Chu
Kim Long
April 8, 2021
https://saigonnhonews.com/noi-buon-khon-nguoi/
Như chỉ mới hôm qua – Ký ức 30 tháng
Tư
…
Tổng thống Thiệu ra lệnh rút bỏ ba tỉnh cao nguyên Pleiku, Kontum và Phú Bổn với
hy vọng bảo toàn được quân số còn lại của sư đoàn 23, của các liên đoàn biệt động
quân, pháo binh, thiết giáp, công binh… để tái chiếm Ban Mê Thuột nhưng kế hoạch
đã không thành như dự tính. Những ngày còn lại của tháng Ba, tháng Tư năm 1975
là những ngày căng thẳng, hiện rõ trên nét mặt của quân nhân các đơn vị.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/g-750x430.jpg
Quân nhân VNCH bị bắt
đi “học tập cải tạo” tại một trại tập trung ở Vĩnh Long ngày 1-6-1975 (ảnh tư
liệu)
Những ngày cuối
cùng
Theo thông lệ, sáng ngày
28 tháng Tư tôi đến Bộ Tổng Tham Mưu để tháp tùng vị chỉ huy trưởng đến trường
Cao Đẳng Quốc Phòng, rồi sau đó tôi tiếp tục lo những sự vụ đã được chỉ định.
Khoảng 9 giờ sáng, sau khi tới trường, tôi rời văn phòng đi xuống phòng Tiếp Liệu
thăm thiếu tá Thái – vị sĩ quan trưởng phòng lâu nay có khuôn mặt đăm chiêu.
Dáng vẻ mất ngủ, ông Thái chìa tấm bản đồ có nét mực đỏ mà ông đã khoanh tròn từng
ô, từng vùng rồi nói: “mất rồi”; ông thở dài, “nó tấn tới đây rồi”, “quân mình
đây”…
Nhưng tôi không nghĩ đến
chuyện đầu hàng, rồi tôi lên xe đi công chuyện. Chiều, tôi vừa về đến Bộ Tổng
Tham Mưu thì phi trường Tân Sơn Nhất bị dội bom… Trời tối dần, tôi đi ăn cơm về
thì chỉ huy trưởng rủ tôi đi bách bộ trên con đường quanh khu cư xá. Ông tâm sự
với tôi những suy tư và cô đơn cùng cực trong những ngày giờ định mệnh, ông kể
cho tôi nghe những thất vọng, đau xót đang xảy ra trong đời một tướng lãnh từng
xông pha trận mạc… Ông nói: “Moa (moi, tức là tôi, tiếng Pháp) không có
tin tức gì cả, từ phủ tổng thống đến bộ quốc phòng, bộ tổng tham mưu, không ai
gọi họp hoặc cho biết tin tức hay một diễn biến nào”. Rồi ông hỏi tôi: “Các cha
trong các xứ đạo, nơi chú ở có tổ chức gì không?” Tôi trả lời: “Dạ, không có tổ
chức gì cả. Bây giờ không giống như năm 1954. Hàng giáo phẩm như đành chấp nhận
thế sự đổi thay để sống đạo. Gần hai tuần vừa qua, Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn
Bình tiễn Đức giám mục Huỳnh Văn Nghi ra nhận Giáo phận Phan Thiết đã nhắc lại
lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thày ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Những giây phút đi và
chuyện trò bên người chỉ huy trưởng làm tôi thao thức suốt đêm. Tôi đã nghe, hiểu
được tâm tư của một tướng lãnh cô thân cô thế nhưng kiên trung, khi chung quanh
ông chỉ còn cô con gái nhỏ 13, 14 tuổi – bé Tý, tôi và vài ba anh lính thân cận.
Hai ba người con của ông đang du học xa, người bạn đường đau yếu mấy năm nay được
ông cậu và người bạn thân bảo trợ, đang chữa trị căn bịnh ác tính tại Pháp.
Những bước chân bách bộ
đã mỏi với tâm trí rã rời, ông trở về phòng, và đêm 28 tháng Tư tôi ngủ lại
trong Bộ Tổng Tham Mưu. Tám giờ sáng ngày 29 tháng 4 thượng sĩ Xinh lái xe ra đậu
trước nhà, vài ba phút sau, Chỉ huy trưởng và bé Tý ra xe, ông và cô con gái đều
mặc thường phục. Tôi và Xinh chào ông, ông nói Xinh đưa ông sang nhà Trung tướng
Đính. Quay sang tôi, ông nói: “Tướng Đính điện thoại cho moa, kêu moa qua đó có
thể còn chuyến trực thăng của mấy ông Mỹ ở building đối diện. Toa (toi –
anh, cậu, chú tiếng Pháp) có đi không?” Lưỡng lự giây lát, tôi đáp: “Thôi,
Trung tướng đi bình an”.
Biết tôi còn cha mẹ già
và em dại, ông nói: “Tôi cũng cũng đành bỏ hai cụ tôi và anh em lại, tùy chú. Nếu
không đi, nán lại, có gì tôi sẽ gọi cho chú.” Nói xong ông lên xe và tôi quay
vào nhà. Tôi chờ đến chiều tối không thấy điện thoại reo, tôi nghĩ chắc ông đã
lên được trực thăng và đi thoát rồi. Tôi chờ qua đêm với tiếng súng, giấc ngủ
chập chờn.
Mặt trời sáng 30 tháng Tư
vừa lên. Nghĩ mình không thuộc các đơn vị trong Bộ Tổng Tham Mưu, nên tôi thay
bộ đồ nhà binh bằng bộ quần áo dân sự – quần dài xám áo sơ mi xanh, nhét trong
lưng quần cây Colt 45, bỏ cái thẻ sinh viên Luật trong túi áo, giấu cái bóp vào
gầm ghế chiếc Jeep trắng mang bảng số dân sự. Khi chiếc xe Jeep gần tới khúc đường
rẽ trái ra cổng Một thì nghe tiếng hô lớn: “Đứng lại! Đứng lại!”
Nhìn quanh, các toán biệt
kích và quân cảnh ở cổng Một đều là người mới, là những đơn vị mới đến trú
đóng, không phải các binh sĩ thuộc đại đội Tổng hành dinh cũng như Đại đội A1
Quân Cảnh như thường lệ. Anh quân cảnh cho biết lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập,
nếu tôi bất tuân anh em sẽ nổ súng. Tôi vừa de xe quay lại thì đạn pháo kích dồn
dập nổ, tiếng đạn pháo bay sè sè trên đầu. Tôi nhảy khỏi xe, nấp sau gốc cây
nhìn những cột khói bốc cao ở hướng tòa nhà chánh và trung tâm hành quân. Đợt
pháo vừa dứt, tiếng đại tá Thăng – Chánh sở Sở Điều Tra – Nha Tổng Thanh Tra
năm xưa của tôi đang đứng trước cửa phòng 4 của Đại đội Tổng Hành Dinh Bộ Tổng
Tham Mưu, nói lớn: “Tao lạy mày, Huy ơi, đi vào, đi vào đi, sống cùng sống chết
cùng chết”. Nghe vậy, tôi rú ga chạy về lại hầm trú ẩn. Tôi nghĩ thầm, những tiền
sát viên của bọn Việt Cộng đã xâm nhập được các cao ốc bên khu đường Thoại Ngọc
Hầu đối diện với cổng Một Bộ Tổng Tham Mưu, nên bọn nó chấm tọa độ chính xác
cho các đơn vị giặc nã pháo vào các khu trọng yếu của Bộ Tổng Tham Mưu.
Pháo mỗi lúc thêm dồn dập
khắp khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu, một vài trái pháo đã rơi vào đầu dãy cư xá và
khu vườn đầu nhà Tướng Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Những tiếng
rít của đạn pháo trên không trung khiến tôi không thể ra khỏi hầm trú ẩn. 10 giờ
20 điện thoại reo, thiếu úy Phát– người sĩ quan quản gia ở đâu đó ngoài Bộ Tổng
Tham Mưu, nói như hụt hơi từ bên kia đầu dây điện thoại, sau khi nghe tôi lên
tiếng: “Ông còn ở đó à? Chạy ra mau đi. Dương Văn Minh nó đầu hàng rồi, ông
không nghe đài phát thanh sao? Chạy lẹ đi, bọn nó vào bắt ông bây giờ. Chạy lẹ
đi.”
Buông cái điện thoại, tôi
chạy ra lấy chiếc Honda phóng xuống hướng Bạch Đằng. Dọc đường bọn nằm vùng bắt
đầu xuất đầu lộ diện; tiếng súng nổ, thân người ngã xuống, nón sắt, quần áo
súng đạn … vất đầy mặt đường. Khắp các đường phố dân chúng thương lính tung quần
áo dân sự ra cho anh em binh sĩ vừa tan hàng thay, quang cảnh thật đau xót. Thấy
vậy, tôi chạy tạt vào tiệm Cộng Hòa Siffap Dược Cuộc ở 120 Hai Bà Trưng là chỗ
quen biết, lánh nạn. Quá hai giờ chiều, thượng sĩ Xinh và hạ sĩ nhất An đến tìm
tôi và đề nghị kẻ đi trước người đi sau đưa tôi về nhà vì sợ mẹ tôi khóc hết nước
mắt khi không thấy tôi về sau khi Dương Văn Minh đã đầu hàng.
Những cụm khói bốc lên từ
sân sau nhà bà con hàng xóm và gia đình đốt các hình ảnh và giấy tờ liên quan đến
đời quân ngũ làm tôi ứa nước mắt và xót xa cho thân phận.
Ra đi
Theo lệnh, tôi đi trình
diện và đem theo quần áo cho mười ngày. Nhưng tôi đã sống điêu đứng gần sáu năm
bên các khu rừng già dọc biên giới Việt Miên – tỉnh Tây Ninh, trải qua năm trại
tù với hạt bo-bo, khoai mì, măng rừng, phải ăn khi không có hai ba chén cơm gạo
mối mục. Sống trong tù, tôi đã nhận ra sai lầm trong đời khi tôi quyết định ở lại,
tôi đã không giúp được gì cho gia đình trong cảnh nước mất nhà tan mà lại trở
thành một gánh nặng cho người thân yêu, nhất là cho mẹ tôi trong những năm
tháng vượt đường núi rừng, lủi thủi ở bến xe, ngủ qua đêm ở nhà những gia đình
không hề quen biết để đi tiếp tế thăm nuôi tôi.
Cuối tháng Tám năm 1980,
tôi được thả ra lúc bảy giờ sáng. Sau những cuốc xe ôm, xe đò, xe lam tôi về đến
ngã tư Bảy Hiền lúc 8 giờ 30 tối, và về đến nhà lúc 9 giờ trong nước mắt của
gia đình và bà con lối xóm. Để che mắt công an khu vực, tôi nghe lời mẹ theo
người anh họ học làm vỏ xe đạp và xe Honda – một loại nghề mà người Hoa đã bán
lại để tẩu tán tài sản trước khi nạp vàng cho nhà nước để được đi “bán chính thức”,
vượt ra khỏi “thiên đường cộng sản”.
Nhờ nước cờ tương kế tựu
kế này mà cuộc vượt biên lần thứ ba của tôi vào cuối tháng Mười Hai năm 1980 ở
cửa biển Rạch Giá đã thành công. Chúng tôi ra đi trên chiếc ghe bầu không hải đồ,
hải bàn, chỉ có 120 lít dầu,120 lít nước, 50 ký gạo, 5 ký tép khô. Chiếc ghe được
thả nổi sau bốn ngày và chỉ còn 10 lít xăng để chạy tránh cơn giông. Chiếc ghe
như một nhà nguyện di động trên biển, vang vọng kinh nguyện suốt đêm. Những người
đàn ông, mà đa số là người Công Giáo làm nghề đánh cá ở vùng biển Rạch Giá, ngồi
dọc hai mạn thuyền, tay múc nước tát ra, miệng đọc kinh. Chiếc ghe trôi không định
hướng, nhưng khi trời vừa sáng đã gặp được chiếc tàu buôn Philippines. Chúng
tôi may mắn gặp được ông thuyền trưởng tốt bụng; ông cho chuyền sang ghe chúng
tôi những túi bánh kẹo cho ba cháu bé, rồi gọi điện cho Hải quân Hoàng gia Thái
kéo ghe chúng tôi vào quân cảng Satehip, sau đó Cao ủy LHQ đưa chúng tôi về trại
tị nạn Leamsing Refugee Camp.
Lá thư của Chỉ Huy
Trưởng
Thấy thiên hạ nhắn tin
trên tạp chí Tiền Phong, tôi cũng bắt chước nhắn tin cho gia đình vị Chỉ Huy
Trưởng của tôi. Sau sáu tháng ở Thái, tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn xếp vào
diện CAT A1 đi thẳng đến Hoa Kỳ. Tôi đặt chân tới Hoa Kỳ ngày 15 tháng Sáu năm 1981
thì ngày 31 tháng Tám năm 1981 tôi nhận được thư của Chỉ Huy Trưởng của tôi gởi
cho em tôi hỏi thăm tin tức về tôi: “đặng tìm cách giúp đỡ cho anh ấy”. Cảm động
trước tấm chân tình của ông, tôi đã viết thơ cám ơn ông và gia đình.
Khi còn ở tù, tôi vẫn thầm
nghĩ thật may mắn cho những người đã di tản kịp trước khi mất nước, họ không bị
sỉ nhục, đày đọa và không gặp nhiều tai trời ách nước như những người tù và người
vượt biên chúng tôi. Nhưng tôi đã lầm, sau khi nhận được lá thơ tám trang thứ
hai của vị chỉ huy cũ viết từ Falls Church ngày 21-9-1981, trong đó ông kể tôi
nghe những chông gai, đau xót của cảnh di tản. Và tôi nghiệm ra rằng: trong mọi
hoàn cảnh, hạnh phúc và đau khổ luôn luôn thấm nhập và ẩn tàng vào nhau; vươn
lên khỏi thăng trầm để sống cho đời và cho nhân quần mới thật khó và đáng quý.
Tháng Tư năm 2021 là 40
năm kể từ ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ tôi vẫn còn giữ lá thư đầy tình nhà nợ
nước mà Chỉ Huy Trưởng đã viết cho tôi như một kỷ niệm, một dấu ấn trong đời,
dù năm đầu tiên ở thuê nhà với anh em, mái garage bị dột đã làm lá thơ hơi nhạt
nhòa.
Theo cha mẹ, tôi di cư
vào miền Nam năm lên chín tuổi, bỏ nước ra đi với một bộ đồ trên người năm 35
tuổi, chưa một lần trở lại quê nhà. Thấm thoắt tôi đã ở Mỹ 40 năm, dài hơn thời
gian tôi sống ở hai miền Nam Bắc. Tôi đã thực sự thành người viễn xứ. Mỗi tháng
Tư về lòng vẫn khắc khoải, nhớ miên man, và nhiều lần tôi đã lấy lá thư của vị
chỉ huy cũ gởi cho tôi khi tôi vừa đến Mỹ ra đọc, mà tưởng chừng sự việc như vừa
mới xảy ra. Nhanh quá, đã 46 năm đất Mẹ quy về một mối thống nhất điêu linh, với
chia ly và thống khổ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/Untitled_25.jpg
Ảnh những dòng đầu
lá thư
Falls Church ngày 21-9-81
Chú Huy,
Chiều nay đi làm về thấy thư Chú đặt sẵn trên bàn. Mừng
vô hạn. Một trong những điều mong đợi hơn 6 năm biệt xứ nay đã đến . Thứ nhất
là một trong những anh em thân cận nhất của mình thoát được giặc. Hai là thấy số
đông anh em mình dù là trong hoàn cảnh khốn cùng vẫn không quên nhau, tìm đến
nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Điều thứ 3 là, 6 năm nay tôi trông đợi một người nào
có thể thuật lại cho tôi tường tận những gì đã xảy ra cho anh em bà con mình
trong những ngày giờ khốn cùng nhất, mà lương tâm mình ray rứt không nguôi từ
chiều 29/4/75 đến nay.
Chú còn nhớ sáng thứ hai 28/4/75 tôi còn đến trường,
32 học viên đại tá sáng đó không thiếu một ai, cả ban giảng huấn đầy đủ, thảo
luận vấn đề di tản có nằm trong hoạch định chính phủ không, ai đi, ai ở, ai đi
trước, vì sao Mỹ đến nhà từng người bạn VN rủ đi, v..v…
Chú Huy ơi, trong lúc ở nhà mình phỏng đoán một ngàn
lẻ một giải pháp, thì từ ba tháng trước, một mặt… dọn trại tạm cư, một mặt đưa
lên TV phỉ báng nào là VN hèn nhát, tham nhũng v…v người ta làm dê tế thần… Tôi còn nhớ những
đêm tôi và chú đi bách bộ trong trại, kiểm điểm những dữ kiện, và cố đoán ngày
sau ra sao…
***
Biên giới, đất liền, hải
đảo… đã mất dần – ôi! cái giá máu của “thống nhất đất nước”.
Khi đảng Cộng Sản VN đặt
lý tưởng cộng sản không tưởng lên trên sinh mệnh dân tộc, thì bất cứ chính quyền
VNCH nào cũng chỉ là con cờ thí để Hoa Kỳ, Trung Cộng, Liên Xô – nay là Nga,
trao đổi quyền lợi. Làm sao nói hết được nỗi nhục cõng rắn cắn gà nhà và gà
cùng một mẹ bôi mặt đá nhau?
Mỗi năm, tháng Tư về, đọc
các bài viết, những lá thư đề cập tới cuộc chiến oan nghiệt khiến người dân Việt
tản mác khắp nơi, tôi vẫn nghĩ không phải để “than mây khóc gió” nhưng là những
mối dây ràng buộc giúp đàn con nước Việt khắng khít sống bên nhau, và sẽ cùng
nhau đem tài đức cống hiến cho quê hương khi lịch sử dân tộc bước sang một
trang sử mới.
*****
Lời mời
gọi cùng viết về “Ký ức 30 tháng 4”
****
BÀI TRƯỚC
Vương Mộc
April 7, 2021
https://saigonnhonews.com/nhung-dieu-khong-the-quen/
Viết
về một ngày đen tối, với một ước vọng bình minh
Kathy Pham
April 7, 2021
https://saigonnhonews.com/viet-ve-mot-ngay-den-toi-voi-mot-uoc-vong-binh-minh/
No comments:
Post a Comment