Sunday 4 April 2021

NÓI RẰNG "ĐÀI LOAN LÀ LÃNH THỔ MÀ TRUNG QUỐC ĐÒI CHỦ QUYỀN" LÀ KHÔNG PHÙ HỢP (Trương Nhân Tuấn)

 



Nói rằng “Đài Loan là lãnh thổ mà Trung Quốc đòi chủ quyền”, là không phù hợp

Trương Nhân Tuấn

04/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/04/noi-rang-dai-loan-la-lanh-tho-ma-trung-quoc-doi-chu-quyen-tren-thuc-te-lan-phap-ly-deu-khong-phu-hop/

 

Báo chí tiếng Việt đôi khi nói về Đài Loan thì hay viết “Đài Loan là lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”. Câu văn này dễ gây ngộ nhận, người ta tưởng rằng Đài Loan là một vùng “lãnh thổ có tranh chấp” giữa hai hay nhiều quốc gia.

 

Về “lịch sử” đảo Đài Loan (nếu kể ra hết) thì dài dòng và phức tạp. Nếu chỉ tính từ thời cuối nhà Thanh, vì thua Nhật trong trận hải chiến ở cửa sông Áp Lục, Thanh triều phải ký hòa ước Shimonoseki 1895 cam kết nhượng (vĩnh viễn) Đài Loan cho Nhật cùng một khoản chiến phí “bồi thường chiến tranh”. Đến khi Nhật thua trận Thế chiến thứ II năm 1945, Nhật phải “trả” Đài Loan (cùng quần đảo Bành Hồ và Mãn Châu) cho Trung Hoa.

 

Trên phương diện “de jure – pháp lý”, Hòa ước San Francisco 1951 qui định Nhật phải trả lại Đài Loan (quần đảo Bành Hồ và Mãn cChâu) về cho Trung Hoa.

 

Khúc mắc là Hiệp ước San Francisco không nói trả Đài Loan cho chính phủ nào?

 

Bởi vì thời đó có hai chính phủ đại diện Trung Hoa: Một là Quốc dân đảng ở Đài Loan và hai là Cộng sản ở Bắc Kinh. Cả hai chính phủ này đều tự xưng là “đại diện chính đáng cho nhân dân Trung Hoa”.

 

Tức là, trên phương diện “de jure – pháp lý”, chỉ có “một quốc gia Trung Hoa duy nhứt” nhưng có hai “chính phủ” đại diện.

 

Từ sau 1949, chính phủ Trung Hoa dân quốc đời đô về Đài Loan. Chính phủ Dân quốc giữ được ghế đại diện cho “quốc gia Trung Hoa duy nhứt” tại LHQ cho tới năm 1971. Sau đó ghế đại diện này mất về tay Bắc Kinh (do vụ ngoại giao bóng bàn 1970 và thỏa thuận giữa Nixon và Mao Trạch Đông).

 

Sau khi “bức màn sắt” được vén lên, thế giới cộng sản sụp đổ 1991, Đài Loan hy vọng sẽ tiến tới “dân chủ hóa lục địa” để “thống nhứt đất nước”.

 

Hai bên lục địa và Đài Loan có những cam kết “thành văn” gọi là “thỏa thuận Singapour” về “nguyên tắc một quốc gia Trung Hoa duy nhứt” nhưng có nhiều cách diễn đạt.

 

Từ đó các cách gọi như “quốc gia hai chế độ”, “lưỡng biên nhứt quốc – hai đường biên giới trong một quốc gia” (ý nói hai bờ eo biển Formosa) trở nên phổ biến.

 

Vấn đề là Đài Loan (và ngay cả Mỹ) không vận dụng được “diễn tiến hòa bình”, sử dụng tư bản, khoa học kỹ thuật, văn hóa… để mở mặt trận “dân chủ hóa lục địa”. Đây là một sai lầm của trong chính sách của Mỹ, từ thời Nixon.

 

Người Mỹ đơn thuần nghĩ rằng họ có thể “dân chủ hóa lục địa” trong khi các lãnh đạo CSTQ lại lợi dụng được khoa học kỹ thuật cùng vốn liếng của Tây phương để thực hiện chính sách “tứ hiện đại”, quan trọng là “hiện đại hóa và công nghiệp hóa”.

 

Sau nhiều thập niên “thao quang dưỡng hối” TQ muốn “thống nhứt Đài Loan”, theo phương cách của lục địa.

 

Dĩ nhiên Đài Loan, hiện nay có mức sống và lề lối sinh hoạt của dân chúng không khác với các quốc gia dân chủ tự do Mỹ, Anh, Đức, Pháp… Do đó họ không muốn “sống chung với độc tài”.

 

Khuynh hướng “ly khai” để trở thành một “quốc gia độc lập” trở thành “chủ đạo” trong giới trẻ và giới trí thức Đài Loan. Từ đó nảy ra khái niệm “lưỡng biên lưỡng quốc – hai bờ hai nước” (tức hai bờ eo biển Formosa là hai quốc gia độc lập). Và cũng từ đó TQ đe dọa sử dụng vũ lực để thống nhứt Đài Loan.

 

Dĩ nhiên Đài Loan “tự lo” thân qua các chính sách “tự lực tự cường” từ năm 1972, sau khi bị “đồng minh bỏ rơi”. Mục đích của chính phủ Quốc dân đảng, sau này là Dân Tiến, là tổ chức phòng vệ hữu hiệu, bằng “nội lực”, qua các thứ vũ khí “tự chế tạo”, đủ để lục địa trả giá “rất đắt” nếu tấn công bằng vũ lực.

 

Những năm sau này, mục đích “ly khai” của Đài Loan lại “phù hợp” với chiến lược “kềm chân” TQ của các chính phủ Mỹ. Vấn đề là Mỹ cũng như cả thế giới, đều bị “kẹt” với các cam kết từ sau Thế chiến thứ II, như hiệp ước San Francisco 1951. Theo đó Đài Loan thuộc về Trung Hoa.

 

Các vận động của Mỹ thời Trump, tiếp nối dưới thời Biden hiện nay, có thể cái nhìn của Mỹ sẽ “đảo ngược”, hoặc nhìn nhận Đài Loan là “đại diện của quốc gia Trung Hoa, bao gồm lục địa”. Hoặc công nhận Đài Loan “như là một quốc gia, có đủ tư cách có ghế đại diện ở các tổ chức thuộc LHQ”.

 

Vì vậy khi nói rằng “Đài Loan là lãnh thổ mà TQ đòi chủ quyền”, trên thực tế, lẫn pháp lý, đều không phù hợp.

 

TQ hiện nay đang tìm mọi cách cấm cản Đài Loan ly khai, trở thành một “quốc gia độc lập, có chủ quyền”.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats