Kế
hoạch đại tu hệ thống đường sá của ông Biden gặp khó khăn gì?
Minh Đăng - Saigon Nhỏ News
Apr 3, 2021
https://saigonnhonews.com/ke-hoach-dai-tu-he-thong-duong-sa-cua-ong-biden-gap-kho-khan-gi/
Mỹ là một trong những quốc
gia có hệ thống đường sá tốt nhất thế giới nhưng rất nhiều nơi ở Mỹ đang chứng
kiến sự xuống cấp của hệ thống giao thông nói chung và sự lạc hậu của hệ thống
giao thông công cộng nói riêng. New York Times cho biết, 65
năm qua, Mỹ đã chi gần 10 nghìn tỷ USD công quỹ cho các tuyến cao tốc và đường
bộ nhưng chỉ ¼ trong số đó dành cho tàu điện ngầm, xe buýt và đường sắt chở
khách (passenger rail).
Chính quyền Joe Biden
đang muốn thay đổi điều đó. Kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hai nghìn tỷ USD của
Tổng thống Joe Biden, vừa công bố tuần này, thể hiện một trong những nỗ lực đầy
tham vọng nhất nhằm lột xác hoàn toàn hệ thống giao thông toàn quốc, với đề xuất
nghiêng chi tiêu liên bang nhiều hơn cho giao thông công cộng, nhằm hạn chế việc
sử dụng phương tiện cá nhân. Giới chuyên gia cho rằng chuyển đổi là cần thiết để
đối phó tình trạng biến đổi khí hậu nhưng có thể cực kỳ khó khăn trong thực tế.
Tổng thống Biden muốn chi 85 tỷ USD trong tám năm để giúp các thành phố hiện đại
hóa và mở rộng hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra còn có 80 tỷ USD để nâng
cấp và mở rộng mạng lưới đường sắt liên thành phố (intercity) như Amtrak.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/Traffic-USA-1-e1558632602236-1.jpg
Minh họa (itdp.org)
Với kế hoạch chi 115 tỷ
USD cho cầu đường, trọng tâm sẽ là sửa chữa các cao tốc và cầu cũ hơn là mở rộng
mạng lưới đường bộ. Đây là một thay đổi lớn. Những năm gần đây, các tiểu bang
đã chi gần một nửa ngân sách cho cao tốc để xây dựng những con đường mới hoặc mở
rộng đường hiện có – mà theo nghiên cứu, điều này có thể giúp giảm kẹt xe nhưng
vô hình trung khuyến khích người ta sử dụng xe nhiều hơn.
Lâu nay, khi Quốc hội ký
các hóa đơn vận tải trị giá hàng tỷ đôla xuất hiện vài năm một lần, thông thường,
khoảng 4/5 số tiền đó dành cho cao tốc và đường bộ – mô hình phát triển giao
thông được áp dụng từ đầu những năm 1980. Kết quả, khoảng 80% việc đi lại của
người Mỹ đều bằng xe hơi hoặc xe tải nhẹ, trong khi chỉ 3% bằng phương tiện
công cộng. Mặt trái mô hình này là hầu hết thành phố và vùng ngoại ô trở thành
môi trường tập trung nhiều xe hơi và gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
Catherine Ross, chuyên gia về lập kế hoạch giao thông tại Viện Công nghệ
Georgia, cho biết: “Chúng ta gần như đang buộc mọi người phải lái xe. Những lựa
chọn mà các cá nhân đưa ra được định hình bởi cơ sở hạ tầng mà chúng ta đã xây
dựng”.
Kế hoạch của Tổng thống
Biden dĩ nhiên cần phải được thông qua từ Quốc hội, nơi các nhà lập pháp ở các
vùng nông thôn và ngoại ô thường muốn đầu tư cho đường sá. Trên toàn quốc, các
dự án giao thông mới còn bị cản trở bởi chi phí xây dựng tăng cao. Đại dịch
coronavirus lại đang khiến nhiều người tránh dùng phương tiện giao thông công cộng.
Giới phân tích cho biết, hiệu quả của dự án lột xác hệ thống giao thông còn phụ
thuộc các đề xuất được tích hợp với những dự luật giao thông hiện được bàn tại
Quốc hội, dẫn đến việc điều chỉnh sự cân bằng ngân sách đầu tư cũng như việc
đưa ra các điều kiện về cách mà các tiểu bang sử dụng nguồn ngân sách liên
bang.
Tại Philadelphia, Cơ quan
Giao thông Đông Nam Pennsylvania (Southeastern Pennsylvania Transportation
Authority) cần tài trợ liên bang để có thể thực hiện kế hoạch trị giá 2 tỷ USD
nhằm mở rộng dịch vụ đường sắt đến King of Prussia, nơi đang thu hút nhanh nguồn
nhân lực của tiểu bang; cũng như kế hoạch 1,8 tỷ USD hiện đại hóa các xe buýt
cũ kỹ của thành phố này. Còn tại Vùng Vịnh San Francisco (California), Randy
Rentschler, giám đốc pháp chế và các vấn đề công tại Metropolitan cho biết, tài
trợ liên bang sẽ là cần thiết để mở rộng hệ thống đường sắt Bay Area Transit đến
San Jose…
Tổng thống Biden đề xuất
chi 80 tỷ USD để nâng cấp và mở rộng dịch vụ đường sắt liên thành phố như
Amtrak. Hiện tại, tuyến Amtrak bận rộn nhất là Hành lang Đông Bắc giữa
Washington DC và Boston mà Amtrak cho biết họ cần 38 tỷ USD để nâng cấp và sửa
chữa. Các thành phố có kết nối không thường xuyên luôn gây bất tiện cho người sử
dụng. Ví dụ, muốn đi từ Cincinnati đến Chicago bằng đường sắt, chỉ có một chuyến
mỗi ngày. Chuyến đi mất chín giờ và tàu khởi hành lúc 1:41 sáng. Amtrak cho biết,
với 25 tỷ USD, họ có thể phát triển mạng lưới của mình vào năm 2035, với việc mở
thêm 30 tuyến đến các thành phố hiện không có đường sắt liên thành phố, như Las
Vegas và Nashville (Tennessee), đồng thời cải thiện dịch vụ dọc 20 tuyến đến
các thành phố như Houston và Cincinnati. Amtrak dự báo số hành khách hàng năm sẽ
tăng từ 32 triệu người hiện nay lên 52 triệu, giúp phần nào giảm khí thải do di
chuyển bằng xe cá nhân và hàng không.
Xây dựng cơ sở hạ tầng ở
Mỹ luôn tốn kém và khó khăn so với các quốc gia khác. Tại California, kế hoạch
cho đường sắt cao tốc giữa Los Angeles và San Francisco được tài trợ liên bang
từ Chính quyền Obama đã vật lộn với sự chậm trễ lặp đi lặp lại và chi phí vượt
mức, mà đến nay vẫn chưa rõ liệu một phần công trình có hoàn thành trước năm
2030 hay không. Paul Lewis, phó chủ tịch phụ trách chính sách và tài chính tại
Eno Center for Transportation, trung tâm nghiên cứu phi đảng phái ở Washington,
cho biết: “Khi rất nhiều tiền đổ xuống từ phía trên, các bang và địa phương sẽ
làm bất cứ điều gì có thể để có được số tiền đó. Đôi khi số tiền đó được chuyển
đến các dự án không phải là tốt nhất”. Lewis lưu ý rằng việc cải thiện hệ thống
giao thông quốc gia không phải lúc nào cũng chỉ là vấn đề của xi măng và sắt
thép.
Hôm thứ Năm, Cơ quan Quản
lý Đường cao tốc Liên bang đã thực hiện một bước bất thường khi tạm dừng kế hoạch
mở rộng Xa lộ liên tiểu bang 45 gần Houston, trong bối cảnh lo ngại về
ô nhiễm không khí cùng việc di dời chỗ ở của cộng đồng Da đen và Tây Ban Nha.
Kevin DeGood, giám đốc chính sách cơ sở hạ tầng tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ
(Center for American Progress), cho biết: “Nếu số tiền không đi kèm với những
thay đổi chính sách thực sự thì các bang tiếp tục làm những gì họ luôn làm”.
No comments:
Post a Comment