Thursday, 1 April 2021

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ HẠ TẦNG $2,000 TỶ CỦA TT BIDEN CÓ GÌ? (Saigon Nhỏ News)

 



Kế hoạch đầu tư hạ tầng 2.000 tỷ của ông Biden có gì?

Saigon Nhỏ News

March 31, 2021

https://saigonnhonews.com/ke-hoach-dau-tu-ha-tang-2-000-ty-cua-ong-biden-co-gi/

 

Sau khi ban hành gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD, Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu chiến dịch vận động cho sáng kiến lớn thứ hai của ông – đầu tư lớn vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ có tên gọi Kế hoạch Việc làm Hoa Kỳ (American Jobs Plan, AJP) chi phí tới hai ngàn tỷ USD – có thể thực thi vào đầu mùa hè tới và kéo dài trong tám năm.

 

Nội dung chính của kế hoạch chia làm hai phần, phần đầu tiên là nâng cấp, sửa chữa và xây mới đường sá, xa lộ, cầu cống, mở rộng mạng truyền tải internet băng rộng tốc độ cao ra cả nước, sửa chữa và xây thêm trường học, nâng cấp mạng lưới điện và chuyển dần sang năng lượng tái tạo được; phần thứ hai là đầu tư vào dân sinh, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người Mỹ, tập trung vào các thành phần dân chúng có thu nhập thấp để thu hẹp dần bất bình đẳng trong xã hội.

 

Nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia là một việc mà cựu Tổng thống Donald Trump cũng muốn làm nhưng đã  không làm được; ông Joe Biden muốn chứng tỏ rằng ông có thể thành công ở nơi mà người tiền nhiệm thất bại.

 

Nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng là việc được công chúng và các chính trị gia thuộc cả hai đảng ủng hộ vì nó tạo ra công ăn việc làm và cải thiện điều kiện sinh sống ở tất cả các cộng đồng trong nước.

 

Chỗ bế tắc lâu nay là lấy đâu ra tiền để trả chi phí cho việc đầu tư nâng cấp đó, tăng thuế và phí, cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội hay vay thêm nợ công.

 

Ông Biden hiện muốn chọn việc tăng thuế. Ông muốn tăng thuế lợi tức doanh nghiệp mà các công ty phải đóng. Các nhà quản lý doanh nghiệp đã bắt đầu phản đối ý định tăng thuế này, vì cho rằng nó làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty Mỹ.

 

Thông tin cụ thể về kế hoạch của ông Biden có thể tóm tắt như sau:

 

1- Nâng cấp cơ sở hạ tầng 

 

Đây là công việc mà lẽ ra nước Mỹ phải làm từ lâu, ít nhất là từ thời Tổng thống Bill Clinton.

 

Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) đánh giá cơ sở hạ tầng của Mỹ chỉ đạt điểm C-, tức là hạng trung bình. Theo hiệp hội này, cứ 10 cây cầu ở Mỹ có bốn cây đã quá 50 năm tuổi, cứ mỗi hai phút lại có một vụ bể đường ống nước; và ở khắp nơi người dân dễ dàng chỉ ra những con đường, cầu cống, đường ống, hải cảng và phi trường cũ kỹ, lạc hậu và nguy hiểm.

 

Nhiều khu vực trong nước không có đường truyền internet tốc độ cao và ổn định. Trong thời gian dịch bệnh, sinh viên học sinh các khu dân cư thu nhập thấp phải bỏ học vì không kết nối được các lớp học trực tuyến.

 

Kế hoạch nhắm nâng cấp 32.000 kilomet xa lộ liên bang, sửa chữa 10 cây cầu lớn, quan trọng về kinh tế và hơn 10.000 cây cầu nhỏ, thay thế các đường ống bị nhiễm chì trong hệ thống cung cấp nước sạch, cải thiện hệ thống cung cấp điện, đường truyền innternet và giao thông công cộng.

 

Như tên gọi, kế hoạch nâng cấp hạ tầng còn tạo ra hàng trăm ngàn việc làm vào lúc hàng triệu người Mỹ bị thất nghiệp vì dịch bệnh; hơn thế nữa, nó giúp Hoa Kỳ đuổi kịp các nước phát triển khác, đặc biệt là Trung Quốc, nước đã đầu tư rất lớn vào các loại hình hạ tầng cơ sở khác nhau.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/AP21058738492039-640x427.jpg

Nâng cấp xa lộ 75 ở Michigan tháng 4-2020. Ảnh AP/VOA

 

 

2- Đầu tư vào con người

 

Một nửa chi phí của kế hoạch là nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng không chỉ có thế. Ông Biden dự định dùng 620 tỷ USD để xây dựng và sửa chữa đường sá, cầu cống, hải cảng; trong đó có 100 tỷ USD để mở rộng mạng lưới internet băng rộng; 111 tỷ USD thay thế các đường ống nước cũ kỹ, bị nhiễm chì để người dân có nước uống an toàn hơn. Ngoài ra, có 100 tỷ dành để tái huấn nghệ cho người lao động muốn làm những công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn.

 

Phần thứ hai của kế hoạch đầu tư vào các chương trình chống biến đổi khí hậu, hiện đại hóa hệ thống trường học, cơ sở sản xuất công nghiệp và chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể, kế hoạch dự định dùng 400 tỷ USD xây nhà và trợ cấp chỗ ở cho người cao tuổi và người khuyết tật; 200 tỷ USD nâng cấp các khu nhà ở công cộng cho người thu nhập thấp; 100 tỷ USD nâng cấp trường học; 300 tỷ USD phục hồi các cơ sở sản xuất công nghiệp trong đó có khoản đầu tư vào năng lượng sạch và nghiên cứu về biến đổi khí hậu; 50 tỷ USD hỗ trợ ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Ông Biden cũng sẽ đưa vào kế hoạch Luật Bảo vệ Quyền Tổ chức (Protecting the Right to Organize Act) để tạo điều kiện dễ dàng cho người lao động thành lập nghiệp đoàn trong các nhà máy.

 

Tòa Bạch ốc quan niệm, đầu tư vào giáo dục, y tế cũng là đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhưng đảng Cộng Hòa cho rằng, đây chỉ là những chương trình chính trị ưu tiên của đảng Dân Chủ. Nếu như phần thứ nhất của kế hoạch (đầu tư nâng cấp hạ tầng) dễ dàng có được sự ủng hộ lưỡng đảng thì phần thứ hai đang vấp phải sự phản đối mạnh. Chưa rõ ông Biden sẽ chọn giải pháp nào: hoặc bỏ bớt một số khoản chi dự tính để kế hoạch được đảng Cộng Hòa bỏ phiếu thuận hoặc giữ nguyên kế hoạch và thông qua dự luật chỉ với số phiếu của các nghị sĩ Dân Chủ. – như ông đã từng làm với gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD mới thông qua – 

 

 

3- Tiền đâu? Tăng thuế, vay nợ hay cắt giảm các chương trình phúc lợi?

 

Như vừa nói, ông Biden hiện muốn chọn giải pháp tăng thuế để lấy tiền trang trải cho kế hoạch đầu tư lớn này. Người tiền nhiệm Donald Trump của đảng Cộng Hòa đã làm cuộc giảm thuế lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ: giảm thuế lợi tức doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, nay ông Biden muốn nâng tỷ lệ này lên mức 28%, và bảo đảm các công ty phải đóng tối thiểu 15% lợi tức của họ. Các tập đoàn đa quốc có lợi nhuận ở nước ngoài cũng sẽ phải tăng tỷ lệ đóng thuế để họ không còn hứng thú với việc chuyển hoạt động sản xuất ra ngoài nước Mỹ nhằm tránh thuế.

 

Lý thuyết kinh tế học cổ điển cho rằng tăng thuế sẽ có các tác động xấu, công ty sẽ giảm đầu tư hoặc thuê mướn công nhân. Các tổ chức doanh nghiệp như Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối dự định tăng thuế lợi tức doanh nghiệp của chính phủ Biden, họ cho rằng điều đó sẽ làm cho các công ty Mỹ khó cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, được hưởng mức thuế thấp hơn. Họ đề nghị việc tăng thuế nên dàn ra rộng hơn cho nhiều thành phần khác, chẳng hạn như tăng thuế lên những người có thu nhập cao, thuế tiêu thụ xăng dầu hoặc thu phí sử dụng cầu đường.

 

Các nhà kinh tế học của đảng Dân Chủ thừa nhận tăng thuế có các tác động xấu nhưng cho rằng, cái lợi của việc nâng cấp hạ tầng là lớn hơn cái hại và các công ty Mỹ hoàn toàn có thể chấp nhận được mức thuế mới. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng tốt hơn, người lao động được huấn nghệ tốt hơn, mạng internet được mở rộng và tăng tốc cũng sẽ làm cho hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn và do đó mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho chủ doanh nghiệp.

 

Việc tăng thuế lợi tức công ty như tính toán của Tòa Bạch ốc cũng không đủ để trang trải chi phí của kế hoạch. Theo một số tổ chức chuyên môn, tăng thuế như đề nghị chỉ có thể mang lại tối đa 1.500 tỷ USD trong mười năm, nghĩa là nợ công vẫn phải tăng thêm gần 1.000 tỷ nữa.

 

 

4- Triển vọng việc làm

 

Hiện nước Mỹ vẫn còn khoảng 10 triệu người không có công ăn việc làm. Nhiều kinh tế gia dự báo số việc làm sẽ tăng mạnh vào mùa hè tới do đa số người Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, bắt đầu đi du lịch, đi ăn nhà hàng và đi làm việc bình thường trở lại. Tuy nhiên, một số lớn người lao động vẫn sẽ tiếp tục thất nghiệp.

 

Công cuộc đầu tư hạ tầng được kỳ vọng sẽ tạo ra rất nhiều công việc làm với mức lương khá. Theo Bộ Lao động, mức lương bình quân của người thợ xây dựng hiện vào khoảng 30 USD/giờ, cao gấp rưỡi mức bình quân chung.

 

Sau thời kỳ Đại Suy thoái 2008-2009, nước Mỹ phải mất 10 năm mới giải quyết được căn bản nạn thất nghiệp, tạo công việc làm cho mọi người. Chính quyền Biden muốn giải quyết vấn nạn này trong nhiệm kỳ đầu tiên. Kế hoạch American Jobs Plan sẽ bơm tiền vào nền kinh tế trong nhiều năm sắp tới, hy vọng sẽ thúc đẩy được đà phục hồi của thị trường lao động việc làm và nền kinh tế Mỹ nói chung.

 

Trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc – “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, nếu ông Donald Trump chọn cách trừng phạt, bao vây và ngăn chặn Bắc Kinh thì ông Joe Biden dường như bổ sung vào đó một chiến lược khác: xây dựng, phát triển để nước Mỹ mạnh lên về kinh tế và hạ tầng cơ sở để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Trung Quốc cũng không thể lấn lướt được.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats