Friday, 16 April 2021

TRUNG QUỐC : NỖI SỢ HÃI KHỦNG KHIẾP NHỮNG KẺ TÀ ĐẠO (Minh Anh - RFI)

 



Trung Quốc : Nỗi sợ hãi khủng khiếp những kẻ tà đạo

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 16/04/2021 - 11:01

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210416-trung-quoc-chinh-tri-so-hai-ta-dao

 

Trong chuỗi bài về « Địa chính trị nỗi sợ », tạp chí Conflit có bài viết của nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Emmanuel Dubois de Prisque cho rằng để chiếm lấy vị trí số một thế giới, Trung Quốc phải giũ bỏ nỗi sợ hãi và khẳng định không sợ gì cả. Chính phủ săn lùng những kẻ tà đạo và ma quỷ, những vật có liên kết với ma quỷ, những thứ có thể làm dao động sức mạnh của Trung Quốc. RFI Tiếng Việt xin lược dịch giới thiệu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/89b5461c-9e91-11eb-980a-005056bff430/w:900/p:16x9/AP21070299376638.webp

Lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình (G) trong kỳ họp Quốc Hội, Bắc Kinh, ngày 11/03/2021. AP - Roman Pilipey

 

 

Tôn sùng và lo sợ : Điều nghịch lý của đảng Cộng Sản

 

Tác giả nhắc lại trước kia, Mao Trạch Đông từng mô tả phe « cổ hủ » là nửa người nửa quỷ. Đối diện với chúng là một dân tộc Trung Hoa dũng khí, cuối cùng rồi thoát bỏ được những điều mê tín dị đoan hủ lậu, được khuyến khích vận động để một lần quét sạch tất cả sự hiện diện xấu xa đó khỏi mảnh đất thiêng Trung Hoa.

 

Cứ như một vòng luân hồi chính trị Trung Quốc, cuộc chiến chống lại những nhân vật của quá khứ nay đến đeo bám thực tế xán lạn của Trung Quốc đương đại. Điều này được chứng minh bằng cuộc chiến do ông Tập Cận Bình khởi xướng nhằm chống lại những kẻ « hai mặt » : Bề ngoài tỏ vẻ trung thành với Đảng nhưng trong lòng buông lỏng niềm tin và không hăng hái bảo vệ lý tưởng cách mạng.

 

Bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc đôi khi muốn ví nỗi sợ, tính cổ hủ hay thói mê tín dị đoan như là một điều lạc hậu. Chính sự tôn sùng đối với những người quyền thế và nỗi lo những tục lệ xưa cũ của đế chế đã từng ngăn cản người dân Trung Quốc đứng lên và chiếm lấy một vị trí trung tâm mà họ xứng đáng trong dòng lịch sử toàn cầu.

 

Thế nhưng, theo tác giả, đây chính là điểm nghịch lý của mọi thứ quyền lực có được, nhờ dựa vào một phong trào cách mạng : « Những ai hôm qua đưa họ lên nắm quyền, hôm sau có thể đuổi họ ra khỏi quyền lực ». Do vậy, đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay cũng như đế chế năm xưa, dựa trên sự tôn sùng và mối e sợ để duy trì người dân Trung Quốc trong trạng thái phục tùng toàn diện.

 

Đối với ông Tập Cận Bình cũng như là Machiavel, việc người dân sợ mình còn quan trọng hơn là người được yêu thích mình, cho dù trong một hệ thống như là hệ thống Trung Quốc, ở đó, sự thiêng liêng tìm thấy sức sống trong chính trị, ông Hoàng là đối tượng của sự tôn sùng mà ở đó, nỗi sợ và sự yêu mến ngự trị như thể quyện chặt vào nhau.

 

Nỗi sợ và cuộc chiến chống « ma quỷ » một lần nữa đã được ông Tập Cận Bình sử dụng trong bài diễn văn chúc mừng năm mới ngày 31/12/2020. Ông mừng thắng lợi của cuộc chiến chống dịch bệnh khi ca tụng sự táo bạo của Trung Quốc. Cứ như những gì người ta chứng tỏ trước những kẻ thù của cách mạng, nỗi sợ dịch bệnh phải được vượt qua, để ngày nay có thể chiến thắng những kẻ thù cũng như thế giới ma quỷ, cả hai vốn dĩ thường được coi là một.

 

 

Sự can đảm

 

Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay, không có gì quan trọng bằng việc phải tỏ ra can đảm. Trong trí tưởng tượng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, chính sự yếu đuối của nhà ngoại giao Trung Quốc năm xưa trước phương Tây và Nhật Bản, trong việc ký kết hiệp ước Versailles năm 1919, đã dẫn đến những nhượng bộ không thể nào chấp nhận được.

 

Tinh thần thanh tao, cao nhã ngự trị trong nền văn minh Trung Hoa khiến đất nước phải nếm mùi bị « xóa sổ » trên trường quốc tế. Giờ đây, Trung Quốc phải biết cách chứng tỏ mạnh bạo. Trong khi châu Âu mang nặng dấu ấn lịch sử nhiều biến động, lại tỏ ra sợ hãi về chính sức mạnh của mình đến mức thường xuyên tỏ ra muốn sự yếu đuối, Trung Quốc từ chối sống lại những nỗi nhục lịch sự cận đại, lại tỏ ra lo sợ về sự yếu đuối của mình, cố gắng tích lũy vũ khí và công nghệ những thứ sẽ tạo nên sức mạnh của Trung Quốc sau này. Châu Âu và Trung Quốc, bị ám ảnh bởi những bóng ma quá khứ, rút ra những kết luận đối lập nhau.

 

Lo sợ không đạt « sứ mệnh lịch sử » được một vị thần « không xác định nào đó » giao phó, đảng Cộng Sản Trung Quốc không ngừng bêu xấu những ai cản đà tiến lên của Trung Quốc thành siêu cường và hướng đến vinh quang, trở thành tâm điểm của thế giới. Bị ám ảnh bởi những đòi hỏi xác quyết chủ quyền và bản sắc Đài Loan, những phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông, Đảng cho rằng những điều này chỉ đi đến bế tắc, kể cả chính sách của phương Tây tìm cách « kềm hãm » sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 

Nỗi lo sợ này bắt nguồn từ bài học của chế độ cộng sản Nga : Vào lúc những người Xô Viết nghĩ rằng họ đang đi vào Lịch sử, thì họ đã bị quét sạch và để lại khoảng trống tự do cho những kẻ phản động tư bản, những kẻ mà lẽ ra về mặt logique lịch sử, họ phải hất cẳng.

 

Làm thế nào giải thích cho điều nghịch lý này ? Ông Tập Cận Bình quan niệm rằng trái với những gì diễn ra tại Thiên An Môn năm 1989, Liên Xô, vào đầu những năm 1990, đã không có được một ai có khả năng hành động một cách cứng rắn vào đúng thời điểm then chốt, nghĩa là, đó là lúc cần phải chứng tỏ kiên quyết chấp nhận làm đổ máu của chính người dân mình.

 

Điều này giải thích sở thích của chính chuyền Trung Quốc ngày nay đối với các cuộc diễu binh quân sự, ở đó từng đoàn binh sĩ đông đảo phô trương vũ khí tối tân nhất mà hiệu năng của chúng là « xua đuổi tà ma - apotropaique » hơn là khía cạnh quân sự : Đánh đuổi bóng ma gây chia rẽ và chiến tranh bằng cách phô bày một sức mạnh hiếu chiến cũng như là khả năng đè bẹp nhất có thể.

 

 

Đối phó với những kẻ tà đạo bằng cách nào ?

 

Lý tưởng nhất là toàn bộ nhân loại cùng chia sẻ niềm tin với đảng Cộng Sản trong sự trỗi dậy không gì kháng cự được của Trung Quốc. Chỉ có điều, đây cũng là điều không thể. Bởi vì, những kẻ tà đạo luôn tồn tại và cũng có tham vọng chống lại sự kiện lịch sử này.

 

Do vậy để đối phó với chúng, cần phải nêu đích danh những ai là tà đạo. Điều này đã được Nhân dân nhật báo Trung Quốc khẳng định trong một bài xã luận, nhằm đáp trả những chỉ trích của Hoa Kỳ về chính sách trấn áp tại Hồng Kông, khi cho rằng « nhân dân Trung Quốc không tin vào tà thuyết và cũng không sợ tà thuyết ». Kẻ tà đạo là những người có ý định chia rẽ những gì phải được hợp nhất, ở đây chính là Trung Quốc. Do vậy, trong huyền thoại Trung Quốc, tà đạo, những người theo công giáo giống như ma quỷ, là kẻ gây chia rẽ.

 

Cuối cùng, vấn đề tôn giáo khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc phải lo lắng nhiều nhất. Bởi vì, theo quan điểm của Đảng, người ta không thể cùng lúc phục vụ Chúa Trời và Trung Quốc. Quá trình « Hán hóa » tôn giáo tiến hành từ năm 2016, nhằm giảm thiểu hay chiếm lấy theo hướng có lợi cho chính phủ, thứ quyền lực tinh thần mà nhiều tôn giáo lớn hưởng được từ người dân Trung Hoa : Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo và nhất là Kitô giáo – thứ tôn giáo của phương Tây, những kẻ ngoại xâm vừa được ngưỡng mộ vừa đáng ghét mà Trung Quốc mơ xóa sổ ra khỏi đỉnh cao của một trật tự vô hình.

 

Từ quan điểm này, dịch bệnh là một trắc nghiệm theo ý trời dành cho chế độ Trung Quốc, một sự thử thách do Thiên đình đặt ra. Trung Quốc hoàn thành trong danh dự. Chính Trung Quốc đã « cứu rỗi » các mạng sống, trong khi các nước phương Tây bị nhấn chìm trong khủng hoảng.

 

Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh này gần như là một thắng lợi quân sự trong khuôn khổ một cuộc chiến mà người ta có lẽ sẽ không cần đánh, một thắng lợi mà « không cần phải nhuốm máu lưỡi gươm », theo như câu nói nổi tiếng của Tôn Tử.

 

Được trải nghiệm như là một thách thức, dịch bệnh là một biểu hiện thấy rõ nhất về thắng lợi địa chính trị vang dội của Bắc Kinh, vốn dĩ còn đáng gờm hơn cả việc Trung Quốc sẽ không còn sợ điều gì nữa !

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats