Mentor
walk: Giới hạn của cha mẹ khi định hướng cho con
12/04/2021
https://baotiengdan.com/2021/04/12/mentor-walk-gioi-han-cua-cha-me-khi-dinh-huong-cho-con/
Cũng khoảng thời gian này
vào năm 2017, báo Tuổi Trẻ có đăng bài về hoàn cảnh sống của một học sinh lớp
12 tên Huy (tên đã thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư của bạn ấy). Huy và mẹ sống
trong một căn phòng nhỏ chật hẹp từ khi Huy còn rất trẻ. Tuy mẹ lượm ve chai để
lo cho cuộc sống của hai mẹ con từ nhiều năm, Huy học khá giỏi.
Lúc bấy giờ tôi đang là
Hiệu Phó điều hành của Đại học Hoa Sen. Sau khi đọc bài báo, tôi gọi cô Bích Thủy,
phòng truyền thông liên hệ với báo để có thể liên hệ với mẹ con Huy và đến thăm
nhà để xác nhận thông tin. Sau đó tôi mời hai mẹ con đến văn phòng tôi và hôm
đó tôi quyết định đặc cách cấp cho Huy một suất học bổng toàn phần từ Chương
trình Tinh Hoa. Sau khi ra trường THPT, Huy vào ĐH Hoa Sen học ngành ngôn ngữ
Anh.
Bốn năm sau, cũng tháng
4, năm 2021 tôi có dịp đi bộ với Huy chiều thứ sáu tuần rồi. Huy giờ đã là sinh
viên năm 4 sắp ra trường. Tôi bắt đầu câu chuyện ‘Cuộc sống của hai mẹ con
lúc này thế nào rồi?’
Huy đáp: Dạ, mẹ và em đã dời qua một nơi mới để sống. Tiền mướn phòng đắt
hơn nhưng cuộc sống cũng tốt hơn tí nhờ em có đi dạy tiếng Anh thêm ở trung tâm
cũng như dạy kèm gia sư.
Tôi tiếp: Thế việc học của em thế nào?
Huy: Em đang học học kỳ cuối và sắp ra trường. Em cũng có việc làm là
dạy tiếng Anh ở một trung tâm nhỏ. …
Bỗng nhiên Huy dừng lại một
hơi, trầm ngâm rồi nói ‘Học kỳ trước em bị rớt mấy môn học chuyên ngành…’
Tôi nhìn Huy ngạc nhiên,
‘Ủa, tiếng Anh đối với em thường không khó.. thế sao em lại rớt môn?’
Huy: ’Dạ, em không có thời gian để học bài, theo không kịp với lớp, nên
em bỏ luôn…’
Tôi ngạc nhiên và thắc mắc:
‘Em không có thời gian để học? Thế lịch sinh hoạt hàng ngày của em như thế
nào?’
Huy: Dạ, trong tuần thì sáng em thường có lớp. Đến trưa thì em thường
chịu hết nổi rồi và phải ngủ. Đến chiều thì em đi dạy TT hay gia sư, nếu có thời
gian thì học bài một tí. Sau đó em đi lượm ve chai với mẹ đến 3 giờ sáng. Khi về
đến nhà thì em học bài tí rồi chuẩn bị đi học.’
Tôi khá bị sốc khi biết lịch
sinh hoạt của Huy và hỏi một loạt câu hỏi: Em đi dạy thêm rồi em còn đi lượm ve
chai? Tại sao thế? Một giờ em dạy thêm tiếng Anh em được trả bao nhiêu tiền và
một đêm đi lượm ve chai em kiếm được bao nhiêu tiền? Em có biết tính hơn thiệt
như thế nào không? Em có biết cuộc đời em là một chuỗi sự lựa chọn và em phải
trả cái giá cho những lựa chọn đó không?
Huy: Dạ, em hiểu chứ. Mỗi đêm em lượm ve chai kiếm cao nhất là 200K.
Còn dạy thêm vì em chưa có bằng đại học nên trung bình khoảng 100 K/giờ. Nếu có
bằng ĐH thì thu nhập cao hơn và có ThS thì đến khoảng 200 K/giờ. Em dự định sẽ
học lên ThS.
Tôi hỏi: ĐH mà em còn rớt môn thì em nghĩ rằng em học lên được sao? Em có
biết là nếu em đi dạy thêm 2 giờ mỗi ngày thì em có thể bù lại 8 giờ hàng đêm
đi lượm ve chai và như thế em có 6 giờ để ngủ. Em có tính như thế chưa?
Duy: Dạ, em hiểu và có giải thích với mẹ. Nhưng mẹ nghĩ vì tính ổn định
trong thu nhập của việc lượm ve chai nên muốn em vẫn đi lượm. Em có nói nhưng
cuộc sống chỉ có hai mẹ con, em không muốn cãi lời mẹ….
Tôi ngậm ngùi… ’Tuần sau
em đưa mẹ đến nói chuyện với thầy.’
Hôm qua tôi ngồi nói chuyện
với mẹ Huy. Tôi giải thích cho mẹ Huy về việc để Huy đi lượm ve chai hàng đêm sẽ
đánh mất biết bao nhiêu cơ hội để phát triển tương lai cho Huy, nào là Huy phải
ngủ vào buổi chiều lúc mà Huy có thể đi thực tập học hỏi thêm kinh nghiệm ở
công ty, dạy thêm, … Nào là chỉ cần dạy thêm hai giờ cũng bù lại thu nhập từ việc
lượm ve chai hàng đêm, rồi đến cơ hội học hỏi cách giao tiếp, cư xử, v.v. từ việc
đi làm ở môi trường công việc chuyên nghiệp, … đến thu nhập từ lao động trí tuệ
so với lao động tay chân, …
Tôi cố gắng thuyết phục bằng
nhiều cách nhìn, nhiều yếu tố. Sau gần 45 phút thì mẹ Huy nói ‘Cảm ơn thầy
đã giải thích rõ hơn về những cân nhắc. Tôi nghĩ tôi sẽ cho Huy đi lượm ve chai
về sớm hơn để có thời gian ngủ…’
Tôi như muốn đập đầu mình
vào tường đấy… Tôi đoán trước điều này có thể xảy ra vì ‘Người ta không biết
điều mình không biết. Chỉ hiểu điều mình có thể hiểu và thấy điều mình thấy.’
Tôi không trách mẹ Huy vì mẹ Huy sống mấy chục năm nay, cuộc sống chỉ về đêm đi
lượm ve chai và chưa hề biết môi trường công việc nào khác hơn cũng như cơ hội
và yêu cầu của nó. Do đó đối với mẹ Huy thì việc lượm ve chai là ổn định thu nhập
nên làm gì thì làm cũng phải đi lượm ve chai.
Vì đoán trước nên tôi đã
chuẩn bị một cách thuyết phục khác hơn. Tôi có nói một sinh viên khác trong
chương trình Tinh Hoa cũng học ngành ngoại ngũ Anh và biết Huy, đến gặp tôi lúc
đó. Tôi giới thiệu với mẹ Huy:
‘Đây là bạn học của
Huy, học cùng chuyên ngành, cùng năm, và có cùng học bổng. Cô là người dân tộc
Tày, sống ở miền sâu miền xa, hoàn cảnh gia đình không mấy tốt hơn gia đình chị.
Cô vào Sài gòn học phải tự lo bươn chải cho cuộc sống như đi dạy thêm như Huy.
Cô ấy cũng sắp ra trường Đại học như Huy. Học lực cũng khá như Huy. Nói chung về
mọi mặt thì cô ấy khá giống Huy. Chỉ có một cái khác đó là cô ta chuẩn bị mở
công ty vì thời gian rảnh cô ta học hỏi khởi nghiệp và trong một hai năm nữa cô
ta sẽ vượt xa Huy nếu Huy cứ hàng đêm chỉ lo đi lượm ve chai.’
Bấy giờ mẹ Huy bắt đầu
dao động. Tôi tiếp ‘Trong tay Huy đang cầm một cái cần câu và một con cá nhỏ.
Muốn câu cá lớn thì phải dùng cá nhỏ làm mồi. Nhưng chị sợ mất con cá nhỏ vì
nghĩ rằng dù sao mình có con cá nhỏ còn hơn không. Nhưng nếu không dùng cá nhỏ
làm mồi thì làm sao Huy có thể bắt con cá lớn. Muốn có cá lớn thì phải bỏ con
cá nhỏ chị ạ.’
Tôi ngó sang cô sinh viên
người Tày rồi tiếp: ‘Sự khác biệt giữa cô này và Huy và lý do tại sao tương
lai của cô ấy sẽ sáng rạng hơn so với Huy là ở chỗ cô ấy hoàn toàn có khả năng
quyết định mình làm gì trong thời gian này còn với Huy thì hạn chế, bởi Huy phải
nghe lời mẹ…’
Mẹ Huy lúc bấy giờ rưng
rưng nước mắt: ‘Cảm ơn thầy. Tôi nghĩ là tôi không nên để Huy đi lượm ve
chai nữa và để con đầu tư vào tương lai… Nhờ có thầy mà Huy có được ngày hôm
nay và một lần nữa nhờ có thầy mà tôi hiểu hơn về vấn đề...’
Hy vọng bốn năm sau mẹ
con Huy sẽ có khác và không còn lượm ve chai để sống nữa.
Qua câu chuyện trên, làm
cha mẹ làm sao bạn hiểu được hạn chế trong sự hiểu biết của mình về xã hội
trong tương lai và những thay đổi trong môi trường sống trong tương lai khi ‘định
hướng cho con’? Thật sự chỉ có nhà thông thái mới biết giới hạn của mình còn đa
số chúng ta, bạn cũng như tôi đều không biết điều mình không biết.
Chúc các bạn một cuối tuần
vui vẻ.
Trương Nguyện Thành
Cảm ơn các bạn đã quan
tâm và góp ý. Bài chia sẻ này chỉ có một mục tiêu, đó là dùng trường hợp của
hai mẹ con Huy để nêu lên vấn đề cha mẹ thường đang áp đặt sự hiểu biết của
mình khi 'định hướng cho con'. Nhưng sự hiểu biết của chúng ta đều có giới hạn
về những gì là quan trọng trong tương lai. Hậu quả cho sự áp đặt có thể tốt và
có thể xấu. Duy có một điều là cha mẹ không biết điều mình không biết nên lúc
nào cũng cho rằng mình đúng. Thế liệu điều mình không biết có kiềm hảm sự phát
triển tương lai của con mình không? Đây là điều mà qua bài này tôi hy vọng các
bậc cha mẹ có quan tâm đến tương lai con cái bỏ tí thời gian suy ngẩm. Thế
thôi. Bài viết không có mục tiêu nói về nội tình của hai mẹ con Huy.
No comments:
Post a Comment