Monday, 16 November 2020

ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG, LIÊN MINH RỘNG LỚN ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC (Thụy My - RFI)

 


Ấn Độ-Thái Bình Dương, liên minh rộng lớn đối phó với Trung Quốc

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 16/11/2020 - 15:29

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201116-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-th%C3%A...91c

 

Sự đối đầu Mỹ-Trung càng mạnh mẽ với sự tham gia của phe « không liên kết » trong đó có cả Pháp. Ấn Độ-Thái Bình Dương nay có dạng một liên minh « cỡ đại » XXL đối mặt với chủ nghĩa thực dân mới Trung Quốc. Trước liên minh ngày càng rộng lớn ấy, Bắc Kinh hoàn toàn cô độc.

 

Libération hôm nay đăng ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump với lời phàn nàn « Còn hai tháng ! ». « Trump chặn việc chuyển giao cho Biden » là tựa chính của Le Monde. Nhật báo La Croix đặt câu hỏi « Tình hình dân số thế giới đi về đâu ? ». Về thời sự nước Pháp, Les Echos quan tâm đến « Kế hoạch tiêm chủng của chính phủ », còn Le Figaro báo động « Bạo lực chống lại cảnh sát tăng gấp đôi trong 15 năm qua ». Ở trang trong, các đề tài được chú ý nhiều nhất là sự nhập nhằng sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thua thiệt của Armenia ở Thượng Karabakh và đại dịch corona.

 

« Bộ Tứ » (Quad) đi vào thực chất và mở rộng

Le Monde dành hai trang địa chính trị cho chủ đề « Ấn Độ-Thái Bình Dương, một liên minh XXL trước Trung Quốc ». Bắc Kinh gây lo ngại với các yêu sách lãnh thổ, bộ máy chiến tranh trên biển, chủ nghĩa thực dân mới…Để đối phó, các nhân tố khu vực điều chỉnh lại chiến lược với Đối thoại an ninh trong bộ tứ Mỹ-Ấn-Úc-Nhật.

 

Trong thời kỳ đại dịch, vào lúc các cuộc họp qua video thay thế nhiều hội nghị thượng đỉnh trên thế giới, việc các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc đích thân đến gặp đồng nhiệm Nhật Bản ở Tokyo ngày 06/10 cho thấy Bộ Tứ (Quad) rõ ràng nhằm gây ấn tượng. Sau cuộc họp này, dù không đầy một tuần nữa là đến bầu cử tổng thống, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn làm một vòng công du châu Á. Trước hết là Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives rồi đến Indonesia và Việt Nam, với câu thần chú : bảo vệ một « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

 

·         Đọc thêm: Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc

 

Khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương » bắt đầu trở thành hiện thực từ cuối những năm 2010, là chủ đề của nhiều cuộc hội thảo, chủ thuyết, hội nghị thượng đỉnh, và dựa vào một loạt những cuộc tập trận. Đầu tháng 11, các chiến hạm và trực thăng của Hải quân Mỹ, Úc, Nhật, Ấn đã tập trận Malabar ở vịnh Bengale, đánh dấu sự quay lại của nước Úc. Từ 17 đến 20/11, hàng không mẫu hạm Nimitz Mỹ và Vikramaditya của Ấn cũng sẽ đồng hành với các chiến hạm Úc, Nhật tại Ấn Độ Dương.

 

Vượt ra ngoài những sáng kiến của Quad, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương nay còn bao gồm cả công nghệ, môi trường, nguồn lợi hải sản…và các quốc gia khác. Pháp, sở hữu vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng lớn thứ nhì thế giới, liên kết với tư cách láng giềng, còn Đức vào đầu tháng Chín công bố nghiên cứu coi đây là « chìa khóa của cơ cấu trật tự quốc tế thế kỷ 21 ».

 

Trong ASEAN, Việt Nam và Indonesia tất nhiên là ứng viên của liên minh không chính thức này. Còn đối với Hoa Kỳ, nếu Joe Biden lên làm tổng thống cũng sẽ không thay đổi chiến lược : phe Dân Chủ đã nhiều lần thông qua các đạo luật chống lại Bắc Kinh trên mọi phương diện.

 

Tham vọng bá quyền Trung Quốc khiến các nước liên kết lại

Theo chuyên gia Valérie Niquet, sự lo sợ trước chiến lược thống trị toàn cầu của đảng Cộng Sản Trung Quốc siêu độc tài, dân tộc chủ nghĩa và hung hăng đã giúp nhiều nước liên kết lại với nhau. Quan điểm chung : tự do hàng hải và bác bỏ việc dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng.

 

Tại Biển Đông, Trung Quốc yêu sách phần lớn lãnh thổ dựa trên cái gọi là « quyền lịch sử », muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực và đóng vai ông anh cả châu Á túi rủng rỉnh tiền. Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc dấn lên bằng cách chiếm quyền kiểm soát các hải cảng, xây dựng cơ sở hạ tầng « Con đường tơ lụa ».

 

·         Đọc thêm: Úc sẽ tham gia tập trận của "Bộ tứ" nhằm đối phó Trung Quốc

 

Bắc Kinh lợi dụng hoạt động chống hải tặc để hải quân vốn thiếu kinh nghiệm được thao dượt ở vịnh Aden : từ 2008 đến 2018 có đến 100 tàu chiến và 26.000 lính thủy tham gia, viện cớ bảo vệ lợi ích ở nước ngoài để mở căn cứ quân sự tại Djibouti. Hải quân Trung Quốc nay sở hữu đến 350 chiến hạm trong khi Mỹ chỉ có 300, khiến phương Tây hết sức lo ngại và quyết định siết chặt mạng lưới đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

 

Sự đối đầu Mỹ-Trung càng mạnh mẽ với sự tham gia của phe « không liên kết » trong đó có Pháp. Ấn Độ-Thái Bình Dương nay có dạng một liên minh « cỡ đại » XXL đối mặt với thực dân mới Trung Quốc tại châu Á và châu Phi. Sáng kiến này được đẩy nhanh cùng với đại dịch corona. Bị chỉ trích là nguyên nhân gây ra thảm họa, Trung Quốc chuyển sang thế tiến công : liên tục tập trận gần Đài Loan, eo biển Miyako, tấn công quân Ấn ở Himalaya. Trận đánh đẫm máu ở Ladakh làm thay đổi hẳn thái độ của Ấn Độ, còn nước Úc sau một thập niên cũng đã nhận ra bộ mặt bành trướng của Bắc Kinh.

 

Trung Quốc cô độc

Về phía Mỹ, sau chủ trương xoay trục của Obama, dưới thời Donald Trump Ấn Độ-Thái Bình Dương chính thức trở thành « trục chính của chiến lược quốc gia Mỹ ». Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương (US-Pacom) được đổi tên thành US-Indopacom, nhiều tỉ đô la ngân sách được tăng cường cho khu vực này. Các chiến hạm Mỹ thực hiện khoảng 20 hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhỏ bị Trung Quốc chiếm đóng ; Hải quân Mỹ 17 lần đi vào eo biển Đài Loan.

 

·         Đọc thêm: Chiến hạm Mỹ lại băng qua eo biển Đài Loan

 

Theo chuyên gia Úc Rory Medcalf, do ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương cạnh tranh với « Con đường tơ lụa », Bắc Kinh nhảy dựng lên tố cáo « chiến tranh lạnh », gọi cuộc tập trận Malabar và Quad tạo thành một « NATO châu Á phục vụ cho tham vọng đế quốc của Mỹ ». Ông Medcalf cũng ghi nhận rằng một sự phối hợp Nhật-Ấn-Úc-Indonesia sẽ đạt được tầm vóc kinh tế, dân số và quân sự đủ để làm đối trọng với Trung Quốc.

 

Trong mục tiêu ấy, Nhật Bản đưa ra nhiều sáng kiến với Úc, Ấn Độ và cả Việt Nam, Indonesia vì « Nếu Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc, thì Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ không còn lối vào » tuyến đường hàng hải này. Trước liên minh ngày càng rộng lớn ấy, Trung Quốc hoàn toàn cô độc.

 

Pháp muốn làm láng giềng với không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương

Về phía nước Pháp có chủ trương « hội nhập » vào không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trước thách thức bá quyền từ Bắc Kinh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2018 khi thăm Úc đã kêu gọi « một trật tự địa chính trị thật sự mới mẻ ».

 

Trong không gian này, Pháp đóng vai hàng xóm thay vì người ngoài, là đìểm quan trọng để có thể đối thoại với các đối tác. Paris muốn có vị trí thăng bằng giữa Washington và Bắc Kinh, không muốn trực tiếp tham gia Quad và nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương không chỉ đơn giản là về quân sự.

 

·         Đọc thêm:  Biển Đông : Trung Quốc bám sát chiến hạm Pháp ở Hoàng Sa

 

Sự phối hợp Pháp-Ấn-Úc trở nên dễ dàng với hai hợp đồng vũ khí lớn : Canberra cam kết hợp tác trong 50 năm, mua 12 tàu ngầm hiện đại của Pháp, tàu ngầm nguyên tử Pháp Emeraude đã thăm Úc, còn Ấn Độ mua 36 chiến đấu cơ Rafale.

 

Năm 2019 đánh dấu một bước ngoặt : hàng không mẫu hạm Pháp Charles de Gaulle tham gia cuộc tập trận Pháp-Ấn lớn nhất từ trước tới nay tại Ấn Độ Dương, trước khi tập trận chung lần đầu ở vịnh Bengale với khu trục hạm Izumo của Nhật và chiến hạm Úc, Mỹ. Một chiến hạm Pháp cũng đã đi qua Biển Đông, có ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh. Thách thức lớn của Paris là thuyết phục cho được các nước châu Âu khác cùng tham gia hoạt động an ninh hàng hải.

 

Trung Quốc hưởng lợi với RCEP

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos chú ý đến việc « Bắc Kinh ký kết một hiệp định thương mại quy mô nhất hành tinh ». Đó là RCEP, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và ASEAN, tạo thành một khu vực tự do mậu dịch chiếm 30% dân số thế giới, nhưng không có Hoa Kỳ. Được đưa ra tại Bali năm 2011, hiệp định được ký hôm qua tại Hà Nội. Quá trình đàm phán đôi khi rất vất vả do căng thẳng địa chính trị giữa các đối tác, thậm chí Ấn Độ còn đột ngột rời bàn hội nghị.

 

Theo nhà nghiên cứu Alex Capri ở Singapore, RCEP là biểu tượng mạnh mẽ vào lúc kinh tế thế giới suy sụp. Trung Quốc là một trong những nước được lợi nhiều nhất : trong bối cảnh xuất khẩu đang sụt giảm vì thương chiến với Mỹ, lại có thể đa dạng hóa thị trường.

Vui mừng vì Washington không tham gia, Bắc Kinh đã có một số nhượng bộ về thuế để đẩy nhanh việc ký kết, và thuyết phục được ASEAN không đưa vào các quy định mang tính « chính trị » về môi trường, tiêu chí xã hội, công ty nhà nước. Tuy RCEP là một hiệp định kiểu cũ, nhưng cũng sẽ thúc đẩy việc hội nhập kinh tế của châu Á, thu hút các doanh nghiệp Âu Mỹ đến làm ăn.

 

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về nhân quyền, Le Monde nói đến « Tân Cương, những vòng dây kẽm gai trên Con đường tơ lụa » : người Duy Ngô Nhĩ tại đây bị đô hộ, Hán hóa, đàn áp.

 

Bắc Kinh mừng rỡ vì mất đi kẻ thù nguy hiểm Donald Trump

Về quan hệ Mỹ-Trung, Les Echos có bài phân tích của tác giả Dominique Moisi, cho rằng Trung Quốc đã mất đi kẻ thù Donald Trump, nhưng là một kẻ thù hữu dụng.

 

Tác giả dẫn lời một nhà phân tích Trung Quốc cho biết các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã thở phào nhẹ nhõm trước thông tin ông Biden chiến thắng, tuy nhiên vẫn lo lắng về tình hình trước mắt và không ảo tưởng trong trung và dài hạn.

 

Tính cách khó đoán định của tổng thống Trump lâu nay gây rất nhiều khó khăn cho Bắc Kinh, và trong thời gian hơn 60 ngày trước khi tân tổng thống nhậm chức, liệu Donald Trump có thể làm những gì nữa để gây thiệt hại không thể hồi phục cho quan hệ Mỹ-Trung ? Những người thân cận của ông Trump toàn là « đại diều hâu » Cộng Hòa, có thể tạo ra những việc đã rồi để Biden không còn đường quay lại.

 

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng hiểu rằng phạm vi hành động của Joe Biden rất hẹp. Đối với phe Cộng Hòa, Trung Quốc là mối đe dọa số 1, ngược lại với đảng Dân Chủ, Trung Quốc thậm chí không nằm trong bảy mối đe dọa hàng đầu. Tuy nhiên nước Mỹ đang chia rẽ và chiến thắng của Biden chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Mọi cố gắng xích lại gần Bắc Kinh của phe Dân Chủ sẽ bị Cộng Hòa tố cáo là phản bội và đa số người dân Mỹ cũng có thể tin như thế.

 

Bầu cử Mỹ : Trump không dễ nhìn nhận thất bại

Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thông tín viên của Les Echos tại New York nói về « Con đường dài dằng dặc của ông Trump hướng đến việc nhìn nhận thất bại ».

 

Hôm qua tổng thống Donald Trump viết trên Twitter « Ông ta thắng nhờ bầu cử gian lận ». Do bị các nhà báo coi đây là lần đầu tiên nhìn nhận thất bại, ông Trump sau đó đã phản công, cũng bằng một tweet : « Ông ta chỉ thắng dưới mắt truyền thông FAKE NEWS mà thôi. Tôi KHÔNG HỀ nhượng bộ ! Vẫn còn một đoạn đường dài phải vượt qua ».

 

Tương tự, Le Figaro nhận xét tổng thống Mỹ, cảm thấy ấm lòng với sự biểu dương lực lượng của cả trăm ngàn người hâm mộ hôm thứ Bảy 14/11 (*), không ngừng tố cáo bầu cử gian lận. Tờ báo cũng có bài phóng sự về mạng lưới fan luôn trung thành với Donald Trump ở Pennsylvania.

Libération dành bốn trang báo cho cuộc biểu tình lớn của những người ủng hộ tổng thống Donald Trump, cuộc thanh trừng ở Washington…Trả lời phỏng vấn tờ báo cánh tả Pháp, giáo sư Lawrence Douglas, tác giả cuốn « Will He Go ? » (Ông ấy có ra đi không ?) dự đoán ông Trump rốt cuộc sẽ rời Nhà Trắng nhưng luôn nhấn mạnh ông đã bị cướp đoạt mất chiến thắng.

 

(*)  Nói “cả tram ngàn người” là khongo đúng thực tế. Mời xem video do drone quay từ trên cao :

 

 

VIDEO :

FAN TRUMP BIỂU TÌNH TẠI WASHINGTON DC NGÀY THỨ BẢY 14/11/2020

https://www.youtube.com/watch?v=htjk9mpxuUc&feature=youtu.be&fbclid=IwAR3tSCLlwV3ypE-WbBcmhvrdhQv887kgGd4TAc_KXTM905ITDa1wXXMSFQ4

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats