Đọc
bài “Tụng Lỗ Tấn” của Phan Khôi, lại nghĩ đến cái xấu và tội ác ở Việt Nam hiện
nay
Nguyễn
Văn Nghệ
16/04/2021
Ông Phan Khôi (1887-1959) khi mới lớn lên đã
theo đòi nghiệp bút nghiên, thuộc làu Tứ thư, Ngũ kinh, cùng sách của Bách gia
Chư tử. Ông đã khăn gói lều chõng đi thi Hương và đỗ Tú tài Hán học năm 1906.
Ông và một số nhà Nho nhận thấy: “Nào có ra
gì cái chữ Nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy phán/
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” (Chữ Nho Trần Tế Xương), do đó ông đã “Vứt
bút lông đi, giắt bút chì!” và theo đuổi nền Tây học. Ông đã tham gia làng báo
và sau năm 1945, tham gia phong trào Việt Minh.
Tháng 10/1956 trước khi báo Nhân văn do ông
Phan Khôi làm Chủ nhiệm bị cộng sản cho đình bản ít lâu. Hội Văn nghệ Việt Nam
cử ông Phan Khôi sang Bắc Kinh dự Đại hội Kỷ niệm 20 năm, ngày Lỗ Tấn từ trần.
Cùng đi có Tế Hanh.
Tại lễ Kỷ niệm, ông Phan Khôi đã có bài phát
biểu mang tên “Tụng Lỗ Tấn”: “Phản Khổng tử ‘bất vi dĩ thậm’[1]/ ‘Đả lạc thủy cẩu’[2],
‘bất khoan thứ thùy’[3]/ Phản Da tô ‘ái địch như hữu’[4]/ Nguy nguy hồ Lỗ Tấn
‘vô sản đích thánh nhân’[5]/ Ngã thâm tín thử ngôn bất mậu/ Ngã độc công thư tạp
niên/Hận bất tương kiến công tử tiền/ Thiên hạnh năng cập ngã tử tiền/ Đắc kiến
công tử hậu tân Trung Quốc đích thiên!”
Dịch nghĩa bài “Ca tụng Lỗ Tấn”: Bác lời Khổng
tử “không nên làm điều thái quá!”/ Ông chủ trương “đánh chó phải đánh cả khi nó
đã rơi xuống nước”, “không dung tha kẻ thù nào”/Chống lại lời dạy của Chúa Da
tô “phải yêu kẻ thù như bạn”/ Vòi vọi như núi cao, Lỗ Tấn là ông thánh của giai
cấp vô sản/ Tôi tin lời xưng tụng ấy không hề sai lầm/ Đã ba mươi năm nay tôi đọc
sách của ông/ Giận mình chẳng được một lần gặp ông trước lúc ông mất/ may mà
trước lúc tôi xuôi tay nhắm mắt/ Còn được thấy bầu trời nước Trung Hoa mới của
ông.
Dịch thơ lục bát: “Bác lời Khổng tử khuyên
can/ Làm chi thái quá để mang tiếng đời/ Đánh chó chớ đánh nửa vời/ Phải dìm
cho chết dẫu rơi ao tù/ Không khoan dung lũ nghịch thù/ Đừng như Đức Chúa Giê
su dạy đời/ Non cao chất ngất lưng trời/ Thánh nhân vô sản như lời tụng ca/ Tin
người xưng tụng chẳng ngoa/ Ba mươi năm ấy tôi đà đọc ông/ Gặp ông mong được
thành không/ Vãn niên may thấy cờ hồng Trung Hoa”. [6]
Ông Phan Khôi từ một nhà Nho chân chính, đã
khước từ học thuyết nhân bản nhã nhặn của Khổng tử để quảng bá cho một học thuyết
duy lý hung hăng của phương Tây: “Đả lạc thủy cẩu”, “bất khoan thứ thùy”.
Cụ Trần Trọng Kim cũng xuất thân từ gia đình
Nho học nhưng cụ lại nhận ra bản chất của học thuyết duy lý hung hăng: “Về
đường thực tế, cái đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý,
không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng. Người Cộng sản cho
cái điều đó là hủ tục của xã hội phong kiến thời xưa, đặt ra để lừa dối dân
chúng, nên họ tìm cách xóa bỏ hết. Ai tin chỗ ấy là người sáng suốt, là người
giác ngộ, ai không tin là người mờ tối, là người mê muội. Vì có tư tưởng như thế,
cho nên cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng
chủ nghĩa của Cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả,
giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người
giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận
cội rễ, để thành lập một xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản” [7].
Với chủ trương “cha, con, anh em bè bạn không
có tình nghĩa gì cả” cho nên mới có chính sách “đấu tố”. Qua ký ức của nhà thơ
Trần Mạnh Hảo đã kể lại việc đấu tố : “Bố tôi bị quy lên địa chủ, bị nhốt
chuồng trâu, chờ ngày đấu tố (…). Cùng với các ông đội, bà đội trên cử xuống,
hai ông Chi và Bính (hai anh em ruột) trước kia làm nghề ăn trộm giờ là cốt cán
trong cuộc đấu tố, đêm đêm đi vận động người tố điêu địa chủ: rằng vợ phải đấu
tố chồng, con phải đấu tố cha mẹ, anh em phải đấu tố nhau, con dâu phải tố bố
chồng hãm hiếp mình, Phật tử nữ phải đấu tố nhà sư, vu cho sư cưỡng hiếp mình
thì mới dễ xử bắn sư…
Bọn thiếu nhi, thiếu niên chúng tôi con địa chủ cũng
được hai ông Chi, Bính quán triệt trước, rằng các cháu chịu khó đấu tố bố mình
đi thì bố mới được thả về, bằng không đội bắn bỏ đừng khóc…Tin vào hai ông thần
đấu tố ở làng và các ông bà đội, mấy đứa con địa chủ chúng tôi chấp nhận đấu tố
bố mình trước đội thiếu nhi thiếu niên theo kịch bản tố điêu của cấp trên để
hòng cứu bố khỏi bị bắn. Để việc đấu tố bố tôi sáng mai tốt đẹp theo ý của ông
đội, họ tổ chức cho các con địa chủ đấu tố bố mình tối hôm trước…” [8].
Cái ác ở Việt Nam hiện nay tràn đầy, khiến ông
Lê Kiên Thành (con của Lê Duẩn) trăn trở: “Có thể con người Việt Nam hôm nay
dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho
tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đã biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều
quá lạ lùng với xã hội này”.
Ông Lê Kiên Thành phỏng đoán (vì không dám quả
quyết) rằng: “Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người Việt
Nam phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay. Người Việt từng sống dưới ách nô
lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ,
chịu đựng đủ sự tàn ác bóc lột từ ngoại bang. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được
về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng bào của mình. Chưa bao giờ người Việt
đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế. Chúng ta không nghèo như ngày
xưa, không đói như ngày xưa, tại sao chúng ta ác hơn ngày xưa?” [9].
Thời phong kiến con cháu mà “đấu tố” ông bà,
cha mẹ là phạm vào tội bất hiếu. Bộ luật Hồng Đức quy định con cháu có nghĩa vụ
không được kiện cáo ông bà cha mẹ (điều 511), có nghĩa vụ che giấu tội cho ông
bà cha mẹ (điều 9 và 504) ngoại trừ trường hợp ông bà cha mẹ phạm các tội mưu
phản, mưu đại nghịch… thì con cháu được phép tố cáo.
Trong Luận ngữ có mẩu đối thoại giữa Diệp công
và Khổng tử: Diệp công ngữ Khổng tử viết: “Ngô đảng hữu trực cung giả: kỳ phụ
nhương dương, nhi tử chứng chi”. Khổng tử viết: “Ngô đảng chi trực giả, dị ư thị:
phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn, trực tại kỳ trung hỹ” (Ông Diệp công nói với Khổng
tử rằng: “Ở xóm tôi, có người giữ phép thẳng rất mực, như cha ăn trộm dê, thì
con đứng ra làm chứng khai thật”. Khổng tử nói rằng: “Ở xóm ta người ngay thẳng
cư xử có khác: Cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha; tình ngay thẳng vẫn ngụ
trong đó vậy” (Luận ngữ Tử Lộ XIII, 18).
Học thuyết Nho giáo đề cao chữ “Nhân”, bởi
“Nhân” là đầu các điều thiện. Nếu Phan Khôi hoặc những người lãnh đạo thời ấy hết
lòng quảng bá đức “Nhân” trong học thuyết Nho giáo, đừng chạy theo học thuyết
duy lý hung hăng của phương Tây thì tôi tin chắc cái ác sẽ không xảy ra như hiện
nay: “Giết nhau vì tiền, giết nhau vì tình, giết nhau vì đất đai, giết nhau
vì chút quyền lợi nhỏ, và cả giết nhau chẳng do duyên cớ nào cả. Thậm chí, một
cái nhìn bị cho là ‘nhìn đểu’ cũng dễ dàng rước lấy cái chết thảm cho người nhì
đằng sau cái hả hê của ‘người bị nhìn’ đã ‘dứt điểm’ được ‘kẻ nhìn đểu’.”
[10].
Tại sao hiện nay xã hội Việt Nam lại ác hơn
ngày xưa? Từ ngàn xưa Kinh Dịch đã có câu giải đáp: “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ
phụ, phi nhất triêu, nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ, do biện chi bất
tảo biện dã” (Tôi giết vua, con giết cha, không ở trong một sớm một chiều,
nguyên do dần dần mà đến, bởi những kẻ lo liệu phòng bị những việc ấy không biết
lo liệu phòng bị sớm).
Trong tác phẩm “Lịch sử văn minh Trung Hoa”
nhà nghiên cứu Will Durant nuối tiếc cho dân tộc Trung Hoa là đã từ bỏ một học
thuyết nhân bản nhã nhặn của ông cha để chạy theo một học thuyết duy lý hung
hăng của phương Tây.
Nguyễn
Văn Nghệ, Diên Khánh Khánh Hòa
_____
Chú thích:
[1] Bất dĩ vi thậm: Lời Khổng tử dạy môn sinh
“chớ làm điều gì thái quá”.
[2] Đả cẩu lạc thủy: Chủ trương rất nổi tiếng
của Lỗ Tấn: “Đánh con chó đã rơi xuống nước rồi, còn phải theo mà đánh nữa”.
[3] Bất khoan thứ thùy: Với kẻ thù, chẳng dung
tha cho một kẻ nào.
[4] Ái địch như hữu: Yêu kẻ thù như chính bản
thân.
[5] Lỗ Tấn “vô sản đích thánh nhân”: Lỗ Tấn là
ông thánh của giai cấp vô sản. Đây là lời Mao Trạch Đông xưng tụng Lỗ Tấn.
[6] Bài viết “Tìm được bài phát biểu của Phan
Khôi tại Đại hội Kỷ niệm 20 năm ngày Lỗ Tấn từ trần”, của tác giả Phan Nam Sinh
đăng trên Kiến thức Ngày nay số 1094 ra ngày 1/1/2021, trang 3-5& 109. Năm
chú thích bên trên cũng của Phan Nam Sinh.
[7] Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn
gió bụi (Kiến văn tiểu lục), Việt Books- 2010, tr. 114-115
[8] https://daohieu.wordpress.com/tag/tran-manh-hao-cai-cach-ruong-dat/
[9][10] Bài viết “Vì sao tại Việt Nam hôm nay cái ác trỗi dậy?” của tác
giả Lê Thiên. https://baotiengdan.com/2021/04/13/vi-sao-tai-viet-nam-hom-nay-cai-ac-troi-day/
No comments:
Post a Comment