Monday 16 November 2020

AI MỚI LÀ NGƯỜI HƯỞNG LỢI NHIỀU NHẤT TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC? (Nguyễn Ngọc Chu)

 


AI MỚI LÀ NGƯỜI HƯỞNG LỢI NHIỀU NHẤT TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC?   

Nguyễn Ngọc Chu

23:34  15/11/2020   

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2180529728747112

 

Ngày 15/11/2020 15 quốc gia, sau hơn 6 năm đàm phán, đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo hình thức trực tuyến. Đó là các nước Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Trung Quốc.

 

Có không ít người đã vội mừng vì thị trường 2,2 tỷ dân với GDP khoảng 26.200 tỷ USD sẽ mở ra “một chân trời mới’. Có người còn vội đánh giá rằng đây là “thoả thuận thương mại lớn nhất thế giới”, “khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới”!

 

Khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới không chỉ đơn thuần xác định bởi hai tiêu chuẩn là dân số và tổng GDP. Chất lượng của thị trường mới là tiêu chuẩn áp đảo (dominant). Mở ra một cái chợ, quan trọng nhất là ai đến chợ và chợ bán gì.

 

 

TẠI SAO ẤN ĐỘ RỜI BỎ RCEPT?

 

Ngày 04/11/2019, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ và Hội nghị Thượng đỉnh RCEP diễn ra ở Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức tuyên bố Ấn Độ rút khỏi RCEP.

 

Nguyên nhân thì không chỉ một. Nhưng nguyên nhân chính là Trung Quốc. Không phải là Trung Quốc lấn chiếm biên giới Ấn Độ. Mà là Ấn Độ sẽ trở thành miếng mồi thị trường của Trung Quốc.

 

Là bởi vì khi gia nhập RCEP thì hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Ấn Độ mà hang hoá Ấn Độ không thể xâm nhập thị trường Trung Quốc. Ấn Độ không phải là quốc gia có công nghệ cao như Nhật Bản để Trung Quốc mở cửa mong muốn ăn cắp, copy làm hàng nhái – ít nhất là trong thời gian đầu, sau đó rũ bỏ và đóng cửa mặt hàng công nghệ cao đã bị nội địa hoá. Nhật Bản ý thức được điều đó. Nhưng Nhật Bản sẽ có công nghệ mới mà Trung Quốc có thể thèm muốn để tiếp tục hé cửa cho vào. Nhưng Ấn Độ thì không. Còn nữa, là ngoài mặt thì tuân thủ hiệp ước tự do thương mại, nhưng ngầm bên trong Trung Quốc sẽ tìm cách cản đường. Và hàng hoá Ấn Độ sẽ rất khó thâm nhập thị trường Trung Quốc.

 

Thương mại tự do là để đi bán hàng hoá mình sang nước khác. Nay hàng hoá mình không sang được thị trường của người mà hàng hoá của người lại tràn ngập thị trường của mình thì tham gia thị trường tự do làm gì? Đó chính là nguyên nhân số 1 làm Ấn Độ phải rút ra khỏi RCEP.

 

Một nước lớn với dân số 1 tỷ 380 triệu người, sắp vượt Trung Quốc, mà Ấn Độ còn sợ Trung Quốc nuốt chửng thì các nước bé như Việt Nam chả thấm vào đâu.

 

Có người sẽ bảo vệ, rằng điều đó không thể xẩy ra. Vì Hiệp định sòng phẳng cho tất cả các bên ký kết. Thế là quên mất lý lẽ của kẻ mạnh, quên mất đường chữ U.

 

 

VỚI VIỆT NAM EVFTA CÓ LỢI HƠN RCEPT

 

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Câu tục ngữ của cha ông dạy thật quá đúng cho chúng ta trong tham gia bàn cờ quốc tế.

 

Chẳng có RCEP thì Việt Nam cũng đã bị Trung Quốc “đàn áp” thị trường. Nhập siêu từ Trung Quốc năm sau lớn hơn năm trước với mức độ rợn người. Năm 2019 nhập siêu từ Trung Quốc tăng 40,1% so với năm 2018 và đạt con số 33,8 tỷ USD. Đó là chưa nói hàng buôn lậu qua biên giới. Càng chưa nói đến hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt nam tại thị trường Việt Nam, cũng như xuất sang Mỹ và các nước khác. Nếu tính đủ, con số sẽ không dưới 50 tỷ USD. Việc ra đời RCEP, không ngi ngờ gì nữa, thị trường Việt Nam càng bị Trung Quốc thâu tóm.

 

Đừng ví Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc. Để từ đó kết luận rằng Nhật Bản và Hàn Quốc thấy lợi ích của RCEP nên đã tham gia. Như đã đề cập trong phần Ấn Độ ở trên, Nhật Bản và Hàn Quốc có công nghệ tân tiến để đối trọng với Trung Quốc – buộc Trung Quốc phải chấp nhận chia sẻ thị trường. Việt Nam không có vị thế như Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Việt Nam phải chú trọng vào thị trường châu Âu. EVFTA là rất quan trọng và rất có lợi cho Việt Nam. Năng lực xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Thay vì dàn trải thì phải dồn chủ lực cho thị trường chính. Với EVFTA Việt Nam học được công nghệ và đáp ứng được chuẩn mực châu Âu. Tự Việt Nam bước lên đẳng cấp mới. Gần đèn thì rạng.

 

Thị trường 2 tỷ 200 triệu dân, tuy là rất lớn, nhưng không phải để cho Việt Nam. Thí dụ ngụ ngôn sau có lẽ phần nào giải thích được lý do vì sao.

 

Con hổ dụ các con báo, cáo, mèo – mỗi con mang một miếng mồi đến để góp ăn chung. Con mèo nghĩ đến miếng thịt to của con hổ nên mang mồi của mình đến. Nhưng con mèo không biết rằng con hổ đánh đuổi tất cả để dành lấy toàn bộ các miếng mồi.

 

Con hổ Bengal Ấn Độ mà còn phải tháo chạy khỏi RCEP thì xin đừng quá lạc quan. Thị trường 500 triệu dân của EVFTA mới là điều thực tế.

 

Lại tự răn bằng câu tục ngữ của cha ông: ‘Ngày lắm mối, tối nằm không’!

 

228 BÌNH LUẬN


 ==================================


RCEP thắng lợi gần như trọn vẹn của Trung Quốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 16/11/2020 - 12:52

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201116-rcep-th%E1%BA%AFng-l%E1%BB%A3i-g%E1%BA%A7...91c



-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 RCEP : Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất

RFI

Đăng ngày: 04/11/2019 - 11:12

https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20191104-RCEP-trung-quoc-se-huong-loi-nhieu-nhat

 

Ngày hôm nay 04/11/2019, lãnh đạo 16 nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan.

 

Với mong muốn đẩy nhanh tốc độ hội nhập của ASEAN, Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, đã đề ra mục tiêu 16 quốc gia sẽ hoàn tất đàm phán về RCEP vào cuối năm nay.

 

Hiệp định RCEP là một trong những chủ đề trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Bankok. Hôm thứ Sáu 01/11/2019, bộ trưởng 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zeland tham gia đàm phán để thống nhất các phần cuối cùng của hiệp định.

 

Thứ trưởng Thương Mại Nhật Bản Hideki Makihara hôm 01/11 phát biểu trong một cuộc họp báo là kết quả tiến trình đàm phán sẽ được thông báo trong tuyên bố chung thượng đỉnh RCEP, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về kết quả cuộc đàm phán.

 

Mặc dù trước thượng đỉnh, Thái Lan tỏ ra lạc quan, nhưng dường như các cuộc đàm phán sẽ chưa thể hoàn tất sớm như nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 mong muốn. Phát biểu khai mạc thượng đỉnh ASEAN, thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, vẫn nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ phải tiếp tục làm việc để từ nay cho đến cuối năm có bản tổng kết về các cuộc đàm phán RCEP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như thương mại và đầu tư”.

 

RCEP có ý nghĩa quan trọng như thế nào ?

 

16 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần 50% dân số toàn thế giới, tương đương khoảng 3,6 tỷ người. Khi RCEP được thông qua và có hiệu lực, 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ hình thành một khối thương mại chiếm gần 30% GDP thế giới, tạo ra khối lượng giao dịch hơn 10 ngàn tỷ đô la USD, chiếm hơn 29% giá trị thương mại toàn cầu, và chiếm hơn 32% luồng vốn đầu tư toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, sau khi ông đắc cử tổng thống Mỹ, RCEP sẽ tạo ra khối thương mại lớn nhất toàn cầu.

 

Ngoài ra, hiệp định RCEP, liên quan đến cả việc cắt giảm thuế quan và bảo vệ sở hữu trí tuệ, sẽ đánh dấu sự trở lại của tự do hóa thương mại đa phương, chống lại làn sóng bảo hộ mậu dịch mà chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump là người đi đầu.

 

 

Tại sao các cuộc đàm phán lại kéo dài suốt 7 năm mà vẫn chưa hoàn tất ?

 

Ý tưởng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được đề xuất vào tháng 11/2012 và các cuộc đàm phán được khởi động vào năm 2013, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và sáu đối tác thương mại lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Đúng là ban đầu các nước tham gia dự kiến ký kết Hiệp định vào năm 2015, nhưng RCEP đã bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, chẳng hạn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc.

 

Mặc dù kéo dài suốt 7 năm, nhưng cũng cần nói rõ là trong năm 2019, các cuộc đàm phán đã có nhiều tiến triển, trong bối cảnh Mỹ - Trung có xung đột kinh tế. Việc tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi năm 2017 cũng là một động lực khiến các cuộc đàm phán được đẩy nhanh hơn. Kỳ đàm phán lần thứ 28 đã được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, hồi cuối tháng 09/2019, nhằm giải quyết những vướng mắc kỹ thuật đang tồn đọng. Trong tháng qua, Thái Lan tiết lộ là việc đàm phán đã hoàn thành được hơn 80%.

Trang mạng ASIA Nikkei hôm 02/11 cho biết trong cuộc họp bộ trưởng RCEP được tổ chức vào ngày 11-12/10/2019, cũng tại Bangkok, Thái Lan, đoàn đàm phán của 16 nước đã thống nhất được 20 chương hiệp định. Đối với 6 chương còn lại, 16 nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là về các quy tắc cạnh tranh thương mại và các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của RCEP.

 

 

Hiện nay rào cản lớn nhất để hoàn tất các cuộc đàm phán là gì?

 

Có thể nói rào cản lớn nhất đối với hiệp định chính là Ấn Độ, hiện vẫn lo ngại khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất sẽ ồ ạt tràn vào thị trường Ấn Độ, gây tác động tiêu cực cho sản xuất nội địa, nhất là các ngành kim loại, dệt may, sản xuất sữa và điện thoại di động. Gần đây, New Delhi đòi thay đổi hiệp định, muốn có nhiều biện pháp bảo vệ hơn do lo sợ thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Đương nhiên, điều này gây khó chịu cho Bắc Kinh. Còn nhà phân tích kinh tế của Ngân hàng phát triển châu Á, Jayant Menon, nhấn mạnh « nỗi sợ Trung Quốc » là điểm chung của nhiều nước, chứ không riêng gì Ấn Độ.

 

Có mặt tại Bangkok tham dự thượng đỉnh, thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố muốn mở rộng phạm vi hiệp định RCEP sang cả lĩnh vực dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa sản xuất. Về dịch vụ, Ấn Độ là một trong những nước đi đầu khu vực. Ông Modi cũng muốn thay đổi hiệp định theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ.

 

Mặc dù rất muốn ký kết RCEP, nhưng thủ tướng Modi đang chịu sức ép từ dư luận trong nước do dân chúng lo ngại hàng hóa Ấn Độ bị hàng giá rẻ Trung Quốc “lấn át”. Theo AFP, nông dân Ấn Độ đã lên kế hoạch biểu tình trên toàn quốc đúng vào hôm nay 04/11 để yêu cầu thêm nhiều điều khoản đảm bảo quyền lợi cho họ. Nhiều nông dân Ấn Độ hôm thứ Bảy 02/11 biểu tình đòi hỏi chính phủ rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP.

 

Một nguồn tin thân cận với đoàn đàm phán Ấn Độ tiết lộ tuần vừa rồi New Delhi đã đưa ra những đòi hỏi “rất khó đáp ứng”. Nhiều nước ASEAN nhắc đến khả năng một hiệp định RCEP thiếu vắng Ấn Độ. Tuy nhiên, bộ trưởng Thương Mại Thái Lan hôm qua 03/11 cho biết là Ấn Độ vẫn chưa rút khỏi RCEP và các cuộc đàm phán RCEP vẫn đang diễn ra. Còn bộ trưởng Thương Mại và Công Nghiệp Philippines, Ramon Lopez, nhấn mạnh : « Chúng tôi muốn Ấn Độ tham gia. Đây là một nền kinh tế lớn. Chúng tôi đã cùng nhau bắt đầu (các cuộc đàm phán) và sẽ cùng nhau hoàn tất ».

 

 

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì riêng đối với Bắc Kinh, RCEP chắc chắn có ý nghĩa đặc biệt ?

 

Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc sớm hoàn tất đàm phán về RCEP có ý nghĩa sống còn. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm hàng trăm tỉ đô la. Kinh tế Trung Quốc đang cần được thổi một làn gió mới. RCEP sẽ làm được điều đó. RCEP cũng tạo cơ hội cho Trung Quốc có thêm ảnh hưởng đối với nhiều nước châu Á do nước Mỹ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một đối trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.

 

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì nhiều chính sách bảo hộ riêng của mình, nhưng ký kết RCEP sẽ là công cụ để Trung Quốc thể hiện với thế giới là Bắc Kinh đang giương cao ngọn cờ thương mại tự do, trái ngược lại với Hoa Kỳ thời Donald Trump.

 

Năm nay, tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự thượng đỉnh ASEAN, chỉ cử bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien thay ông dự ASEAN. Đây có thể coi là phái đoàn cấp thấp nhất của Mỹ từ trước đến nay đến dự các thượng đỉnh của ASEAN, thậm chí còn thấp hơn so với phái đoàn của Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2018, chủ nhân Nhà Trắng cũng không dự thượng đỉnh ASEAN, nhưng phó tổng thống Mike Pence đã đại diện cho nước Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, việc hai năm liền Donald Trump từ chối dự thượng đỉnh ASEAN chắc chắn không làm hài lòng các quốc gia Đông Nam Á.

 

Thêm một dấu hiệu cho thấy Washington đang “để ngỏ sân chơi” cho Bắc Kinh trong khu vực. RCEP như vậy sẽ càng tạo cơ hội cho Trung Quốc mở mang ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Donald Trump chỉ mải mê “Nước Mỹ là trên hết”. Nói cách khác, RCEP được coi là phương tiện để Trung Quốc khẳng định sự thống trị thương mại của mình ở châu Á sau khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, góp phần làm giảm vị thế của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

 

Juan Sebastian Cortes-Sanchez, nhà phân tích chính trị có văn phòng tại Singapore, nhận định với AFP là nếu được ký kết, RCEP sẽ là “một cú đánh khác” cản trở Hoa Kỳ trong quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Nước hưởng lợi nhiều đương nhiên vẫn là Trung Quốc.

 

                                                   ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ASEAN - ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC

Thượng đỉnh ASEAN : Ấn Độ do dự về sáng kiến RCEP của Trung Quốc

 

ASEAN - KINH TẾ

Hiệp định RCEP : Trung Quốc đánh bật Mỹ về kinh tế khỏi Đông Nam Á

 

ASEAN - TRUNG QUỐC

ASEAN loan báo đạt « tiến bộ » về RCEP, dự án mậu dịch với Trung Quốc

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats