Saturday, 30 March 2013

VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI TẠI VIỆT NAM QUA VỤ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN (Trương Nhân Tuấn)




Vendredi 29 Mars 2013

Vụ án Đoàn Văn Vươn đặt lại nhiều vấn đề về đất đai tại VN.

1/ Khu vực tạm gọi là « đất », trước khi được ông Vươn và gia đình khai thác đưa vào sử dụng, là một khu vực bãi bồi ven biển, thường xuyên bị ngập lụt và hàng năm chịu nhiều gió bão. Khu vực « đất » này không thuộc về bất lỳ loại đất nào đã được định nghĩa theo điều 11 bộ Luật đất đai năm 1993 hay điều 13 bộ Luật đất đai năm 2003. Nó không thể gọi là « đất trồng cây hàng năm » vì không thể trồng cây ; không thể gọi là « đầm nuôi trồng thủy sản » vì không thể nuôi trồng thủy sản ; cũng không thể gọi là « ruộng muối » vì không thể làm muối. Nếu dựa theo luật Hồng Đức ngày xưa thì khu vực bãi bồi này không thuộc diện « thổ » vì không thể xây nhà định cư, không thuộc diện « điền » vì không thể làm ruộng hay làm muối (diêm điền), cũng không thuộc diện « trạch », tức ao hồ để có thể để nuôi cá.

Trước khi giao khu vực bãi bồi này cho gia đình ông Vươn khai thác, theo tin tức báo chí đăng tải, «nhà nước cũng không dám khai thác khu vực này bởi vì khó khăn và nguy hiểm ».

Chiếu theo điều 50 bộ Luật đất đai năm 1993, vì tầm quan trọng về an ninh và quốc phòng, các bãi bồi ven biển thì do chính phủ quản lý.

Câu hỏi đặt ra, chính quyền địa phương có thẩm quyền để « giao đất » này hay không ? Đất được giao ở đây thuộc loại chủng nào ?

Ta thấy việc giao đất đã vi phạm luật lệ vì chính quyền địa phương không có thẩm quyền.

Dựa theo nghị định 64, (các loại đất sản xuất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối...) chính quyền địa phương « nâng cấp » « bãi bồi ven biển » chưa được phân loại, trở thành một loại đất được phân chủng loại, sau đó dựa vào tiêu chuẩn đất được phân loại để định giá cho thuê đất và đóng thuế sử dụng đất.

Việc nâng cấp đất này là một hành vi ép buộc, tự tiện, do đó không phù hợp qui cách pháp lý.

2/ Để biến khu vực « đất không thể sinh sống » và không thể phân loại chủng thành một khu vực xếp vào hạng « điền trạch » (tức vừa định cư vừa nuôi thủy sản), ông Vươn đã sử dụng kiến thức kỹ sư của mình để làm các việc sau :


a) Đắp một con đê dài 2 cây số để ngăn lũ lụt, (con đê này đem lại lợi ích cho nhiều gia đình lân cận, chứ không hẳn cho cá nhân ông Vươn). b) Trồng cây vẹt để giữ đất bồi đồng thời để che bão. c) Đổ đất, cát, đá... làm nền.

Làm các công trình (a) và (b) ông Vươn đã biến một vùng bờ biển hiểm nguy thành một cái « trạch » (đầm nước) có an ninh. Công trình (c) biến một góc « trạch » thành « điền » (đất trồng trọt) và « thổ » (đất xây cất). Sau 17 năm gầy dựng, ông Vươn đã tạo ra một « khu vực điền - thổ - trạch » có diện tích là 40 ha.

Nhà nước thâu hồi đất này dựa trên điều 6 Luật đất đai 2003, theo qui định khoản đ) « chuyển mục đích sử dụng đất » và theo các điều qui định ở mục 4.

Đặt giả thuyết : nếu « khu vực bãi bồi » đó không giao cho ông Vươn, tức vẫn còn là một vùng đầm lầy phủ sóng và luôn chịu gió bão, liệu nhà nước có qui hoạch hay lên kế hoạch sử dụng khu vực này hay không ?

Nếu câu trả lời là « không », nhà nước hôm nay vịn vào lý do gì để thâu hồi khu vực đất ấy ?

Nếu nhà nước giữ quyết định thu hồi đất, việc bồi thường cho gia đình ông Vươn sẽ tính toán như thế nào ? Mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của gia đình ông Vươn đã đổ xuống trong vòng 17 năm liên tục là vô giá, không thể không tính tới.


3/ Điều 12 bộ Luật đất đai qui định : Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ để « Khai hoang, phục hoá, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hoá vào sử dụng » (khoản 1)

Ông Vươn đã tin tưởng vào điều luật đó, đã đem kiến thức khoa học, tiền vốn và công sức để làm các điều mà nhà nước khuyến khích.
  
Vậy mà chính quyền địa phương ra quyết định thâu hồi trong khi thời hạn sử dụng chưa mãn.

Người ta không thể vừa có chủ trương « khuyến khích » lại vừa có chủ trương « thâu hồi ».

Trước đây nhiều Việt kiều đã áp dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để về VN kinh doanh, nhưng khi cơ ngơi được phát triển thì chính quyền địa phương (hay nhà nước ?) quyết định « thu hồi ». Lối khuyến khích của nhà nước là lối khuyến khích vỗ cho béo để làm thịt. Xúi mọi người nuôi gà con, khi gà con lớn lên sinh sản thành đàn, thì nhà nước ra quyết định « thâu hồi ».

Đây là chủ trương của một nhà nước mafia, của một đảng cướp chứ không phải là chủ trương của một nhà nước đúng đắn, chính danh.


4/ Về « tư điền » và sở hữu toàn dân :

Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, một tập tục ngàn năm của Việt Nam được lưu truyền từ đời này sang đời kia, đến trước thời xã hội chủ nghĩa :

« Nếu có người tự đem sức lực của mình khai khẩn những nơi rừng rú bỏ hoang, khi đã thành điền phải khai rõ, liền cho phép coi như là "bản bức tư điền". Chỉ nhà nước mới có quyền thu thóc tô, còn dân xã không được tranh ruộng tư ấy. Cái lệ ấy thành ra vĩnh viễn. »

Tức đất hoang mà người dân bỏ công khai phá, như trường hợp ông Vươn, sẽ thuộc vào loại « bản bức tư điền », tức sẽ trở thành ruộng riêng của ông Vươn (và con cháu sau này của ông).

Một trường hợp khai khẩn đất hoang ở nước ta, vào đầu thế kỷ 19, cần nhắc ở đây, là việc thành lập huyện Tiền Hải ở Nam Định của cụ Nguyễn Công Trứ. Huyện Tiền Hải trước kia vốn là một bãi đất bồi (bãi Tiền Châu), việc khai khẩn gọi là « doanh điền », do cụ Nguyễn Công Trứ hướng dẫn với sự ủng hộ của triều đình qua việc giúp đỡ tiền bạc và dụng cụ khai phá. Những người dân khai khẩn vùng đất mới bồi này, phần lớn được làm chủ các khoản đất do dọ tạo ra (gọi là tư điền) và có bổn phận đóng thuế cho nhà nước.

Dưới thời thực dân cũng thế, người dân nào khai khẩn đất hoang thì đất đó thuộc quyền sở hữu của người đó. Trong khi đó, chính quyền thực dân đã giúp đào kinh chằn chịt khắp nơi để cho dân xả nước phèn, biến một vùng đất phèn, đồng chua thành một kho lúa gạo to lớn của miền Nam hiện nay. Dưới thời VNCH, nhà nước cũng tổ chức các khu « doanh điền », lập « đồn điền » ở Tây Nguyên, khuyến khích dân khai khẩn đất hoang, giúp tiền bạc, xây cất nhà cửa cho dân định cư. Tất cả đất khẩn hoang cũng như nhà cửa đều thuộc quyền sở hữu vĩnh viễn của người dân.

Trong khi dưới thời XHCN, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng lại do nhà nước quản lý. TS Nguyễn Quang A đã đặt vấn đề « sở hữu toàn dân » hết sức thuyết phục. Ông « toàn dân » này là ông nào và chịu trách nhiệm pháp lý ra sao ?

Gia đình ông Vươn khai khẩn « khu vực đất » không hề được sự giúp đỡ của nhà nước xã hội chủ nghĩa, như trường hợp đất doanh điền ở Tiền Hải (dưới thời phong kiến), đất khẩn hoang ở Nam bộ (dưới thời thực dân) hay đất doanh điền, đồn điền ở Tây nguyên (dưới thời VNCH).

Nếu thời trước các nhà nước phong kiến, thực dân hay « tay sai bán nước Mỹ Ngụy » không trưng thâu đất, mặc dầu việc khai khẩn là có sự trợ giúp của nhà nước về tài chánh và công cụ, thì hôm nay, nhà nước XHCN không hề giúp điều gì cho ông Vươn, thì tại sao lại thâu hồi ?

Đạo lý nào cho phép chính quyền địa phương làm vậy ?

Hay là đạo lý của xã hội chủ nghĩa không chỉ đi ngược lại đạo lý giống nòi, mà còn kém xa tính nhân đạo của thực dân và của các chế độ phong kiến ngày xưa hay chế độ bóc lột kềm kẹp VNCH ngày trước ?

5/ Thủ tục thâu hồi đất, mâu thuẫn giữa XHCN và kinh tế thị trường :

Việc khai khẩn của ông Vươn là một « công trình », gồm nhiều phần : con đê dài 2km, rừng vẹt, đầm nuôi cá, đất trồng trọt và đất xây dựng nhà cửa. Công trình này bao gồm hai thành quả : vật chất và trí tuệ.

Theo hiến pháp và luật định, đất đai sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý. Nhưng vì có nền «kinh tế thị trường » và gia nhập WTO, do đó nhà nước VN phải tôn trọng các luật lệ do WTO qui định, (theo điều 3 khoản 2 bộ Luật đất đai 2003) trong đó có điều luật phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản cũng như sở hữu trí tuệ của tư nhân.

Nhà nước có thể thâu hồi đất mà bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ cùng sở hữu tài sản của ông Vươn ? Không giải quyết ổn thỏa là tạo ra sự xung đột giữa hai bộ luật (luật quốc tế và luật quốc gia) mà theo lẽ VN phải đặt luật quốc tế lên trên.

Mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn của nền « kinh tế thị trường » với định hướng « xã hội chủ nghĩa » đồng thời là mâu thuẩn giữa luật quốc gia với luật quốc tế.






1 comment:

View My Stats