Làm
luật như viết truyện chưởng: Mấy nguyên nhân cần khắc phục ngay
15/04/2021
Nói không quá ngoa, làm luật ở Việt Nam ta hiện
nay như thể “Kim Dung viết truyện chưởng”, phần nào đấy, cũng giống như viết luận
án hay luận văn mà chẳng có đề cương được dựng trước, có nghĩa là cứ viết đại
đi, chép đại vào mà không hề có hình hài dự liệu trước, đôi khi tùy hứng “sáng
tạo” như Kim Dung.
Cho đến giờ, không ai có thể tìm thấy bất kỳ
tài liệu nào diễn giải một cách có hệ thống, đầy đủ và chi tiết từng vấn đề
pháp lý mà bất kể Ban soạn thảo dự án luật nào ở ta đưa vào dự thảo (kể cả lý
do để lựa chọn mô hình này, quan điểm này hay mô hình kia, quan điểm kia, ngoài
cái tờ trình sơ sài và bản giải trình tiếp thu ý kiến…).
Trên thế giới, khi xây dựng luật, Ban soạn thảo
thường lý giải cực kỳ kỹ lưỡng và chi tiết từng vấn đề pháp lý nhỏ một đưa vào
dự thảo luật. Kết quả là sau khi luật được thông qua, tài liệu đó được in ấn,
xuất bản để nghiên cứu, giảng dạy, học tập và hướng dẫn thực hành. Chẳng hạn:
Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự Québec năm (Canada) xuất bản 03 tập lý giải về Dự
thảo Bộ luật này (Tập I dày 823 trang khổ lớn, Tập II dày 573 trang khổ lớn, Tập
III cũng dày 573 trang khổ lớn); Ban soạn thảo Bộ luật Thương mại năm 1973 của
Việt Nam Cộng hòa xuất bản 02 tập với tổng cộng 1.366 trang khổ lớn để lý giải
cho Dự thảo Bộ luật này. Tôi xin đăng kèm theo đây ảnh chụp bìa của các cuốn
đó.
Ảnh tư liệu :
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/1-10.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/1-11.jpg
Khi mới xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015, anh
Nguyễn Ngọc Điện và tôi có tham gia và khuyên Ban soạn thảo 02 điều: (1) phải
xây dựng cho được mô hình Bộ luật Dân sự tương lai thật chuẩn cùng với việc lựa
chọn các học thuyết, quan điểm cho từng vấn đề pháp lý trong đó trước khi viết
chi tiết từng điều khoản; (2) Ban soạn thảo phải học lại Luật La Mã và luật so
sánh.
Việc không thành, nên cùng một vấn đề pháp lý
lớn (Vật quyền và Giao dịch dân sự) bị Bộ luật này xử lý sai và mâu thuẫn rất
nhiều giữa các phần và các chương, thậm chí ngay trong một mục.
Bởi quan niệm cũ là “luật là công cụ quản lý
xã hội” (ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 nay đã bị Hiến pháp năm 2013 loại bỏ),
do đó đa số các dự thảo luật đưa về cho các Bộ, ngành soạn thảo. Đây là một việc
có nhiều điểm bất lợi:
– Thứ nhất, các công chức hành chính không
quen với nghiên cứu sâu và cũng không có nhiều thời gian nghiên cứu sâu;
– Thứ hai, lợi ích cục bộ dễ bị cài cắm;
– Thứ ba, công việc quản lý nhà nước của Bộ,
ngành bị xao nhãng;
– Thứ tư, các công chức không thể bảo vệ đến
cùng quan điểm khoa học vì bị kìm kẹp trong chế độ thủ trưởng;
– Thứ năm, Bộ, ngành thường chạy theo thành
tích bề nổi là chính;
– Thứ sáu, Bộ, ngành chủ trì soạn thảo có thể
cả nể hay trao đổi lợi ích với Bộ, ngành khác có liên quan làm sai lệch vấn đề
ngay từ khi soạn thảo…
Tuy nhiên nếu giao dự án luật cho các viện
nghiên cứu chuyên môn hay các trường đại học soạn thảo thì chúng ta cũng gặp phải
vấn đề lớn là các viện, các trường của ta tuyển người, dùng người và quản lý chẳng
khác mấy so với các cơ quan hành chính nhà nước.
Vì vậy có lẽ phải thành lập từng ban soạn thảo
riêng biệt cho từng dự án luật lớn, có tính chất nền tảng là giải pháp thích hợp
nhất. Tuy nhiên các thành viên ban soạn thảo này chỉ bao gồm các chuyên gia thực
sự được chỉ định đích danh dưới sự chỉ đạo của một chính trị gia có thẩm quyền.
Tuy nhiên mô hình hệ thống pháp luật Việt Nam cần phải được làm rõ trước tiên.
No comments:
Post a Comment