TẢN MẠN VỀ
GIAO LƯU VĂN HÓA NAM - BẮC
https://www.facebook.com/haukhaoco/posts/4550110968337722
Phải thưa ngay rằng, tôi
không phải là một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa mà chỉ là một trong những
người có may mắn được thụ hưởng, “trải nghiệm” cả hai vùng văn hóa Bắc – Nam từ
ngày thơ ấu đến nay đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Xin được mạn phép các nhà
nghiên cứu, các bậc từng trải mà chia sẻ những “tản mạn” có phần cảm nhận chủ
quan một của người thuộc thế hệ “vùng biên văn hóa” – như Thầy tôi, giáo sư Trần
Quốc Vượng sinh thời vẫn nói.
Tháng Tư là của những ký ức
không phai được mở đầu bằng ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ biệt cõi trần. Nếu
có một hiện tượng giao lưu văn hóa nào nhanh nhất, phổ biến nhất và lâu bền nhất
giữa hai miền sau ngày 30/4, thì với tôi đó chính là âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Tôi cùng gia đình trở về
quê hương, về Sài Gòn vào tháng 5.1975. Trước đó khi ở Hà Nội tôi biết nhiều
bài hát cách mạng (sau này gọi là nhạc đỏ) gồm ca khúc, hành khúc, tình ca...
Tôi thích những tình khúc “nhạc xanh” của Liên Xô, Pháp, Ý thập niên 1960,
1970, và thỉnh thoảng “lén lút” hát vài bài nhạc tiền chiến lúc đó gọi là “nhạc
vàng”. Trở về Sài Gòn tình cờ những ca khúc đầu tiên tôi nghe là của Trịnh Công
Sơn qua băng nhạc Sơn Ca.
Và cũng những băng nhạc ấy
đi theo những dàn máy AKAI và những chiếc radio-catsette từ Nam ra Bắc, Hà Nội,
Hải Phòng đến nhiều tỉnh thành... từ đó những quán cà phê và trong nhiều ngôi
nhà thường vang lên tiếng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh. Hơn bốn mươi năm qua đã
có những bài hát, ca sĩ mới nổi tiếng nhưng nhạc Trịnh Công Sơn cùng với tiếng
hát Khánh Ly vẫn bền vững với thời gian, với công chúng cả trong và ngoài nước.
Có những ca sĩ ở miền Bắc đã thành công với nhạc Trịnh Công Sơn trên sân khấu
hoành tráng hay trong phòng trà ấm cúng. Những buổi tưởng niệm ông ở Hà Nội hay
Sài Gòn luôn có rất đông người hâm mộ, yêu thích nhạc của ông tham dự.
Cùng với nhạc Trịnh Công
Sơn là nhạc Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An... rồi gần đây là dòng nhạc
bolero... được phía Bắc biết đến ngày càng nhiều. Những tác phẩm âm nhạc về
thân phận con người trong chiến tranh, những bản tình ca, thật sự không có
“biên giới” đối với người nghe, bởi ở đâu, lúc nào tình yêu cũng là điều con
người luôn khao khát, tìm kiếm và hy vọng vào sự vĩnh cửu của nó.
Một xu hướng khác là cũng
từ tháng 4.1975 những ca khúc sáng tác ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh bắt
đầu xuất hiện trên đường phố, trường học ở Sài Gòn với lực lượng thanh niên
sinh viên... Từ đó vào các phòng trà ca nhạc, lên đài phát thanh, đài truyền
hình, các sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên. Một số nhạc sĩ ca sĩ tài danh
người Hà Nội vào sinh sống ở Sài Gòn được công chúng biết đến nhiều hơn từ những
ca khúc da diết về quê hương. Hà Nội, miền Bắc gần gũi hơn với Sài Gòn, với miền
Nam qua những tác phẩm âm nhạc tinh tế, chau chuốt và đầy ắp hoài niệm.
Hiện nay chương trình
“Bài ca không quên” hay “Những bài hát đi cùng năm tháng” gồm nhiều bài hát “thời
chiến” vẫn được đông đảo công chúng hai miền đón nhận, vì đó là ký ức “một thời
đạn bom một thời hòa bình” nửa sau thế kỷ 20.
***
So với những gì tôi biết
vào cuối thập niên 1970 thì hiện nay ẩm thực miền Bắc ở Sài Gòn phong phú đa dạng
hơn nhiều, không chỉ là “món ngon Hà Nội” một thời Vũ Bằng thương nhớ mà hầu
như đặc sản nơi nào cũng có ở thành phố này.
Nhiều người Bắc vào Sài
Gòn nhận xét, người Sài Gòn dễ tính trong ăn uống, món ăn nơi nào cũng có thể tồn
tại ở đây. Người khó tính thì cho rằng nhiều món Bắc “truyền thống” vào đây đã
bị “lai” vị ngọt và phong cách “lẩu” của món ăn Nam bộ mà điển hình là “Tại sao
ăn phở với rau sống, giá đỗ và tương đỏ tương đen?”. Về cuộc “di truyền” và “biến
dị” phở Bắc phở Nam nhiều người đã khảo đã viết rất hay, qua đó có thể nhận thấy
đây cũng là một món ăn điển hình thể hiện sự “giao hòa” ẩm thực hai miền.
Từ đầu những năm 2000 đến
nay nhà hàng quán ăn Bắc (Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Tây Bắc...) xuất hiện ở
Sài Gòn khá nhiều, cùng với những “cửa hàng Hà Nội” bán đủ từ rau xanh, rau
thơm, nấm hương măng khô, hoa quả mùa nào cũng có, bánh đậu xanh bánh cốm bánh
đa... đủ cả. Mùa tết còn hành muối, hành củ su hào bắp cải tươi non, cả hoa
Violet vào ngày giáp Tết. Nhiều món ăn truyền thống như bánh chưng bánh dày giò
lụa chả quế chả chiên đã quen thuộc với người Sài Gòn, người miền Nam từ lâu,
hay như “cầy tơ bảy món” đã trở thành ‘đặc sản” khu vực chợ Ông Tạ từ thập niên
1960...
Không biết cuộc “đổ bộ” của
ẩm thực Bắc vào Sài Gòn lần này có “tỷ lệ thuận” với làn sóng người nhập cư
(như hồi 1954-1955) hay không, nhưng từ trung tâm đến quận vùng ven, từ khu đô
thị mới đến những xóm hẻm lâu đời, ở đâu cũng có thể tìm thấy quán ăn có món Bắc.
Quán cơm Bắc từ bình dân đến cao cấp luôn đông khách cả trưa cả chiều. Do mật độ
dày đặc hơn của “ẩm thực Bắc” nên hương vị món Bắc bây giờ ở Sài Gòn gần như
không thay đổi, phục vụ khách cả người Trung người Nam tuy người Bắc vẫn nhiều
hơn. Nhiều quán ăn Bắc mới mở ở Sài Gòn dù nhỏ bé nhưng trang trí, phục vụ với
phong cách “như Sài Gòn” nên khá đông khách.
Trước 1975 Hà Nội có Câu
lạc bộ Thống nhất cạnh Hồ Gươm, ở đó có quán chè bà Ba Di người Nam bộ tập kết.
Bây giờ có thêm những quán chè Sài Gòn, quán hủ tíu Nam Vang, nhà hàng có món lẩu,
canh chua cá kho tộ, rau luộc chấm kho quẹt... Nhưng nói chung quán ăn, món ăn
miền Nam ở phía Bắc không nhiều. Chắc vì những người tập kết hầu hết đã trở về
quê, từ sau 75 lại ít người Nam ra Bắc sinh sống, và phải chăng vì người Bắc ít
“cởi mở” hơn trong ẩm thực nên món Nam ở Hà Nội không đa dạng bằng món Bắc ở
Sài Gòn?
Thật ra, sự cởi mở hay bảo
thủ trong âm thực nói riêng (và văn hóa nói chung) được hình thành do hoàn cảnh,
điều kiện lịch sử và xã hội lâu dài. Khi những điều kiện ấy còn được duy trì
thì nó cũng góp phần “bảo tồn” nhiều thành tố văn hóa.
***
Đi trên đường phố Sài Gòn
ta có thể nghe thấy tiếng nói của nhiều vùng miền trong cả nước. Một số khu vực
muốn tìm một “giọng Sài Gòn” còn khó, như vùng Ông Tạ của “giọng Bắc 54”, vùng
Bảy Hiền của “giọng Quảng”. Gần đây đến những khu đô thị mới, chung cư cao cấp
có thể nghe thấy giọng Bắc nhiều hơn giọng Nam. Có lẽ không ở đâu có nhiều hội
đồng hương như ở TP.HCM: đồng hương tỉnh, đồng hương huyện, có cả đồng hương xã
nữa!
Một thực tế là từ miền
quê nào đến sống ở Sài Gòn cũng không cần phải thay đổi tiếng nói thành “giọng
Sài Gòn”. Mà giọng Sài Gòn có thể gọi là giọng Nam bộ, tuy Đông – Tây Nam bộ
cũng có khác nhau chút xíu. Nhiều người sống lâu ở Sài Gòn thì sử dụng nhiều từ
Nam bộ vừa tiện cho sinh hoạt vừa dễ được cảm tình của bà con lối xóm. Nhiều từ
ngữ miền Nam đã ra Bắc theo ẩm thực, theo các phương tiện đồ dùng và sinh hoạt
khác, nhất là qua phim ảnh và sân khấu...
Giao lưu, giao thoa văn
hóa giữa những vùng miền, những tộc người những quốc gia là hiện tượng phổ biến
từ thời xa xưa, đến nay ngày càng mạnh mẽ thông qua các phương tiện kỹ thuật hiện
đại. Nhờ đặc tính “không chối từ” (chữ của GS. Trần Quốc Vượng) mà văn hóa phát
triển ngày càng nhân bản nhưng vẫn giữ được sự đa dạng, phong phú... Vốn văn
hóa càng nhiều sẽ giúp con người hiểu biết, tôn trọng nhau hơn, cởi mở và yêu
thương nhau hơn.
(repost)
No comments:
Post a Comment