Tuesday, 20 April 2021

LẠI CHUYỆN ÔNG TRỌNG và ĐẢNG CỦA ÔNG (Jackhammer Nguyễn)

 



Lại chuyện ông Trọng và đảng của ông

Jackhammer Nguyễn

21/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/21/lai-chuyen-ong-trong-va-dang-cua-ong/

 

Dù thích hay không, trong cả năm qua, người Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Mà không phải chỉ có báo chí của đảng, mà báo chí hải ngoại và những người ghét ông trên mạng xã hội, cũng liên tục nhắc tới ông.

 

Tác giả Phạm Vũ Hiệp, một lần nữa gọi tên ông Trọng, qua bài viết đăng ngày 20/4/2021 trên Tiếng Dân: Ông Nguyễn Phú Trọng chọn ai làm người kế vị? Và cũng như thường lệ, một số thông tin “không chính thống” về ông Trọng cũng được ông Hiệp đưa ra (Xin nhấn mạnh, những tin “không chính thống” này lâu nay, luôn được chứng minh là đúng).

 

Theo nhận định của tác giả Phạm Vũ Hiệp, ông Trọng là một người thâm trầm nhưng thù dai, theo kiểu quân tử Tàu “10 năm trả thù chưa muộn”, tuy được coi là giản dị, dễ gần, nhưng giáo điều và bảo thủ. Điều này trùng hợp với những thông tin mà tôi có được, xin trích nhận xét của ba người, ít nhiều biết ông Trọng, nói với tôi:

 

1- Một nhà báo ở Việt Nam: Ông ấy hiền lành nhưng quá bảo thủ, giáo điều.

 

2- Một nhà hoạt động dân sự bên trong Việt Nam: Ông ta chống tham nhũng cái gì, chỉ trả thù vặt thôi!

 

3- Một nhà quan sát từ Mỹ: Ai tham nhũng là ông ấy ghét lắm.

 

Tổng hợp sự mô tả và các nhận xét trên, cũng như những diễn biến từ Đại hội 13 của đảng CSVN vừa rồi, ta thấy ông Trọng đại diện cho tình thế lưỡng nan của Đảng hiện nay, mà nhiều người, cả trong lẫn ngoài nước, cho rằng, đảng trưởng của nó, ông Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản cuối cùng.

 

Lưỡng nan ở chỗ, ông biết đánh tham nhũng là đánh đảng (ai mà chả biết chuyện này, bởi bản chất của đảng là tham nhũng), và muốn duy trì ĐCS nhưng không còn những người cộng sản nữa, khi mà có đến hơn 43% lãnh đạo đảng ở các tỉnh thành dưới 50 tuổi (thông tin của ông Nguyễn Khắc Giang), một thế hệ quen xài đô la hơn là đọc “Tư bản luận” của Karl Marx.

 

Thế ông Trọng có chống tham nhũng và có bảo thủ, giáo điều hay không?

 

Câu trả lời của tôi là Có lẫn Không. Xin nhắc lại nội dung hai câu nói công khai của ông Trọng, câu thứ nhất ông nói rằng, “ném chuột đừng để vỡ bình”, hàm ý rằng, dù chống tham nhũng nhưng không để di hại đến cái đảng của ông.

 

Câu thứ hai là: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”, tức là ông rất giáo điều, bắt đầu hoài nghi rằng không biết khi nào đảng của ông xây xong Chủ nghĩa Xã hội.

 

Một điều chắc chắn là, ông rất trung thành với Đảng. Câu nói công khai cũng rất nổi tiếng của ông:“Hiến pháp … là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng!” Qua câu nói này, ông xem cái đảng của ông quan trọng hơn luật pháp của đất nước, rằng “Đảng pháp” quan trọng hơn “Hiến pháp”.

 

Vì yêu quá Đảng, ông Trọng mong mỏi đưa các đàn em của mình nối nghiệp ông. Nhiều người cho rằng ông Trọng tham quyền cố vị, già cả bệnh tật mà vẫn cứ bám ghế. Tôi nghĩ điều đó cũng đúng, nhưng có lẽ đúng hơn là ông Trọng lo cho Đảng của ông, kiểu như tổng thống Charles De Gaulle xứ Pháp trước kia: “Apres moi c’est le deluge”, nghĩa là, “sau ta là hồng thủy”. Ông Trọng lo là không biết tương lai đảng ông sẽ như thế nào, mà đảng theo nghĩa ông hiểu, chứ không phải người khác hiểu.

 

Theo tác giả Phạm Vũ Hiệp, thì nhân vật “thuần đảng” Đinh Thế Huynh đã bị ông Trọng loại khỏi chính trường, cùng với Trần Đại Quang, cựu chủ tịch nước.

 

Ông Huynh biến mất khỏi chính trường từ sau Hội nghị Trung ương 5, khoảng tháng 5/2017, (có lời đồn ông bị tâm thần). Đến tháng 1/8/2017, ông Trần Quốc Vượng lên thay, nhưng ông Huynh vẫn còn là ủy viên Bộ Chính trị cho tới hết khóa 12, tức đến tháng 1/2021. Còn ông Quang thì đột nhiên ngã bệnh rồi chết không lâu sau đó.

 

Ngay sau khi hai ông Huynh, Quang rời chính trường, người ta thấy ông Trọng nắm tay ông Trần Quốc Vượng dung dăng dung dẻ gặp quan viên các cấp. Vượng, lẫn Huynh, Quang cũng đều là người Bắc Hà như ông Trọng, nhưng có lẽ là đàn em, nên dễ bảo hơn so với hai ông Quang và Huynh. Thế nhưng, Trọng tính, không bằng Trung ương tính, khi ông Vượng không được lòng đa số các ủy viên trung ương, đành phải về làm “người tử tế”.

 

Điều thú vị ở đây là, ông Trọng đã từng dùng các Ủy ban Trung ương để loại đối thủ sừng sỏ Nguyễn Tấn Dũng, hồi đại hội 12, năm 2016, nhưng nay do tự tin quá đáng, bị thất bại, không đưa được đệ tử Vượng nối nghiệp mình. Cũng có thể ông ta cố tình chọn một nhân vật không đủ uy tín, để ông có thể ngồi tiếp thêm cái ghế Bí thư, như một số lời đồn đoán chăng?

 

Thế là ông đành phải chọn kế hoạch “B” là thỏa thuận với trung ương cho hai nhân vật “nửa thuần đảng” là ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Minh Chính đứng vào hàng thứ hai sau lưng ông, để sẵn sàng lèo lái con thuyền của Đảng, một khi ông không còn sức giữa nhiệm kỳ, hoặc kế tục ông ở nhiệm kỳ sau (chứ chẳng lẽ ông lại thêm trường hợp “vô cùng đặc biệt” lần nữa?!)

 

Tác giả Phạm Vũ Hiệp và một số người khác dự báo là, sẽ cuộc đấu chính trường khốc liệt giữa hai ông Chính và Huệ, nhất là khi cả hai cùng xuất thân từ vùng kiêu binh Thanh – Nghệ một thời.

 

Ông Trọng với mối lo “phận mỏng cánh chuồn”, rằng ông lo không cứu được Đảng của ông, nên ráng ở lại làm thêm nhiệm kỳ nữa. Xin nhắn với ông rằng, sau câu nói của tướng De Gaulle mấy mươi năm, nước Pháp vẫn là nước Pháp hào hoa phong nhã, chẳng để ai bắt nạt được Pháp.

 

Xem ra cựu thủ tướng Koizumi của Nhật Bản còn thông thái hơn tướng De Gaulle, khi ông Koizumi nói rằng, dù có phá tan đảng Dân chủ Tự do (của ông) thì ông cũng làm để cứu nước Nhật. Kết quả là nước Nhật vẫn là cường quốc, đảng Dân chủ Tự do vẫn tự tin, cạnh tranh cùng các đảng khác trên chính trường Nhật Bản.

 

Nếu đảng của ông Trọng dẫn dắt đất nước đi đúng đường, thì chẳng có gì ông phải lo mất đảng, như bao nhiêu đảng khác trên thế giới, đã và đang tồn tại hàng trăm năm. Còn nó đi sai đường thì ông khó mà giữ Đảng của ông tồn tại lâu dài được. Mà bây giờ ông có lo thì cũng chỉ lo được khi ông còn sống, một mai ông tắt thở, lấy ai mà lo Đảng sống hay chết?

 

Dù ông Trọng đã từng coi trọng cương lĩnh của đảng hơn hiến pháp, nhưng đời ai mà chẳng có lúc sai lầm? Ông đã từng hoài nghi về chủ nghĩa xã hội, vậy ông hãy hoài nghi về Đảng luôn đi ông ạ. Như thế mới đúng, mới là sĩ phu Bắc Hà có lý luận.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats