Thursday, 28 March 2013

HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐỎ & XÃ HỘI VIỆT NAM (Hoàng Tâm Nguyên)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 27 Tháng 3 2013 11:44

Xã hội Việt Nam đã vỡ nát đến tận cùng bởi luật rừng đang ngự trị. Các hành vi phạm pháp không chỉ diễn ra trong phòng kín xung quanh các hợp đồng đầu tư công, mà còn xuất hiện nhan nhản nơi công cộng ở mức độ nhỏ như: móc túi, cướp giật; ở phạm vi lớn như: tàn phá môi trường, vắt kiệt tài nguyên… Công chúng đều có thể thấy, nhưng đa phần đã làm ngơ vì ngại trăm bề hệ lụy. Có phải đa phần tấm lòng người Việt đã trơ lạnh hay còn gọi là vô cảm? Chắc chắn không phải vậy, bởi một dân tộc không thể có lịch sử hàng ngàn năm phát triển nếu chỉ sống bằng những trái tim đông cứng.

Lương tâm xã hội đang co lại
Niềm tin trong xã hội gắn liền với hệ thống luật pháp. Trong một không gian sống có quá nhiều rủi ro, lương tâm con người đã co rút lại. Cuộc sống tại các đô thị Việt Nam đang thỏa hiệp với hành vi phạm pháp, làng quê – cội nguồn văn hóa dân tộc cũng khó mà đứng vững trước đại dịch khủng hoảng niềm tin vào pháp luật. Biểu hiện của thái độ coi thường pháp luật được biểu hiện qua nhiều con số. Chẳng hạn theo số liệu của Bộ Y tế, có năm do chấn thương vì tai nạn đường bộ đã làm 14.000 người chết và gây ra thêm 140.000 ca thương tích phải nhập viện (1). Trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 2.600 người chết vì tai nạn giao thông (2). Hoặc sau nhiều năm ồ ạt xuất khẩu dầu thô và than đá, trong vòng 10 năm nữa, Việt Nam sẽ nằm trong danh sách các nước thiếu năng lượng của thế giới (3). Hoặc liên quan đến quyền khởi kiện, kháng cáo của người dân, cả năm 2012 chỉ giải quyết được khoảng 60% đơn xin kháng nghị giám đốc thẩm (4).

Con người là một chủ thể có ý thức và tự do, nếu thường xuyên bị khinh miệt chà đạp thì không mấy ai có thể sống một cách có trách nhiệm trong xã hội được. Được tham dự các sinh hoạt công cộng và chính trị là một thứ quyền không thể tước bỏ của con người. Pháp luật xác lập những giới hạn an toàn để không ai được vượt ra khỏi ranh giới ấy mà làm tổn hại đến người khác hoặc cộng đồng. Đâu là giới hạn các tác động của đảng cộng sản (ĐCS) lên sinh hoạt xã hội và vận mệnh quốc gia?

Hiện nay, thực chất mối quan hệ giữa công dân và hệ thống công quyền là những liên hệ giữa bộ phận thống trị và tầng lớp bị trị. Giữa hệ thống công quyền và công dân không hề có bình đẳng trong thực thi pháp luật. Bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), quản trị xã hội bằng quyền lực nhà nước có được theo kiểu quyền lực tự phong, nhờ cướp được chính quyền mà có; chứ không là cơ chế biểu thị quyền lực của người dân.

Hiện trạng pháp luật đỏ
Xã hội Việt Nam đang bị quản trị bởi ĐCS, tổ chức chính trị này đã nhuộm đỏ hệ thống pháp luật. Ngay từ những văn bản pháp luật nền tảng như Hiến pháp 1992 (và cả Dự thảo 2013), mục đích cao nhất chính là bảo vệ đặc quyền lãnh đạo của ĐCS, thay vì phải là bảo vệ quyền con người. Thông qua Hiến pháp đỏ, lằn ranh giữa thiểu số đảng viên cộng sản thuộc tầng lớp cai trị với đa số công chúng bị trị được phân định. Hệ thống pháp luật khập khiễng khiến đời sống xã hội bị phân mảnh và cô lập, đây chính là cơ sở phát sinh văn hoá bất tín nhiệm trong cộng đồng. Sự nhập nhằng giữa công cụ để áp chế với chức năng thực thi công bằng của hệ thống pháp luật đỏ đã khiến cho xã hội Việt Nam bị mất phương hướng trong việc phân định tốt và xấu, thiện và ác…

Pháp luật được xây dựng và hoàn thiện để duy trì đạo lý trong xã hội, hệ thống pháp luật được mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa” được tạo ra từ những đảng viên cộng sản và chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của đảng này và đã đánh mất tính chí công vô tư của pháp luật. Trong bộ máy chính trị hiện hành, nguyên tắc phân quyền – cơ sở cho mọi hoạt động của cơ chế nhà nước - hoàn toàn bị xóa bỏ. Vị thế độc lập khách quan của cơ quan tư pháp và toà án bị xóa bỏ. Đây không phải là một “lỗi hệ thống” có thể khắc phục, một khi cốt lõi của hệ thống là một thể chế sai lầm. Mô hình nhà nước pháp quyền XHCN là lố bịch vì trong thực tế thiếu cả hai trọng điểm: hành pháp chịu sự kiểm soát của tòa án và vai trò của Pháp viện Tối cao. Mô hình nhà nước pháp quyền XHCN là trò hoạt náo của gánh hát xiệc ĐCS, một khi hiến pháp chưa bao giờ được xem là một giá trị tối thượng. Tình huống trở nên càng trở nên nực cười khi vai trò lãnh đạo của ĐCS xuất hiện khắp trong các văn bản pháp quy, song không có bao nhiêu câu chữ quy định trách nhiệm của cái đảng ấy trước pháp luật. Chính quyền đương nhiệm sử dụng hệ thống pháp luật như tấm khiên che chắn lợi ích cục bộ băng nhóm. Khó có thể đặt niềm tin vào ngành tư pháp hiện hành; rộng hơn, vào một hệ thống công quyền chỉ có 0,1% số bản kê khai tài sản của cán bộ công chức nộp hàng năm được xác minh (5).

Niềm tin khó nảy sinh từ thói đả kích suông, chúng cần được tạo dựng mỗi ngày trong các hành động cụ thể. Tại sao, trong lúc những kẻ lưu manh tìm đến nhau để hoạt động theo băng nhóm thì nhiều người lương thiện chỉ biết đơn lẻ khản cổ kêu gào công lý. Dẫu có chân thành và nhiệt tâm đến tận cùng, liệu những tiếng nói lẻ loi giữa chợ đời kia sẽ có giúp tạo nên những thay đổi thiết thực cho hệ thống pháp luật Việt Nam hay không? Chẳng ai có thể tự cho mình đặc quyền được trách móc sự bàng quan của người khác. Tuy nhiên, trong quá trình sống một đời người đầy đủ nhân phẩm, ai cũng có một lương tâm để đối diện. Ta có thể lảng tránh hôm nay, ngày mai và thậm chí là ngày kia; nhưng cả đời ta không thể lảng tránh lương tâm mình.

Giải pháp cho vấn đề
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã bị thối rữa đến tận căn cốt. Một bản hiến pháp phản động đến mức không còn cơ may sửa chữa, trừ phi muốn thực hiện những chắp vá vô bổ. Nhà nước hiện hành là nhà nước cai trị, pháp luật đỏ được sử dụng như công cụ thúc đẩy xã hội phân rã, nhằm đáp ứng cho mục đích khống chế quốc gia bằng một thiểu số băng nhóm. Cỗ xe nhà nước pháp quyền XHCN do ĐCS cầm lái đã chở xã hội Việt Nam vào những năm tháng hỗn loạn, phi nhân bản. Nếu thiếu những ngăn chận kiên quyết, quốc gia này sẽ bị diệt vong trong một tương lai không xa.

Tuy nhiên, trong thực tế sẽ có bao nhiêu người ra tay chặn đứng các hành vi bất lương ấy? Anh? Chị? Hoặc ai sẽ dấn thân can thiệp hay để thử thách lòng tin vào con người của chúng ta? Và mai ngày, chúng ta sẽ dạy cho con cháu mình sống như thế nào để trở thành người công chính và lương thiện; trong khi kinh nghiệm sống của những người đi trước chỉ gồm những nỗi sợ hãi, thái độ lảng tránh trách nhiệm và cam chịu bất công? Mặt khác, trong bối cảnh chính quyền đương nhiệm không thực tâm muốn xây dựng và đổi mới đất nước, mọi nỗ lực thuần túy cá nhân sẽ vô ích, hệ thống luật pháp phi lý kia không ngần ngại nghiền nát họ. Để có thể sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh đầy cam go, nhằm bảo vệ quyền lợi người dân một cách hiệu quả rất cần một hệ tư tưởng chính trị hỗ trợ – Dự án chính trị Thành công thế kỷ 21 của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên khả dĩ đáp ứng được khát vọng này.

Hệ thống pháp luật đỏ không thể đưa đến những ổn định dân sự. Niềm tin của công chúng vào pháp luật chỉ có khi quyền lợi của các công dân thực sự được tôn trọng trước pháp luật; yêu cầu thiết thực này chỉ có thể chế dân chủ đại nghị mới có khả năng đáp ứng. Đổi mới chắc chắn sẽ xuất hiện qua với các nỗ lực của đồng bào và nhiều thành viên từ những tổ chức chính trị có đủ trình độ nhận thức, phẩm chất đạo đức cần thiết, hoạt động chuyên nghiệp và viễn kiến chính trị đúng đắn – mà Tập hợp Dân chủ Đa nguyên là một điển hình. Nhà nước dân chủ đa nguyên sẽ là trọng tài, phối hợp và thể hiện những nguyện vọng của xã hội dân sự. Nhà nước dân chủ đa nguyên Việt Nam được dựng lên từ những trái tim ái quốc, để phục vụ chứ không phải để khống chế các công dân của mình.

Ngày 27/03/2013,
Hoàng Tâm Nguyên

Chú thích:
(5) Trên tổng số 600.000 bản kê khai tài sản, các bản kê khai tài sản này vẫn còn là bí mật đối với công chúng.




1 comment:

View My Stats