bay trinh sát “P-8
Poseidon”, nhưng Ngoại trưởng Retno Marsudi đã từ chối vì “không muốn mắc kẹt
vào tranh chấp này”.
Qua chuyến thăm Việt Nam
của Pompeo, chắc Chính quyền Trump muốn chứng tỏ với cử tri rằng Mỹ đã buộc Việt
Nam phải nhượng bộ và ký một loạt thỏa thuận thương mại có giá trị lớn nhằm làm
giảm thiểu thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ (44 tỷ USD năm vừa qua).
Chính quyền Trump cũng muốn các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Tại Diễn
đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hà Nội (IPBF, 28-29/10), Mỹ và
Việt Nam đã ký 7 thỏa thuận/bản ghi nhớ về hợp tác (tổng giá trị hơn 11 tỷ USD)
trên nhiều lĩnh vực như hợp tác về năng lượng, truyền tải điện, chế biến, và nhập
khẩu thịt lợn.
Tầm nhìn
Indo-Pacific và Bộ tứ mở rộng
Mỹ đang cố gắng xây dựng
một mạng lưới các nước đồng minh và đối tác trong khu vực để hỗ trợ Mỹ thực hiện
chiến lược “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở ” (FOIP). Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives,
Indonesia, và Việt Nam là những nước có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực.
Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ muốn tăng cường quan hệ chiến lược với
Việt Nam và các nước ASEAN “cùng chí hướng” để xây dựng “Bộ tứ mở rộng”.
Việt Nam là một trong “bốn
nước tiền tuyến” của ASEAN có vị trí chiến lược tại Biển Đông. Thương mại song
phương Việt-Mỹ đạt 75,7 tỷ USD (năm 2019), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang
Mỹ là 61,3 tỷ USD. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
(chiếm 23,2% tổng kim ngạch). Thặng dư thương mại quá lớn (44 tỷ USD) buộc Mỹ
phải điều tra xem Việt Nam có thao túng tiền tệ không. Việt Nam phải thuyết phục
được Mỹ là không thao túng tiền tệ, và hứa nhập khẩu nhiều hơn để giảm thiểu thặng
dư.
Chuyến thăm này của
Pompeo tái khẳng định vị trí và vai trò của Việt Nam trong cấu trúc an ninh và
phát triển khu vực, đặc biệt là việc triển khai chiến lược Indo-Pacific và Bộ Tứ
mở rộng. Việt Nam chắc muốn xem sau ngày 3/11, ai sẽ đắc cử Tổng thống và đại
diện cho Mỹ tới dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15 (EAS-15), tổ chức tại Việt
Nam trong tháng 11. Theo giới phân tích, dù Trump đắc cử hay thất cử, thì ông vẫn
có thể tới dự “EAS-15” như Tổng thống đương nhiệm (incumbent). Đây là một diễn
đàn quan trọng gồm18 nước Đông Á. Nếu Trump tới dự thì ông sẽ là Tổng thống Mỹ
duy nhất đến thăm Việt Nam tới ba lần.
Giới phân tích cho rằng nếu
Joe Biden thắng cử, thì chính quyền Biden có thể đưa ra một số thay đổi trong
chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, nhưng những thay đổi đó chủ yếu sẽ
chỉ là hình thức chứ không phải là thực chất. Sự đồng thuận của cả hai đảng
(bipartizen national consensus) cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng
nhất với Mỹ. Điều này sẽ đảm bảo duy trì chiến lược Indo-Pacific (FOIP) và Bộ Tứ
mở rộng (Quad plus) làm hạt nhân cho một mạng lưới các đồng minh và đối tác
trong khu vực này.
Một trong những trở ngại
chính khi Mỹ muốn xây dựng một mạng lưới các nước đồng minh và đối tác trong
khu vực, trên cơ sở tầm nhìn Indo-Pacific và Bộ tứ mở rộng, là hầu hết các nước
khu vực vẫn không muốn phải lựa chọn một bên giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy ASEAN
đã bị phân hóa và một số nước (như Philippines và Campuchia) đã ngả theo Trung
Quốc, nhưng các nước không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi Hội
nghị Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN dự kiến tổ chức tại Las Vegas (ngày
14/3/2020) đã bị hoãn do lo ngại về Coronavirus, thì Mỹ và ASEAN vẫn chưa
thực sự trở thành đối tác chiến lược.
Lời cuối
Theo Derek Grossman
(RAND) Trump muốn tổ chức Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Mỹ-ASEAN không chỉ vì ông
đã không dự Hội nghị Cấp cao Đông Á hai năm liền (2018-2019) mà còn bởi ông đã
không cử một quan chức cấp cao tương xứng (như Phó Tổng thống hoặc Ngoại trưởng)
mà chỉ cử Cố vấn An ninh Quốc gia tham dự. Các nước ASEAN cảm thấy bị xúc phạm
bởi quyết định này, và họ kết luận rằng Mỹ không còn coi trọng khu vực.
Tuy cơ hội tổ chức Hội
nghị Cấp cao Đặc biệt Mỹ-ASEAN đã bị bỏ lỡ, nhưng các chuyên gia chiến
lược cho rằng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nguyên thủ Việt Nam (là Chủ tịch
ASEAN) và Tổng thống Mỹ có thể giúp khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN
cũng như thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ-Việt lên thành đối tác chiến lược. Vì
vậy, Hội nghị Cấp cao Đông Á vào tháng 11 này là một cơ hội tốt để Tổng thống Mỹ
tham dự.
Tuy các nước ASEAN vẫn cố
gắng giữ cân bằng qua việc tránh lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc, nhưng thái độ
ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đang xô đẩy Việt Nam và ASEAN về phía Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Mỹ và Việt Nam hầu như đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ lên đối
tác chiến lược, như hệ quả không định trước (unintended consequence). Có thể
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thay Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien đến
thăm Việt Nam để chuẩn bị cho Tổng thống Trump đến dự Hội nghị Cấp cao Đông Á
(vào tháng 11 tới).
NQD. 02/11/2020
No comments:
Post a Comment