Thursday 22 April 2021

THƯỢNG ĐỈNH KHÍ HẬU : CƠ HỘI ĐỂ TT MỸ BIDEN KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI (RFI)

 



NỘI DUNG :

Thượng đỉnh khí hậu : Cơ hội để TT Mỹ Biden khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới

Thùy Dương  -  RFI

.

Thượng đỉnh Trái đất, do Mỹ tổ chức, giúp gì cho cuộc chiến khí hậu ?

Trọng Thành  - RFI

.

Chủ tịch Trung Quốc dự thượng đỉnh khí hậu do tổng thống Mỹ tổ chức

Thanh Phương  -  RFI

 

===============================================

.

.

Thượng đỉnh khí hậu : Cơ hội để TT Mỹ Biden khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 22/04/2021 - 16:41

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210422-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%8......BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

 

Hôm nay 22/04/2021 tổng thống Mỹ Joe Biden khai mạc thượng đỉnh thế giới trực tuyến 2 ngày về khí hậu. Sáng hôm nay nguyên thủ Mỹ có bài phát biểu qua cầu truyền hình trước khoảng 40 lãnh đạo nước ngoài, trong đó có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron và cả Giáo hoàng Phanxicô.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7be4e128-a373-11eb-a346-005056bff430/w:900/p:16x9/2021-04-22T124956Z_1935941694_RC201N9LID7Y_RTRMADP_3_GLOBAL-CLIMATE-SUMMIT.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia thượng đỉnh Khí hậu trực tuyến với lãnh đạo 40 quốc gia, Nhà Trắng, Washington, 22/04/2021. REUTERS - TOM BRENNER

 

Nhiều chuyên gia hy vọng tổng thống Mỹ Biden sẽ công bố những mục tiêu đầy tham vọng của Washington, chẳng hạn từ nay đến năm 2030 giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ so với năm 2005. Thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để ông Biden khẳng định vị trí của nước Mỹ trên trường quốc tế về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 

 

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích :

 

Ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, tổng thống đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, và giờ đây ông Biden muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 

Để làm được điều đó, tổng thống Mỹ phải lấy lại lòng tin của các đối tác trên trường quốc tế với những cam kết cụ thể, nhưng ông cũng phải thuyết phục được người dân Mỹ. Joe Biden đã đặt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành tâm điểm của kế hoạch đầu tư hơn 2.000 tỷ đô la vào hạ tầng cơ sở. Văn bản được đưa ra thương lượng với rất nhiều khó khăn tại Quốc Hội.

 

Joe Biden không ngừng nhắc rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra những việc làm được trả lương cao, nhưng ông vẫn gặp nhiều khó khăn để có được sự ủng hộ của các dân biểu Cộng Hòa. Về đối nội, tổng thống Mỹ đang đấu tranh để đạt các mục tiêu trong nước. Ông muốn có thể được nêu ra làm gương. Ông Biden khẳng định việc tiến hành công cuộc chuyển đổi sinh thái này là cách duy nhất để bảo đảm vị trí của nước Mỹ trên thế giới.

 

Bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này, tổng thống Mỹ hy vọng sẽ có được lời hứa từ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Ông Biden muốn nước Mỹ lấy lại được uy tín đã mất dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, trong lĩnh vực chống lại tình trạng khí hậu bị hâm nóng”.

 

 

Rừng Amazon: Nhiều NGO Brazil đề nghị Mỹ không tin vào hứa hẹn của Bolsonaro

Tham dự thượng đỉnh khí hậu do Mỹ tổ chức trong hai ngày 22-23/04 có tổng thống Brazil Bolsonaro. Và theo chương trình nghị sự ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đề cập đến việc bảo vệ rừng Amazon. AFP cho biết Hoa Kỳ đang thương lượng với Brazil để ký kết một thỏa thuận hạn chế việc phá rừng. Washington hứa tài trợ, nhưng chỉ chuyển tiền cho Brazil với điều kiện Brasilia phải đưa ra các bảo đảm về việc bảo vệ Amazon, điều mà Brasilia vẫn chưa làm.

 

Tại Brazil, nhiều tổ chức phi chính phủ Brazil đề nghị tổng thống Mỹ Biden không tin vào những lời hứa của Bolsonaro, bởi vị tổng thống dân túy không có được lòng tin ngay tại chính quê nhà trong lĩnh vực môi trường.

 

Chống biến đổi khí hậu: Đa phần doanh nghiệp lớn trên thế giới bị chậm

Trước thềm thượng đỉnh khí hậu, sáng hôm nay, công ty đầu tư Arabesque của Anh Quốc công bố một nghiên cứu theo đó mới chỉ có gần 25% doanh nghiệp lớn trên thế giới có các biện pháp cho phép thế giới đạt mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Đi đầu trong nhóm tiên phong này là các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Thụy Điển, Đức, Phần Lan và Pháp. Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2019, với gần 700 tập đoàn lớn ở 14 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật, Pháp …

 

Trong khi đó, cũng trong sáng hôm nay 22/04, Cơ quan châu Âu về kiểm soát tình hình biến đổi khí hậu (Copernicus), cho biết khí hậu châu Âu tiếp tục nóng lên trong năm 2020, đặc biệt là vùng Siberia.

 

                                                  ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Thượng đỉnh Trái đất, do Mỹ tổ chức, giúp gì cho cuộc chiến khí hậu ?

 

Đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry tới châu Âu

 

Chủ tịch Trung Quốc dự thượng đỉnh khí hậu do tổng thống Mỹ tổ chức

 

===============================================

.

.

Thượng đỉnh Trái đất, do Mỹ tổ chức, giúp gì cho cuộc chiến khí hậu ?

Trọng Thành  - RFI

Đăng ngày: 22/04/2021 - 15:59

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210422-thuong-dinh-trai-dat-do-my-to-chuc-giup-gi-cho-cuoc-chien-khi-hau

 

Ngày 22 và 23/04/2021, tại Washington diễn ra một thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, do chính quyền Joe Biden chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia. Bản thân thượng đỉnh, với sự tham gia của Trung Quốc và Nga, hai quốc gia mà quan hệ với nước Mỹ không ngừng trở nên căng thẳng, đã là một thành công ngoại giao của chính quyền Biden. Tuy nhiên, thượng đỉnh nói trên có thể mang lại những gì thực chất cho cuộc chiến khí hậu ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/ea8fd920-1535-11ea-a2e4-005056a99247/w:900/p:16x9/Ligne_RougeOKOK.webp

Ảnh minh họa : Cuộc tuần hành tại Paris, Pháp, kêu gọi hành động vì công lý khí hậu, ngày 12/12/2015, ngày cuối cùng của thượng đỉnh COP15. Photo : Coalition Climat 21

 

 

1 – Điều gì đáng chú ý hàng đầu trong dịp thượng đỉnh đặc biệt này ?

 

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, thượng đỉnh về khí hậu do chính quyền Mỹ chủ trì trước hết là dịp để các quốc gia phát thải hàng đầu khẳng định trách nhiệm với cộng đồng nhân loại, vào thời điểm chỉ ít tháng nữa sẽ diễn ra thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí hậu COP26 tại Glasgow (Anh quốc). Dịp thượng đỉnh mà nhiều người cho rằng là cơ hội cuối cùng của nhân loại để xác định lộ trình hành động giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, theo Hiệp định Paris. Bởi vượt quá mức nhiệt độ này, các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan trên Trái đất sẽ diễn ra ngày càng nhiều, với quy mô và mức độ ngày càng lớn, vượt quá khả năng ứng phó của xã hội con người. Giới khoa học cảnh báo nếu việc cắt giảm khí thải không được làm mạnh trong những năm tới thì sẽ là quá trễ.

 

Ngay trước khi thượng đỉnh diễn ra, ngày 19/04, chính phủ Anh của thủ tướng Boris Johnson đã thông báo mức cắt giảm khí thải đến 78% vào năm 2035. Trong đêm ngày 20 qua ngày 21/04, 27 quốc gia Liên Âu, sau 14 giờ thương lượng liên tục, đã đạt được thỏa thuận cắt giảm ít nhất 55% khí thải vào năm 2030.

 

Cam kết của nước Mỹ hiện vẫn còn được giữ bí mật. Trong bài viết trên trang mạng The Conversation (Climat : qu’attendre du “sommet Biden” ce jeudi à Washington ?, ngày 20/04/2021), kinh tế gia về khí hậu Pháp, giáo sư Christian de Perthuis, Đại học Paris Dauphine, ghi nhận thượng đỉnh về khí hậu khai mạc hôm nay chính là “trắc nghiệm đầu tiên trên thực địa” về khả năng hành động của chính quyền Biden trong lĩnh vực khí hậu. Tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện lời hứa : tổ chức thượng đỉnh về khí hậu, trong vòng 100 ngày từ khi lên nắm quyền. Cuộc thượng đỉnh được sự hưởng ứng của lãnh đạo tất cả các nền kinh tế phát thải chính của hành tinh.

 

Tuy nhiên, rõ ràng là ý nghĩa hàng đầu của dịp thượng đỉnh này là để bản thân chính quyền Hoa Kỳ chính thức khẳng định mức cắt giảm khí thải mới, và tốc độ chuyển sang nền kinh tế trung hòa về khí thải, để hãm lại đà hâm nóng Trái đất, tương ứng với mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015. Vấn đề trước hết tại thượng đỉnh này như vậy vẫn là bản thân nước Mỹ “có đưa ra được các cam kết về khí hậu đủ tầm cỡ hay không, và khả năng của tân chính quyền trong việc mang lại niềm tin rằng đây là các cam kết khả thi, và qua đó, tạo hiệu ứng lôi cuốn phần còn lại của thế giới”.

 


2 - Phải chăng Thượng đỉnh chính là dịp để xem xem chính quyền Mỹ có thực sự trở lại dẫn đầu cuộc chiến Khí hậu hay không, sau 4 năm cầm quyền của Donald Trump, rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris ? 

 

Kinh tế gia về khí hậu Christian de Perthuis nhấn mạnh, bên cạnh mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2050, giờ đây đã trở thành một “cam kết mang tính bắt buộc trong lĩnh vực ngoại giao khí hậu” (với đa số các nước), sự chú ý của quốc tế đặc biệt tập trung vào cam kết của nước Mỹ với đích ngắm 2030, được coi như là bước đệm, để hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải 2050.  

 

Năm 2015, chính quyền Hoa Kỳ của tổng thống Obama đã từng cam kết, đến năm 2025, sẽ cắt giảm từ 26-28% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005. Nếu chính quyền Biden vẫn duy trì mục tiêu này, thì đây là dấu hiệu cho thấy Washington "hoàn toàn thiếu vắng nỗ lực". Trên thực tế, tân chính quyền Biden đã đưa ra nhiều dấu hiệu do thấy nước Mỹ sẽ xem xét lại các cam kết quốc tế về khí hậu trong dịp thượng đỉnh này.

 

Trước thềm thượng đỉnh, ngày 13/04/2021, một liên minh hơn 400 lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư (Liên minh We Mean Business) đã gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Joe Biden, khẳng định sự ủng hộ đối với chủ trương chính quyền Mỹ trở lại vị trí đi đầu trong cuộc chiến khí hậu, hối thúc chính quyền Biden đặt ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% khí thải vào năm 2030, so với năm 2005. Liên minh We Mean Business sử dụng khoảng 7 triệu lao động tại 50 bang nước Mỹ, có thu nhập hàng năm tổng cộng hơn 4.000 tỉ đô la. Liên minh có sự tham gia của các đại tập đoàn như Google, Amazon, Apple, Facebook.  

 

Đề xuất của liên minh We Mean Business lấy lại khuyến nghị của kinh tế gia Robert Keohane, từng là cố vấn về năng lượng – khí hậu của tổng thống Obama. Mức cắt giảm nói trên được coi là tương đương với mức cắt giảm mà Liên Hiệp Châu Âu vừa thông qua (giảm 55% so với năm 1990). Cắt giảm ít nhất 50% khí thải vào năm 2030 được coi là bước đi cần thiết để hướng đến mục tiêu trung hòa về khí hải vào năm 2050.

 

Kinh tế gia về khí hậu Christan Perthuis, nhấn mạnh là, nếu Hoa Kỳ đưa ra chỉ tiêu ở dưới mức này, thì đây sẽ là một “tín hiệu xấu”. Ngược lại, nếu đặt cái mốc cao hơn, thì đây sẽ là “một tín hiệu mới (tích cực) gửi đến các nước châu Âu”.

 

 

3 – Một điểm quan trọng khác của thượng đỉnh, do Washington tổ chức, phải chăng chính là để làm sáng tỏ chiến lược hành động của Trung Quốc trong lĩnh vực khí hậu ?

 

Thái độ của Trung Quốc, chịu trách nhiệm hơn một phần tư lượng phát thải toàn cầu, là một chủ đề trọng tâm khác. Việc chủ tịch Trung Quốc nhận lời mời tham gia thượng đỉnh là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, theo kinh tế gia về khí hậu Christian de Perthuis, chính sách khí hậu của Bắc Kinh hiện đang trong tình trạng hoàn toàn không rõ ràng, thậm chí đầy mâu thuẫn. Nếu như tháng 9/2020, tại Đại hội đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên tuyên bố Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2060.  Đây là có thể coi là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, cũng cùng thời gian này, chính quyền Trung Quốc đã giảm bớt các quy định hạn chế đầu tư vào than đá, ở trong nước, được coi là nguồn phát khí thải số một (Trung Quốc sử dụng đến một nửa sản lượng than đá toàn cầu, và khoảng 70% lượng điện tại Trung Quốc là do nhiệt điện than). Năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 2015, đầu tư xây dựng các nhà máy điện than tăng trở lại. Đây rõ ràng là một bước lùi nghiêm trọng.

 

Chuyên gia Carole Mathieu (phụ trách các chính sách của châu Âu về Năng lượng và Khí hậu, Viện IFRI), trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp (20 Minutes, ngày 21/04/2021), nhận định là chủ tịch Trung Quốc sẽ phải có một “bài diễn văn quan trọng” trong dịp thượng đỉnh này, và “Trung Quốc muốn chứng tỏ quốc gia này là một trong các trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương, nhưng ít có khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra các cam kết bằng số, cần phải đến khi hợp tác được chính thức hơn, Bắc Kinh mới có thể làm như vậy”. Có thể nói, thái độ của Trung Quốc là một ẩn số lớn tại thượng đỉnh này.

 

 

4 – Trung Quốc rõ ràng là tâm điểm chú ý. Nhưng điều này dường như có thể khiến công chúng phần nào ít chú ý hơn đến hiểm họa đáng sợ không kém, đến từ các nền kinh tế phát thải cao khác, một ẩn số quan trọng khác tại thượng đỉnh Khí hậu Washington ?

 

Kinh tế gia Christian de Perthuis lưu ý là ba nền kinh tế phát thải số một thế giới, là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (bao gồm cả Anh quốc), có tổng lượng phát thải là 47% tổng lượng phát thải toàn cầu vào năm 2018, “phần còn lại của thế giới” là 53%. Trong nhóm các nước này, các quốc gia sản xuất và xuất khẩu năng lượng hóa thạch – như các nước Cận Đông, Nga hay Indonesia (quốc gia xuất khẩu than đá hàng đầu) – là các nước đang có lượng khí phát thải tăng mạnh nhất. Nhìn chung, kể từ thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP-1 (Berlin, 1995) cho đến nay, các quốc gia nhóm này thường đóng vai trò hãm phanh hay ngăn chặn các thương thuyết về khí hậu, đặc biệt từ khi vấn đề gia tăng các cam kết về khí hậu bắt đầu được đặt ra.  Cần đưa được nhóm nước này tham gia vào tiến trình, bởi cộng đồng quốc tế không thể thực hiện được mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, nếu không có việc tổ chức lại triệt để các nền kinh tế thuộc nhóm các quốc gia khai thác và xuất khẩu năng lượng hóa thạch.

 

Hiện tại, các nước ít phát triển nhất, đa số nằm tại châu Phi, phía nam sa mạc Sahara và vùng Nam Á, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong lượng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các quốc gia này đi vào vết xe đổ của nền kinh tế công nghiệp dựa vào năng lượng hóa thạch, thì chính họ sẽ trở thành các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới trong tương lai. Để tránh viễn cảnh tồi tệ này xảy ra, cần bắt đầu tiến trình chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp với việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng tại các quốc gia nghèo này. Đây là việc cần làm khẩn cấp, bởi các nước này cũng chính là các nước bị tổn hại nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế, do đại dịch Covid-19.

 

Các quốc gia nghèo tự mình không đủ sức thực hiện cuộc tái định hướng phát triển hướng về nền kinh tế Xanh, bởi thiếu đi nhiều nguồn lực công nghệ và tài chính. Theo chuyên gia Christian de Perthuis, việc Hoa Kỳ ngay lập tức đề nghị giảm nợ, và cam kết đầu tư mạnh cho mô hình kinh tế Xanh cho các quốc gia này, chính là một nỗ lực quý báu và cần thiết, để khẳng định vị trí dẫn đầu trở lại của nước Mỹ trong cuộc chiến khí hậu toàn cầu. Nếu tổng thống Biden quyết định chọn hướng đi này, và thu hút được cả Trung Quốc và châu Âu tham gia cùng, thì thượng đỉnh do Washington tổ chức có thể là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến khí hậu toàn cầu.  

 

=============================================

.

.

Chủ tịch Trung Quốc dự thượng đỉnh khí hậu do tổng thống Mỹ tổ chức

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 21/04/2021 - 11:36

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210421-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-trung-qu%E1%BB%91c-d%E1%BB%....BB%95-ch%E1%BB%A9c

 

Mặc dù đang có nhiều căng thẳng trong quan hệ song phương, có vẻ như Trung Quốc và Hoa Kỳ quyết tâm hợp tác với nhau để chống biến đổi khí hậu : Hôm nay, 21/04/2021, Bắc Kinh chính thức xác nhận chủ tịch Tập Cận Bình sẽ dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do tổng thống Joe Biden tổ chức trong hai ngày, 22 và 23/04.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2ad7c89c-9f02-11eb-937a-005056a964fe/w:900/p:16x9/2021-04-16T120258Z_1754638107_RC20XM96JA1N_RTRMADP_3_CLIMATE-CHANGE-CHINA.webp

Màn hình lớn đặt trên một phố sầm uất ở thủ đô Bắc Kinh, chiếu ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự thượng đỉnh khí hậu với thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/04/2021. REUTERS - FLORENCE LO

 

Tổng thống Mỹ đã mời 40 lãnh đạo thế giới, trong đó có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc họp thượng đỉnh này sẽ đánh dấu việc Hoa Kỳ quay trở lại tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau khi dưới thời Donald Trump, nước Mỹ đã rút khỏi hiệp định Paris về khí hậu. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021, tổng thống Biden đã quyết định đưa Hoa Kỳ trở lại hiệp định này.

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu thế giới về lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính, cho nên sự hợp tác giữa hai nước này có tính chất quyết định cho các nỗ lực của quốc tế nhằm làm giảm lượng khí phát thải toàn cầu.

 

Theo hãng tin AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay xác nhận là chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự thượng đỉnh do tổng thống Biden tổ chức và từ Bắc Kinh, lãnh đạo họ Tập sẽ có « một bài phát biểu quan trọng ».

 

Mặc dù đang căng thẳng trên nhiều hồ sơ từ Đài Loan, Hồng Kông, cho đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và thương mại, Washington và Bắc Kinh có vẻ quyết tâm tạm gác sang một bên những bất đồng để hợp tác chặt chẽ hơn trên vấn đề khí hậu. Thật ra thì hai nước vào thứ Bảy tuần trước đã cam kết sẽ chung tay chống biến đổi khí hậu, sau chuyến đi Thượng Hải của phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry.

 

Trong thời gian vắng mặt Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump, Trung Quốc đã đứng ra đóng vai trò quan trọng cùng với Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vào cuối năm 2020, chủ tịch Tập Cận Bình đã từng được thế giới hoan nghênh khi thông báo Trung Quốc bắt đầu giảm lượng khí phát thải CO2 trước năm 2030, để 30 năm sau đó sẽ đạt được mục tiêu « trung hòa carbon », tức là hấp thụ hết lượng khí CO2 thải ra.

 

 

Tin tặc Trung Quốc lại tấn công Hoa Kỳ

 

Theo hãng tin AFP, các tin tặc Trung Quốc đã tấn công vào một công ty phần mềm VPN của Mỹ để xâm nhập hệ thống tin học của các công ty quốc phòng Hoa Kỳ. Thông tin này vừa được Madiant, một công ty tư vấn an ninh mạng của Mỹ tiết lộ hôm qua.

 

Cụ thể, hai nhóm tin tặc, trong đó có một nhóm được xem là thân cận với chính phủ Bắc Kinh đã dùng một phần mềm độc hại để đánh cắp thông tin cá nhân của những người sử dụng mạng VPN của công ty Pulse Secure, trụ sở tại bang Utah, rồi từ đó xâm nhập hệ thống tin học của các công ty quốc phòng Mỹ trong thời gian từ 10/2020 đến tháng 03/2021.

 

                                                      ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Mỹ-Trung ra tuyên bố chung, cam kết hợp tác đối phó với khủng hoảng khí hậu

 

Đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry tới châu Âu

 

Điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức, chủ tịch Trung Quốc hứa thực thi cam kết khí hậu

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats