4/04/2021
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/21079-con-v-t-co-ly-tri
Tuần qua, ghé thăm một
ông bạn chí cốt, thấy ông đang nằm ôm Ipad nghe chuyện ma của nhà văn Nguyễn Ngọc
Ngạn. Hỏi sao không theo dõi thế sự nữa, ông nói rằng ông "chán" lắm
rồi, vì chính trị, nhứt là chính trị Mỹ, quá thối nát, nghe bẩn tai.
Tôi chưa từng đọc, nghe
hay say mê bất cứ chuyện ma nào của nhà văn kiêm MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Nhưng với
tôi, thoát khỏi cái vòng kim cô chính trị hiện nay không phải là dễ. Cụ thể,
tôi đang bị ám ảnh bởi một nhân vật chính trị mà có lẽ hai thuật ngữ được nhà
văn J.K Rowling sử dụng để nói đến nhân vật phản diện Voldemort trong tập truyện
Harry Potter của bà diễn tả chính xác hơn cả.
https://live.staticflickr.com/65535/51094733450_5898e350b5.jpg
Nhân vật phản diện
Voldemort trong tập truyện Harry Potter
Thật vậy, Voldemort,
trong thế giới phù thủy của nhà văn Rowling tạo ra một sự thần phục, say mê
hoàn toàn trên một số đám đông và một nỗi sợ hãi, kinh ghét khủng khiếp trên những
đám đông khác đến độ tất cả mọi người đều chỉ dám nhắc đến ông như "kẻ
không nên gọi tên" (He Who must not be named) và "kẻ mà ai cũng biết
là ai đó" (The One every knows who he is). Tôi không muốn nhắc đến tên
nhân vật chính trị đó, bởi vì ai "cũng biết ông là ai" và ai cũng đều
biết rằng ông hiện đang gây xáo trộn và chia rẽ phải nói là khủng khiếp trong
quan hệ xã hội khắp mọi nơi chớ không riêng gì tại Hoa Kỳ.
Mới đây tôi có đọc được một
bài phóng sự của Joe Pinsker trên báo The Atlantic. Trước hết tác
giả ghi lại mối quan hệ sứt mẻ giữa 2 người phụ nữ mà tình bạn đã có từ 3 thập
niên qua. Trong 15 năm qua, cứ 2 ngày thì họ đi ăn trưa với nhau một lần và rất
thường đi nghỉ hè chung với nhau. Họ cũng có mặt trong hầu hết những dịp sinh
nhựt, cưới hỏi hay ma chay trong gia đình của nhau. Nhưng người phụ nữ được ký
giả Pinsker đặt tên là Luna cho biết kể từ khi "kẻ mà cũng biết là ai
đó" được bầu làm tổng thống, người bạn của bà đã say mê cuồng nhiệt ông
ta. Luna đề nghị nên dẹp "kẻ mà ai cũng biết là ai đó" sang một bên để
duy trì tình bạn. Nhưng người phụ nữ kia thà đánh mất một tình bạn keo sơn hơn
là từ bỏ "niềm tin" đối với nhân vật chính trị đó.
Ký giả Pinsker trích dẫn
một cuộc thăm dò do hãng thông tấn Reuters và Ipsos thực hiện. Kết quả của cuộc
thăm dò cho thấy kể từ sau chiến thắng hồi năm 2016 của "kẻ mà ai cũng biết
là ai đó", 16 phần trăm những người được hỏi ý kiến cho biết rằng vì cuộc
bầu cử, họ đã cắt đứt liên lạc với một người bạn hay một người thân trong gia
đình. Tôi nghĩ nay tỷ lệ ấy cao hơn rất nhiều.
Trong số những người được
ký giả Pinsker hỏi ý kiến có một phụ nữ gốc Việt tên là Helen Nguyễn. Là một kỹ
sư điện toán, người phụ nữ gốc Việt 41 tuổi này cho biết vì bà không thích
"kẻ mà ai cũng biết là ai đó" cho nên đã có những cuộc cãi vã gay gắt
với cha mình. Rồi kể từ khi Quốc hội Liên bang Mỹ chứng nhận chiến thắng của
ông Joe Biden, cha bà, mặc dù cùng sống chung trong gia đình, đã không còn nhìn
mặt bà nữa. Bà nói với ký giả Pinsker : "Tôi cảm thấy như thể chúng tôi là
những người xa lạ mặc dù sống chung dưới một mái nhà".
Trên đây chỉ là một điển
hình trong rất nhiều cuộc chia tay giữa bạn bè, người thân trong cộng đồng người
Việt tại Mỹ.
Một số người được ký giả
Pinsker tiếp xúc khẳng định rằng những ai ủng hộ "kẻ mà ai cũng biết là ai
đó" không đủ tư cách để trở thành một người bạn của họ. Họ nói rằng thái độ
này nói lên một sự thiếu sót về mặt đạo đức (1).
Càng bước vào tuổi già,
tôi càng trân quý tình bạn và dĩ nhiên, với tôi, tình bạn được kết nối dựa trên
một số những giá trị mà 2 bên cùng chia sẻ với nhau. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã,
đó là chuyện thường tình trong quan hệ xã hội. Nhưng sau nhiệm kỳ 4 năm của
"kẻ mà ai cũng biết là ai đó", mặc dù đang sống ở tận Miệt Dưới này,
tôi thấy mình cũng đã mất một số bạn và quan hệ với một số khác đã trở nên nếu
không sứt mẻ thì cũng lạnh lùng. Có những người tôi rất muốn gặp lại để hàn gắn
một tình bạn đã bị sứt mẻ, nhưng cánh cửa của hòa giải vẫn mãi mãi bị đóng kín.
Số khác, rất đông, thì lại có thái độ giữ kẽ mỗi khi gặp lại. Tuyệt nhiên, ai
cũng nắm vững một quy luật bất thành văn : chớ đụng đến tên của "kẻ mà ai
cũng biết là ai đó". Tôi vẫn cố gắng giữ liên lạc với bạn bè và người thân
mà tôi biết rõ đang say mê cuồng nhiệt và ngay cả sùng bái "kẻ mà ai cũng
biết là ai đó". Trên đời này có quá nhiều điều khó hiểu và điều khó hiểu
nhứt hiện nay đối với tôi đó là sự say mê cuồng nhiệt và sùng bái ấy.
Mới đây một cựu luật sư của
"kẻ mà ai cũng biết là ai đó" là bà Sydney Powell đã đưa ra một lời
giải thích mà tôi không biết có nên xem như một chút ánh sáng chiếu rọi vào sự
say mê cuồng nhiệt và sùng bái của bạn bè và người thân của tôi đối với nhân vật
chính trị này không. Trong một lần xuất hiện bên cạnh luật sư nổi tiếng của
nhân vật này là ông Rudy Guiliani ngày 19 tháng Mười Một năm vừa qua, bà Powell
đã thao thao bất tuyệt với vô số "bằng chứng" về gian lận bầu cử đặc
biệt nhắm vào hệ thống điện toán bầu cử có tên là Dominion Voting Systems. Vì
uy tín của mình bị hạ giảm nặng nề cho nên hãng này đã đâm đơn kiện bà Powell
và đòi một số tiền bồi thường lên đến 1 tỷ 3 trăm triệu Mỹ kim. Dĩ nhiên tất cả
những "bằng chứng" mà bà Powell đưa ra, trong đó có cả chuyện hãng
Dominion có liên hệ với nhà tộc tài của Venezuela là ông Hugo Chavez vốn đã qua
đời cách đây 8 năm, đều là những lời dối trá lố bịch. Biết không thể chống chế
được khi phải ra hầu tòa vì tội dựng chuyện để bôi nhọ hãng Dominion cho nên
qua luật sư của mình, bà Powell xin tòa bác đơn kiện của hãng này. Lý do bà đệ
trình lên tòa là : khi đưa ra các "bằng chứng" để tố cáo hãng
Dominion, bà chỉ nói lên một "ý kiến" và bà biết rõ rằng không có một
"người có lý trí" (reasonable person) nào tin lời bà (2).
https://live.staticflickr.com/65535/51094733420_d9b105933a.jpg
Tôi thật chưng hửng khi
nghe lời biện minh của bà Powell về những lời dối trá trắng trợn của bà. Tôi
không dám cho rằng bạn bè và người thân của tôi là những người "không có
lý trí" khi họ tin vào những lời dối trá của bà Powell và nhứt là của
"kẻ mà ai cũng biết là ai đó" và trên 30 ngàn lời nói dối của ông ta.
Cho tới nay, mặc dù việc ông Joe Biden đã tuyên thệ nhậm chức và đã hành xử như
một tổng thống từ hơn 2 tháng nay là một sự thật không thể chối cãi được, vậy
mà nhiều bạn bè và người thân của tôi vẫn tiếp tục cho rằng ông đã đánh cướp cuộc
bầu cử và tin rằng "nay mai" "kẻ mà ai cũng biết là ai đó"
sẽ trở lại cầm quyền và bắt nhốt toàn bộ các lãnh tụ của Đảng Dân Chủ, kể cả cựu
Tổng thống Barack Obama và bà Hillary Clinton. Bên cạnh niềm hy vọng hão huyền ấy
còn có vô số thuyết âm mưu hiện đang được phát tán trên các trang mạng xã hội.
Lời thú nhận của bà
Powell không thể không làm tôi nhớ đến định nghĩa về con người của một trong những
cha đẻ của triết học Tây Phương là Aristotélès (384-322). Theo triết gia Hy Lạp
này, "người là con vật có lý trí". Tôi vẫn hiểu một cách rất đơn giản
về lý trí : đó là khả năng biết phân biệt thiện - ác và chân - giả. Thú vật
không có khả năng đó. Thú vật chỉ hành động theo bản năng. Khi con người chỉ sống
và hành động theo bản năng, nhứt là những bản năng thấp hèn thì khoảng cách giữa
người và thú dễ bị xóa bỏ.
Mỗi năm cứ đến Tháng Tư
Đen thì có lẽ hầu như người Việt tỵ nạn nào cũng đều nghĩ đến cái khoảng cách
giữa người và thú khi những người Cộng sản xâm chiếm Miền Nam và áp đặt chủ
nghĩa cộng sản. "Sâu bọ lên làm người" và "người xuống hàng súc
vật". Nghe thật oái oăm, nhưng câu đối dường như muốn nói lên một sự thật
phũ phàng là khi lý trí bị đè bẹp thì con người cư xử với nhau chẳng khác nào
hay còn thua cả súc vật.
Hôm thứ Bảy 27 tháng Ba vừa
qua, chính phủ quân phiệt Miến Điện đã cử hành Ngày Quân Lực. Song song với một
cuộc diễn binh rầm rộ là những bữa tiệc linh đình của các tướng lãnh. Đại diện
nhiều nước, trong đó dĩ nhiên có Nga và Trung Quốc, đã có mặt trong những
cuộc liên hoan ấy. Và cùng ngày hôm đó, các lực lượng an ninh Miến đã xả súng
vào đám đông những người biểu tình không có võ trang khiến cho gần cả trăm người
chết, trong đó có cả trẻ con. Nhìn vào cuộc diễn binh, những bàn tiệc linh đình
bên cạnh cảnh máu đổ thịt rơi của người dân vô tội, có người đã nhớ lại câu nói
để đời của ông tổ chủ nghĩa Marxit : "Chỉ có thú vật mới có thể quay lưng
lại nỗi đau khổ của đồng loại để chăm sóc cho bộ da của mình".
Chẳng có ai muốn "xuống
hàng súc vật" cả. Ai cũng muốn người khác tôn trọng nhân phẩm được xây dựng
trên lý trí của mình. Người Việt Nam đau buồn vì một Tháng Tư Đen. Người Mỹ gốc
Phi Châu cũng có một Tháng Tư để tưởng niệm. Thật vậy, ngày mùng Bốn Tháng Tư
năm 1968 là ngày một trong những nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng nhứt thế
giới là cố mục sư Martin Luther King đã bị thảm sát. Ngày hôm đó, vị mục sư da
đen này đã đến thành phố Memphis, Tiểu bang Tennessee để lãnh đạo một cuộc đình
công và tuần hành do các nhân viên vệ sinh da đen trong thành phố tổ chức để
yêu cầu được hưởng một đồng lương công bình và cải thiện những điều kiện làm việc.
Ngày hôm đó, những người tham gia cuộc biểu tình đã đeo trước ngực một tấm bảng
trên đó có viết hàng chữ : "Tôi là một con người" (I am a man). Khi
những nhân viên vệ sinh da đen tại thành phố Memphis đeo tấm bảng "Tôi là
một con người" trước ngực, họ không những muốn khẳng định sự bình đẳng như
được ghi trong Hiến Pháp của Hoa Kỳ, mà dường như cũng còn muốn nhắc lại cả một
lịch sử đau thương của một chủng tộc đã bị nô lệ hóa và đối xử chẳng khác nào
thú vật chỉ vì màu da của họ.
"Tôi là một con người".
Đó là một khẩu hiệu đáng được đưa ra để nghiền ngẫm và nhứt là tự vấn lương
tâm. Liệu tôi có thật sự là "một con người" không khi tôi chối bỏ,
xúc phạm hay chà đạp phẩm giá của người đồng loại ? Liệu tôi có thật sự là
"một con người" không khi tôi từ bỏ cái phẩm giá cao quý của con người
là lý trí để chối bỏ sự thật và hùa theo những lời dối trá độc ác ? Liệu tôi có
là "một con người" không khi không dám lên tiếng nói lên điều cần phải
nói hay điều mà người ta tránh nhắc tên chỉ vì không muốn làm phật lòng một số
người dù biết rằng đó vẫn là một ung thư trong giai đoạn di căn đáng sợ ?
Trong ngôn ngữ Việt Nam,
từ "con người" hàm chứa một sự thật thâm sâu : sống là một cuộc chiến
liên lỉ trong đó nếu những bản năng thấp hèn lấn lướt lý trí thì nhân cách sẽ bị
thui chột. Nói cách khác, phần "người" chỉ thật sự được thăng hoa khi
phần "con" được thu nhỏ lại.
Chu Văn
(04/04/2021)
--------------------------------
Chú thích
(1) https://www.theatlantic.com/family/archive/2021/03/trump-friend-family-relationships/618457/
No comments:
Post a Comment