Friday, 1 March 2013

TUYÊN BỐ của CÁC CÔNG DÂN TỰ DO ủng hộ NHÀ BÁO NGUYỄN ĐẮC KIÊN (RFA, VOA, BBC)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-02-28

Tán đồng

Những người ký tên vào Lời Tuyên bố là những blogger, nhà báo, nhân sĩ, sinh viên… Nội dung của Lời tuyên bố cho biết họ sát cánh với nhà báo Nguyễn Đức Kiên; đồng thời kêu gọi những công dân khác cùng sác cánh với họ nêu ra 5 tuyên bố.

Thứ nhất họ không chỉ muốn bãi bỏ điều 4 qui định về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mà cũng như trong bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là muốn tiến hành một hội nghị lập hiến. Từ đó lập ra một hiến pháp mà họ cho là thực sự phản ánh ý chí của toàn thể người dân Việt Nam. Nhóm cũng nói họ ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, tiến bộ và vì hòa bình. Nhóm cũng ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập; tăng tính tự trị cho các địa phương , xóa bỏ những tập đoàn quốc gia làm tiêu tốn ngân sách nhà nước… Nhóm cho rằng họ có quyền tự do được tuyên bố những điều như vừa nêu không ai có thể tước đoạt quyền đó của họ.

Blogger Gió Lang Thang, một trong nhóm những người ký tên đầu tiên trình bày lại lý do tham gia Lời Tuyên bố của các Công dân tự do:
“Những điều trong bài viết của anh Nguyễn Đắc Kiên được đưa lên mạng thì mọi người đều cho đó là việc thể hiện quyền con người, tự do cá nhân, tự do ngôn luận. Ai cũng có những quyền như vậy. Nhưng sự việc mà anh ấy bị cơ quan chủ quản, tổng biên tập báo cho nghỉ; đó là một sự vi phạm các quyền đó một cách trắng trợn.
Những điều anh ấy nói, phát biểu là đóng góp cho kiến nghị mà các cơ quan truyền thông, đài báo chính thống của Nhà nước tuyên truyền mọi công dân có quyền nói lên tiếng nói của mình; như vậy anh ấy làm việc đáng ra được khích lệ nhưng vì những lời phát biểu của anh ấy không theo định hướng của Đảng, không theo ý muốn của các nhà lãnh đạo của Đảng nên anh ấy bị như thế.
Việc ký tên vào bản tuyên bố của Các Công dân Tự do như em nhằm ủng hộ tinh thần và thể hiện thái độ của mình, các quyền tự do của mình.”

Một blogger khác là ông Huỳnh Công Thuận tại Sài Gòn nêu lại thực tế trong việc người dân góp ý cho cơ quan chức năng tại Việt Nam trong thời gian qua:
“Đã nhiều chuyện lắm rồi; nhưng vừa qua người ta đưa ra yêu cầu toàn dân góp ỷ sửa đổi hiến pháp. 72 nhân sĩ, trí thức đã đưa ra bản góp ý, và đến Quốc hội để trình đàng hoàng rồi. Chúng tôi cũng ủng hộ việc đó. Bây giờ đến trường hợp của anh Nguyễn Đắc Kiên quá nặng rồi. Người ta góp ý thực sự, công khai, ‘nhẹ nhàng, êm thắm’; người ta dùng quyền công dân để nói thì lại bị trù dập, trù ém một cách có thể nói theo từ bình dân là ‘đê tiện, hèn hạ’ quá. Thành ra tôi không thể chịu được trò đó nữa.”

Tác động

Tuy nhiên theo blogger Gió Lang Thang thì việc đưa ra lời tuyên bố ủng hộ cho nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đó cũng có thông điệp nhắn gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam:
“Việc sửa đổi hiến pháp phải tôn trọng quyền lập pháp của người dân. Mọi người dân đều có quyền được đóng góp và phải được tôn trọng.Việc sửa đổi hiến pháp đó phải vì quyền lợi của nhân dân, chứ không phải vì giữ gìn một ‘chính thể, chính đảng’ đang nắm giữ quyền lực, và dùng quyền lực đó để bắt mọi người, mọi công dân phải im miệng, phải nghe theo những điều mà Đảng Cộng sản, những nhà lãnh đạo Nhà nước hiện tại muốn làm.”

Blogger Huỳnh Công Thuận tại Sài Gòn cũng nói đến tác dụng có lợi của việc lên tiếng lâu nay của nhiều tầng lớp người dân trong các vấn đề của đất nước nhất là đợt góp ý sửa đổi hiến pháp năm 1992 hiện nay:
“Dù theo chiều hướng nào cũng có lợi. Nếu theo chiều hướng tích cực, người ta có nghe, có sửa đổi thì tốt; còn nếu người ta đàn áp mạnh thêm nữa cũng tốt thôi. Ví dụ bản thân tôi bị theo dõi bao nhiêu năm nay, bị những trò ‘dơ bẩn’ đối với tôi rồi, bây giờ làm thêm nữa có sao đâu. Cũng dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của đất nước này chứ có hại gì lắm đâu. Điếu Cày bị tù 12 năm, Tạ Phong Tần 10 năm, rồi những người ở Bia Sơn có gì đâu mà tù chung thân!
Theo tôi thì hai chiều hướng: tích cực cũng tốt mà tiêu cực cũng tốt. Lúc trước chúng tôi góp ý, kiến nghị; qua giai đoạn bây giờ chúng tôi lại tuyên bố, và chúng tôi đưa ra tố cáo những sự việc mà nhân danh công an làm những chuyện phi pháp về hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi không xin xỏ, không khiếu nại nữa. Rõ ràng đó là một bước dài, phải mười mấy năm mới được như vậy.
Chúng tôi từng kêu gọi người dân có quyền lập hiến. Đầu năm vừa rồi chúng tôi dựng biểu ngữ kêu gọi người dân có quyền lập hiến. Đó là quyền ở tất cả các nước. Lập hiến là quyền của công dân chứ không phải của một đảng phái nào!”

Trong thời gian gần đây những người có tâm huyết với vấn đề đất nước đã cùng nhau đưa ra những bản kiến nghị tập thể nêu ý kiến giúp mang lại những thay đổi tốt đẹp cho đất nước, cũng như ủng hộ cho những người dám công khai bày tỏ chính kiến và bị nhà cầm quyền trù dập.
Việc làm đó đang lớn dần và có thể nói là một phong trào mà nhiều người biết đến đều ủng hộ.

Tin, bài liên quan





---------------------------------------------------------------------------------------------------------


28.02.2013

Cộng đồng những người sinh hoạt net và các blogger Việt Nam đang truyền tay nhau ký tên vào bản Tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ đối với một nhà báo trẻ vừa bị đuổi việc vì chỉ trích lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.


Ký giả Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia đình và Xã hội bị đe dọa truy tố và bị đuổi việc hôm 26/2, chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi viết bài blog thẳng thắn phản biện trước phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong lời phát biểu được truyền hình toàn quốc hôm 25/2, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói những kêu gọi thay đổi điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội là biểu hiện của sự “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” cần phải xử lý.

Trong bài blog phản hồi, ký giả Kiên viết rằng tuyên bố của ông Trọng chỉ là ý muốn của riêng ông và của đảng cộng sản, chứ không phải của toàn dân. Nhà báo Kiên nói anh mong muốn bỏ điều 4 Hiến pháp, muốn đa đảng, dân chủ tại Việt Nam.
Bản lên tiếng mang tên “Lời Tuyên bố Công dân Tự do” được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội ngày 28/2 đã thu hút nhiều người ký tên chỉ vài giờ sau khi xuất hiện.

Bản Tuyên bố lặp lại những nguyện vọng mà ký giả Kiên trình bày trong bài phản biện, bao gồm một thể chế chính trị tam quyền phân lập và phi chính trị hóa quân đội tại Việt Nam.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người tham gia ký tên đầu tiên, nói về thông điệp chính của bản Tuyên bố này:

“Kêu gọi sự thay đổi cơ chế chính trị của đất nước để đưa đất nước tiến lên, không bị trì trệ nữa. (Chúng tôi) đòi hỏi một thiết chế dân chủ cho đất nước vì bao nhiêu người đã hy sinh để đấu tranh cho điều đó. Ngay cả ông Hồ Chí Minh hồi trước đã nói là đấu tranh cho sự độc lập, tự do, và một chế độ dân chủ, mà từ hồi đó tới giờ vẫn chưa có. Tới thế kỷ thứ 21 rồi mà mấy chục năm qua Việt Nam vẫn chưa đạt được một thiết chế dân chủ, chưa có được một nhà nước thật sự ‘do dân, vì dân’. Cho nên, thông điệp của bản Tuyên bố này nói lên điều đó. Anh Kiên, chính anh Kiên nói ra điều đó và đã đồng cảm với tất cả mọi người cho nên được sự hưởng ứng của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Chuyện này là do các bạn trẻ khởi xướng.”

Một blogger trẻ có bút danh Trầm Tử cho rằng bản Tuyên bố có thể không có tác dụng gì đối với nhà cầm quyền, nhưng là một sự đánh động, kêu gọi quan tâm của mọi người, nhất là giới trẻ, về trách nhiệm với tình hình đất nước:

“Một bản lên tiếng như vậy, mình nghĩ, dù có đến tay những người cầm quyền đi chăng nữa thì họ cũng không có phản ứng gì tích cực đâu. Cái này là một thông điệp cho giới trẻ, nhất là những công dân mạng. Ngoài cuộc sống thực tế, việc lên tiếng rất khó khăn. Cho nên, cộng đồng mạng như một mối dây liên kết mang thông điệp chung đến giới trẻ và thức tỉnh giới trẻ trong điều kiện đất nước đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong cái khó khăn đó, những sự liên kết như vậy tạo thêm sức mạnh và thêm cơ hội để Việt Nam có thể có một thay đổi tích cực nào đó trong tương lai.”

Những người ký tên khẳng định công dân Việt Nam có quyền tuyên bố đòi hỏi những thay đổi dân chủ vì đó là hành xử quyền cơ bản của con người bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do bày tỏ tư tưởng. Họ nói những quyền này “mỗi người sinh ra tự nhiên đã có”, “không phải do đảng cộng sản ban cho”.

Vẫn theo bản Tuyên bố, những người nào chống lại các quyền này là “phản động”, “đi ngược lại với lợi ích của nhân dân” và “xu hướng tiến bộ của nhân loại”.

Những người ký tên trong Lời Tuyên bố Công dân Tự do nhấn mạnh họ “sát cánh bên nhà báo Nguyễn Đắc Kiên”.

Phản hồi trước sự ủng hộ này, ký giả Kiên bày tỏ cảm nghĩ:

“Hai hôm nay tôi đã được sự hỗ trợ tinh thần rất to lớn từ phía cộng đồng blogger cũng như những người bạn trên Facebook. Những chia sẻ của họ làm cho tôi vững tin hơn. Tôi thật sự bất ngờ về chuyện đó. Nó hơn những gì tôi suy nghĩ về cái ý thức dân chủ-tự do ở Việt Nam. Đó là một trong những điều ngoài sự mong đợi của tôi.”

Cộng đồng cư dân mạng Việt Nam kêu gọi mọi người biến “Lời Tuyên bố Công dân Tự do” thành cầu nối liên kết người dân Việt đấu tranh vì nền dân chủ cho đất nước.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 11:12 GMT - thứ sáu, 1 tháng 3, 2013

Lại xuất hiện trên mạng ‘lời tuyên bố của các công dân tự do’, theo sau vụ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên mất việc vì phê phán Tổng Bí thư Đảng Cộng sản.
Văn bản, nay đã có hơn 800 chữ ký, nói: “Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà chúng tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.”
 “Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ,” lời tuyên bố viết.
Bản thân ông Nguyễn Đắc Kiên có thư ngỏ giải thích vì sao ông ủng hộ nhưng chưa ký vào bản tuyên bố.
“Cụm từ ‘sát cánh bên nhà báo Nguyễn Đắc Kiên’, khiến tôi ngại ngùng khi ký vào bản ‘Tuyên bố Công dân Tự do’.”
“Tôi sẽ gửi thư đề nghị các bạn khởi xướng bỏ cụm từ đó đi, để tôi được ký tên mình, cùng với hàng nghìn, triệu đồng bào.”
Ông Kiên giải thích thêm: “Mỗi người chúng ta không sát cánh cùng anh Kiên hay bất cứ người nào khác, chúng ta ký tên vì chính chúng ta, vì tổ tiên ngàn đời, vì con cháu tương lai. “
Trong lá thư dài, ông Kiên đặt ra vấn đề “tha thứ và hòa giải” vì ông tin rằng “nhiều người, kể cả trong đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay có thể đảm nhận tốt vị trí trong Chính phủ lâm thời để giữ vững sự thống nhất quốc gia trong giai đoạn chuyển giao”.
Ông Nguyễn Đắc Kiên, phó phòng, biên tập viên trang báo mạng của báo Gia đình & Xã hội bị buộc thôi việc phản đối lập luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự 'suy thoái'.
Từ một người ít được biết đến, ông bỗng trở thành cái tên được nhắc nhiều những ngày gần đây.

Sửa đổi Hiến pháp
Bản tuyên bố mới nhất lấy cảm hứng từ Nguyễn Đắc Kiên được đưa ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản muốn kiểm soát quá trình góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Quốc hội Việt Nam đang tổ chức đợt lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong ba tháng, từ 2/1-31/3/2013.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh cáo không được “chống phá Đảng, Nhà nước” trong quá trình góp ý Dự thảo Hiến pháp.
Ông Hùng là lãnh đạo chóp bu thứ hai, sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi ngăn chặn “lợi dụng” để “phá hoại” trong vấn đề Hiến pháp.
Một nhóm nhân sĩ, trí thức, gồm cả nhiều đảng viên và cựu quan chức, gần đây công bố Kiến nghị 72, nói dự thảo Hiến pháp “chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ”.
Kiến nghị này cũng nói: “Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ.
“Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy.”






No comments:

Post a Comment

View My Stats