Sunday, 4 April 2021

GIỚI TRẺ CHÂU Á ĐANG DẤN BƯỚC VÀO LỊCH SỬ, GIỚI TRẺ VIỆT NAM THÌ KHÔNG? (Jackhammer Nguyễn)

 


Giới trẻ Châu Á đang dấn bước vào lịch sử, giới trẻ Việt Nam thì không?

Jackhammer Nguyễn

05/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/05/gioi-tre-chau-a-dang-dan-buoc-vao-lich-su-gioi-tre-viet-nam-thi-khong/

 

Giáo sư Nicholas Farrelly, trưởng khoa Khoa học Xã hội của trường Đại học Tasmania ở Úc, có bài viết: “Giới trẻ Á châu nổi dậy, đăng trên báo Diplomat, một tạp chí chuyên về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong bài, ông Farrelly đề cập đến ba nơi Thái Lan, Hồng Kông và Miến Điện, với nhận định rằng, giới trẻ ở hai quốc gia và vùng lãnh thổ (Hồng Kông) này đang song hành cùng lịch sử.

 

Diễn biến chính trị xã hội ở ba nơi này trong mấy năm qua, là dẫn chứng cho nhận định của giáo sư Farrelly, mặc dù sự thành bại của giới trẻ ở những nơi này không giống nhau.

 

Ở Hồng Kông, xem như họ thất bại khi Bắc Kinh áp đặt thêm những luật lệ khắc khe, lấy đi chút tự do còn sót lại trên lãnh thổ này.

 

Ở Thái Lan, vẫn còn có những cuộc biểu tình của giới trẻ chống độc tài quân phiệt và hoàng gia Thái, nhưng không có biến chuyển gì đáng kể.

 

Ở Miến Điện, sự tham gia và hy sinh của giới trẻ nước này hiện đang gây sự chú ý trên thế giới, cả trăm thanh thiếu niên bị sát hại và cuộc đấu tranh vẫn chưa dừng lại.

 

Với những diễn biến đó, người quan tâm tới dân chủ hóa ở Việt Nam sẽ đặt câu hỏi, thế tuổi trẻ Việt Nam ở đâu? Trong gần 100 triệu người Việt hiện nay, có hơn 15 triệu thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15-24, theo thống kê của CIA.

 

                                                       ***

 

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người Việt trẻ tuổi xuống đường chống Trung Quốc cuối năm 2007, qua sự kiện Bắc Kinh cho lập huyện Tam Sa, quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa.

 

Năm 2011, sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, tháng 6/2011, đã diễn ra 10 cuộc biểu tình lớn ở hai miền Nam – Bắc, trước khi bị nhà cầm quyền dập tắt. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tiếp tục diễn ra trong năm 2012, nhất là vào tháng 7/2012 và tháng 12/2012.

 

Năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một lần nữa, hàng chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra suốt tháng 5 và tháng 6/2014. Ngày 11/5/2014, Thời báo Tài chính Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính đưa tin: Cả triệu người dân tuần hành phản đối Trung Quốc.

 

Đài VOA có clip: Biểu tình chống Trung Quốc lớn nhất ở Hà Nội sau nhiều năm:

https://www.youtube.com/watch?v=-qnbxMIKeX4

 

Nhiều đợt biểu tình lớn diễn ra trong năm 2016, phản đối công ty Formosa gây thảm họa môi trường, làm cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, cũng như những cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra trên cả nước, chống luật đặc khu và luật an ninh mạng vào mùa hè năm 2018. Tất cả những cuộc biểu tình đều liên quan đến Trung Quốc.

 

Có hai điều làm cho giới trẻ Việt Nam khác với giới trẻ Hồng Kông, Thái Lan và Miến Điện. Thứ nhất, các quốc gia và vùng lãnh thổ này không có nền giáo dục toàn trị kiểu cộng sản như Việt Nam. Trong nền giáo dục Việt Nam, ngay từ nhỏ, thanh thiếu niên Việt Nam đã được quản lý bởi những tổ chức mà Đảng Cộng sản thống trị là đội Thiếu niên Tiền phong và đoàn Thanh niên Cộng sản.

 

Sự khác nhau từ các cuộc biểu tình giữa Việt Nam và các nơi kể trên, có thể nói, ở Việt Nam, yếu tố Trung Quốc là nguyên nhân chính làm bùng phát đa số các cuộc biểu tình. Còn ở Miến Điện, Hồng Kông và Thái Lan, nguyên nhân thúc đẩy giới trẻ xuống đường là tinh thần dân chủ, chống độc tài.

 

Ở Hồng Kông có bóng dáng của Trung Quốc, nhưng nguyên nhân lớn hơn là thanh niên Hồng Kông đòi quyền tự do, dân chủ, như quyền bầu ra người đại diện của mình trong các cơ quan lập pháp và hành pháp ở Hồng Kông. Có người nhận định rằng, còn có nguyên nhân về sự nghèo đi của dân Hồng Kông, đặc biệt tác động mạnh lên giới trẻ. Nguyên nhân này nếu đúng, cũng nằm trong lĩnh vực dân chủ và bình đẳng xã hội.

 

Khác với Hồng Kông, giới trẻ Việt Nam không thấy họ có nhu cầu về những quyền lợi chính trị (như bầu cử), dân sinh (như sở hữu đất đai, tăng lương, nghiệp đoàn,…). Mặc dù họ không có các quyền lợi đó, so với các bạn đồng trang lứa ở các nước láng giềng, nhưng họ không đòi, mà các cuộc biểu tình, mục đích chủ yếu là chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ.

 

Đã từng có những cuộc biểu tình vì môi trường của nhóm Green Trees (tên cũ là Vì Một Hà Nội Xanh) ở Hà Nội, một mục tiêu mang tính dân sinh, hay những vụ biểu tình chống các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận,… nhưng những vụ này đóng vai trò gia tăng liều lượng cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc (vụ biểu tình biến thành bạo động ở Bình Thuận, như đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận ngày 10/6/2018, nhân cuộc biểu tình chống luật đặc khu và luật an ninh mạng), hơn là tự thân gây ra được những phong trào lớn lao.

 

Những vụ nông dân đòi đất cũng đã không dẫn đến những phong trào phản đối rộng rãi hơn. Mà trong những vụ đòi đất này không có nhiều thanh thiếu niên tham gia. Họ tự giải quyết việc đất đai bằng cách bỏ lên các khu công nghiệp để làm thuê.

 

Ngay cả những phong trào phản đối trên mạng xã hội tiếng Việt cũng không mạnh mẽ bao nhiêu, trừ một số rất nhỏ các tài khoản Facebook quan tâm đến quyền lợi chính trị và dân sinh dân chủ.

 

                                                   ***

 

Năm 2020, sau những cuộc biểu tình ở Hồng Kông và Thái Lan, một phong trào mạng xã hội liên quốc gia được giới trẻ những nơi này thúc đẩy, có tên là Liên minh trà sữa (Milk Tea Alliance) để cổ vũ cho dân chủ, và trong góc độ nào đó, chống lại Trung Quốc, vì Bắc Kinh là đại diện cho thế lực phản dân chủ trong vùng.

 

Trà sữa là thức uống được giới trẻ ưa chuộng ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam có thể vẫn thích trà sữa nhưng không thấy có nhiều người tham gia liên minh trà sữa (có hai cây bút tiếng Việt hay viết bài về dân chủ, tham gia liên minh này là Đỗ Nguyễn Mai Khôi và Trịnh Hữu Long).

 

Với tình hình hiện nay, e rằng sự dấn thân của giới trẻ Việt Nam vào những phong trào dân chủ xã hội vẫn còn mờ mịt, mà con đường dẫn tới dân chủ càng xa thì cái giá phải trả để có được nó sẽ càng lớn.

 

Phải chăng Việt Nam vẫn là quốc gia của các “bô lão”, từ Hội nghị Diên Hồng ở thế kỷ 13, cho đến các cụ già của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13? Giới trẻ Việt Nam từ chối tham gia vào lịch sử?

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats