Chuyện
về những đứa trẻ di dân
Lê
Thiên
April 21, 2021
https://saigonnhonews.com/chuyen-ve-nhung-dua-tre-di-dan/
Câu chuyện từ biên giới Mexico-Hoa Kỳ. Truyền
thông Hoa Kỳ ngày 31-3-2021 cho biết: Tối thứ ba (ngày 30 tháng 3), các viên chức
Hoa Kỳ đã giải cứu hai đứa trẻ ở một vùng hẻo lánh của biên giới tiểu bang New
Mexico, Hoa Kỳ và nước Mexico sau khi hai em bị ai đó thả xuống đất từ trên đỉnh
của hàng rào biên giới cao 14 feet. Hai bé gái, 3 tuổi và 5 tuổi, được nhìn thấy
trên camera khi bị thả qua hàng rào biên giới phía Tây núi Cristo Rey ở New
Mexico, gần El Paso. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CPB) cho biết cảnh
sát tìm thấy hai em và đưa đến bệnh viện để đánh giá và làm thủ tục y tế.
Video được đăng tải bởi Đội trưởng đặc vụ tuần tra khu vực El Paso cho thấy một
người nào đó đang leo lên đỉnh của hàng rào biên giới rồi thả hai đứa trẻ sang
phía Hoa Kỳ…
Câu chuyện tháng Tư 2021 về những đứa trẻ bơ
vơ ở khu vực biên giới nước Mexico-Hoa Kỳ gợi nhắc hình ảnh Chương trình Di tản
Trẻ em Việt Nam (Operation Babylift) vào tháng Tư năm 1975. Và sau đó,
hàng loạt trẻ em theo cha mẹ, hoặc đi cùng với thân nhân, họ hàng, thậm chí được
cha mẹ “gửi cho người quen biết đưa đi vượt biên. Sống chết, đến nơi hay không
đến nơi đều phó mặc!
Hồi tưởng về những ngày cuối tháng 4-1975, tôi
không quên hình ảnh thành phố Sài Gòn, đông đảo các thiếu phụ có con mọn đã hốt
hoảng đến điên cuồng. Người ta bồng bế, thậm chí gồng gánh con mình trên đôi
gánh, táo tá chạy tìm bất cứ nơi nào có thế “gửi gắm” con trẻ, đặc biệt các nhà
mồ côi, các nữ tu viện. Bấy giờ, tại Sài Gòn có một trung tâm nuôi trẻ mồ côi
do một số thiện nguyện người Mỹ điều hành, qua một tổ chức có tên là Hội Bạn
Thiếu Nhi Việt Nam – Friends of Children of Vietnam (viết tắt là FCVN). Nhiều
bà mẹ Việt Nam đau khổ đã dắt díu, quang gánh hoặc bồng bế con mọn đến FCVN van
nài người Mỹ ở đó giúp “hoặc trông coi con họ hoặc đưa chúng ra khỏi nước”,
mong sao con họ còn được sống, tuy cổng ngõ trung tâm đã khóa chặt vì không còn
chỗ, mà cả kho lương thực lẫn kho dự trữ thuốc men cũng đều cạn kiệt vì đứt nguồn
cung cấp. Giám đốc FCVN tại Sài Gòn bấy giờ là ông bà Thomas và Cherie Clark.
Về sau, bà Cherie Clark có cho ra đời hồi ký về
FCVN tại Sài Gòn những ngày cuối tháng Tư 1975. Cuốn hồi ký của bà Cheria Clark
có tựa đề After Sorrow Comes Joy. Theo lời kể của bà
Cherie Clark, “vào lúc này, người ta thể hiện tình thương của mình bằng
một kiểu cách khác với tập tục, tình cảm thiêng liêng và truyền thống gia đình
gắn bó xưa nay của Việt Nam: Thay vì khư khư ôm giữ con mình bất kể sống chết,
họ giao phó máu mủ ruột thịt cho những người họ chưa hề biết, với niềm tin tuyệt
đối rằng, chỉ bằng cách đó, mới cứu được con, giữ con được sống”.
Bà Cherie Clark còn kể câu chuyện một phụ nữ
trẻ mang thai nặng nề chạy tới bên ngoài hàng rào trụ sở FCVN hạ sinh một đứa
bé, rồi bỏ đi phó mặc cho FCVN. Lại một thiếu phụ khác bế đứa con đến cổng,
không vào được, đã liều mạng rướn người ném đứa con qua bức tường thành. Đứa bé
bị treo lơ lửng trên cuộn dây kẽm gai an ninh của bức tường! thời điểm đó, dân
miền Nam rúng động khi nghe tin chiếc máy bay chở trẻ di tản bị rơi ngay tại
Sài Gòn ngày 4-4-1975. Đó là chuyến bay đầu tiên chở trẻ em Việt Nam di tản
theo Chiến dịch Di tản Trẻ em (Operation Babylift). Chiếc phi cơ Lockheed C-5A
Galaxy chở hơn 300 người, đa phần là trẻ em Việt Nam cùng một số người lớn (người
Mỹ), cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất. Sau khoảng 67 phút bay, chiếc
C-5A gặp trục trặc, buộc phải quay trở lại Tân Sơn Nhất. Nhưng khi chỉ còn cách
Sài Gòn khoảng 16 km, nó bốc cháy, rơi xuống đất, hầu như vỡ vụn! Trong số hơn
300 người trên máy bay, chỉ 170 trẻ em và người lớn sống sót, hầu hết bị thương
hoặc chấn động tâm lý.
Bất chấp tin dữ, nhiều bà mẹ Việt Nam vẫn tìm
mọi cách “đẩy” con mình ra đi, hầu mong con mình không rơi vào định mệnh khốc
liệt những ngày cuối cuộc chiến! Quả thực, sau 30-4-1975, miền Nam Việt Nam
không có tắm máu, nhưng dân miền Nam không khỏi thấm đẫm nước mắt và đau thương
bởi những chiến dịch cải tạo đầy “bạo lực cách mạng” đứng đầu là cải tạo lao động;
sau đó là cải tạo kinh tế, cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp, rồi cải tạo
văn hóa! Những thứ cái “cải tạo” chết người ấy cùng thủ đoạn đổi tiền gian manh
ác độc và chính sách bế quan tỏa cảng đã tạo nên cuộc khủng bố trắng kinh hoàng
khắp Nam Việt Nam.
Bước đường cùng buộc người ta “dĩ đào vi thượng
sách”. Vàng bạc tích trữ bao đời nay phải tuôn ra… chạy vượt biên, vượt biển!
Chạy công an, chạy biên phòng, chạy cả dân phòng… Sống chết không cần biết!
Hàng hàng lớp lớp đàn ông, đàn bà, trẻ em bỏ mạng giữa biển khơi vì hải tặc, vì
giông bão sóng gió, vì cạn kiệt lương thực. Vất thây xuống giữa lòng đại dương!
Bất chấp! Vượt biên vượt biển trở thành cao trào! Suốt thời gian dài ít ra là
20 năm từ 1975 tới 1995 tại miền Nam Việt Nam, trẻ lai và con cái “ngụy quân,
ngụy quyền” còn kẹt lại trong nước phải chịu bao điều khốn đốn, khiến người nhớ
tới bài thơ Em Bé Lên Sáu Tuổi của nhà thơ Hoàng Cầm ở miền Bắc XHCN
đăng trên Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm 1956.
Em
bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn.
Bố: cường hào nợ máu
Đã trả trước nông dân.
Mẹ bỏ con lay lắt
Đi tuột vào Nam…
Chân tay như cái que
Bụng phình lại ngẳng cổ,
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Đảo nhìn đời bỡ ngỡ:
“Lạy bà, xin bát cháo,
“Cháu miếng cơm, thầy ơi!”
Nó là con địa chủ
Bé bỏng đã biết gì
Thương em cho bát cháo
Chịu ba ngày hỏi truy (= tra khảo)
Chị phải đình công tác
Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya
Thắp đèn lên kiểm thảo (= viết kiểm điểm)
…..
Nào “liên quan phản động”
“Mất cảnh giác lập trường”…
Em bé sáu tuổi (hồi năm 1956) có cha bị diệt
(giết chết) vì là “địa chủ cường hào”, mẹ trốn vào Nam, còn lại một
mình, “chân tay như cái que- bụng phình lại ngẳng cổ” đói rách cùng cực,
xin ăn, chẳng ai dám cho, trừ một cô công nhân lén “cho bát cháo”. Cô bị
kiểm điểm về tội “liên quan phản động- Mất cảnh giác lập trường“… và rồi
mất việc! Chỉ trừ cộng sản lòng lang, người Việt Nam ai mà không đồng cảm với
cô công nhân nhân đạo lén cho đứa bé vô phần bạc phước kia bát cháo tình
thương?
Bản thân chúng tôi có ba cậu trai, ba cô gái.
Cậu trai lớn sinh năm 1968, cậu em sinh năm 1971 và đứa con trai thứ ba sinh
năm 1973. Tháng Tư 1975, trong cơn hốt hoảng ở cuối cuộc chiến, tôi đã vội vàng
“đẩy” hai cậu trai lớn, đứa 7 tuổi, đứa 4 tuổi, di tản theo đám trẻ Chiến dịch
Di tản Trẻ em. Hai con trai tôi vô tăm biệt tích suốt 15 năm mới tìm ra và đúng
16 năm mới được đoàn tụ cùng gia đình. Riêng đứa bé trai còn lại của tôi lúc bấy
giờ chỉ hơn hai tuổi, “bé bỏng nào biết gì”! Nó lớn lên trong môi trường
xã hội chủ nghĩa, theo học nhà trường xã hội chủ nghĩa, “được dạy dỗ bởi các thầy
cô xã hội chủ nghĩa”. Vậy mà nó không được yên ổn để mà học. Nó liên tục bị “cán
bộ lớp, đội khăn quàng đỏ ” bám chặt theo dõi, đánh giá “hạnh kiểm lý lịch
xấu” chỉ vì nó là con của “ngụy ác ôn”. Cô giáo của nó – giáo viên từ miền
Bắc được điều vào Nam – liên tục thóa mạ “bọn ngụy quân-ngụy quyền ác ôn
đáng tội chết” và ra lệnh cho học sinh trong lớp tránh “tiếp cận”, “quan hệ”
với bọn con cái “ngụy ác ôn”! Quê hương tôi không còn đâu nữa giềng mối
“nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” giữa người với người! Từ trong gia đình tới trường
học, hàng xóm láng giềng và xã hội không còn nữa tình người mà chỉ thấy hận thù
chồng chất, đặc biệt nhằm vào thành phần chế độ cũ!
Băng hoại về mọi mặt trong xã hội Việt Nam hôm
nay, thậm chí cả trong các học đường xã hội chủ nghĩa, có thể nào đổ lỗi được
chăng cho chế độ cũ bị gắn nhãn “văn hóa đồi trụy Mỹ-ngụy”? Câu hỏi “liệu
những đứa trẻ đã được đưa đi có thực sự hạnh phúc hơn…” mà truyền thông Cộng
sản nêu ra và tự trả lời thế nào, chúng ta có lẽ ai cũng đã thấu hiểu.
Suốt nhiều năm đầu sau 30-4-1975, chúng tôi sống
triền miên trong đau khổ. Những đứa con còn ở lại với chúng tôi không hề thấy
đâu là bóng dáng hạnh phúc. Cha chúng nó bị giam cầm trong chốn ngục tù lao động
khổ sai. Các bà mẹ xấu số và bản thân các em từ cuộc sống phố thị nay bị đuổi về
đồng ruộng nông thôn hoặc bị tống vào vùng “kinh tế mới” nơi rừng thiêng nước độc.
Các bà mẹ phải lam lũ gục đầu xuống gốc rạ, tay lấm chân bùn lao công cực nhọc
cho những cái gọi là “hợp tác xã nông nghiệp”, không hề tạo ra nổi cái ăn cái mặc
cho những đứa con của mình.
Cuối năm 1981, từ nhà tù khổ sai gọi là “trại
cải tạo”, tôi được “trả tự do”. Thằng con bé bỏng tôi hôm ấy tới trường, đã “hồ
hởi phấn khởi” khoe với bạn bè chuyện cha nó “mới được về từ trại cải tạo”. Cô
giáo vào lớp lên giọng: “Các trò phải hết sức đề cao cảnh giác trước âm mưu
thâm độc của Mỹ-ngụy! Những tên ngụy ác ôn học tập cải tạo về đều có nợ máu với
Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đảng ta chiếu cố khoan hồng, cho về địa phương. Tuy
nhiên, trong bọn chúng hãy còn nhiều phần tử ngoan cố, nhất là bọn cảnh sát ác
ôn, chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả cài con cái chúng làm tình báo
Xê-I-A (CIA)… âm thầm đánh phá Đảng và Nhà nước”.
Kết
Cho đến khi rời khỏi đất nước ra để định cư tại
Hoa Kỳ, những đứa con còn lại với chúng tôi chưa đứa nào may mắn lãnh hội được
trình độ học thức căn bản. Những đứa con còn lại với chúng tôi tại Việt Nam thật
sự “giữa đường đứt gánh” nếu chúng tôi không đặt chân đến đất nước Hoa Kỳ để
đoàn tụ cùng hai đứa con trai thất lạc đã 16 năm. Chính trên đất nước Hoa Kỳ,
con cái chúng tôi có được cơ hội làm lại cuộc đời, hấp thụ nền giáo dục tân tiến,
để chúng có điều kiện tiến thân cả về mặt tri thức lẫn đời sống xã hội. Chúng
tôi sống chan hòa trong tình người với mọi sắc dân khác, tuy rằng Hoa Kỳ chưa hẳn
đã hoàn hảo về tâm lý chủng tộc vùng miền.
No comments:
Post a Comment