Thursday, 15 April 2021

LÒNG TỰ TRỌNG và NHÂN QUYỀN (Phạm Phú Khải)

 



Lòng tự trọng và nhân quyền

Phạm Phú Khải

15/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/long-tu-trong-va-nhan-quyen/5854131.html

 

 

https://gdb.voanews.com/8E70A351-C515-4DB2-BB89-1470FCE379A6_w650_r1_s.png

Báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố ngày 11/03/2020. Photo State.gov

 

Lời dẫn nhập: Tôi viết bài dưới đây nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền cách đây 15 năm. Hôm kia khi tình cờ đi tìm tài liệu thì nhìn thấy nó. Thật tình thì tôi không nhớ là có gửi đăng bài này ở đâu chưa. Nhưng nội dung của nó vẫn còn giá trị (tôi chỉ cập nhật vài thông tin và rút ngắn lại). Ngẫm nghĩ mà thấy thật buồn. 15 năm là một thời gian không quá dài, nhưng không hề ngắn. Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn không khá hơn chút nào. Rõ ràng mục tiêu của chế độ cầm quyền không phải là để nâng cao tinh thần và phát triển của người dân mà cốt yếu làm cho họ chán nản, nhụt chí để chế độ tự tung tự tác mọi hoạt động xã hội. Nhân nói về đề tài nhân quyền, đặc biệt là quan điểm của cộng sản Trung Quốc, xin mời quý độc giả đọc và phê bình bài này.

 

 

Nhân quyền là một giá trị phổ quát

 

Từ lâu nay, chúng ta cảm nhận về nhân quyền trên bình diện rất thực tế. Nghĩa là, đối với người Việt, đặc biệt tại hải ngoại, dù nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) có đưa ra bao nhiêu "Sách Trắng về Nhân Quyền" để đánh bóng các thành tựu về quyền con người tại Việt Nam đi chăng nữa, nó cũng chẳng hề thay đổi được cách đánh giá và sự nhận xét của nhiều người. Qua kinh nghiệm và bằng chứng thực tế, nhân quyền tại Việt Nam rõ ràng vẫn bị chà đạp một cách tồi tệ có hệ thống. Tất nhiên, có những luận cứ cho rằng đời sống đã tốt hơn nhiều kể từ khi đổi mới. Đúng, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng một điều khác cũng không thể phủ nhận, là các quyền tự do về chính trị và dân sự, từ tự do thông tin ngôn luận đến hoạt động đảng phái hay phục hoạt giáo hội, ngoài những cái ‘tự do’ trong tầm kiểm soát của đảng, thì vẫn còn bị kiềm kẹp như thời toàn trị. Tức là vẫn chưa có một sự tiến bộ đúng nghĩa nào về nhân quyền, khi nhân phẩm bị chà đạp và coi rẻ chưa từng thấy. Điển hình như hàng trăm ngàn cô dâu và công nhân Việt Nam phải đi làm lao động tại Đài Loan (vào thời điểm đó) hay 39 người chết trong xe tải cách đây vài năm (mà người ta gọi là “thùng nhân”). Các bản báo cáo nhân quyền mới nhất của Amnesty InternationalHuman Rights WatchFreedom House, hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, về tình trạng nhân quyền năm 2020 chứng minh điều này.

 

Thật ra, nếu chỉ nói về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thôi thì cũng thiếu công bằng và khách quan, bởi vì nhân quyền là vấn đề của thế giới, của nhân loại. Thêm vào đó, cũng cần nhìn nhận rằng học thuyết nhân quyền cũng còn rất mới mẻ. Nó chỉ mới chính thức hiện hữu như một văn bản là Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào ngày 10 tháng 12 năm 1948. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, không riêng gì Việt Nam mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, nhân quyền vẫn còn bị vi phạm một cách trầm trọng và có hệ thống. Đọc báo cáo nhân quyền từ các tổ chức từ Liên Hiệp Quốc, hay từ các quốc hội Châu Âu, Anh, Úc, Đức, Hoa Kỳ, [1] v.v... thì tình trạng vi phạm nhân quyền ở nhiều nơi vẫn còn rất nghiêm trọng.

 

Ngay tại Úc này, được xem là quốc gia văn minh tiến bộ hàng đầu, thế nhưng chỉ vài thập niên nay mới chính thức xem người bản địa Úc như những con người với đầy đủ giá trị và nhân phẩm. Trong lịch sử Úc, ngay từ ban đầu khi những người ‘khai hoang’ đến định cư, họ đối xử với người bản địa như thú vật, và xem đất nước này như không có con người sống ở đó, nên đã bắn giết, độc hại người bản địa một thời gian dài (khoảng 1788-1900). Sau đó một thời gian, họ khám phá ra rằng, những người này có thể làm các việc nhà, nên từ đó đối xử người bản địa giống như trẻ con. Rồi sau đó đối xử giống như vị thành niên khi khám phá rằng, những người này có thể cầm súng chiến đấu tại Châu Âu... Mãi cho đến giữa thập niên 1960s, người bản địa mới thật sự được đối xử như những con trưởng thành, bằng các văn bản pháp luật hẳn hoi. Tất nhiên trong đầu của người bản địa, họ luôn là con người, và trưởng thành, nhưng vấn đề là đầu óc của người da trắng không nhìn người bản địa như thế. Cho nên một thời gian dài đã không công nhận và đối xử một cách văn minh, bình đẳng với họ.

 

Sự đối xử bất công và nhiều khi tàn bạo với người cùng sắc tộc, và hơn nữa, với các sắc tộc khác, là một vấn đề khá phức tạp, liên hệ đến lịch sử, văn hoá, và ý thức hệ (chính trị, tôn giáo...). Tuy nhiên, để tìm hiểu bản chất của các vấn đề nêu trên, và thêm vào đó, để nhìn nhân quyền ở một khía cạnh triết lý, bổ túc cho phần thực tế, chúng ta cần đi từ căn nguyên nhận thức về con người và quyền.

 

 

Tự trọng là nền tảng của nhân quyền

 

Theo giáo sư chính trị học Ralph Pettman[2], nhân quyền liên hệ mật thiết đến tính tự trọng (self-esteem). Vì thế không thể giáo dục bất cứ ai về nhân quyền nếu người đó không có lòng tự trọng. Với tư cách là một chuyên gia về chính trị thế giới (International politics) và kinh tế chính trị (Political economy), từng là một nhà quản lý cao cấp trong Ủy Hội Nhân Quyền Úc (Australian Human Rights Commission) cũng như Trung Tâm Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations Centre for Human Rights), giáo sư Pettman được xem là người có thẩm quyền trong lĩnh vực nhân quyền quốc tế. Ông đã dành 5 năm để nghiên cứu và soạn thảo chương trình giáo dục về nhân quyền cho học sinh Úc (sau này ông cũng soạn thảo chương trình giáo dục tương tự cho Liên Hiệp Quốc) từ tiểu học đến trung học. Ngày nay Úc là một nơi mà nhân quyền luôn được đề cao tối đa, và tự bản thân của các chương trình giáo dục này cũng phần nào nói lên điều đó. Ông cho biết, qua 400 trường tiểu và trung học trên toàn Úc, ông đã gặp phải một trường hợp đặc biệt khi muốn thực hiện chương trình giáo dục nhân quyền với học sinh ở lứa tuổi 14. Lúc đó, họ thực hiện một thử nghiệm nho nhỏ về lòng tự trọng của học sinh, và khám phá ra rằng những học sinh này không có lòng tự trọng nào cả. Do đó, họ quyết định là không có lý do gì để tiến hành chương trình giáo dục nhân quyền, mà phải trở lại các bước căn bản để thực tập về lòng tự trọng, sự đồng cảm cũng như sự kính trọng người khác và chính mình. Từ đó mới có căn bản để được giáo dục về nhân quyền.

 

Mặc dầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chính thức hiện hữu cách đây 71 năm, nhưng chủ thuyết nhân quyền bằt nguồn từ Thời Đại Khai Sáng (The Age of Enlightenment, thế kỷ 18). Học thuyết nhân quyền xuất phát từ Duy Lý luận (Rationalism), đặc biệt là từ Chủ nghĩa Phóng phoáng (Liberalism), với chủ trương đề cao sức mạnh của lý lẽ (thảo luận hợp lý), giá trị cá nhân, quyền tự do ngôn luận, hội họp, và thờ phượng. Toàn bộ học thuyết nhân quyền (thí dụ như 30 điều trong TNQTNQ, đặc biệt 3 điều căn bản là 1, 2 và 30) [3] được xác định trên khái niệm rằng, chúng ta trân quý bản thân mình, cái tôi của mình, cái cá tính của mình... Và chúng ta đều là những cá nhân biết suy nghĩ, biết lý luận, biết quyết định vận mạng của chính mình. Không ai có thể thay thế hay cướp đi quyền đó (tất nhiên cũng có ngoại lệ như những ai không thể tự lo, ví dụ như mắc bệnh tâm thần, chẳng hạn...).

 

Tuy nhiên, để làm được việc đó, chúng ta phải có khả năng tách rời tinh thần và thể xác (Mind and Body), nghĩa rằng đầu óc phải ‘tách rời’ (detached) thân thể để từ đó có thể nhìn thế giới, và nhìn lại mình, từ một khoảng cách tinh thần. Điều này có thể dễ cho những ai sống trong nền văn hoá Tây phương (như Úc, Mỹ, Anh v.v...) được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng, nên được giáo dục một cách có hệ thống về sự tách rời (separation), cách biệt (alienation), khả năng tự quyết, hay nói chung là những chủ thể được khách quan hoá. Qua quá trình luyện tập tinh thần để làm được như thế, chúng ta có thể để đầu óc tự do tách khỏi thân thể mình, để tầm nhìn của chúng ta vượt xa, vượt khỏi khuôn khổ gia đình mình, cộng đồng mình, đất nước mình, và như thế mới nhìn thấy được những con người khác, tuy khác bản sắc văn hoá với mình, nhưng vẫn là những con người đúng nghĩa và xứng đáng được đối xử một cách nhân bản. Và khi nào chúng ta làm được như thế thì rất dễ nhận diện ra được chính bản thân mình từ chủ điểm khách quan. Để từ đó chúng ta dễ suy luận về vấn đề nhân quyền hơn.

 

Vì thế, khi nhìn ở khía cạnh này, nhân quyền không phải là một vấn đề hiển nhiên, dễ hiểu, rõ ràng, mà cần phải suy nghĩ khoa học, khách quan, mới có thể đi đến một định nghĩa phổ quát được chấp nhận. Từ đó, chúng ta mới nhận diện ra được ai được bảo vệ (inclusion) quyền con người và ai không được (exclusion). Nhìn ở góc cạnh này, chúng ta cũng dễ nhận diện ra được ai đang thật sự tôn trọng nhân quyền và ai đang chà đạp lên nó.

 

Nói cách khác, học thuyết nhân quyền đặt trên nền tảng rằng là khi chúng ta không biết trân quý bản thân mình thì chúng ta không thể biết trân quý người khác. Cho nên nếu không có tính tự trọng thì không thể tôn trọng nhân quyền, của mình cũng như của người khác. Điều đó cũng có nghĩa rằng khủng bố và nhân quyền là hoàn toàn đối nghịch nhau. Do đó, những nơi nào chuyên dùng bạo lực, khủng bố để cai trị dân, hay những nơi bọn khủng bố chuyên dùng vũ khí, ôm bom tự sát…, cho dù ‘cứu cánh biện minh cho phương tiện’, thì nhân quyền vẫn thường bị chà đạp trắng trợn ở đó.

 

 

Nhân quyền và Cộng sản

 

Từ trong căn bản, chủ nghĩa phóng khoáng (Liberalism, nền tảng của xã hội tư bản ngày nay) và chủ nghĩa Mác-xít (Marxism, nền tảng của xã hội cộng sản, được Ăng Ghen và Lenin cũng như Stalin và Mao khai triển thêm theo chiều hướng có lợi hơn cho họ sau này) đã đối nghịch nhau về vấn đề cưỡng bách và bạo lực. Tuy cả hai khuynh hướng đều đề cao mục tiêu giành tự do, dân chủ, công bằng, nhưng khác biệt ở các điểm như sau. Một, Liberalism đề cao giá trị cá nhân và tự do cá nhân trong khi Marxism đề cao tính tập thể, tính đảng. Hai, Liberalism phản đối mọi biện pháp cưỡng bức, bạo lực lên người khác (ngoại trừ những thành phần dùng bạo lực thì phải kiềm chế họ) trong khi các nhà tư tưởng hàng đầu của chủ nghĩa cộng sản thì luôn nhấn mạnh đến việc thực hiện cuộc cách mạng bằng bạo lực để lật đổ giai cấp tư sản. Trong tác phẩm "Nhà Nước và Cách Mạng", [4] Lenin biện luận một cách đầy mâu thuẫn để kết luận rằng, không còn con đường nào khác để lật đổ giai cấp tư sản ngoài bạo lực cách mạng, sau đó chuyên chính vô sản thay mặt toàn dân lên nắm chính quyền (giai đoạn 1), tiến đến chủ nghĩa xã hội (giai đoạn 2) và sau cùng là tiến lên chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn 3, lúc mà người dân sẽ "làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu", và sẽ có được nền dân chủ không có ngoại lệ, tức là tuyệt đối)!

 

Đối với những người cộng sản, bạo lực và cưỡng bách tuy được biện minh là phương tiện, nhưng nó ngang nhiên trở thành cứu cánh. Cho nên mọi cuộc cách mạng do các đảng cộng sản tiến hành, đều mang tính bạo động. Cuộc cách mạng tháng 8 (19/8/1945) không có lý do gì để mang tính bạo động ví lúc đó là khoảng trống chính trị (đúng ra là vì Việt Minh hay Đảng Cộng Sản Đông Dương lúc đó không có đủ lực để gây bạo động). Nhưng sau khi củng cố chính quyền thì họ lại bắt đầu các thủ đoạn thủ tiêu lãnh tụ của các đảng phái quốc gia. Nền độc lập và thống nhất dù chưa thành tựu thì đảng lại tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam qua ba cuộc chiến tranh Đông Dương, chưa kể chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1979. Sau ngày 30/4/1975, và mãi cho đến nay, bạo lực vẫn là phương tiện để ‘ổn định’ xã hội, thay vì hòa giải và các chính sách đúng đắn.

 

Nói chung, sau các cuộc cách mạng “long trời lở đất”, giết chết hàng trăm triệu người trên thế giới, các chế độ cộng sản tại Việt Nam và còn lại trên thế giới vẫn bám víu vào bạo lực.

 

Nếu tự trọng là giá trị nền tảng của nhân quyền, thì cũng có lắm điều để suy ngẫm về tính tự trọng của người Việt Nam [5]. Riêng một trường hợp rất đặc biệt không thể không nhắc đến, là việc lãnh tụ Hồ Chí Minh của ĐCSVN, người đã dùng bút hiệu Trần Dân Tiên qua tác phẩm "Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch". Một chính trị gia đầy kinh nghiệm và thủ đoạn như ông nhưng lại không có một sự tự trọng tối thiểu nào. Hồ Chí Minh đã “làm gương” cho các lãnh đạo cộng sản Việt Nam về sau. Có mấy ai trong giới lãnh đạo Việt Nam có lòng tự trọng tối thiểu!!!

 

 

Vài kết luận

 

Theo tinh thần của các quốc gia ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nó phải được truyền bá và trình bày rộng rãi, và được đọc và giải nghĩa tại các trường học và các cơ sở giáo dục... Đặc biệt, đối với những quốc gia từng là nạn nhân của các chế độ độc tài, trong đó nhân quyền bị chà đạp nặng nề, thì điều đáng làm nhất là tổ chức các khóa hướng dẫn đề cao lòng tự trọng và giá trị nhân quyền. Thế nhưng, kể từ khi Việt Nam ký vào bản TNQTNQ [6], không biết có bao giờ nhà cầm quyền CSVN tổ chức các chương trình giáo dục về nhân quyền cho học sinh tiểu và trung học chưa. Công việc mang tính giáo dục để truyền đạt giá trị lâu dài, phổ quát, và không bị chính trị hoá, sẽ giúp cho thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau biết hành xử văn minh để sống chung với nhau trong hoà bình.

 

Căn bản của nhân quyền là lòng tự trọng. Nhưng lòng tự trọng không tự nhiên mà có. Người ta chỉ tự trọng khi được tôn trọng, và được giáo dục để tự trọng, nhất là từ lúc còn bé. Cơ bản nhất là phải được giáo dục về sự tự tin. Nếu cha mẹ hoặc xã hội chung quanh không tôn trọng trẻ con và không dạy chúng tự trọng thì khó mà chúng có lòng tự trọng. Cho nên, để phát triển lòng tự trọng, trong trường hợp của người Việt Nam, chúng ta cần ít nhất 2 điều kiện cơ bản: 1) giáo dục: không những nội dung giáo dục mà còn ở cách giáo dục. Việt Nam cần một hệ thống giáo dục khoa học và nhân bản, tách rời mọi khuynh loát của chính trị. 2) chính trị: tự do cá nhân và quyền cá nhân phải được tôn trọng. Không ai phải bị hệ thống sỉ nhục khi có ý kiến riêng (khoan bàn đến chuyện đúng hay sai).

 

Tóm lại, muốn tôn trọng nhân quyền thì trước hết phải xây dựng lòng tự trọng trong mỗi công dân. Để làm được việc này thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng một hệ thống giáo dục và chính trị mới, bởi vì cái mà Việt Nam có bấy lâu nay hoàn toàn đối nghịch lại nền tảng giá trị nhân quyền. Có được ý niệm như thế, nó sẽ giúp cho người Việt Nam nâng cao ý thức công dân, từ đó sẽ không chấp nhận các chế độ độc tài trên đất nước Việt Nam.

 

Phạm Phú Khải

Viết ngày 12/12/2006; biên tập lại 14/04/2021

 

--------------------

 

Chú thích

 

[1] Bản báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ Ngoại Giao Mỹ, phổ biến vào ngày 30 tháng Ba năm 2021, mà đã đề cập trong bài viết vừa qua.

 

[2] Từng giảng dạy tại đại học Melbourne. Xin xem 

http://www.politics.unimelb.edu.au/aboutus/pettman.html.

 

[3] Có thểm tham khảo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền có trên website của Liên Hiệp Quốc.

Bản tiếng Anh có thể tìm tại: http://www.unhchr.ch/udhr/lang/eng.htm

và bản tiếng Việt tại: http://www.unhchr.ch/udhr/lang/vie.htm

 

[4] V.I. Lenin, "The State and Revolution", Selected Works, In Three Volumes, Vol 2, Progress Publishers, Moscow 1970.

 

[5] Đây là một đề tài lớn, cần sự nghiên cứu nghiêm túc, và nằm ngoài phạm vi của bài này. Tác giả chỉ đưa ra gợi ý để chúng ta khách quan nhìn vấn đề nhân quyền của dân tộc Việt Nam, không riêng gì với đảng cộng sản. Xin chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân. Mỗi lần đi vận động cho nhân quyền tại Việt Nam, thí dụ như ký vào các thỉnh nguyện thư gửi cho Liên Hiệp Quốc hay chính phủ Úc, nếu tính trung bình vận động 10 người không phải Việt Nam (người Úc và các sắc tộc khác) thì có đến 5-6 người sẵn sàng ký tên ủng hộ nhân quyền, trong khi đó chỉ có khoảng 2-3 người Việt ký tên. Nhiều người Việt còn không biết gì về sự đàn áp tại Việt Nam hoặc không quan tâm gì đến lãnh vực này.

 

[6] Việt Nam đã ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, và đến năm 1982 ký vào hai công ước có tính cách pháp lý và cưỡng hành cao nhất: Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa.

 

Xin xem website của LHQ: 

http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/newhvstatbytreaty?OpenView&Start=1&Count=250&Collapse=3#3

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats