Friday, 2 April 2021

VIỆT NAM ĐÂU ĐẾN NỖI TUYỆT VỌNG ĐỂ PHẢI XIN XỎ VACCINE TỪ TRUNG QUỐC? (Jackhammer Nguyễn)

 



Việt Nam đâu đến nỗi tuyệt vọng để phải xin xỏ vaccine từ Trung Quốc?

Jackhammer Nguyễn

02/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/02/viet-nam-dau-den-noi-tuyet-vong-de-phai-xin-xo-vaccine-tu-trung-quoc/

 

Mỏ lithium lớn nhất thế giới ở Bolivia có khả năng về tay Nga nhờ vaccine Sputnik, các dự án “Vành đai – con đường” của Bắc Kinh có khả năng nhận được sự hợp tác nhiều hơn từ các nước Đông Nam Á, châu Phi… nhờ vaccine Trung Quốc!

 

Ngày 31/3/2021, báo Việt Nam đưa tin về cuộc nói chuyện diễn ra giữa ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế Việt Nam, với ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Ông Long đề nghị phía Trung Quốc “hỗ trợ vaccine Covid-19”.

 

Việc ông Long hạ mình với người Trung Quốc như vậy, làm cho nhiều người Việt Nam thất vọng, trong đó có một số người trước đây thấy rằng Việt Nam không đoái hoài gì đến vaccine Trung Quốc. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của ông Long, thì chúng ta phải làm gì? Những người như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam … là những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc chống dịch.

 

Thật ra, khi nói rằng, Việt Nam không đoái hoài gì về vaccine Trung Quốc cũng không sai, nhưng đó là lúc trước, khi Việt Nam vừa nhận được những lô thuốc từ chương trình Covax, Chương trình Tiếp cận Toàn cầu Vaccine Covid-19, dành cho những nước nghèo. Lúc đó chưa có chuyện Ấn Độ ách lại việc xuất khẩu vaccine, cũng như chưa xảy ra chuyện rắc rối về vaccine ở châu Âu như hiện nay, như việc hoài nghi vaccine AstraZeneca, Anh và các nước châu Âu hầm hè với nhau vụ chuyển thuốc qua lại…

 

 

Ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc đang thành công

 

Trong bài viết ngày 8/2/2021, đăng trên Tiếng Dân: Vũ khí Covid-19 của Trung Quốc và Nga trở nên hoàn hảo nhờ… phương Tây, tôi có nêu phân tích của một số nhà quan sát và báo chí Mỹ, rằng chính hệ thống y tế, bản quyền, cấu trúc xã hội của phương Tây,… là nguyên nhân có thể làm cho chuyện sử dụng vaccine để tấn công ngoại giao của Nga và Trung Quốc thành công, mặc dù việc sản xuất thuốc men của hai nước này không minh bạch.

 

Phân tích mới nhất về việc này, ngày 2/4/2021, hãng tin NBC có bài báo nói rằng, Nga và Trung Quốc đang thắng thế trong chuyện dùng vaccine để tấn công ngoại giao, lý do rất đơn giản là phương Tây không tham gia trò chơi này.

 

Có thể thấy, đại dịch tàn phá khủng khiếp hầu hết các nước trên thế giới. Mỹ và các nước châu Âu đang tìm cách chích ngừa cho toàn dân của mình, ngoài việc ngăn chặn virus giết thêm nhiều người nữa, vaccine còn giúp các nước ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội…

 

Với các nước nghèo, để có được vaccine chích ngừa cho toàn dân trong lúc này là chuyện khó có thể thực hiện được. Không chỉ thiếu tiền, mà cho dù có tiền cũng không thể mua được, vì vaccine được sản xuất có giới hạn. Chỉ vài công ty dược ở Mỹ và phương Tây, khó có thể sản xuất đủ số vaccine cho hơn 7,5 tỉ người trên trái đất này trong khoảng thời gian ngắn. Trung Quốc và Nga đang lợi dụng sự khó khăn này của các nước nghèo, sẵn sàng dùng vaccine làm vũ khí “tuyên truyền”, ép uổng để lôi kéo một số nước nghèo về phía mình.

 

Dự báo của một số cây bút quá nhiệt tình trong tinh thần chống Tàu Cộng đã không lường được, khi cho rằng ngoại giao vaccine của Bắc Kinh thất bại. RFA có hai bài nói về vụ này rất sớm, là bài: Thất bại của chính sách ngoại giao Vaccine Trung Quốc, đăng ngày 2/12/2020 và bài đăng ngày 28/12/2021, của tác giả Tôn Thất Bảo Quốc, nhận định: Chính sách “Ngoại giao vaccine” thất bại của Trung Quốc.

 

Những gì đang diễn ra, có thể thấy, Bắc Kinh và Moscow đang thắng thì đúng hơn. Không chỉ các nước nghèo ở Đông Nam Á, hay Brazil ở châu Mỹ Latin, mà một số nước Ả Rập giàu có, hay Hungary, Serbia… thuộc châu Âu, đều sử dụng vaccine của Trung Quốc.

 

Mỏ lithium lớn nhất thế giới ở Bolivia có khả năng về tay Nga nhờ vaccine Sputnik, các dự án “Vành đai – con đường” của Bắc Kinh có khả năng nhận được sự hợp tác nhiều hơn từ các nước Đông Nam Á, châu Phi… nhờ vaccine Trung Quốc!

 

 

Còn Việt Nam?

 

Trong một số bài viết trên Tiếng Dân gần đây, tôi có đặt giả thuyết rằng Trung Quốc đang thực hiện một chiến thuật cô lập Việt Nam ở Đông Nam Á, qua chuyến ngoại giao vaccine của họ đến chín nước ASEAN cuối năm 2020, đầu năm 2021 mà không đến Việt Nam. Mới đây tại Phúc Kiến, Bắc Kinh gặp bốn nước Đông Nam Á, cũng không có Việt Nam.

 

Một nhà quan sát Việt Nam từ Mỹ là ông Vũ Minh Hoàng có đưa ra nhận xét rằng, Bắc Kinh không dùng vaccine để “chiêu dụ” Việt Nam trong chiến dịch ngoại giao của họ. Bây giờ, dường như Bắc Kinh đang đi đúng kế sách, khi Bộ trưởng Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long năn nỉ tay đại sứ Hùng Ba của Trung Quốc?

 

Có vẻ đúng như thế, nhưng có phải Việt Nam đã “hết đường binh”, để phải lệ thuộc vào Trung Quốc với món quà vaccine?

 

Vấn đề không hẳn là chất lượng vaccine Trung Quốc (một số thông tin từ báo chí Mỹ nói rằng vaccine này cũng có hiệu quả phần nào), mà vaccine Trung Quốc sẽ được sử dụng như một đòn bẫy để Bắc Kinh đưa ra những đòi hỏi về chính trị, ngoại giao, chủ quyền,… tiếp theo.

 

Đài NBC cho biết, Algeria, một nước Bắc Phi nhận vaccine Trung Quốc mà không trả xu nào, đổi lại là nước này sẽ không lên tiếng chống Trung Quốc, liên quan đến các vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.

 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đưa ra một nhận xét đáng chú ý là, việc gì Việt Nam phải xuống nước như vậy, vì bản thân Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt, nên có thể chờ. Ông Chu đặt câu hỏi: “Lấy cớ gì để ngửa tay xin Trung Quốc ‘hỗ trợ vắc xin Covid-19 cho Việt Nam’?… Người dân Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam lúc này hoàn toàn không cần thiết phải nhờ đến hỗ trợ vắc xin Covid-19 của Trung Quốc”.

 

Xin được bổ sung thêm rằng, việc chờ đợi này cũng có thể không lâu, khi Mỹ có khả năng kết thúc việc tiêm chủng cho dân của họ vào mùa hè này. Mỹ sẽ có một khối lượng vaccine tốt nhất còn dư thừa, cũng như khả năng Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất trong một chiến dịch phản công Trung Quốc và Nga bằng vaccine.

 

Tổng thống Biden hứa rằng, ông sẽ giúp đỡ phần còn lại của thế giới khi nước Mỹ đã an toàn. Mỹ đã đưa bốn triệu liều vaccine AstraZeneca cho nước láng giềng Mexico và Canada. Ngày 1/4/2021, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, hiện đứng đầu công tác chống dịch ở nước này, nói rằng, có thể Mỹ không cần tới nguồn dự trữ vaccine AstraZeneca, mà Mỹ đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều.

 

Khả năng nguồn vaccine dồi dào của Mỹ sẽ được đưa đến các nước nghèo, trong đó có Việt Nam, là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Việt Nam không việc gì phải hạ mình xin Trung Quốc hỗ trợ. Kể cả cho không, Việt Nam cũng không nên nhận, vì Bắc Kinh không cho không ai bao giờ, mà họ sẽ lấy lại bằng cách khác. Cái giá mà Việt Nam phải trả từ những liều vaccine đó, chắc chắn sẽ nhiều hơn số tiền mà họ đã cho.

 

Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ gia tăng đáng kể, xuất khẩu vaccine từ Mỹ sang Việt Nam là điều có thể thực hiện được, khi Hà Nội nằm trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc, như đã đề ra trong bản hướng dẫn chính sách ngoại giao mà Hoa Kỳ đưa ra vào đầu tháng 3/2021.

 

Trở lại bản tin VnExpress, trong phần bình luận của độc giả phía dưới bài viết, đa số các ý kiến đều phản đối việc dùng vaccine Trung Quốc. Sự phản đối này có hai nguyên nhân. Thứ nhất là nhiều người không tin hàng “Made in China”, thứ hai là người dân không tin lãnh đạo Trung Cộng có lòng tốt giúp đỡ Việt Nam, nhất là qua hành động xâm chiếm lãnh hải, lãnh thổ, ức hiếp Việt Nam trên Biển Đông nhiều năm qua, tâm lý chống Trung Quốc của người dân Việt Nam hiện dâng cao hơn bao giờ hết.

 

Có thể Trung Quốc đang thắng trên “mặt trận ngoại giao vaccine” ở đâu đó trên thế giới, nhưng Hà Nội không nên để họ thắng ở Việt Nam, bởi đa số người dân Việt Nam không muốn điều đó, cũng như Mỹ và các nước phương Tây có khả năng giúp Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á, có đủ vaccine chích ngừa cho dân.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats