Saturday, 30 March 2013

VỀ BUỔI RA MẮT SÁCH TRẦN PHONG VŨ TẠI VIRGINIA (Trịnh Bình An)




Trịnh Bình An
Posted on 25 March, 2013 by Van Han

Ngày 24/3/2013, Nhà Việt Nam vùng MD-VA-DC và Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã tổ chức một buổi ra mắt sách tại Virginia với sự hiện diện của một vị khách từ phương xa và cũng là người đồng điều hành Tủ Sách – ông Trần Phong Vũ.

Chiều Chủ Nhật cuối Đông, tiết trời đang ấm dần lên đột nhiên trở lạnh, thế nhưng bà con đồng hương vẫn vui vẻ đến tham dự đông đảo. Có khoảng 150 người, nhưng có thể hơn nữa vì nhiều người đứng đàng sau, nếu tất cả cùng ngồi xuống thì sẽ không còn ghế trống. Ban Tổ Chức đã khéo chọn một nơi thích hợp - Providence REcenter, một nhà sinh hoạt cộng đồng có vị trí thuận tiện gần lối rẽ từ xa lộ Beltway 495. Buổi ra mắt sách được tổ chức trong hội trường PC. Trần nhà cao với những khuôn cửa sổ lớn tạo một không gian sáng mát và thoáng đãng nhưng vẫn hết sức ấm cúng, thích hợp cho một sinh hoạt văn học trang nhã.

Ra mắt sách Trần Phong Vũ tại Virginia, 2013

Có thể nói đây là một buổi ra mắt sách với nhiều người bệnh!

Đó là lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Khanh – ông MC này đã phải đáp một chuyến bay vội từ Texas về cho kịp buổi ra mắt sách của người bạn quý. Người thứ nhất ngã bệnh là ông Nguyễn Cao Quyền – ông đã chuẩn bị một bài giới thiệu “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” công phu. Thật không may, ông Quyền đã phải vào bệnh viện vì bị stroke nhẹ. Bài của ông Quyền đã được ông Hoàng Song Liêm – một người gắn bó lâu năm với Tủ Sách - đọc thay.

Người thứ hai cũng đột nhiên bị bệnh là ông Lê Thiệp. Cả hội trường như chết lặng khi ông Thiệp cho biết đang phải điều trị bệnh ung thư gan thời kỳ chót. Ông Thiệp thú nhận đã từng phản đối ông Uyên Thao chuyện xuất bản sách vì lượng độc giả ngày càng thưa thớt đi. Nhận định của ông Thiệp không sai nhưng không sao lay chuyển được ý chí của một người nổi tiếng cứng đầu là Uyên Thao. Cuối cùng ông Thiệp đã thua, không những không cản được sự hình thành Tủ Sách mà chính ông đã phải trở lại với giấy bút để cho ra đời ba tác phẩm. Giờ đây, với căn bệnh ngặt nghèo, ông Thiệp vẫn đang miệt mài với cuốn thứ tư. Giọng ông Thiệp khao khao yếu, nhưng mọi người nghe rất rõ vì biết đó là những lời nói từ tận đáy tim.

Diễn giả thứ hai khá bất ngờ - ông Hoàng Khởi Phong. Trong hai năm qua ông Phong đã vắng bóng vì ông về nước sống. Ông Phong kể về lúc ông lập nhà xuất bản Bố Cái (1977). Lúc đó sinh hoạt văn học của người Việt tại Mỹ hãy còn thưa thớt, sách in ra không có nơi riêng để bán. Một hôm ông Phong thấy sách mình bày trong một tiệm tạp hóa, cạnh mấy hũ dưa cà, mắm muối; thế là ông nổi sung, bỏ không in sách nữa. Vả lại, công việc nặng nhọc của một người thợ tiện không cho phép ông dành nhiều thời gian cho chữ nghĩa. So với Tủ Sách, ông Uyên Thao tuy sức khỏe kém nhưng có thể dành toàn thời gian cho việc đọc, sửa và trình bày, nên dù khó khăn, Tủ Sách vẫn sống. Tính tới ngày hôm Tủ Sách đã xuất bản được 63 tác phẩm .

Sau hai tin dữ, mọi người nghe được một tin vui, đó là khi ông Phong cho biết tình hình Việt Nam hiện tại đang rất đáng hy vọng. “Trước kia là con đường dài 10 kilômét, nay chỉ còn dài độ trăm thước”, ông Phong nói, và những tác phẩm văn chương từ hải ngoại hơn bao giờ hết trở nên hết sức cần thiết . Chúng là vũ khí tiếp sức cho đồng bào đứng lên dành lại quyền làm chủ vận mệnh chính mình.

Phát biểu của ông Hoàng Khởi Phong như ngọn gió thổi bùng mối ưu tư của những người Việt xa xứ nhưng hằng quan tâm tới hiện tình đất nước. Chính mối ưu tư ấy đã đưa họ tới buổi ra mắt sách này, nơi cùng lúc giới thiệu 4 tác phẩm văn học mang đậm màu sắc đấu tranh: “Dạ Tiệc Quỷ” của Võ Thị Hảo, “Phiên Bản Tình Yêu” của Vũ Biện Điền, “Thú Người” của Herta Müller (bản dịch của Dương Hoàng Dung), và “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” của Trần Phong Vũ.

Không sợ quá lời khi bảo những tác phẩm ấy sẽ không ra đời nếu không có sự lèo lái khéo léo về mặt tài chính của ông Trần Phong Vũ. Thế nhưng ông Vũ không đến đây để kể lể những khó khăn của Tủ Sách. Ông cũng chỉ nói về cuốn sách của mình một lời ngắn gọn: “Cuốn sách ấy chỉ nhằm nhắn gởi những người lớn chúng ta một điều: rằng mình cần làm gì trong lúc này”. Ông Vũ dành nhiều thời giờ nói về hai tác giả trong nước là Võ Thị Hảo và Vũ Biện Điền, những người cầm bút dũng cảm, vì một khi họ đồng ý giao tác phẩm vào tay Tủ Sách tức là họ đã bất chấp mọi sự trả thù của nhà cầm quyền cộng sản.

Ông Vũ còn chia xẻ một sự hân hoan của ông và những người bạn ông là niềm vui khi được sự cộng tác của Dương Hoàng Dung – một người được đào tạo hoàn toàn dưới chế độ Việt Nam cộng sản. Thế nhưng sau khi vô tình đọc được những sách của TS Tiếng Quê Hương, Hoàng Dung đã bừng thấy sự thật để rồi quyết tâm ủng hộ Tủ Sách với bản dịch tác phẩm Nobel Văn Chương 2009 “Herztier”.

Với những ai từng nghe Trần Phong Vũ trên các đài phát thanh hay diễn đàn paltalk sẽ ngạc nhiên khi thấy ông già 80 này vẫn còn quá khỏe. Ông Nguyễn Văn Khanh kể rằng mỗi khi gặp ông Vũ, cả hai đều tranh luận rất sôi nổi, và người bị thua thường là ông Khanh. Với giọng nói sang sảng, dằn giọng ở những chữ cần nhấn mạnh, ông Vũ phát biểu dứt khoát và hùng hồn như một giáo sư trong giảng đường. Ông Khanh nói rất có lý vì tuy là một thông tín viên giọng tốt hơn người, ông Khanh vẫn còn phải thua ông Vũ vài decibel!

Một “giọng nam trầm” khác làm không khí thêm sâu lắng là của Uyên Thao. Do không nghĩ mình “bị” lên phát biểu nên ông đã không chuẩn bị. Hên cho ông, trong túi đâu có sẵn bài thơ, bèn lôi ra đọc. Bài thơ của một thi sĩ chết trẻ - Tủ Sách dự định sẽ in lại những thi bản của ông nay mai, đó là nhà thơ Quách Thoại.

Buổi ra mắt sách được điểm xuyết với bốn giọng ca du dương của Đèo Văn Sách, Sĩ Tuấn, Loan Phượng và Hoàng Cung Fa cùng tiếng nhạc do Chí Thành và Hùng DJ đảm trách. Ngoài ra, mọi người còn được thưởng thức những món ăn ngon miệng. Đây là một đóng góp thân thương của những thành viên Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn. Những phụ nữ trong tà áo dài, bận rộn bếp núc mà vẫn duyên dáng, không tiếng động mà đầy tận tụy ân cần.

Giọng nữ duy nhất cất lên trong buổi ra mắt sách là của bà Lê Thị Nhị. Thay mặt Tủ Sách Tiếng Quê Hương, bà cám ơn mọi người đến tham dự. Bà Nhị cũng kêu gọi sự tiếp tay bằng cách ghi danh làm bạn đọc dài hạn của Tủ Sách.

Buổi ra mắt sách lần này đáng gọi là một thành công.

Thành công ở đây là do được sự quan tâm ủng hộ của nhiều người: người tham dự, người mua sách, và người góp sức tổ chức. Tất cả đã đến không nhằm ăn ngon miệng, nghe bùi tai, mà đến vì trong lòng ít nhiều thôi thúc bởi một băn khoăn trăn trở - vận mệnh dân tộc.

Những người mua sách chiều hôm ấy vẫn biết mình rồi sẽ mang về nhà một thứ văn chương khó tiêu hóa - sách của Tủ Sách vẫn nổi tiếng “khó đọc”, thế nhưng, vẫn mua. Họ mang những cuốn sách ấy về nhà, nghĩa là, mang luôn theo tiếng kêu thống thiết của đồng bào ruột thịt, đó là một chia xẻ đáng quý.

Vì đáng quý nên được cảm kích. Võ Thị Hảo, trong bức tâm thư “Đôi Lời Cùng Bạn Đọc”, đã mở lời tâm sự:

Kính thưa quý bạn đọc,

Khi ngồi trước trang viết, tôi cứ nghĩ rằng, nghề viết, nói cho cùng, là đi nhặt nhạnh những mảnh tan tác của loài người và gắn chúng lại bằng việc cổ vũ con người nỗ lực cho nhân tính, công lý và tự do. Nghề viết có cao thượng chăng? Nếu có là ở chỗ người viết không man trá về những điều mình biết. (…) Có quá nhiều điều đã và đang xảy ra tại Việt Nam mà riêng việc lãng quên hoặc cố tình không nói đến nó cũng đã là tội ác (…)

Xin trân trọng cám ơn Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã đón nhận “Dạ Tiệc Quỷ” và đưa tác phẩm mà tôi dành nhiều tâm huyết này đến với công chúng. Xin cảm tạ các bạn đọc của tôi – những tri âm lặng lẽ mà tôi luôn hàm ơn”.

Và Nguyễn Đắc Kiên - nhà báo trẻ tuổi đã dám công khai chỉ trích phát biểu của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng – trong “Vài Lời Gửi Bạn Đọc” cũng có những giãi bày hết sức chân thành:

Tôi đã không thể cầm được nước mắt khi đọc tạp bút “Giấy Bút Lầm Than” của bác Uyên Thao. Tôi như thấy chúng tôi, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, hiện thân trong bác Uyên Thao, trong những phóng viên, biên tập viên của báo Sóng Thần ngày đó. Đó là một thứ mạch ngầm của tinh thần dân tộc, tinh thần tự do, gắn kết tất cả chúng ta, mà chẳng có sức mạnh khủng bố dã man nào có thể tiêu diệt nổi.

Đọc những áng thơ, văn của người Anh, người Pháp, người Đức … tôi thầm thán phục khi phát hiện ra những nội hàm triết học sâu xa trong ngôn ngữ của họ. Tôi khát khao một ngày nào đó, ngôn ngữ Việt mình cũng giàu mạnh như thế. Tôi cũng ấn tượng với những tủ sách đồ sộ trong nhà họ, trong thư viện của họ, và tôi ước một ngày nào đó mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một tủ sách, một thư viện như thế.

Vào cái ngày đó, chúng ta chẳng cần có một “lãnh tụ thiên tài”, “lãnh tụ vĩ đại” nào, dân tộc ta vẫn cứ hùng mạnh, vẫn cứ hiên ngang giữa năm châu mà chẳng một thế lực nào dám lăm le xâm chiếm. Vì lẽ đó, đôi khi tôi nghĩ rằng, hàng tỷ đôla kiều hối mỗi năm gởi về Việt Nam, nếu chuyển bớt thành sách vở, tri thức thì có lẽ sẽ tốt hơn.”

Sắp tới đây Tủ Sách sẽ cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Hãy Ngẩng Mặt” của Nguyễn Đắc Kiên. Nó có thể không là một tác phẩm văn chương – theo nghĩa văn chương thuần túy, nhưng chắc chắn, nó sẽ góp phần tạo nên cái tủ sách, cái thư viện ấy, để khẳng định rằng người Việt Nam không khuất phục, người Việt Nam đã từng sống, và, đã từng là Con Người Tự Do.

Ghi chú:

Nguyễn Văn Khanh – Giám đốc Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do (RFA)

Nguyễn Cao Quyền – Cựu thẩm phán ngành Quân Pháp QLVNCH. Tác giả “Việt Nam trong chiến tranh tư hữu”, “Việt Nam trong viễn tượng dân chủ toàn cầu”

Lê Thiệp – Cựu phóng viên báo Sóng Thần (Sài Gòn 1971-1974). Tác giả “Hồi ký Đỗ Lệnh Dũng”, “Chân ướt, chân ráo”, “Lững thững giữa đời”.

Hoàng Khởi Phong – Cựu sỹ quan QLVNCH. Tác giả: “Mặt trời lên”, “Thư không người nhận”, “Người trăm năm cũ”.

Trần Phong Vũ – Cựu giáo sư môn Quốc Văn Đệ Nhị Cấp tại các trường Lasan Taberd, Nguyễn Bá Tòng. Nguyên chủ bút nguyệt san “Diễn Đàn Giáo Dân” California. Tác giả “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II -Vĩ Nhân Thời Đại”, “Tuyển Tập Trần Phong Vũ”.

Uyên Thao – Cựu tổng thư ký báo Sóng Thần. (Sài Gòn 1971-1974). Tác giả “Trong ánh lửa thù”, “Gươm thiêng trấn quốc”, “Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960”, “Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900-1970”.

Lê Thị Nhị - Phó chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn (VLAC). Tác giả “Đôi mắt hoàng hôn”, “Sóng thời gian”.

Xem thêm: a href=http://www.youtube.com/watch?v=i0uUUzVYr50 target=new> “Tủ sách Tiếng Quê Hương với 3 tác phẩm mới”, Đinh Quang Anh Thái phỏng vấn Trần Phong Vũ, nguoi-viet.com

-----------------------------------------


Posted on 25 March, 2013 by Van Han

ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC
* Võ Thị Hảo

Kính thưa quý bạn đọc,

Khi ngồi trước trang viết, tôi lại cứ nghĩ rằng, nghề viết, nói cho cùng, là đi nhặt nhạnh những mảnh tan tác của loài người và gắn chúng lại bằng việc cổ vũ con người nỗ lực cho nhân tính, công lý và tự do.

Nghề viết có cao thượng chăng? Nếu có, là ở chỗ người viết không man trá về những điều mình biết.
Thực sự, loài người sinh ra nghề viết là để ru mình, cũng là để thức tỉnh mình, biết chống lại sự áp bức và để không bỏ rơi chính mình, để mình và đồng bào không trở thành giống vô loài.

Ngay tại thế kỷ XXI này, khi đa phần nhân loại đã tiến những bước rất xa trong việc thực thi nhân quyền và tự do cho mỗi người, thì điều cay đắng nhất là tại Việt Nam, mỗi chữ mỗi lời động đến sự thật đều có thể phải trả giá bằng tự do hoặc sinh mạng của người nói hoặc người viết.

Nhiều đồng bào của chúng ta đang bị tù đày, ám hại vì họ đã không cam tâm dối trá, thờ ơ trước vận mệnh nhân dân và đất nước.
Im lặng hoặc nô lệ là con đường gặt hái nhiều lợi lộc.
Nhưng văn chương vốn đối nghịch với sự nô lệ.
Người viết phải nhận về mình sự thách đố xây dựng nhân tính và tự do.

Nơi nào tiệc tùng văn chương thờ ơ giả trá, nơi đó người tử tế cần xa lánh.
Vì chốn ấy, đám văn nô cùng ca công vô loài rưới món nước sốt màu đỏ lòe loẹt che giấu những vết lở lói ung nhọt của xã hội.
Vén những chiếc khăn phủ bàn tiệc, sẽ thấy đầy rẫy xác chết của nhân dân do đám người ấy đã hùa theo gươm súng bạo quyền lừa mị, cướp đoạt và giết chóc họ.

Trong khi đó, với tư cách là người viết, muôn đời vẫn vậy, bắt buộc không thể im lặng trước sự thống khổ, máu lửa và những trại giam người vô tội...
Có quá nhiều điều đã và đang xẩy ra tại VN mà riêng việc lãng quên hoặc cố tình không nói đến nó cũng đã là tội ác.

Với những tâm niệm ấy, tôi viết tiểu thuyết “Dạ Tiệc Quỷ” và những tác phẩm khác.
Xin trân trọng cảm ơn Tủ sách “Tiếng Quê Hương” đã đón nhận “Dạ Tiệc Quỷ” và đưa tác phẩm mà tôi dành rất nhiều tâm huyết này đến với công chúng.

Xin cảm tạ các bạn đọc của tôi – những tri âm lặng lẽ mà tôi luôn hàm ơn.

* VÕ THỊ HẢO
19/3/2013

-----------------------------------
Posted on 25 March, 2013 by Van Han

VÀI LỜI GỬI BẠN ĐỌC
của NGUYỄN ĐẮC KIÊN

Thưa quý độc giả,

Trước hết, xin cho tôi gửi lời cảm ơn đến nhóm chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương, đặc biệt đến bác Uyên Thao, nhà văn Trần Phong Vũ, Đinh Quang Anh Thái, Minh Triết. Nhờ sự yêu mến và nhiệt tâm của các bác, các anh mà cuốn Hãy Ngẩng Mặt đã sớm đến tay độc giả.

Tôi chưa khi nào nghĩ rằng, mình sẽ trở thành nhà thơ, nhà văn. Những bài thơ, những bài viết đến với tôi, lúc ban đầu như là một lời tâm sự, như một cách thức chia xẻ, tâm sự — chia xẻ với chính mình, những trăn trở, suy tư, xúc cảm mà nếu nói ra với ai đó, đôi khi lại bị cho là ngớ ngẩn.
.......................

Nhưng sau đó, khi những bài thơ, bài viết của tôi dần được một số bạn bè thân thiết biết đến qua blog, facebook, tôi biết rằng, những trang viết của tôi, cũng có thể thức tỉnh, lay động những trái tim đồng cảm khác.
.......................

Tôi đã luôn để blog của mình ở chế độ public, nhưng tôi cũng chưa bao giờ cố tình phổ biến rộng rãi những bài thơ, bài viết của mình. Trong vô vàn nguyên nhân, có một nguyên nhân, đó là sự sợ hãi.

Những “cải cách ruộng đất”, những “nhân văn giai phẩm”, những “xét lại chống đảng”… có sức ám ảnh lớn hơn rất nhiều lần những gì người ta có thể tưởng tượng.

Tôi sinh năm 1983, những chuyện này tôi chỉ biết qua sách, báo, qua lời kể của những người đi trước, khi tôi đã lớn lên, đi học đại học, đi làm phóng viên. Nhưng đó không phải là tất cả về sự sợ hãi. Thực ra tôi và những người Việt Nam khác đã được tiếp xúc với những thứ đó sớm hơn rất nhiều. Tôi tin rằng, nỗi sợ hãi đó đã ám ảnh cha ông tôi và những người sống xung quanh tôi và di truyền tới tôi. Đó là một thứ vô thức không cầm nắm được, nhưng nó hiển hiện khắp nơi, đe dọa khắp nơi. Để khi người ta nhắc đến những cụm từ như: “phản động”, “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”… là tất cả vô thức đó lại ùa về mang biết bao mặc cảm, ám ảnh, dọa đe, run sợ.

Đó là sự sợ hãi mà tôi, không phải ngoại lệ, tôi cũng phải bước qua. Bản thân tôi cũng đã phải vượt qua sự sợ hãi, lần hồi bước qua từng giới hạn một của sự sợ hãi qua từng bài thơ, bài viết... Vì thế tôi hi vọng nó cũng có thể làm được điều tương tự với những người đọc nó.

Một dân tộc mà người dân luôn phải sống trong nỗi sợ hãi, trong những ám ảnh dọa đe thường trực thì có thể nào trưởng thành được không?

Tôi đã tự hỏi mình như thế khi đọc hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà:
Dân hai nhăm triệu, ai người lớ
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Tuy nhiên, tôi tin vào sự trường tồn của dân tộc chúng ta. Chúng ta đã mất mát quá nhiều và có thể còn mất mát nhiều thêm nữa, nhưng khi còn người Việt, còn một người mang dòng máu Việt trên trái đất này, dân tộc Việt sẽ vẫn còn.

Tôi thực sự xúc động khi nhìn bảng danh sách những người ký tên vào Tuyên Bố Công Dân Tự Do. Hàng nghìn người Việt từ khắp Mỹ, Đức, Pháp, Australia… không ai bắt buộc cả, nhưng họ đã ký tên vào đó, vì đơn giản trong mỗi người có dòng máu Việt Nam.

Tôi đã không thể cầm được nước mắt khi đọc tạp bút “Giấy Bút Lầm Than của bác Uyên Thao. Tôi như thấy chúng tôi, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, hiện thân trong bác Uyên Thao, trong những phóng viên, biên tập viên của báo Sóng Thần ngày đó. Đó là một thứ mạch ngầm của tinh thần dân tộc, tinh thần tự do, gắn kết tất cả chúng ta, mà chẳng có sức mạnh “khủng bố dã man” nào có thể tiêu diệt nổi.

Đọc những áng thơ, văn của người Anh, người Pháp, người Đức… tôi thầm thán phục khi phát hiện ra những nội hàm triết học sâu xa trong ngôn ngữ của họ. Tôi khát khao một ngày nào đó, ngôn ngữ Việt mình cũng giàu mạnh như thế. Tôi cũng ấn tượng với những tủ sách đồ sộ trong nhà họ, trong thư viện của họ, và tôi ước một ngày nào đó mỗi gia đình Việt Nam cũng sẽ có một tủ sách, một thư viện như thế.

Vào cái ngày đó, chúng ta sẽ chẳng cần phải có một “lãnh tụ thiên tài”, “lãnh tụ vĩ đại” nào, dân tộc ta vẫn cứ hùng mạnh, vẫn cứ hiên ngang giữa năm châu mà chẳng một thế lực nào dám lăm le xâm chiếm. Vì lẽ đó, đôi khi tôi nghĩ rằng, hàng tỷ đô la kiều hối mỗi năm gửi về Việt Nam, nếu chuyển bớt thành sách vở, tri thức thì có lẽ sẽ tốt hơn.
........................................

Tôi xin được dừng ở đây. Xin một lần nữa cảm ơn nhóm chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương, cảm ơn độc giả gần xa đã yêu mến.

Cầu mong sức khỏe, an lành cho tất cả chúng ta.

đất quê hương mỗi người có một,
đừng hỏi tôi ai bạn ai thù

Kính mến,

NGUYỄN ĐẮC KIÊN
18/3/2013




1 comment:

View My Stats