Thursday 15 April 2021

PUTIN THÁCH THỨC BIDEN (Ngô Nhân Dụng)

 



Putin thách thức Biden

Ngô Nhân Dụng

14/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/putin-thach-thuc-biden-donbass/5852660.html

 

Hai “điểm nóng” trên thế giới hiện nay là eo biển Đài Loan, nơi tàu chiến và máy bay Trung Cộng đang dương oai diễn võ; và trong vùng Hắc Hải, với 83,000 quân sĩ Nga mới được điều động tới trong mấy tuần qua.

 

Đài Loan chưa nguy hiểm lắm, vì hòn đảo này đã tự bảo vệ được suốt 70 năm qua, lực lượng quân sự dù nhỏ hơn nhưng có thể buộc Trung Cộng phải trả một giá rất đắt nếu định tấn công. Nhất là toàn thể dân chúng đều muốn bảo vệ chế độ tự do dân chủ.

 

Ukraine đáng lo hơn. Quốc gia này mới thoát ra khỏi Đế quốc Liên Xô được 30 năm. Đảo Crimea đã bị Nga đánh chiếm sáu năm nay, thế giới chỉ phản đối suông mà không can thiệp. Dân gốc Nga ở vùng Donbass được Vladimir Putin cung cấp vũ khí và đưa lính đánh thuê qua giúp, đòi ly khai từ sáu năm nay. Cuộc chiến đã làm hơn 14,000 người thiệt mạng, sau khi ngưng chiến vẫn còn những vụ nã trọng pháo và bắn lẻ cho tới bây giờ.

 

https://gdb.voanews.com/B3D744CB-6969-4610-8F0C-71CFCF836872_w650_r1_s.png

Biden đã điện thoại thông báo cho Putin biết chính phủ Mỹ quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Ukraine, bất bình về hành động Nga trải quân bao vòng nước Ukraine, và đề nghị hai người họp mặt ở một nước thứ ba.

 

Vladimir Putin đưa quân đến vùng biên giới Nga và Ukraine sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden mới nhậm chức đã lên án Putin trong vụ đầu độc và bắt giam lãnh tụ dân chủ đối lập Alexei Navalny và cho mật vụ xâm nhập mạng thông tin nước Mỹ.

 

Ông Biden cùng với giới lãnh đạo khối NATO đã kêu gọi Nga chấm dứt việc chuyển quân gây không khí căng thẳng, và tuyên bố cương quyết ủng hộ Ukraine. Ông Biden đã ra lệnh hai chiến hạm Mỹ USS Donald Cook và USS Roosevelt tiến vào Hắc Hải, đồng thời gọi điện thoại trấn an tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

 

Cuộc tập hợp của quân Nga có thể mang nhiều mục đích, nhưng chắc cũng là một hành động thách thức tổng thống mới của Mỹ. Cả Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều có thể tin rằng nước Mỹ không còn sức quan tâm đến việc thế giới bên ngoài nữa. Bệnh dịch Covid-19 làm chết hơn 550,000 người và kinh tế ngưng trệ. Dân Mỹ chia rẽ về chính trị, không biết bao giờ mới hết. Nga và Trung Cộng còn có thể tuyên truyền khắp thế giới rằng chế độ Dân chủ chỉ là giả hiệu, ngay ông tổng thống mới cũng chỉ nhờ gian lận bầu cử mà chiếm được địa vị. Nước Mỹ đang trên đà suy yếu, cho nên Nga và Trung Quốc có thể làm tới!

 

Ông Putin đã chuẩn bị dư luận. Trước khi đưa quân tiến đến biên giới Ukraine, các viên chức Nga đã lớn tiếng cam kết sẽ bảo vệ dân chúng và “những người nói tiếng Nga!” Họ nhắm đến các di dân Nga từ thời Liên bang Xô Viết hiện nay vẫn còn sống ở nhiều nước đã thoát khỏi đế quốc cộng sản. Chính phủ Nga cũng nói những luận điệu tương tự năm 2008, trước khi xâm lăng nước Georgia; và năm 2014 trước khi đánh chiếm Crimea. Hiện nay Nga đã phát giấy thông hành, hộ chiếu cho những người gốc Nga sống ở Donbass, dù họ vẫn là công dân Ukraine.

 

Ông Putin có thể rút kinh nghiệm của chính mình để tự tin có thể lấn át Mỹ. Những hành động xâm lấn của ông ở Georgia và Ukraine, hai nước thuộc Liên Xô cũ, bị các vị tổng thống Mỹ trước đây, George W. Bush và Barack Obama phản đối, nhưng không can thiệp. Chính phủ Mỹ đã lôi kéo được các nước Âu châu cùng cấm vận kinh tế, nước Nga suy yếu nhưng vẫn chịu đựng được. Nga lại bắt đầu đặt căn cứ quân sự ở Syria và hiện cùng với Iran đóng vai chủ động trong vùng đất Trung Đông này; trong khi chính phủ Mỹ dự tính sẽ rút hết quân đội ở Syria về nước.

 

Nga đã đưa gián điệp vào các nước Âu châu thi hành những vụ đầu độc nhằm ám sát các người Nga đối lập sống lưu vong. Năm 2016, gián điệp Nga đã tổ chức xâm nhập các mạng xã hội ở Mỹ để trực tiếp ảnh hưởng vào cuộc vận động tranh cử, cho thấy ông Putin rất tự tin vào khả năng can thiệp của Nga. Nga cũng quyết liệt ủng hộ tổng thống Belarus đàn áp phong trào dân chúng chống bỏ phiếu gian lận. Hiện nay, ông Putin cũng ủng hộ nhóm tướng lãnh quân phiệt ở Myanmar trong lúc họ tàn sát người dân biểu tình đòi dân chủ.

 

Vladimir Putin còn có thể tin rằng nước Mỹ và các đồng minh ở Âu châu đang chia rẽ nên không thể hợp tác với nhau. Nước Đức cần dầu khí nhập cảng. Nga đang xây dựng đường ống dẫn dầu khí “Stream 2” từ Nga qua Đức, chính phủ Biden vừa mới lên tiếng phản đối nhưng không có gì ngăn cản được dự án đó. Nga còn kết thân, bán hỏa tiễn cho Thổ Nhĩ Kỳ; Mỹ cũng phản đối nhưng vô hiệu.

 

Các nước Âu châu vẫn chủ trương bảo vệ nền độc lập của Ukraine và chính phủ dân cử nước này, mặc dù chưa chính thức nhận Ukraine vào Cộng đồng Âu châu (EU). Tổng thống Zelensky đã yêu cầu cho Ukraine chính thức gia nhập khối NATO; nhưng muốn vậy phải được 30 nước thành viên cùng thỏa thuận; nhiều nước còn e ngại phản ứng của Nga. Tuy vậy, từ năm 2015 khối NATO đã gửi quân tới đồn trú ở các quốc gia nằm bên cạnh nước Nga như Ba Lan và các nước vùng Baltic trước đây thuộc Liên Xô. Tháng trước, các nước đồng minh đã tổ chức một cuộc thao diễn quân sự tại nhiều nước trong vùng.

 

Trước cuộc chuyển quân Nga tới vùng Hắc Hải, phản ứng của chính phủ mới ở Mỹ có vẻ chậm chạp, đang bắt đầu bằng việc liên kết các nước đồng minh để có một thái độ chung. Ngày Thứ Hai, các ngoại trưởng 7 nước trong khối G-7 đã ký tên chung lên tiếng đòi Nga chấm dứt cuộc tập họp quân đội ở biên giới Ukraine.

 

Trong cùng thời gian đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Brussels, trụ sở Liên minh NATO, và gặp ông Dmytro Kuleba, ngoại trưởng Ukraine. Ông Kuleba kêu gọi NATO phải ngăn chặn ngay các hành động gây hấn của Nga; vì nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ tai hại hơn nhiều. Ngoại trưởng Blinken còn nói nếu Nga không chấm dứt các hành động gây hấn thì sẽ gánh hậu quả. Nhưng ông Putin có vẻ không lo lắng về những “hậu quả” đó khi các nước G-7 còn chưa thống nhất ý chí.

 

Ngày Thứ Ba, ông Biden đã điện thoại thông báo cho ông Putin biết chính phủ Mỹ quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Ukraine, bất bình về hành động của Nga trải quân bao vòng nước Ukraine, và đề nghị hai người họp mặt ở một nước thứ ba.

 

Chưa biết ông Biden sẽ nói gì với ông Putin trong mấy tháng tới, nhưng Mỹ và các đồng minh sẽ phải cân nhắc giữa hai điều: Một mặt, phải tỏ ra cương quyết bảo vệ nền độc lập của Ukraine, và mặt khác, phải tránh một cuộc chiến tranh trực tiếp với nước Nga.

 

Điều ông Biden phải hiểu rõ trước khi gặp mặt là ông Putin nhắm mục đích gì khi chuyển hơn 80,000 quân tới biên giới?

 

Rất có thể ông Putin chỉ nhắm mục đích thay đổi dư luận dân Nga, trong lúc mối bất mãn của họ ngày càng lên cao, vì kinh tế suy sụp và vì bệnh dịch Covid-19 đang lan tràn mà thuốc chủng ngừa do Nga sản xuất chưa có hiệu quả đáng tin cậy. Ông Putin có thể nuôi tham vọng chiếm một giải đất của Ukraine để nối liền đảo Crimea với lãnh thổ Nga? Tính kế lâu dài hơn, Putin có thể muốn chiếm ảnh hưởng trên tất cả vùng Hắc Hải, cũng là một cách bao vây Ukraine không cho tự do tiếp xúc với bên ngoài.

 

Âm mưu này sẽ gây phản ứng mạnh của các nước trong vùng, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, một nước nắm quyền kiểm soát con đường biển từ Địa Trung Hải vào Hắc Hải. Cho nên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Zelensky ngay khi quân Nga kéo tới biên thùy Ukraine. Nước Mỹ đã gửi hai diệt lôi hạm vào Hắc Hải để biểu dương quyền tự do lưu thông trong vùng, và bị Nga phản đối.

 

Một điều chúng ta biết chắc là Vladimir Putin đang liên kết với Tập Cận Bình cùng chống Mỹ. Trong khi Trung Cộng làm ồn ào ở eo biển Đài Loan thì Nga gây rắc rối trong vùng Hắc Hải. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã ca ngợi Trung Cộng như một “đồng minh chiến lược đích thực của nước Nga.” Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh cũng nhấn mạnh cuộc hợp tác giữa hai nước “không có giới hạn.”

 

Trong tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ nghe báo cáo của các cơ quan tình báo; một cuộc điều trần trước đây vẫn diễn ra hàng năm, chỉ đứt đoạn từ năm 2019 do quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump. Quốc hội Mỹ sẽ lên tiếng về các hành động gây hấn của các ông Putin và Tập Cận Bình. Người Mỹ sẽ chứng tỏ họ có thể đoàn kết trước mối nguy hiểm chung.

 

Nước Mỹ không thể một mình chống chọi với liên minh Nga – Trung Cộng. Trước khi gặp Vladimir Putin chắc chắn ông Joe Biden phải bắt tay chặt chẽ với các đồng minh ở Âu châu và Á châu.

 

 =======================================================

 

XEM LẠI :


Cạnh tranh Chiến lược Mỹ - Trung Cộng

Ngô Nhân Dụng

12/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/canh-tranh-chien-luoc-my-trung/5849733.html

 

Ngày 14 tháng Tư sắp tới, Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ sẽ nghe điều trần về một dự luật mang tên “Luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021.” Nhìn sơ qua cũng thấy hồ sơ 280 trang này nhắm mục tiêu ngăn không cho Trung Cộng bành trướng.

 

Dự luật được cả hai đảng ủng hộ, sẽ dành $1,150 triệu mỹ kim cho các hoạt động quân sự và an ninh hàng hải trong vùng “Ấn Độ - Thái Bình Dương” trong 4 năm tới. Mỹ sẽ tăng cường cộng tác với Đài Loan, xác định lại hòn đảo này là một phần trọng yếu trong chiến lược của Mỹ trong vùng Á Đông và Ấn Độ Dương.

 

https://gdb.voanews.com/951C04F7-E3EE-47D3-A18D-9F283D25C78B_w650_r1_s.jpg

TT Joe Biden đọc diễn văn tại Pittsburgh, Pennsylvania, 31 tháng Ba, về kế hoạch chi 2 ngàn tỷ đô la nâng cấp hạ tầng cơ sở.

 

Phần quan trọng trong bản dự luật là các biện pháp kinh tế và chính trị đối với Trung Cộng. Chính phủ Mỹ cần phản đối chính sách “diệt chủng” của Trung Cộng đối với người Uighurs ở Tân Cương, bảo vệ các quyền tự do dân Hồng Kông đang được hưởng, và phản công các chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh. Mỹ sẽ kiểm soát các vụ đầu tư của Trung Cộng vào nước Mỹ chặt chẽ hơn.

 

Thượng viện Mỹ chú trọng đến các lãnh vực bảo vệ quyền làm người và an ninh quốc gia, còn bên Hành pháp nhấn mạnh đến nhu cầu cạnh tranh kinh tế. Lâu nay, Bắc Kinh vẫn than phiền Mỹ cố ý ngăn cản không cho kinh tế nước Tàu tiến lên để cạnh tranh với mình. Bây giờ, ngược lại, Tổng thống Joe Biden báo động nước Mỹ phải chạy nhanh hơn để bắt kịp Trung Quốc!

 

Trong bài diễn văn về một chương trình hoàn toàn đối nội, là xây dựng hạ tầng cơ sở, ông Biden kể cho dân Mỹ biết Trung Cộng đã đầu tư ào ạt để bành trướng các phi trường, bến cảng, đập nước, xa lộ, đường xe lửa cao tốc, vân vân, trong khi hệ thống hạ tầng cơ sở của nước Mỹ không được tu bổ. Ông đã nhắc đến tên “China” đến sáu lần, một cách để được mọi người ủng hộ, nhưng cũng chứng tỏ lòng dân Mỹ chống Trung Cộng đang lên cao.

 

Ông Biden nói, “Nước Mỹ không còn dẫn đầu thế giới, vì chúng ta không đầu tư.” Ông cho biết trong số các cường quốc kinh tế Mỹ là nước duy nhất đã giảm bớt số đầu tư vào nghiên cứu và phát huy sáng kiến (R&D).

 

Trong quốc hội, cả hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ đã đồng ý với nhau về nhu cầu phải cạnh tranh kinh tế với Trung Cộng. Những khoản đầu tư sẽ dễ dàng được thông qua gồm có:

 

Thứ nhất, dành $50 tỷ mỹ kim để nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, để khỏi bị lệ thuộc vào nguồn tiếp liệu từ Trung Quốc. Kinh nghiệm thời gian bệnh dịch Covid-19 hoành hành cho thấy khi nguồn nhập cảng chất bán dẫn từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều ngành công nghiệp khắp thế giới phải ngưng trệ, gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la. Công ty Boeing đã trình cho Bộ Thương Mại lý do thiếu các loại chip là vì nước Mỹ lâu nay không còn chế tạo những loại chip bình thường, rẻ tiền nữa.

 

Đặc biệt, nhiều công ty xe hơi ở Mỹ phải ngưng công việc vì thiếu những con “chip” rất tầm thường. Tòa Bạch Ốc mới tổ chức một cuộc họp mặt trên mạng với giới chỉ huy các công ty Ford và General Motors bàn vấn đề này. Các nhà kỹ nghệ cho biết vì thiếu những con chip nhập cảng, công việc sẽ còn đình đốn trong sáu tháng sắp tới, số lượng xe hơi làm ra sẽ giảm mất 1.28 triệu xe trong năm nay. Chính các hãng xe yêu cầu chính phủ phải dành một số tiền giúp việc sản xuất loại chip này.Ông Biden cho biết sẽ cung cấp $37 tỷ đô la đầu tư giúp sản xuất chip trong nước.

 

Ngoài lãnh vực sản xuất chip, chương trình sắp tới của chính phủ Mỹ sẽ dành $180 tỷ hỗ trợ các công trình nghiên cứu (R&D). Hiện nay Mỹ vẫn chi nhiều nhất thế giới trong R&D nhưng Trung Cộng đứng thứ nhì sắp sửa bắt kịp. Trong thời gian qua nhiều cơ sở ở Mỹ đã giảm bớt số nhà nghiên cứu, có nơi đóng cửa luôn vì thiếu tiền.

 

Chương trình mới sẽ dành một ngân sách đem mạng lưới tiếp liệu công nghiệp về Mỹ. Chính phủ sẽ dùng $50 tỷ mỹ kim để nâng đỡ các cơ xưởng về làm trong nước Mỹ. Hệ thống cung cấp, tiếp liệu toàn cầu rất phức tạp. Công ty Pfizer sản xuất vaccine ngừa bệnh Covid-19 cùng với một công ty Đức, trụ sở đặt ở Mỹ, nhưng hệ thống tiếp liệu phức tạp hơn 5,000 nhà cung cấp khắp thế giới. Một cái iPhone của Apple cần các bộ phận được sản xuất trong 49 quốc gia; trước khi một công ty Đài Loan tổ chức ráp thành thành phẩm trong các cơ xưởng tại Trung Quốc.

 

Các dự án trên hiện đang được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ ủng hộ, vì nước Mỹ mới trải qua kinh nghiệm Covid-19 làm hệ thống tiếp liệu bị tắc nghẽn, nhưng cũng được đề ra vì mọi người muốn đối phó với Trung Cộng.

 

Nhưng đây là một điều bất thường trong nền kinh tế Mỹ. Vì kinh tế tư bản xưa nay vẫn đặt trên nguyên tắc là chính phủ không can thiệp vào thị trường. Chính phủ không nên khuyến khích và nâng đỡ một ngành công nghiệp nào; mà nên để các các xí nghiệp điều chỉnh hoạt động theo luật cung cầu. Thị trường, với những người tiêu thụ, sẽ tưởng thưởng hay trừng phạt các doanh nhân. Nâng đỡ một ngành công nghiệp sẽ khiến thị trường giảm bớt hiệu năng. Các công ty được trợ cấp sẽ ỷ lại, các quyết định đầu tư có thể phí phạm vì khi “tiêu tiền chùa” thì các xí nghiệp không còn lo “của đau con xót” nữa. Người ta đã chứng kiến tình trạng đó ở Trung Quốc; các doanh nghiệp nhà nước đầu tư rất nhiều dù không mang lại lợi ích kinh tế nào.

 

Cho nên, chương trình chi tiêu $2,300 tỷ của chính phủ Biden cần phải giới hạn. Đầu tư $180 tỷ giúp các đại học, viện nghiên cứu, các xí nghiệp phát huy các sáng kiến và sản phẩm mới là điều đáng làm, nhưng nên chú trọng vào các cuộc nghiên cứu khoa học căn bản, có giá trị mở đường, hơn là những áp dụng. Vì khi bước vào lãnh vực áp dụng thì cuộc cạnh tranh của các doanh nhân có hiệu quả cao hơn nhiều.

 

Các chương trình đưa hệ thống tiếp liệu trở về nước Mỹ, đặc biệt là các nhà sản xuất chất bán dẫn, chỉ nên thu hẹp trong một thời gian, càng ngắn càng tốt. Vì đây là một vấn đề ngắn hạn, do bệnh dịch Covid gây ra, sau một năm nữa sẽ qua khỏi. Nếu không giới hạn trước, sẽ đẻ ra những xí nghiệp luôn luôn ỷ lại vào trợ giúp của chính phủ. Cạnh tranh với Trung Cộng, nước Mỹ không thể bắt chước, sử dụng các miếng võ của họ. Vì trong cách tổ chức sản xuất và phân phối thì kinh tế thị trường trong một chế độ dân chủ vẫn có hiệu quả hơn.

 

Hơn nữa, kinh tế Mỹ đang trên đường hồi phục. Số người được chích ngừa tăng rất nhanh, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường trong vòng một năm. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) vẫn tỏ ra lạc quan không lo lạm phát sẽ lên cao quá 2 phần trăm trong vài năm tới. Nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán, Fed cũng chưa cần tăng lãi suất, vì lãi suất lên có thể làm cho kinh tế đi chậm lại. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ chỉ cần ngưng chương trình mua trái khoán, như đang thi hành, mỗi tháng vẫn bơm $120 tỷ đô la vào kinh tế.

 

Với tương lai kinh tế lạc quan như vậy, quốc hội và chính phủ Mỹ đủ tự tin để mở cuộc chạy đua với Trung Cộng, trên mặt kinh tế, ngoại giao, cũng như quân sự.

 

Ông Biden đã mô tả dự án đầu tư $2.3 ngàn tỷ là một phần trong cuộc chạy đua ý thức hệ mà nước Mỹ không để Trung Quốc qua mặt. “Trung Quốc có đứng đó chờ, không đầu tư vào hạ tầng cơ sở và nghiên cứu, phát kiến (R&D) hay không? Tôi bảo đảm với quý vị là không!” Ngược lại, “Họ đang nghĩ rằng chế độ dân chủ của nước Mỹ chia rẽ, chậm chạp, nên không chạy được nhanh như họ.” Ông nhấn mạnh, “Chúng ta phải chứng tỏ cho Trung Quốc và thế giới thấy, quan trọng hơn là cho chính chúng ta thấy, rằng chế độ dân chủ làm việc có hiệu quả. Chứng tỏ rằng chúng ta có thể đoàn kết với nhau.”

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats