Saturday, 17 April 2021

ĐIỂM NÓNG LỆCH TỪ BIỂN ĐÔNG LÊN ĐÀI LOAN và ĐÔNG BẮC Á? (Jackhammer Nguyễn)

 



Điểm nóng lệch từ Biển Đông lên Đài Loan và Đông Bắc Á?

Jackhammer Nguyễn

17/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/17/diem-nong-da-lech-tu-bien-dong-len-dai-loan-va-dong-bac-a/

 

Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà tổng thống Mỹ Joseph Biden đón tiếp tại tòa Bạch Ốc là thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, ngày 16/4/2021. Quốc gia đầu tiên mà thủ tướng Suga công du sau khi lên cầm quyền là Việt Nam, ngày 18/10/2020.

 

Những diễn biến này cho thấy, tầm quan trọng trong góc nhìn địa chính trị của hai cường quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đối với chiến lược tòan cầu mới của Mỹ, Nhật là trung tâm của việc xoay trục về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây cũng là điều mà báo Nikkei của Nhật nhận định. Đối với Nhật, Việt Nam là quan trọng nhất trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

 

Chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương này bắt đầu từ thời ông Obama, đáng tiếc là bị giật cục thời ông Trump và đang được dựng lại (Theo nhà quan sát Ngô Vĩnh Long từ Mỹ, thì ông Trump chẳng hiểu gì về biển Đông nên mới có một đề nghị hết sức buồn cười trong chuyến ông Trump thăm Việt Nam dự thượng đỉnh APEC năm 2017, là ông sẽ làm trung gian hòa giải giữa Bắc Kinh với Hà Nội).

 

Trong phát biểu nhân việc công bố quyết định rút quân ra khỏi Afghanistan hôm 11/9/2021, ông Biden có đề cập đến thách thức đến từ Trung Quốc, mặc dù ông không nói, liệu quân đội Mỹ có chuyển từ vùng Trung Á tới Đông Á hay không.

 

Đối với Nhật, Việt Nam là một đồng minh tự nhiên vì sinh lộ biển Đông của cả hai nước. Đối với Tokyo con đường vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa ngang qua biển Đông là sinh tử cho nền kinh tế xứ Phù tang. Đối với Việt Nam, biển Đông vừa là của cải trời cho, vừa là niềm tự tôn dân tộc mạnh mẽ nhất từ khi lập quốc đến nay.

 

Giáo sư Trần Văn Thọ là người từng sống và làm việc ở Nhật hàng chục năm. Theo nhận xét của ông, quan hệ Việt – Nhật là mối quan hệ phát triển rất nhanh trong tất cả các mối quan hệ của Việt Nam bao trùm mọi lãnh vực. Người Việt sống tại Nhật hiện nay đông thứ hai sau người… Trung Quốc.

 

Nhưng liệu những chuyển động ngoại giao vừa qua có ảnh hưởng gì đến vị trí của Việt Nam, quốc gia được cho là đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc, (tương tự như các nước Đông Nam Á khác)?

 

Đầu tháng 4/2021, chiến hạm hiện đại nhất của Việt Nam, chiếc Quang Trung (tàu khu trục loại Gepard của Nga) tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa, trong lúc 200 tàu cá của Trung Quốc khiêu khích Philippines ở đá Ba đầu.

 

Có hai bình luận đáng chú ý về việc này. Ông Nguyễn Thành Trung, nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế từ Việt Nam nói rằng, đây là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Bắc Kinh của Việt Nam.

 

Trang News của Úc nhận định rằng, Việt Nam, với lực lượng quân sự xây dựng mấy chục năm qua, đã trở thành một cường quốc trong khu vực. Bên cạnh đó, trang này trích dẫn lời nhà quan sát người Mỹ Derek Grossman, rằng Việt Nam nhất định đứng giữa Mỹ và Trung Quốc, và News Australia đặt câu hỏi liệu Việt Nam có phải là quốc gia quyết định số phận biển Đông?

 

RFA tiếng Việt dựa trên bài này viết một bài gần như giống hệt: Liệu Việt Nam có là quốc gia quyết định số phận Biển Đông hay không? Bài này có ý kiến của nhà quan sát Hoàng Việt từ Việt Nam, nói rằng, nếu Việt Nam chọn phe về phía Mỹ thì sẽ tạo nên sự thay đổi lớn.

 

Cách đặt vấn đề của News Australia là, Việt Nam với một sức mạnh tuy nhỏ, nhưng có thể làm lệch cán cân giữa hai sức mạnh tương đương, và Việt Nam tự tin dùng sức mạnh đó để răn đe Trung Quốc.

 

Trở lại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Nhật ở Washington. Biển Đông nằm ở đâu trong cuộc họp thượng đỉnh này?

 

Trong cuộc họp báo tại vườn hồng, sau cuộc họp riêng giữa ông Suga và ông Biden tại tòa Bạch Ốc, ông Biden có nhắc tới biển Đông một lần. Trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo, biển Đông cũng được nhắc tới một lần.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/2-13.png

Lãnh đạo hai nước Mỹ – Nhật tại buổi họp báo. Nguồn: Japan Times

 

Biển Đông bị “chìm” trong những vấn đề khác: Đài Loan, Bắc Hàn, phát triển công nghệ 5G, máy tính lượng tử.

 

Vấn đề Đài Loan là tự Bắc Kinh gây ra cho mình khi hùng hổ điều tàu bay, tàu biển uy hiếp hòn đảo này.

 

Vấn đề công nghệ 5G và máy tính lượng tử là chiến lược lớn nhất của phương Tây nhằm thoát khỏi thế lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc, và trong chiến lược này Nhật Bản là một quốc gia đồng minh tuyệt vời của Mỹ với công nghệ của nước này, và quốc gia thứ hai là Nam Hàn, mà ông Biden sẽ đón tiếp ông tổng thống xứ này tiếp theo.

 

Cuộc phản công lại Trung Quốc của các quốc gia dân chủ không chỉ đơn thuần là sức mạnh cơ bắp từ máy bay và tàu chiến, mà quan trọng hơn là sức mạnh công nghệ.

 

Trong phần “cơ bắp”, căn cứ theo những diễn biến vừa qua, cho thấy, trọng tâm có vẻ lệch về phương Bắc, khu vực eo biển Đài Loan và quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, hơn là biển Đông. Cuộc khiêu khích ở đá Ba Đầu cũng đã giảm nhiệt, sau khi Philippines điều tàu chiến ra khu vực, các tàu đánh cá Trung Quốc lần lượt rời bỏ, hiện chỉ còn một ít tàu TQ, so với hơn 200 tàu án ngữ ở đó nhiều tuần.

 

Nếu điều này là đúng, thì đó là may mắn cho Việt Nam, ít nhất là tranh thủ thêm thời gian, tự quyết định số phận của mình.

 

Đó là hiện tại, nhưng về lâu dài, ta hãy đọc bài chia tay Đại sứ Mỹ Kritenbrink của ông Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan: Những điều “Đan” giãi bày hay giữ kín khi chia tay.

Trong bài này, ông Thắng nói đến ước muốn của nhóm bộ tứ (Quad, Mỹ, Ấn, Úc, Nhật), rất muốn Việt Nam là một thành viên theo sát (shadow member). Và xa hơn nữa, ông Thắng đề cập đến báo cáo của quốc hội Mỹ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và nỗi nghi ngại của những người cộng sản Việt Nam, rằng Mỹ sẽ lật đổ mình. Một nghi ngại mà ông Thắng đánh giá rằng nó cũ kỹ, bắt nguồn từ Bắc Kinh (diễn biến hòa bình).

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats