Tuesday, 6 April 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 06/04/2021 (The Economist)

 



Thế giới hôm nay: 06/04/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

06/04/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/04/06/the-gioi-hom-nay-06-04-2021/ 

 

Trong bài phát biểu lớn đầu tiên trên cương vị bộ trưởng tài chính Mỹ, Janet Yellen kêu gọi một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu chung giữa các nước G20. Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu tăng thu thuế doanh nghiệp để tài trợ cho dự luật cơ sở hạ tầng 2 nghìn tỷ đô la. Bà Yellen nói hợp tác quốc tế là cần thiết nhằm ngăn các công ty lợi dụng một “cuộc đua xuống đáy”.

 

Một chỉ số về hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 3. Thước đo của Viện Quản lý Cung ứng đạt 63,7 điểm; trong khi chỉ cần trên 50 đã là tăng trưởng. Các công ty đang hướng đến một sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các khoản kích thích tài khóa lớn chưa từng thấy. Còn thị trường chứng khoán tiếp tục thăng hoa.

 

Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết 6-2 ủng hộ Google, cho rằng hãng này không vi phạm bản quyền vì sử dụng một số đoạn code của Oracle khi phát triển hệ điều hành Android. Oracle đã yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 9 tỷ USD. Một phán quyết ngược lại có thể gây chấn động ngành công nghệ, vốn phát triển mạnh nhờ cả bắt chước và sáng tạo.

 

Ấn Độ hôm thứ Hai lần đầu tiên ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm covid-19 mới trong ngày. Hơn một nửa số đó là ở Maharashtra, bang giàu nhất Ấn Độ, nơi hiện đang có lệnh giới nghiêm ban đêm; tiếp theo sẽ có tổng phong tỏa vào các cuối tuần. Ca nhiễm đang tăng chóng mặt trên khắp Ấn Độ và ở Bangladesh láng giềng, nước cũng đã áp lệnh phong tỏa kéo dài một tuần.

 

Quân đội Mozambique tuyên bố thị trấn Palma ven biển ở miền bắc hiện “an toàn”. Phát ngôn viên quân đội cho biết một số lượng “đáng kể” các chiến binh Hồi giáo xâm nhập vào ngày 24 tháng 3 đã bị tiêu diệt trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát. Hàng chục dân thường đã thiệt mạng và ít nhất 11.000 người phải di dời.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sửa đổi hiến pháp cho phép ông tranh cử thêm hai nhiệm kỳ tổng thống, sau khi được cử tri chấp thuận trong cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái. Giờ đây ông có thể tại vị cho đến năm 2036. Các thay đổi khác bao gồm khẳng định quyền tối cao của luật pháp Nga trên các chuẩn mực quốc tế, và cấm hôn nhân đồng tính.

 

Đảng trung hữu của Thủ tướng Boyko Borissov mất 1/4 số ghế trong cuộc bầu cử Bulgaria hôm Chủ nhật. Dù vẫn về nhất, nhưng quyền lực của ông Borissov xem ra đã lung lay. Về nhì là một đảng mới của một người dẫn chương trình truyền hình kiêm ca sĩ, đẩy đảng Xã hội xuống vị trí thứ ba. Ông Borissov đã kêu gọi một chính phủ kỹ trị.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Hoàng tử Jordan bị giam lỏng

Gia đình Hashemite cai trị Jordan thường rất có kỷ luật khi xuất hiện trước công chúng. Vì vậy, thật khác thường khi Hoàng tử Hamzah, anh cùng cha khác mẹ của Vua Abdullah, thông báo ông đã bị quản thúc tại gia vì chỉ trích “tham nhũng, chuyên quyền và sai trái”. Trong khi đó chính phủ nói ông ta đang âm mưu với “các thực thể nước ngoài” (không nêu tên). Tuy nhiên cảnh sát mật của Jordan nổi tiếng  hiệu quả: một kế hoạch tinh vi như vậy khó có thể lọt qua mắt họ. Câu chuyện này trông giống một mâu thuẫn gia đình hơn.

 

Phe ủng hộ nói hoàng tử có nét đời thường hơn người anh cùng cha khác mẹ của ông, làm mất lòng những nhân vật thân cận nhà vua — đặc biệt là khi những lời chỉ trích của hoàng tử được chia sẻ rộng rãi. Khi ông chỉ trích nạn hối lộ và tham nhũng, nhà vua lại tuyên bố như vẻ một người đứng đầu một nhóm quản trị tốt hơn là một vị vua quyền lực. Người Jordan đã mệt mỏi với nhịp sống đó. Nếu nhìn từ mạng xã hội, có thể thấy người ta đánh giá cao Hoàng tử Hamzah vì đã nói lên nỗi thất vọng của họ. Nếu việc giam hoàng tử là nhằm bịt miệng ông, thì nó đã có tác dụng ngược lại.

 

 

Bong bóng du lịch: ý tưởng hay áp dụng khó

Ý tưởng “bong bóng du lịch” về lý thuyết nghe có vẻ hay. Nhưng thực tế thì khó đủ bề. Hôm nay, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hứa sẽ ấn định ngày ra mắt một hành lang với Úc, vốn đã được bàn luận suốt cả năm nay. Úc đã cho phép du khách từ “bên kia eo biển” nhưng chính phủ của bà Ardern không đáp lại, vì e ngại tái bùng phát coronavirus.

 

Các nhà lãnh đạo khu vực kị rủi ro khác cũng vậy. Chiếc bong bóng dự kiến giữa Singapore và Hồng Kông đã vỡ hồi tháng 11, sau khi Hồng Kông trải qua một làn sóng dịch mới. Trong khi đó vắc-xin chậm đến các nước kiểm soát tốt đại dịch. Úc và Singapore đang cân nhắc đi lại không kiểm dịch cho các công dân đã tiêm, có thể là từ tháng 7 hoặc tháng 8. Các nhà lãnh đạo khác cũng quảng cáo không ngừng cho kế hoạch của họ. Nhưng cho đến nay chỉ có một bong bóng châu Á thực sự được thiết lập: giữa Đài Loan và quần đảo nhỏ bé Palau.

 

 

Đài Loan gặp hạn hán, ngành chip toàn cầu đứng ngồi không yên

Thời tiết năm nay đặc biệt gây khó khăn cho ngành sản xuất chất bán dẫn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip silicon. Một cơn bão mùa đông kinh hoàng hồi tháng 2 đã làm tê liệt Texas, bang sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ. Sau đó là vụ hỏa hoạn tại một nhà máy Nhật Bản hồi tháng trước làm liệt nguồn cung của một nhà sản xuất chất bán dẫn quen thuộc với các hãng ô tô. Và bây giờ đến lượt Đài Loan chịu hạn hán – một tin xấu cho ngành công nghiệp chip dùng nhiều nước.

 

Để giúp duy trì dự trữ, hôm nay chính phủ Đài Loan cắt giảm 15% nguồn cung cấp nước (so với thông thường) cho các khu công nghiệp ở Đài Trung, nơi có công ty TSMC, hãng chiếm hơn một nửa doanh thu sản xuất bán dẫn trên toàn thế giới. TSMC khẳng định họ có đủ nước dự trữ để không bị gián đoạn trong thời điểm hiện tại, một tin trấn an cho nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào công ty để cung cấp các bộ vi xử lý cho các thiết bị điện tử hiện đại. Nhưng vẫn rất đáng ngại: Đài Loan cho biết họ có đủ lượng nước dự trữ để lĩnh vực công nghệ hoạt động trơn tru, song chỉ đến cuối tháng 5.

 

 

IMF công bố dự báo kinh tế năm

Hôm nay IMF công bố bản Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của họ. Ai cũng biết nền kinh tế toàn cầu đã thiệt hại lớn trong năm ngoái; số liệu tháng 1 cho thấy đó là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Năm nay, IMF dự đoán phục hồi, với mức tăng trưởng toàn cầu thậm chí còn cao hơn mức 5,5% họ từng đưa ra ba tháng trước đây, một phần nhờ kích thích tài khóa mạnh mẽ của chính phủ Mỹ.

 

Nhưng trong một bài phát biểu hôm 30 tháng 3, giám đốc điều hành quỹ Kristalina Georgieva nói so với dự báo trước khủng hoảng, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 sẽ vẫn giảm 11% ở các nền kinh tế tiên tiến và 20% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ngoại trừ Trung Quốc. Việc Mỹ phục hồi dẫn tới lãi suất cao hơn kéo dòng vốn ra khỏi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng có thể là một điều không tốt. Các nước nghèo hiện đã khó tiếp cận vắc-xin, đồng thời thiếu khả năng tự cứu trợ nền kinh tế của chính mình.

 

EU và Thổ Nhĩ Kỳ họp cấp cao

Các quan chức hàng đầu EU, Charles Michel và Ursula von der Leyen, hôm nay gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara. Điều tốt nhất có thể nói về mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ là ít nhất nó đã tốt hơn. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã gây hấn với Hy Lạp, một thành viên EU, về quyền khai thác dầu khí ở phía đông Địa Trung Hải. Hai nước gần đây nối lại đàm phán về vấn đề này, còn EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách nối lại quan hệ.

 

Cả hai đều muốn gia hạn một thỏa thuận đã ký vào năm 2016, theo đó giữ người di cư và người tị nạn ở bên bờ Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ đểđổi lại hỗ trợ tài chính. Với mong muốn gửi một tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kỳ vọng đẩy nhanh đàm phán về một thỏa thuận thương mại. Nhưng trong bối cảnh ông Erdogan tiếp tục phá bỏ những gì còn sót lại của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ — gần đây các công tố viên đã cho đóng cửa đảng chính trị lớn thứ ba của đất nước — chúng ta không nên mong đợi nhiều.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats