Wednesday, 21 April 2021

MIỀN TÂY THƯA VẮNG NHỮNG CHIẾC GHE XANH SƠN ĐẦU ĐỎ, NGƯỜI THA HƯƠNG MƯU SINH (Minh Chơn - Thanh Niên Online)

 



Miền Tây thưa vắng những chiếc ghe xanh sơn đầu đỏ, người tha hương mưu sinh    

Minh Chơn / Thanh Niên Online

13:13 - 21/04/2021 

https://thanhnien.vn/doi-song/mien-tay-thua-vang-nhung-chiec-ghe-xanh-son-dau-do-nguoi-tha-huong-muu-sinh-1371617.html

 

Khi đường sá chưa phát triển, những chiếc ghe hàng chính là 'nồi cơm' của nhiều người dân miền Tây sông nước. Đến nay, những 'siêu thị mini' này vẫn là cần câu cơm giúp bao gia đình nghèo mưu sinh.

 

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh12_gchl.jpg

Ghe hàng miệt sông là cả khoảng trời ký ức tuổi thơ của những người con được sinh ra và lớn lên giữa vùng sông nước cỏ cây, đồng xanh mây gió.  ẢNH: MINH CHƠN

 

Ai đã từng sống ở miền Tây thì dù đi đâu, về đâu cũng khó có thể quên những hình ảnh, âm thanh quá đỗi thân thương của những chiếc ghe hàng. Chỉ cần nghe tiếng còi hoặc thấy chiếc ghe màu xanh da trời, đầu ghe sơn đỏ là mọi người đều biết ghe hàng đang tới, thế giới đồ ăn vặt và nhu yếu phẩm xuất hiện.

 

Ngày trước khi xe cộ, đường sá còn hạn chế, chiếc ghe hàng chở đa dạng hàng hóa chính là cứu tinh của người dân vùng nông thôn. Do kênh rạch, sông ngòi chằng chịt với lại đường đi còn thô sơ nên người dân hạn chế đi chợ mà thay vào đó họ ngồi tại nhà hoặc cây cầu nào đó chờ ghe hàng đi qua để mua nhu yếu phẩm.

 

Về miền Tây, hiện tại có lẽ chỉ còn vùng Cà Mau là nơi còn người dân theo nghề ghe hàng nhiều nhất. Ghe hàng ngày nay đa phần di chuyển theo các kinh (kênh), rạch, đập… để bán hàng hóa. Tiếng còi “tút…tút…tút…” chính là âm thanh báo hiệu cho khách chuẩn bị đón ghe, mua đồ. 

 

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh23_qify.jpg

Anh Kiện đang sắp xếp lại hàng hóa trong khoang ghe

 

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh33_ngar.jpg

Mỗi ngày anh Kiện đều sang chợ Cái Nước mua hàng một lần

 

Sau một vòng tìm kiếm tại các kinh, tôi gặp anh Trần Văn Kiện (34 tuổi, ngụ xã Đông Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau) đang đậu ghe trước cửa bán hàng cho khách. Theo nghề đến nay cũng 7 năm, anh Kiện cho biết sau khi học xong không tìm được việc làm ổn định nơi phố thị anh trở về quê làm vuông tôm. Song nghề nuôi tôm cũng khá bấp bênh nên anh Kiện sắm thêm chiếc ghe hàng để bán buôn như mọi người.

 

“Lúc mới vào nghề cũng chật vật lắm vì không có mối, rồi mình đi bán từ từ mới có khách ổn định như bây giờ. Cái vui và cái cực của nghề này là phải chạy ghe bán nhiều nơi. Một ngày tôi đi bán trung bình khoảng 5 kinh, rạch. Từ kinh Giữa rồi vòng qua đập Bảy Hưng rồi kinh Năm Long… Lượt đi và về ngót nghét hơn 20 cây số. Mình không siêng đi là ế lắm”, anh Kiện vừa bán hàng cho khách vừa chia sẻ.

 

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh43_jgcj.jpg

Ngoài bán tạp hóa, anh Kiện còn cho thuê thêm bàn ghế, bếp gas để kiếm thêm thu nhập

 

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh62_skpy.jpg

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh72_pqen.jpg

Chị Kim Hường gắn bó với công việc bán ghe hàng lâu năm cho biết, giờ buôn bán ế ẩm cộng thêm dịch bệnh nhiều chủ ghe cũng rời quê tha hương cầu thực. Số người còn ở lại như chị cũng cố gắng bám trụ từng ngày

 

Dù nhỏ nhỏ nhưng hầu như trên ghe hàng cái gì cũng có, từ gạo, đường, nước mắm... đến bánh, kẹo, lược, gương... Không giống như mấy chiếc xuồng ở chợ nổi vẫn thường treo hàng hóa lên bẹo. Ghe hàng là một “siêu thị” mini thứ thiệt. Ghe nhỏ mà chất chi chít đồ, và mỗi lần ai cần mua món gì là chủ ghe sẽ lấy đúng y, nhanh chóng như một bài ca thuộc nằm lòng từng câu từng chữ.

 

Lần theo từng kênh rạch, chiếc ghe hàng không chỉ quen đường đi nước bước mà quen cả từng gương mặt, nếp nhà nằm dọc mé sông, bờ bãi.

 

Chị Tạ Tuyết Phượng, một người hay mua hàng trên ghe hàng cho biết: "Giờ muốn cần gì người ta chạy xe ra chợ hoặc đến các tiệm tạp hóa để mua. Chứ ngày trước mỗi lần ghe hàng đậu chỗ nào là chỗ đó nhộn nhịp dữ lắm. Người lớn trẻ con kéo nhau ra mua đồ. Mấy đứa nhỏ thấy ghe hàng là cứ tíu tít xin cha mẹ mua bánh kẹo rồi chia nhau ăn cùng. Nhiều đứa không có tiền cứ đứng trên bờ ngó nghiêng xem cho thỏa mắt vì quá trời hàng hóa. Chiếc ghe chở hàng, chở cả gia đình lênh đênh trên khắp sông rạch, mỗi lần ghe rời bến, tụi nhỏ cứ da diết nhìn theo, không biết ghe đi tới đâu, về đâu".

 

“Giờ số lượng người bán ghe hàng ít hơn trước nhưng dù vậy ghe hàng vẫn có sức hút riêng. Dù có đường xá thông thoáng, xe máy đi lại thuận tiện, nhưng thói quen hay tâm lý, nhiều người vẫn thích mua ở các ghe hàng. Đôi khi tâm lý ngồi đợi hàng mang tới nhà, đỡ tốn tiền xăng xe, đỡ tốn công đi chợ. Nhờ vậy tôi cũng kiếm được đồng ra đồng vô khoảng 200.000 đồng/ngày”, chị Kim Hường (một chủ ghe hàng với hơn 15 năm trong nghề) tâm sự.

Xã hội ngày càng hiện đại nhưng hình ảnh thân quen về chiếc ghe hàng của anh Kiện, chị Hường hay một số hộ tiểu thương làm kiếp thương hồ cũng gợi cho nhiều người dân quê nét đẹp dung dị, thân quen của quê hương.

 

 

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh82_imsy.jpg

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh93_frcr.jpg

Xí muội, kẹo động phộng, bánh con cá, bánh tráng… thứ quà quê mà trẻ con luôn mong ngóng mỗi khi ghe hàng cập bến

 

https://image.thanhnien.vn/2048/uploaded/congthang/2021_04_20/anh102_bugx.jpg

Ghe hàng chợ của chị Kim Hường đang bán đồ cho người dân huyện Cái Nước, Cà Mau

 

----------------------------------------

 

 

TIN LIÊN QUAN

§  Ông cụ chế 'xe đạp ngựa' quá siêu với 100.000 đồng gây sốt miền Tây

§  Mưu sinh trên những chuyến đò chợ miền Tây: Nửa đời người đi khắp miệt đồng bằng

§  Hoa dâm bụt 60 năm tuổi dáng 'độc': Trả 100 triệu đồng, chủ miền Tây chưa bán

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats