Sunday, 31 March 2013

BÀI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN ĐẮC KIÊN tại VIRGINIA NGÀY 24/3/2013 (Nhà Việt Nam)




Posted on 25 March, 2013 by Van Han

VÀI LỜI GỬI BẠN ĐỌC
của NGUYỄN ĐẮC KIÊN

Thưa quý độc giả,

Trước hết, xin cho tôi gửi lời cảm ơn đến nhóm chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương, đặc biệt đến bác Uyên Thao, nhà văn Trần Phong Vũ, Đinh Quang Anh Thái, Minh Triết. Nhờ sự yêu mến và nhiệt tâm của các bác, các anh mà cuốn Hãy Ngẩng Mặt đã sớm đến tay độc giả.

Tôi chưa khi nào nghĩ rằng, mình sẽ trở thành nhà thơ, nhà văn. Những bài thơ, những bài viết đến với tôi, lúc ban đầu như là một lời tâm sự, như một cách thức chia xẻ, tâm sự — chia xẻ với chính mình, những trăn trở, suy tư, xúc cảm mà nếu nói ra với ai đó, đôi khi lại bị cho là ngớ ngẩn.
.......................

Nhưng sau đó, khi những bài thơ, bài viết của tôi dần được một số bạn bè thân thiết biết đến qua blog, facebook, tôi biết rằng, những trang viết của tôi, cũng có thể thức tỉnh, lay động những trái tim đồng cảm khác.
.......................

Tôi đã luôn để blog của mình ở chế độ public, nhưng tôi cũng chưa bao giờ cố tình phổ biến rộng rãi những bài thơ, bài viết của mình. Trong vô vàn nguyên nhân, có một nguyên nhân, đó là sự sợ hãi.

Những “cải cách ruộng đất”, những “nhân văn giai phẩm”, những “xét lại chống đảng”… có sức ám ảnh lớn hơn rất nhiều lần những gì người ta có thể tưởng tượng.

Tôi sinh năm 1983, những chuyện này tôi chỉ biết qua sách, báo, qua lời kể của những người đi trước, khi tôi đã lớn lên, đi học đại học, đi làm phóng viên. Nhưng đó không phải là tất cả về sự sợ hãi. Thực ra tôi và những người Việt Nam khác đã được tiếp xúc với những thứ đó sớm hơn rất nhiều. Tôi tin rằng, nỗi sợ hãi đó đã ám ảnh cha ông tôi và những người sống xung quanh tôi và di truyền tới tôi. Đó là một thứ vô thức không cầm nắm được, nhưng nó hiển hiện khắp nơi, đe dọa khắp nơi. Để khi người ta nhắc đến những cụm từ như: “phản động”, “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”… là tất cả vô thức đó lại ùa về mang biết bao mặc cảm, ám ảnh, dọa đe, run sợ.

Đó là sự sợ hãi mà tôi, không phải ngoại lệ, tôi cũng phải bước qua. Bản thân tôi cũng đã phải vượt qua sự sợ hãi, lần hồi bước qua từng giới hạn một của sự sợ hãi qua từng bài thơ, bài viết... Vì thế tôi hi vọng nó cũng có thể làm được điều tương tự với những người đọc nó.

Một dân tộc mà người dân luôn phải sống trong nỗi sợ hãi, trong những ám ảnh dọa đe thường trực thì có thể nào trưởng thành được không?

Tôi đã tự hỏi mình như thế khi đọc hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà:
Dân hai nhăm triệu, ai người lớ
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Tuy nhiên, tôi tin vào sự trường tồn của dân tộc chúng ta. Chúng ta đã mất mát quá nhiều và có thể còn mất mát nhiều thêm nữa, nhưng khi còn người Việt, còn một người mang dòng máu Việt trên trái đất này, dân tộc Việt sẽ vẫn còn.

Tôi thực sự xúc động khi nhìn bảng danh sách những người ký tên vào Tuyên Bố Công Dân Tự Do. Hàng nghìn người Việt từ khắp Mỹ, Đức, Pháp, Australia… không ai bắt buộc cả, nhưng họ đã ký tên vào đó, vì đơn giản trong mỗi người có dòng máu Việt Nam.

Tôi đã không thể cầm được nước mắt khi đọc tạp bút “GIẤY BÚT LẦM THAN của bác Uyên Thao. Tôi như thấy chúng tôi, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, hiện thân trong bác Uyên Thao, trong những phóng viên, biên tập viên của báo Sóng Thần ngày đó. Đó là một thứ mạch ngầm của tinh thần dân tộc, tinh thần tự do, gắn kết tất cả chúng ta, mà chẳng có sức mạnh “khủng bố dã man” nào có thể tiêu diệt nổi.

Đọc những áng thơ, văn của người Anh, người Pháp, người Đức… tôi thầm thán phục khi phát hiện ra những nội hàm triết học sâu xa trong ngôn ngữ của họ. Tôi khát khao một ngày nào đó, ngôn ngữ Việt mình cũng giàu mạnh như thế. Tôi cũng ấn tượng với những tủ sách đồ sộ trong nhà họ, trong thư viện của họ, và tôi ước một ngày nào đó mỗi gia đình Việt Nam cũng sẽ có một tủ sách, một thư viện như thế.

Vào cái ngày đó, chúng ta sẽ chẳng cần phải có một “lãnh tụ thiên tài”, “lãnh tụ vĩ đại” nào, dân tộc ta vẫn cứ hùng mạnh, vẫn cứ hiên ngang giữa năm châu mà chẳng một thế lực nào dám lăm le xâm chiếm. Vì lẽ đó, đôi khi tôi nghĩ rằng, hàng tỷ đô la kiều hối mỗi năm gửi về Việt Nam, nếu chuyển bớt thành sách vở, tri thức thì có lẽ sẽ tốt hơn.
........................................

Tôi xin được dừng ở đây. Xin một lần nữa cảm ơn nhóm chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương, cảm ơn độc giả gần xa đã yêu mến.

Cầu mong sức khỏe, an lành cho tất cả chúng ta.

đất quê hương mỗi người có một,
đừng hỏi tôi ai bạn ai thù

Kính mến,

NGUYỄN ĐẮC KIÊN
18/3/2013

------------------------------------


Posted on 25 March, 2013 by Van Han





1 comment:

View My Stats