Doanh
nghiệp dệt may Việt Nam yêu cầu các nhãn hàng lớn đối xử công bằng và có trách
nhiệm
RFA
17/04/2021
Công nhân dệt may
Bangladesh xuống đường yêu cầu trả lương đúng hạn trong tháng 4/2020. Một trong
những nguyên nhân của việc chậm lương là do các nhãn hàng Âu, Mỹ hoãn, hủy và từ
chối thanh toán các đơn hàng đã ký kết do ảnh hưởng COVID. Ảnh: Reuters
Hiệp hội dệt may của 9 quốc gia châu Á, Trung
Đông và Bắc Phi trong đó có Việt Nam đang có những bước đi kiên quyết nhằm xóa
bỏ sự bất bình đẳng trong quan hệ với nhiều nhãn hàng và nhà bán lẻ thời trang
châu Âu và Mỹ - những vị thượng đế đang được xem là lạm dụng quyền của người
mua và dồn gánh nặng của đại dịch COVID lên vai các nhà cung ứng và người lao động
ở các quốc gia đang phát triển.
13 hiệp hội đại diện cho các công ty dệt may của
Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, Pakistan, Thổ
Nhĩ Kỳ và Morocco – các quốc gia tạo ra gần 70% lượng hàng may mặc xuất khẩu
toàn cầu, đang tiến tới hoàn tất một dự thảo văn bản về các điều khoản mua hàng
trách nhiệm – làm cơ sở để thương thuyết, đáp trả sự chèn ép của khách hàng để
hoạt động mua-bán đều có lợi cho hai phía.
Sự chèn ép của nhiều
nhãn hàng thời trang
Vào thời điểm này năm ngoái, rất nhiều công ty
may mặc trên khắp thế giới đã rơi vào tình trạng điêu đứng khi nhiều nhãn hàng
và nhà bán lẻ dồn dập hoãn, hủy, từ chối không trả tiền hay giảm giá các hợp đồng
đã ký kết do ảnh hưởng của đại dịch COVID. Theo một báo cáo của Hiệp
hội các nhà xuất khẩu và sản xuất dệt may Bangladesh (BGMEA), chỉ riêng
trong tháng 3 & 4/2020, tổng số đơn hàng bị hoãn, hủy các DN nước này lên tới
3,7 tỷ USD và khách hàng của họ là hơn 1900 nhãn hàng và nhà bán lẻ châu Âu và
Bắc Mỹ. Theo báo cáo tựa đề Hàng tỷ đô la không trả Unpaid
Billions của Trung tâm về Quyền của người lao động toàn cầu
(CGWR), trong những tháng đầu của đại dịch COVID-19, nhiều nhãn hàng đã hoãn hủy
và từ chối thanh toán số đơn hàng có tổng trị giá lên đến 40 tỷ USD. Theo thống
kê của liên minh phong
trào PayUp, tính tháng 4/2021, nhiều nhà bán lẻ và nhãn hàng thời trang vẫn
còn nợ các nhà sản xuất 18 tỷ USD trong số 40 tỷ USD này.
Thừa nhận các khó khăn các nhãn hàng và nhà
bán lẻ gặp phải khi hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng các biện pháp
giãn cách xã hội trong đó có việc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, báo giới và các
tổ chức nhân quyền vẫn không thể không lên tiếng những hành xử được xem là thiếu
trách nhiệm và đạo đức của những người mua hàng này. Rất nhiều nhãn hàng và nhà
bán lẻ, trong đó có cả những tập đoàn hàng đầu thế giới đã đơn phương thay đổi
những điều khoản hợp đồng đã ký kết cách đó nhiều tháng và không cho các nhà
cung ứng có cơ hội được thương thảo. Ví dụ, hầu hết các nhãn hàng/bán lẻ này đều
yêu cầu kéo dài thời gian thanh toán hợp đồng từ mức 45 ngày – mức trung bình
trước đại dịch - lên đến 90 ngày, 120 ngày hay thậm chí 180 ngày. Họ đồng thời
yêu cầu nhà sản xuất giảm giá cho các đơn hàng đã được ký kết trước đó, một số
trường hợp mức cắt giảm lên tới 30%, trong khi lợi nhuận của các nhà sản xuất
thường chỉ ở mức 5-10%. Không chỉ dừng lại ở đó, theo báo cáo của
Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền Châu Âu, một số nhà bán lẻ trong đó
có Arcadia, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Anh, chủ nhân của nhãn hiệu Topshop còn vận
dụng điều khoản quy định về các trường hợp bất khả kháng để tuyên bố với nhà sản
xuất rằng: Arcadia có thể “hủy bất kỳ đơn đặt hàng nào, ở bất kỳ giai đoạn
nào”, áp dụng với “các đơn đặt hàng đang trong quá trình sản xuất và trong quá
trình vận chuyển” đồng thời “không chịu trách nhiệm về chi phí của hàng
hóa". Cũng vẫn tập đoàn này, đầu tháng 4/2020, tuyên
bố chỉ chấp nhận các đơn hàng đang được vận chuyển vào ngày 17/3 với
điều kiện nhà sản xuất phải giảm giá 30% và hủy tất cả các đơn hàng còn lại,
bao gồm cả những đơn mà quần áo đã được làm nhưng chưa kịp vận chuyển đi.
Chúng tôi đã có danh sách
ngày càng nhiều các nhà bán lẻ đã liên lạc với nhà cung ứng và áp đặt những điều
khoản thanh tóan mới. Điều ngạc nhiên là một số các nhà bán lẻ có tiềm lực tài
chính rất hùng mạnh cũng đưa ra các điều khoản mới – đem đến gánh nặng không
bình đẳng cho các nhà cung ứng đối tác – những người cũng đang xoay sở với vấn
đề tiền nong trong bối cảnh khủng hoảng này – ông Dennis Cantalupo, CEO of
Pulse Ratings được trích lời trong một bài báo ra ngày 4/5/2020 của tờ
Retail Dive.
Topshop - một trong
những nhãn hàng của Tập đoàn bán lẻ Arcadia của Anh trong nhiều năm nhưng vừa
được ASOS mua lại vào tháng 2/2021. Ảnh AFP
Theo tạp chí Forbes số ra ngày 13/10/2020,
tính đến tháng 9/2020, đã có ít nhất 1 triệu lao động ngành dệt may ở
Bangladesh và 150,000 lao động ở Campuchia đã bị mất việc do ảnh hưởng của các
món nợ mà các thương hiệu may mặc chưa trả cho nhà sản xuất. Trong khi có hàng
triệu công nhân vẫn chưa được trả tiền cho những công việc họ đã làm trước khi
đại dịch xảy ra. Bài báo cũng trích lời nhà hoạt động dệt may Bangladesh
Kalpona Akter nói rằng “Đối với các nhãn hàng, đơn hàng là một sự mất mát về lợi
nhuận nhưng đối với công nhân, đó là sự mất đi nguồn thực phẩm [nguồn sống]”
Trên thực tế, tình trạng tình trạng chèn ép của
các nhãn hàng và nhà bán lẻ trong vai trò người mua hàng đối với các nhà sản xuất
đã diễn ra trong nhiều năm gần đây và đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm
mối quan hệ vốn căng thẳng này.
Các nhãn hàng đưa ra rất nhiều yêu cầu với nhà
sản xuất như giao hàng nhanh, hàng phải đảm bảo 100% chất lượng, tìm mọi cách để
phạt và giảm tiền công của nhà sản xuất.
Theo một bài báo đăng trên tờ Ecocult ngày
11/1/2021, các nhãn hàng thường tìm cách phạt nhà sản xuất với bất cứ lý do
khách quan hay chủ quan nào, yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng ngày càng nhiều
các tiêu chuẩn theo chính sách thương mại của họ nhưng vẫn duy trì việc trả họ
mức tiền công rẻ mạt trong nhiều năm hoặc thậm chí còn giảm đi.
“Ngay cả trước đại dịch, các nhà sản xuất đã không
kiếm đủ tiền để trả lương cho công nhân của họ một cách công bằng. Tại
Bangladesh, tiền công mà các thương hiệu lớn cho các nhà cung cấp đã giảm 13% từ
năm 2013 đến 2018. Tại Campuchia, trong khi mức lương tối thiểu hợp pháp tăng từ
100 USD lên 153 USD/ tháng trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2017 thì giá may mặc
danh nghĩa được trả bởi các nhà bán lẻ châu Âu và Mỹ chủ yếu lại bị giảm đi
trong cùng thời gian này” – bài báo viết và cho
biết thêm rằng trong một báo cáo của Chiến dịch “Quần áo sạch”, không một nhãn
hàng hoặc nhà bán lẻ nào trong số 108 thương hiệu mà họ kiểm tra đã mang đến
cho tất cả nhân viên trong chuỗi cung ứng của họ một mức lương đủ sống.
“Nhiều nhãn hàng yêu cầu
[nhà sản xuất] đảm bảo an sinh (hạnh phúc) cho người lao động mà giá gia công
ngày càng rẻ, thời gian thanh toán thì kéo dài từ 40 ngày lên 90 ngày, 120 ngày
thì chúng tôi lấy tiền đâu đảm bảo công nhân tôi được hạnh phúc?” – Ông Nguyễn
Đình Trường, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần may Việt Tiến trong một
trao đổi với RFA.
Theo mạng lưới Dệt may bền vững khu vực
Châu Á (STAR), đơn vị khởi xướng sáng kiến Thực hành mua hàng có trách
nhiệm, sự bất bình đẳng giữa một bên là người mua hàng và một bên là nhà
sản xuất diễn ra từ nhiều năm nay đã trở nên trầm trọng thêm bởi đại dịch
COVID-19, mức độ tổn thương của các nhà sản xuất dệt may đã quá rõ ràng nên đã
đến lúc “họ phải có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra các tiêu chuẩn
về thực hành mua hàng”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/star.png/@@images/ba795dc0-1df7-4c85-a53e-d48e40bbc7d7.png
Hiệp hội dệt may Việt
Nam (VITAS0 và 12 hiệp hội dệt may khu vực châu Á, Trung Đông và Bắc Phi tham
gia sáng kiến của Mạng lưới STAR để yêu cầu các nhà bán lẻ và nhãn hàng thời
trang thực hành mua hàng có trách nhiệm.
Trong thông cáo báo chí công
bố và giới thiệu sáng kiến thực hành mua hàng có trách nhiệm ngày 18/1/2021 và
ngày 10/2/2021 ông Miran Ali, người phát ngôn của mạng lưới STAR cho biết mục
tiêu của sáng kiến này là đưa các hiệp hội và các nhà sản xuất dệt may cùng ngồi
lại, xác định và đồng ý về những ranh giới đỏ (giới hạn) của các điều khoản
giao hàng và thanh toán, từ đó có được “một tiếng nói mạnh mẽ hơn” trong
những thảo luận tập thể hoặc riêng rẽ với các nhãn hàng và nhà bán lẻ về việc cải
thiện thực hành mua hàng. Thông cáo này cũng cho hay đặc điểm nổi bật của sáng
kiến này là: Đưa ra những vấn đề về thực hành mua hàng “từ quan điểm của
nhà sản xuất và hiệp hội đại diện cho họ”, vì vậy, sáng kiến này thực sự có
xu hướng phản ánh tình hình thực tế từ dưới lên.
Những ranh giới đỏ
Theo mang lưới STAR, Sáng kiến thực hành mua
hàng trách nhiệm dự kiến được thực hiện trong hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ
tháng 1 đến hết tháng 3/2021 và giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ tháng 5/2021. Trong
thông cáo mới nhất đăng ngày 1/4/2021, STAR thông báo trong giai đoạn 1, các hiệp
hội thành viên đã hoàn thành xong một văn bản dự thảo gọi là “sách trắng” với
các yêu cầu và khuyến nghị về thực hành giao hàng và thanh toán và dự kiến
“sách trắng” sẽ được công bố trong cuối tháng 4 này sau khi có được bình luận của
các bên liên quan.
“Văn bản này sẽ góp phần thúc đẩy thực hành
mua hàng mà không vượt qua ‘ranh giới đỏ’, nghĩa là chống lại việc lạm dụng quyền
mua hàng gây thiệt hại rõ ràng và tránh được cho các nhà sản xuất” – thông
cáo khẳng định.
Thông cáo cũng cho hay giai đoạn 2 của sáng kiến
hướng tới việc xây phát triển các cách thức để tăng cường việc thực thi các điều
khoản tuân thủ thương mại, trong đó có việc xây dựng một cơ chế trọng tài quốc
tế để các nhà sản xuất có thể đưa ra khiếu nại với người mua hàng. Cũng trong
giai đoạn 2 này, sáng kiến sẽ được đưa ra áp dụng tại các quốc gia thành viên đồng
thời sẽ diễn ra các cuộc đối thoại về cải thiện thực hành mua hàng giữa các bên
liên quan bao gồm các hiệp hội sản xuất hàng may mặc và các nhãn hàng, nhà bán
lẻ và các tổ chức đại diện cho họ.
Công việc của công
nhân dệt may tại một nhà máy ở Hà Nội. Ảnh: AFP
Mặc dù Sách Trắng này chưa được tuyên bố nhưng
theo hãng thông tấn Reuters, bản
tài liệu mà hãng này tiếp cận được tập trung vào 3 yêu cầu chính mà
các hiệp hội đề ra. Một là: Yêu cầu các nhãn hàng và nhà bán lẻ phải thanh toán
đơn hàng cho nhà sản xuất trong vòng 90 ngày, nếu thanh toán chậm trễ hơn sẽ phải
trả thêm phí để chi trả lãi suất ngân hàng và mất lợi nhuận. Hai là: không chấp
nhận yêu cầu hạ giá hàng của nhà bán lẻ/nhãn hàng sau khi đơn hàng đã được chốt.
Ba là: Yêu cầu hạn chế sử dụng điều khoản 'bất khả kháng' – một điều khoản miễn
chi phí và trách nhiệm pháp lý cho các nhãn hàng đối với các vấn đề ngoài khả
năng kiểm soát của họ.
"Sau đại dịch, cần
thiết lập lại hoàn toàn mối quan hệ giữa người mua và nhà cung cấp; chúng ta
không nên quay trở lại tiêu chuẩn đã có” – ông Miran Ali, người phát ngôn của Mạng
lưới STAR tại diễn đàn OECD ngày 3/2/2021
Sự tham gia của Việt
Nam
Trao đổi với RFA, bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư
ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết Việt Nam là một trong những thành
viên đầu tiên tham gia sáng kiến này để góp tiếng nói bảo vệ sự phát triển bền
vững của ngành dệt may của Việt Nam và thế giới. Bà cho rằng mặc dù sáng
kiến này hiện tại không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng với sự tham gia
của 13 hiệp hội, nắm giữ 70% sản lượng may xuất khẩu của thế giới, đây sẽ là một
tiếng nói mạnh mẽ đối trọng lại thói quen áp đặt và lấn lướt của các nhãn hàng.
“Mỗi một doanh nghiệp đơn lẻ khó có sức mạnh để nói
điều gì với nhãn hàng. Nhãn hàng sẽ o ép từng khách hàng đơn lẻ nhưng với sức mạnh
của hiệp hội và đặc biệt là liên minh các hiệp hội của các quốc gia thì yêu cầu
và sức ép đối với nhãn hàng sẽ mạnh hơn” –
bà Ánh khẳng định.
Thực hành mua hàng có
trách nhiệm là yếu tố cơ bản để đảm bảo sự đối xử công bằng đối với người lao động
ngành may mặc và tạo môi trường làm việc lành mạnh. Nhà cung cấp khó có thể trở
thành người sử dụng lao động tốt nếu người mua không cam kết thực hành mua hàng
có trách nhiệm - Ông Trần Như Tùng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Dệt may - Đầu tư -
Thương mại Thành Côn
Bà Ánh cho biết VITAS đã tiến hành thông tin tới
các doanh nghiệp thành viên về sáng kiến này. Với sự hưởng hứng của các doanh
nghiệp, Ủy ban phát triển bền vững của VITAS đã và đang tập hợp ý kiến đóng góp
của doanh nghiệp Việt Nam về bản “sách trắng” mà mạng lưới STAR và các hiệp hội
vừa hoàn thành.
Công nhân làm việc
tại một nhà máy dệt may tại TPHCM. Ảnh AFP
Để tận dụng sức mạnh của sáng kiến này, bà
khuyến khích các doanh nghiệp nên thu thập các chứng cứ bị chèn ép đề nhờ Hiệp
hội VITAS và liên minh các hiệp hội lên tiếng giúp. Theo bà, khi bị chèn ép,
doanh nghiệp thường e ngại, không dám lên tiếng vì sợ mất khách hàng. Vì vậy
trong thời gian tới, khi doanh nghiệp có được chứng cứ về việc một số nhãn hàng
chèn ép, VITAS sẽ thay mặt doanh nghiệp và các doanh Việt Nam có kiến nghị với
nhãn hàng đó. Về mức độ hiệu quả, bà cho rằng tuy không tạo được sức ép về mặt
pháp lý khiến nhãn hàng phải dịch chuyển ngay nhưng tiếng nói của hiệp hội và
liên minh hiệp hội sẽ góp phần đưa những ứng xử “có vấn đề” của nhãn hàng ra
trước ánh sáng của truyền thông và công luận.
“Sức mạnh của công tác truyền thông và cộng đồng mạng
rất lớn. Nếu nhãn hàng nào không kiểm soát, đối xử với người lao động không
bình đẳng hoặc đối xử với nhà máy đặt hàng không có trách nhiệm thì có thể
chúng tôi sẽ sử dụng sức mạnh truyền thông để tuyên truyền cho người dân không
sử dụng sản phẩm của nhãn hàng đó” – bà Ánh nói. Tuy
nhiên bà cũng lưu ý rằng việc thực hiện cũng như hiệu quả của sáng kiến này
không phải sẽ đến một sớm một chiều vì trong để đấu tranh có hiệu quả với một số
nhãn hàng thiếu trách nhiệm cần có sự đồng lòng của các doanh nghiệp và các hiệp
hội, đặc biệt trong bối cảnh cả các nhà sản xuất và các nhãn hàng đều đang gặp
khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID.
Năm 2020 là năm đầu tiên
trong 25 năm qua ngành dệt may Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng âm. Kim ngạch
xuất khẩu toàn ngành đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Tuy nhiên
đây cũng được xem là một nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh
doanh thu dệt may toàn cầu giảm 25%.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, người nhiều
năm theo dõi ngành dệt may, hoan nghênh việc Việt Nam tham gia sáng kiến thực
hành mua hàng trách nhiệm để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người
lao động. Ông cũng cho rằng uy tín là tài sản vô giá của doanh nghiệp nên tuy
sáng kiến không có tính ràng buộc pháp lý nhưng chắc chắn sẽ có những tác dụng
nhất định trong việc đấu tranh với các nhãn hàng và nhà bán lẻ. Ngoài ra, ông
cũng cho rằng bản thân nhà sản xuất Việt Nam cũng thể tự nâng cao vị thế của Việt
Nam trên bàn đàm phán với khách hàng bằng cách đổi mới, nâng cao chất lượng
hàng hóa và dịch vụ và uy tín của chính mình.
“Giả cả, chất lượng hàng hóa là những yếu tố
hết sức quan trọng và mang tính quyết định. Dù anh có nói hay như thế nào mà
giá cả không hợp lý, mẫu mã không phù hợp thì cũng là vô nghĩa. Cố gắng làm sao
nâng cao chất lượng, tạo ra được những sản phẩm mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu
của từng thị trường để ký được những hợp đồng mới.”
----------------------------------------------------
Tin, bài liên quan
·
Hàng
dệt may Việt Nam vượt quota ưu đãi vào Liên Minh Kinh Tế Á-Âu: có đáng lo?
·
Ngành
dệt may VN chịu tác động nặng nề do dịch COVID-19
·
Việt
Nam sẽ tập trung nâng cao kỹ năng cho thế hệ công nhân dệt may mới
·
Doanh
nghiệp trông đợi gì khi Chính quyền TP.HCM cam kết hỗ trợ?
·
Ngành
dệt may Việt Nam sụt giảm 2 tỷ USD vì COVID-19 và chưa có dấu hiệu hồi phục
·
Tập
đoàn Nhật đầu tư 3 tỷ yen sản xuất đồ bảo hộ ở Việt Nam
·
Sản
xuất vải để hưởng lợi từ EVFTA và CPTPP: bài toán nan giải cho Việt Nam!
·
Hơn
một triệu người thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020
·
Nếu
dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên 3 triệu lao động sẽ mất việc
·
Ngành
dệt may Việt Nam có thể bị thiệt hại lên tới 11.000 tỷ vì COIVD-19
No comments:
Post a Comment