Friday 2 April 2021

VIỆT NAM CÓ THỂ. . . "CHƠI DAI HAI LƯỠI" (Trương Nhân Tuấn)

 



Việt Nam có thể… “chơi dao hai lưỡi”

Trương Nhân Tuấn

02/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/02/viet-nam-co-the-choi-dao-hai-luoi/ 

 

Tình hình Đá Ba Đầu những ngày đầu tháng Tư có vẻ “giảm nhiệt”, nếu ta tin tưởng rằng các tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc tụ tập khu vực này đã “tản ra ở một khu vực rộng lớn hơn”, như báo chí Phi đăng tin.

 

Đá Ba Đầu có tên quốc tế là Whitsun, tên Phi là Julian Felipe. Tên tiếng Hoa là Ngưu ách (tôi nghĩ chữ “ách” ở đây có nghĩa là cái ách làm bằng gỗ, hình chữ V, dụng cụ để kéo cày gắn lên cổ con trâu. Ta thấy hình dạng của bãi đá Whitsun có hình chữ V, giống như bộ xương hàm con trâu).

 

Theo tôi, rất có thể Trung Quốc đã tính toán được việc “lợi hại” nếu họ “ra tay” chiếm bãi ngầm này, vì họ thấy rằng vụ Đá Ba Đầu không “dễ ăn” nếu lặp các kịch bản cổ điển Hoàng Sa 1974, Gạc Ma năm 1988, Vành Khăn 1995, hay Scarborough 2012.

 

Người ta thường nại lý do “địa lý”, như bãi (san hô, cát, đá…) này gần Phi hơn, hay bãi này nằm trên thềm lục địa của Phi, để kết luận rằng, bãi (san hô, cát, đá…) đó thuộc chủ quyền của Phi.

 

Trên quan điểm công pháp quốc tế, điều này hoàn toàn sai. Thực tế cho thấy, nếu một bãi (san hô, cát, đá…) đó có một phần “nổi thường trực trên mặt biển”, cho dầu diện tích cực nhỏ, bãi đó được xếp vào diện “lãnh thổ” và một quốc gia có thể chiếm hữu hoặc tuyên bố chủ quyền.

 

Có rất nhiều trường hợp, một đảo, đá… ở kế cận một quốc gia nhưng lại thuộc chủ quyền của quốc gia khác.

 

Đá Ba Đầu, một thực thể địa lý “lúc chìm lúc nổi” tùy thuộc vào mực nước lên xuống của thủy triều. Đây không phải là một “lãnh thổ”, Trung Quốc  không thể chiếm hữu hay tuyên bố chủ quyền. Đá Ba Đầu sẽ phụ thuộc vào “thềm lục địa” (nếu nó thực sự là một thực thể địa lý lúc chìm lúc nổi) và các quyền của quốc gia về “thềm lục địa” được điều chỉnh theo Phần VI của bộ Luật Quốc tế về biển 1982 (UNCLOS 1982).

 

Chiếu theo các điều qui định của UNCLOS về “thềm lục địa”, Trung Quốc không thể tuyên bố “chủ quyền” ở một vùng thềm lục địa là Đá Ba Đầu.

 

Trung Quốc cũng không thể nại “quyền lịch sử” ở Biển Đông thể hiện theo bản đồ chữ U chín đoạn để tuyên bố “chủ quyền”, hay tranh giành với các quốc gia khác về “quyền chủ quyền” ở Đá Ba Đầu. Đơn giản “quyền lịch sử” không được luật quốc tế nhìn nhận và yêu sách “quyền lịch sử” theo bản đồ chữ U của Trung Quốc đã bị phán quyết 12 tháng Bẩy 2016 của Tòa PCA bác bỏ.

 

Nếu so sánh với các biến cố đã xảy ra ở Biển Đông, vụ Đá Ba Đầu có thể sánh với biến cố Gạc Ma tháng Ba năm 1988.

 

Đá Gạc Ma, cũng như Đá Ba Đầu, đều thuộc cụm đảo Sinh Tồn, cùng là các “thực thể địa lý lúc nổi lúc chìm”. Trên nguyên tắc, các thực thể này không phải là “lãnh thổ” để một quốc gia có thể chiếm hữu.

 

Trung Quốc đã mở cuộc “thảm sát” ở Gạc Ma đối với các chiến sĩ công binh tay không tấc sắt thuộc Hải quân VN để chiếm đoạt bãi đá này.

 

Trung Quốc thành công chiếm các bãi đá của VN, gồm 7 bãi: Gạc Ma và Tư Nghĩa (tức đá Huy Gơ, cách nhau 30km thuộc nhóm Sinh Tồn), đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi (thuộc nhóm Thị Tứ), đá Ga Ven (nhóm Ba Bình, Nam Yết)…

 

Làm việc này Trung Quốc đã vi phạm: Thứ nhứt nguyên tắc của Hiến chương LHQ về việc cấm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai chiếm hữu những thực thể địa lý thực chất thuộc về thềm lục địa, không phải là “lãnh thổ”.

 

Vấn đề là Việt Nam thời đó vốn là “tên xung kích sừng sỏ” của đế quốc đỏ Liên Xô. Sau 30 tháng 4 năm 1975, CSVN “say men chiến thắng”, đứng cùng phe với Liên Xô đe dọa nhuộm đỏ Đông Nam Á và bao vây Trung Quốc. Dư luận thế giới thời đó đứng về phía Trung Quốc, ngay cả các quốc gia Đông Nam Á.

 

Trung Quốc thành công chiếm các bãi đá của Việt Nam mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào về pháp lý hay về kinh tế lẫn quân sự.

 

Bây giờ thì khác. Nếu Trung Quốc lặp lại kịch bản Gạc Ma đối với Đá Ba Đầu, Trung Quốc sẽ gặp nhiều sự chống đối từ các quốc gia.

 

Thứ nhứt, Phi (hoặc Việt Nam) sẽ tức khắc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, có thể là Tòa Án về Luật Biển (ITLOS) hoặc Tòa Công lý quốc tế (ICJ), trước hết yêu cầu Tòa ra một “biện pháp phòng ngừa” nhằm ngăn chặn tức khác mọi hoạt động (chiếm đóng hoặc xây đảo) của TQ ở bãi Ba Đầu. Phi có thể yêu cầu Tòa tuyên bố đá Ba đầu thuộc về “thềm lục địa pháp lý” của Phi.

 

Trong trường hợp này Phi đứng ở thế mạnh, Trung Quốc vi phạm đủ thứ luật lệ. Phi lại có Mỹ và dư luận quốc tế “chống lưng”, với danh nghĩa “bảo vệ trật tự pháp lý”.

 

Nền tảng pháp lý của các quốc gia là phán quyết PCA 12 tháng 7 năm 2016, theo đó:

1/ Yêu sách “quyền lịch sử” theo đường chữ U của Trung Quốc bị bác bỏ.

 

2/ Các thực thể lúc chìm lúc nổi thuộc về thềm lục địa. Ngoài ra còn có:

 

3/ Trung Quốc không thể chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền ở một thực thể địa lý không phải là “lãnh thổ” như đá Ba đầu…

 

Cũng nên nhắc lại vụ tranh chấp giữa Tân Gia Ba và Mã Lai về chủ quyền của các đảo Pedra Branca/ Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge qua phán lệ của Tòa án Quốc tế (CIJ) ngày 23-5-2008.

 

South Ledge là một hòn đá lúc chìm lúc nổi, chỉ thấy khi thủy triều thấp. Tòa có nhắc lại tình trạng mơ hồ về tình trạng pháp lý của các cấu trúc địa lý này trong vụ án Qatar và Bahreïn. Dầu vậy Tòa phán rằng South Ledge thuộc lãnh hải nước nào thì sẽ thuộc chủ quyền của nước đó.

 

Ta thấy phán quyết 12 tháng Bẩy của tòa PCA đã khẳng định “tư cách pháp thể” của các thực thể “lúc chìm lúc nổi”. Các thực thể này thuộc về “thềm lục địa”.

 

Trường hợp Việt Nam thì “yếu” hơn Phi rất nhiều.

 

Việt Nam có thể yêu cầu tòa tuyên bố Đá Ba Đầu thuộc thềm lục địa của đảo Sinh Tồn Đông mà điều này là “chơi dao hai lưỡi”.

 

Trung Quốc có thể thừa dịp này để “giải phóng các đảo Trường Sa” do Việt Nam chiếm đóng bằng phương tiện pháp lý cũng như các phương tiện không hòa bình khác.

 

Nhà cầm quyền bảo hộ Pháp năm 1933 đã ra tuyên bố chủ quyền các cụm đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình (Itu-Aba), Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ cùng các “đảo phụ thuộc”.

 

Theo một phán lệ của quan tòa Max Huber về vụ kiện “quần đảo Palmas” trước Tòa Trọng tài năm 1928, chủ quyền một nhóm đảo tùy thuộc vào đảo chính. Ta có thể hiểu là, trong một nhóm đảo bất kỳ, bao gồm một đảo chính và các đảo phụ thuộc. Quốc gia nào có chủ quyền ở đảo chính thì cũng sẽ có chủ quyền ở các đảo phụ thuộc chung quanh.

 

Nhà nước bảo hộ Pháp đã cẩn trọng tuyên bố chủ quyền không chỉ ở các đảo chính mà còn nhấn mạnh ở các đảo phụ thuộc.

 

Nhưng chuyển sang thời CHXHCNVN, vấn đề hoàn toàn khác.

 

CHXHCNVN không hề kế thừa di sản nhà nước bảo hộ Pháp, cũng không kế thừa nhà nước tiền nhiệm quản lý Hoàng Sa và Trường Sa là VNCH.

 

Việt Nam bây giờ sẽ “đứng một mình”. Dư luận quốc tế, như các nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn hay các quốc gia Châu Âu… ủng hộ “trật tự pháp lý” mà điều này VN khiếm khuyết.

Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Văn kiện này cũng như nhiều bằng chứng khác của Việt Nam, như sách giáo khoa, bản đồ, các bài báo… nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Các dữ kiện (bằng chứng) này sẽ “bó tay” và “khớp miệng” tất cả các quốc gia muốn “chống lưng” Việt Nam.

 

Nhiều người cũng so sánh vụ Đá Ba Đầu với vụ Scarborough năm 2012. Nhiều người không ngần ngại phê bình Obama “yếu đuối” trước Trung Quốc.

 

So sánh hai vụ này là khập khễnh, so le. Bởi vì Scarborough là một “lãnh thổ”, một quốc gia có thể chiếm hữu. Còn Đá Ba Đầu thì không (vì nó thuộc thềm lục địa).

 

Điều cần tìm hiểu là đá Scarborough thuộc chủ quyền của nước nào?

 

Như trên có nói, yếu tố gần gũi địa lý không ảnh hưởng gì trong việc hành sử chủ quyền. Nhiều thí dụ cho thấy, một lãnh thổ dính liền, hay nằm trong một quốc gia khác, hoặc chỉ cách bờ biển quốc gia chừng vài chục thước, lãnh thổ này lại thuộc chủ quyền của một quốc gia khác.

 

Năm 1951 Chu Ân Lai, bên lề hòa ước San Francisco, tuyên bố rằng: “Quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Đông Sa, là lãnh thổ của TQ”.

 

Theo địa chí của Trung Quốc in trước năm 1935, bãi Scarborough được ghi bằng tên quốc tế, với ghi chú tiếng Hoa là “Nam Sa quần đảo”. Đến năm 1947 bãi này được đặt là “Dân Chủ đảo – Minzhu jiano”, thuộc về “Trung Sa quần đảo”. Đến năm 1983 thì bãi này lại đổi tên thàh “Hoàng Nham – Huangyan”, thuộc “Trung Sa quần đảo”.

 

Vấn đề là Phi đã “im lặng” trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

 

Tập quán quốc tế nhìn nhận thái độ im lặng của một quốc gia, trong trường hợp bắt buộc quốc gia phải lên tiếng, là thái độ “công nhận ngầm”.

 

Tức là, trước quan điểm luật học, thái độ im lặng của Phi về tuyên bố chủ quyền của TQ ở Trung sa, là hành vi “công nhận ngầm” yêu sách của TQ.

 

Ngoài ra các bản đồ đính kèm hiệp ước về lãnh thổ ký kết giữa Phi-Mỹ và Tây ban nha, lãnh thổ Phi được xác định cụ thể, gồm các đảo chính được bao bọc bởi một đường “biên giới trên biển”. Đường này loại trừ các đảo TS cũng như đá Scarborough.

 

Tức là, trên danh nghĩa pháp lý, Phi không có chủ quyền ở Scarborough.

 

Theo các tố cáo của phía Phi Luật Tân, TQ từ tháng 2 năm 2012, thường xuyên gây hấn với Phi. Thái độ mạnh dạn của quân đội Phi, nghĩ ràng sẽ được Mỹ chống lưng, qua việc gởi 2 phi cơ đến hiện trường đã khiến tàu của TQ rút lui. Tuy nhiên, sau đó, TQ đã huy động một số tàu đánh cá cùng hai tàu hải giám đến đóng trong vùng bể lặng của bãi. Hải quân Phi cho tàu chiến ra đuổi, phía TQ lớn tiếng hăm dọa, tàu chiến của Phi phải rút lui.

Người ta có thể trách Obama là “yếu”, nhưng thực tế pháp lý Mỹ không có lý do yểm trợ Phi.

 

Thứ nhứt, Hiệp ước an ninh hỗ tương Mỹ-Phi không bao gồm Scarborough. Điều này hoàn toàn khác với tương quan Mỹ-Nhật về đảo Senkaku (Điếu Ngư). Thứ hai, đây là một tranh chấp về lãnh thổ mà TQ đứng ở thế mạnh. Mỹ chưa bao giờ chính thức ủng hộ Scarborough thuộc chủ quyền của Phi.

 

Tức là chính quyền Obama không có lý do can thiệp, như “bảo vệ trật tự pháp lý” (trường hợp hiện nay ở Đá Ba Đầu) hay “ràng buộc do kết ước hỗ tương” (như với Nhật ở Senkaku).

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats