Thứ bảy, 10/4/2021, 00:01
(GMT+7)
https://vnexpress.net/vu-khi-ban-do-4260714.html
Tôi đã đề nghị bạn bè quốc
tế dùng từ “biển Đông Nam Á” thay cho "biển Nam Trung Hoa". Họ đều đồng
ý.
Tôi mới tham gia thảo luận
rất sôi nổi trên diễn đàn mở của những người Việt làm nghiên cứu khoa học, gồm
các tiến sĩ, nghiên cứu sinh ở khắp nơi.Một bạn đang được tạp chí khoa học uy
tín mời phản biện cho công bố của các tác giả đến từ viện nghiên cứu tại Trung
Quốc. Anh phát hiện các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò
trong bài viết khi nội dung không liên quan đến lãnh hải. Những người khác cũng
trích dẫn nhiều công bố khoa học quốc tế đến từ Trung Quốc với hình ảnh tương tự.
Từ năm 2013, các nhà
nghiên cứu Trung Quốc đã đăng bài viết kèm thông tin, hình ảnh về đường chín đoạn
trên biển Đông trên các tạp chí quốc tế. Từ 2015, đường lưỡi bò xuất hiện trong
các nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khí tượng thủy văn, môi trường,
xây dựng, thương mại... đa số nội dung không liên quan đến biển hay chủ quyền.
Nói cách khác, cứ có cơ hội sử dụng bản đồ ở khu vực quanh biển Đông, họ sẽ gài
vào đó bản đồ có đường lưỡi bò.
Giới nghiên cứu khoa học
thường được cho rằng có cái nhìn khách quan, ít thiên kiến. Tuy nhiên, với hàng
trăm đường lưỡi bò trong các tài liệu khoa học trên Internet, chúng tôi nhận thấy,
phía Trung Quốc đã sử dụng đội ngũ trí thức như một lực lượng "dân quân biển"
trên mạng, nhằm hiện thực hóa và quốc tế hóa tham vọng của họ trên Biển Đông.
Những "bản đồ Trung
Quốc có vấn đề" - theo cách gọi của báo "Bưu điện Hoa Nam buổi
sáng" - trên website của các công ty đa quốc gia đang làm ăn tại Trung Quốc
đã bị cơ quan chức năng nước này yêu cầu sửa chữa. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho
biết, một số doanh nghiệp, nhãn hàng quốc tế hoạt động tại Trung Quốc đang sử dụng
trên website ở thị trường nước này dịch vụ bản đồ trực tuyến Baidu hoặc Google
maps phiên bản Trung Quốc, trong đó thể hiện đường 9 đoạn do Bắc Kinh đơn
phương vẽ ra để đòi yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông,
bất chấp luật pháp quốc tế.
Tôi và vài người bạn cùng
tra website tiếng Trung của loạt nhãn hàng nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton,
Saint Laurent, Burberry, Chanel hay Mercedes-Benz và phát hiện họ cũng đã đăng
bản đồ có đường 9 đoạn. Cả với ông lớn Google, năm 2010, các dịch vụ toàn cầu của
họ bị chặn trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, trừ dịch vụ tìm kiếm kèm theo bản đồ
Google phiên bản dành riêng cho Trung Quốc có đường 9 đoạn được phép hoạt động.
Cho tới hôm nay, ngoài phiên bản riêng đó, ta không tìm thấy đường lưỡi bò trên
bất cứ bản đồ nào của Google maps toàn cầu. Tương tự, tôi không tìm thấy đường
chín đoạn trong các website ngôn ngữ khác của những nhãn hàng kể trên.
Đứng ở góc độ kinh doanh,
các công ty đa quốc gia đến Trung Quốc để làm ăn, và tất nhiên, doanh nghiệp
nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận của họ ở mỗi thị trường. Giữa việc đăng bản
đồ theo yêu cầu của chính quyền sở tại và việc kinh doanh, tất nhiên họ khó mà
chọn đánh đổi doanh thu ở một thị trường lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể
thấy, việc chỉ đăng bản đồ này trên phiên bản tiếng Trung cho thấy các hãng
cũng hiểu rằng đường chín đoạn không được thừa nhận ở quy mô toàn cầu,
như phán
quyết của Tòa thường trực tại The Hague vào năm 2016.
Nếu xét về lợi ích kinh tế,
doanh thu của các nhãn hàng trên tại thị trường Việt Nam không thể so với doanh
thu của họ tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thu nhập tại thị trường Việt
Nam cũng khiến họ không thể xem "không có cũng được". Tại Trung Quốc,
vào năm 2019, H&M có 520 cửa hàng với doanh thu lên tới hơn 1.200 triệu
USD. Trong khi đó, thị trường Việt Nam có 12 cửa hàng với doanh thu khoảng 50
triệu USD. Trong khi H&M đang lao đao trên mặt trận toàn cầu, nhãn hàng này
vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh và đều ở thị trường Việt Nam.
Vì thế, ngoài những đấu
tranh của cấp nhà nước ở quy mô quốc tế, Việt Nam còn có thể yêu cầu mọi nhà đầu
tư đến Việt Nam thực hiện việc đăng bản đồ đúng, thể hiện thông tin đúng về chủ
quyền Việt Nam trong mọi hoạt động của họ trên lãnh thổ chúng ta.
Cụ thể, vẫn còn việc phải
làm ở đây. Việc sử dụng bản đồ Việt Nam và phiên bản chính thống của nó phải được
nhất quán bằng quy chuẩn chi tiết chung, được ban hành và giám sát chặt chẽ bởi
các cơ quan chức năng của nhà nước. Những quy chuẩn đó phải tường minh và mang
tính chế tài để mọi doanh nghiệp, tổ chức hoạt động tại Việt Nam hiểu rằng, bản
đồ Việt Nam luôn phải bao gồm dải đất hình chữ S và vùng lãnh hải, trong đó có
Hoàng Sa và Trường Sa.
Nghị định 18/2020 của
Chính phủ và Thông tư 17/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập việc xuất
bản các ấn phẩm bản đồ nhưng chưa quy định chi tiết về mức độ trích dẫn các bản
đồ ấy. Các quy định hiện hành đang áp dụng cho lĩnh vực sản xuất ấn phẩm bản đồ,
song chưa đề cập chi tiết và đầy đủ đến nhiều hình thức và mức độ sử dụng bản đồ
khác như việc doanh nghiệp thiết kế website nội bộ, hình ảnh đăng trên mạng xã
hội, các sản phẩm, tài liệu dùng trong công việc, in trên các đồ vật phi thương
mại... trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính vì vậy, hiện trong
rất nhiều tài liệu trên các phương tiện truyền thông và Internet, mạng xã hội,
bản đồ Việt Nam nhiều khi chỉ có dải đất hình chữ S, nhất là khi phần lãnh hải
không được đề cập; hoặc khi có phần lãnh hải thì phần thể hiện Hoàng Sa và Trường
Sa chưa toàn vẹn.
Trong khoa học phản biện,
việc nói rằng ai đó sai không hiệu quả bằng việc cho họ thấy điều đó đúng là thế
nào. Nói cách khác, khi chỉ có một thông tin đúng giữa muôn vàn thông tin lệch
lạc, một hệ thống các hành động chỉ rõ lẽ phải kèm bằng cớ sẽ giúp công chúng
tiếp nhận tốt hơn.
Hơn nữa, khi ai đó sử dụng
cách xâm
lấn lợi ích theo phương cách mà Joseph Goebbels - Bộ trưởng tuyên truyền
của phát xít Đức - khẳng định "một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ
mức sẽ thành sự thật", chúng ta càng cần những lý lẽ và luật lệ vững vàng,
cụ thể hóa và nhất là trực quan để giúp thế giới thấy lẽ phải của mình.
Tôi và các đồng nghiệp
làm khoa học đồng tình một giải pháp chung tạm thời. Với vai trò là người phản
biện các bài viết khoa học quốc tế, nhà khoa học Việt Nam có thể đưa ra yêu cầu
chỉ sử dụng hình ảnh có liên quan trực tiếp đến nội dung nghiên cứu và không đi
ngược với các phán quyết hay công ước quốc tế về chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh đó, cộng đồng
khoa học Việt Nam mạnh dạn sử dụng các thuật ngữ "biển Đông Nam Á"
trong các công bố khoa học hay trên truyền thông để giúp bạn bè quốc tế hiểu rằng,
"biển Nam Trung Hoa" là một cái tên từ góc nhìn phiến diện mà ra, giống
như "Tết Trung Hoa" - mà cách gọi chính xác phải là "Tết Âm lịch".
Tôi không cho rằng kêu gọi
tẩy chay sản phẩm của các công ty đa quốc gia nếu họ sử dụng bản đồ có đường 9
đoạn ở Trung Quốc là ý kiến hay. Thay vì một phản ứng ngắn hạn, chúng ta hoàn
toàn có thể khởi động một chiến lược bảo vệ lãnh hải của mình bằng hệ thống chứng
cớ, lý lẽ và hoàn thiện thêm các văn bản pháp luật, kêu gọi mọi người dân vận dụng
nó nhất quán trong và ngoài lãnh thổ của mình.
Một khi có sự thống nhất
cao trong tư duy và hành động của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, bạn
bè quốc tế và mọi đối tác làm ăn với Việt Nam sẽ nhận ra rằng: chủ quyền là một
giá trị mà người Việt không bao giờ đánh
đổi.
Võ Nhật Vinh
No comments:
Post a Comment