Nghĩ
về tiêu đề “Chúng ta hãy thức tỉnh”
Nguyễn
Đình Cống
06/04/2021
https://baotiengdan.com/2021/04/06/nghi-ve-tieu-de-chung-ta-hay-thuc-tinh/
Chúng ta hãy thức tỉnh.
Đó là vấn đề về cái ác, sự tàn bạo, được nhiều người quan tâm. Gần nhất là phát
biểu của TS Lê Kiên Thành trong bài “Tôi cầu mong, chúng ta sẽ thức tỉnh…”,
kế đến Lưu Trọng Văn hưởng ứng trong bài “Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh” và Dương Quốc Chính
bình luận trong bài “Tại sao dân Việt Nam lại tàn bạo với đồng loại như vậy?”
Và bài “Thêm vài lời về bài viết của ông Lê Kiên Thành”.
Thức tỉnh về cái ác đang
tràn lan, về sự tàn bạo với đồng loại. Tôi xin có vài lời trao đổi, bình luận về
nguyên nhân, về chúng ta là ai và thức tỉnh như thế nào.
Xin không đề cập đến hiện
tượng, nó đã được nêu trong phát biểu của TS Thành và xảy ra hàng ngày quanh
ta.
Về nguyên nhân
TS Thành băn khoăn, tại
sao trước đây, thời Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, Đảng tốt thế, dân tốt thế, mà sao
bây giờ… Rằng “Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải
được suy nghĩ cho thật kỹ”. Liệu ông đã suy
nghĩ kỹ chưa khi cho rằng xuất phát là từ “mất dân chủ”? Ông phát biểu:
“Tôi từng nói một điều
rất đau khổ là bản thân chúng ta (*) chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính
Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ
cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng
sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề
khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người…. Mà sự biến dạng
đó sẽ vô cùng nguy hiểm!”
Quả thật, sự mất dân chủ
có góp phần tạo ra nhiều tai họa, nhưng đó chưa phải là nguyên nhân cơ bản của
cái ác và sự tàn bạo. Hỏi tiếp: Cái gì tạo ra sự mất dân chủ ấy? Có lúc ông
Thành băn khoăn, hay là lỗi tại hệ thống. Ông đặt ra mà không dám trả lời. Ông
chỉ cầu mong hãy thức tỉnh. “Và có lẽ phải rất bình tĩnh, rất
chân thành, rất tha thiết, rất thẳng thắn để nhìn thẳng vào vấn đề, đối mặt với
nó, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề ấy”.
Tôi cũng tìm nguyên nhân
gốc các tai họa của xã hội Việt Nam hiện nay, quy về hai nguồn.
Một là, những yếu kém trong truyền thống văn hóa người Việt kết hơp và cộng hưởng
với những độc hại của chủ nghĩa Mác – Lê.
Hai là, bị lệ thuộc quá nặng vào Trung Cộng, bị họ điều khiển, thao túng, truyền
bá, huấn luyện thói tàn bạo.
Truyền thống người Việt
có rất nhiều điều tốt, nhưng cũng chứa không ít thói hư tật xấu như tham lam,
ích kỷ, dối trá, háo danh v.v… Khi gặp chính quyền liêm chính, anh minh thì điều
tốt được phát huy, còn khi gặp chính quyền kém năng lực thì thói xấu phát triển.
Chủ nghĩa Mác – Lê có vài
điều tốt, nhưng có những độc hại như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, độc
quyền tư tưởng, v.v… Trong thời kỳ Đảng Cộng sản còn vận động làm cách mạng,
thì những độc hại này bị ẩn giấu hoặc được tô vẽ thành chính nghĩa, thành chân
lý. Khi Đảng giành và giữ được chính quyền, trở thành thống trị, thì các độc hại
phát tán mạnh mẽ.
Sự kết hợp nói trên rõ
ràng nhất trong cải cách ruộng đất, nhưng phần lớn không do ai chủ trương và điều
hành, nó tự động xảy ra, nương tựa vào nhau, không những chỉ kết hợp mà còn cộng
hưởng.
Về vai trò của Trung Cộng,
dân tộc Việt vốn nhân ái nhưng rồi vì lệ thuộc vào Trung Cộng mà bị khống chế,
truyền dạy cho những thủ đoạn tàn độc nhằm mục đích đen tối.
Tìm nguyên nhân rồi còn
phải quy trách nhiệm cho con người. Chưa quy được trách nhiêm thì tìm ra nguyên
nhân cũng chỉ để biết. Để xảy ra tình trạng dân Việt tàn bạo, một phần nhỏ do một
số người dân, nhưng phần lớn do chính quyền và lãnh đạo. Người ở cương vị càng
cao trách nhiệm càng lớn.
Tôi tạm phân như sau: Trách nhiệm của dân chỉ vào khoảng dưới 20%. Trên
80% thuộc về Đảng, mà toàn thể đảng viên thường chỉ chịu dưới 15%, còn trên 65%
thuộc về lãnh đạo, mà những người lãnh đạo cao nhất đóng góp trên 50%.
Về Đảng, nhiều người nhận
xét rằng, cũng tên là Cộng sản nhưng thời trước và thời nay là hai đảng khác
nhau. Dương Quốc chính cho là CS 0.1 và CS 0.2.
Tôi cho rằng không phải
như thế. Vẫn đảng ấy thôi, vẫn chủ thuyết và chính cương ấy, điều lệ ấy, đường
lối ấy. Vẫn ngụy biên là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, vẫn ngộ nhận
công nhân là giai cấp lãnh đạo.
Cái khác cơ bản của CS
0.1 và CS 0.2 là ở chất lượng đảng viên và người lãnh đạo. Đại đa số người nhìn
vào phẩm chất đảng viên để đánh giá Đảng, không mấy ai nhìn vào chủ thuyết và
đường lối.
Trước đây vào đảng là những
người có sẵn bản chất tốt, dù họ xuất thân từ tầng lớp nào, họ yêu nước, căm
thù cái ác cái xấu, họ trung thực, họ vào đảng để phấn đấu cho lý tưởng tốt đẹp
dù có phải chịu gian khổ và hy sinh. Còn bây giờ số đông đảng viên, kể cả cán bộ
các cấp là những kẻ cơ hội, không ít người vào đảng để có đặc quyền đặc lợi.
Cuộc cách mạng do đảng
CSVN tiến hành đã phạm phải điều mà tổ tiên rất tránh. Đó là “Đuổi hổ cửa
trước, rước sói cửa sau, để lại di họa cho con cháu”. Vậy sói ở đây là gì.
Thần sói là Mác – Lê, tướng và quân sói là Trung Cộng.
Khi chấp nhận hai nguyên
nhân kể trên thì hỏi tiếp để quy trách nhiêm. Vậy những ai đã đưa Mác – Lê về
thờ phụng? Những ai đã nhất nhất theo sự huấn luyện của Trung Cộng, rước Trung
Cộng về làm thầy? Không phải các đảng viên thường, càng không phải nhân dân.
Người ta thường tuyên
truyền câu: “Cứu cánh biện minh cho hành động” mà không hiểu rằng “Gieo hành động
sẽ gặt thói quen…”. Hành động tàn ác trong đấu tranh giai cấp, trong cách mạng
vô sản, đã tạo ra thói quen tàn ác trong lãnh đạo, trong những người thừa hành,
trong dân chúng.
Tướng Trần Độ là một trong
những người tiên phong chống lại cái ác. Ông làm bài thơ:
“Những mong xóa ác ở
trên đời.
Ta phó thân ta với Đất Trời.
Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện.
Không ngờ cái ác vẫn luân hồi”.
Ác luân hồi vì nó nằm sẵn
trong đường lối. Và Trần Độ đã bị khai trừ đảng, bị chụp mũ là một trong những
kẻ đứng hàng đầu trong “thế lực thù địch” của chế độ.
Về danh xưng
“chúng ta”
Danh xưng chúng ta được
dùng rộng rãi và tù mù. Có khi là tập hợp rất rộng rãi, có khi chỉ là một bộ phận
nào đó mà người nói ở trong đó hoặc ở ngoài.
Ông Dương Quốc Chính đã
có nhận xét đúng về danh xưng chúng ta trong phát biểu của TS Lê Kiến Thành. Ở
chỗ được đánh dấu (*) thì chúng ta chỉ là nhóm lãnh đạo trong Đảng, còn trong
câu: “Niềm tin và lý tưởng đã giúp chúng ta giải phóng đất nước”
thì chúng ta là tập hợp rộng hơn.
Thông thường khi đọc hoặc
nghe cụm từ “chúng ta”, phần lớn mọi người hiểu được “chúng ta” ở đây là tập hợp
nào. Tuy vậy có một số tác giả không biết do vô tình hay cố ý mà dùng cụm từ
“chúng ta” một cách lập lờ.
Trước hết cần phân biệt
“chúng ta” gồm hai tập hợp chính: 1- Những người mang danh lãnh đạo và trong
chính quyền. 2- Những người dân. Trong mỗi tập hợp lại chia ra một số tầng lớp.
Nói “Chúng ta hãy thức tỉnh”
thì trước hết phải là những người ở cấp cao trong chính quyền. Họ phải tự thức
tỉnh, được thức tỉnh đầu tiên và sâu sắc. Họ thức tỉnh rồi mới tạo đà thức tỉnh
trong dân. Nếu vì quyền lợi cá nhân và nhóm lợi ích mà họ không chịu thức tỉnh,
chỉ kêu gọi nhân dân thì đó chỉ là thủ đoạn bỉ ổi, đổ vấy.
Về nội dung thức tỉnh
Trước hết phải nhận thật
rõ nguyên nhân và quy đúng trách nhiệm. Ông Thành phát biểu: “Và có lẽ phải
rất bình tĩnh, rất chân thành, rất tha thiết, rất thẳng thắn để nhìn thẳng vào
vấn đề, đối mặt với nó, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề ấy”.
Vấn đề đó là gì? Phải
chăng là những độc hại của Mác – Lê, là âm mưu thâm hiểm của Trung Cộng, rồi mới
đến những thói hư tật xấu còn tồn tại trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Thức tỉnh như thế nào?
Trước hết phải để cho toàn dân mà chủ yếu là tầng lớp tinh hoa trí thức tự do
tư tưởng, tự do ngôn luận (Buổi sáng ngày 5/7, tôi vừa đọc xong phát biểu của
ông Thành trên mạng, vừa copy xong, xem lại thì đã bị tường lửa ngăn chặn).
Đã có nhiều bài lên án
cái ác, sự tàn bạo của người dân, của công an, của chính quyền, nhưng phần lớn
thông tin không đến được địa chỉ người cần biết.
Tôi thường phát biểu ý
sau: “Một việc trong xã hội, dù có cần, có hay đến bao nhiêu cũng chỉ có thể
thực hiện có kết quả khi nó trở thành nhận thức, tình cảm của những người có
trách nhiệm ở bậc cao nhất”. Khi mà những người ấy còn lo những việc khác
mà họ cho là quan trọng hơn thì những điều mà ông Thành và nhiều người nêu ra,
đối với họ chỉ là vài vết ngứa ở trên da, chứ không phải là bệnh của cơ thể.
Về tham nhũng: Đó là bệnh
nặng, là giặc nội xâm. Tham nhũng có nhiều loại. Tham nhũng vật chất dễ thấy,
nhưng tham nhũng quyền lực, tham nhũng từ chính sách mới là ghê gớm.
Ông Chính nhận xét đúng,
là CS 2.0 là nối tiếp CS 1.0. Nhưng ông lại cho rằng thời CS 1.0 ít có tham
nhũng. Tôi không nhất trí với nhận định đó. Tham nhũng có trong bản chất của vô
sản chuyên chính. Thời CS 1.0 chưa có nhiều vật chất thì họ tham nhũng quyền lực
(trừ một số ít giữ được liêm chính nhờ phẩm chất tốt có sẵn từ trước).
Còn nhiều điều muốn bản
thêm, nhưng bài đã khá dài, xin tạm dừng ở đây.
No comments:
Post a Comment