Sunday, 18 April 2021

CHUYÊN GIA LUẬT : ĐÀN ÁP ỨNG VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỰ DO GÂY NỖI SỢ THAM CHÍNH (Cao Nguyên)

 



Chuyên gia Luật: Đàn áp ứng viên đại biểu Quốc hội tự do gây nỗi sợ tham chính

Cao Nguyên

16/04/2021

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/law-expert-crackdown-on-self-nominees-created-widespread-fear-04162021110718.html

 

Một chuyên gia về luật pháp nhận định với RFA rằng những vụ bắt bớ và thẩm vấn những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc có mong muốn tự ứng cử gần đây đang làm dấy lên nỗi lo đối với những người muốn có tiếng nói trong Quốc hội hay Hội đồng nhân dân vì sợ Đảng tham chính.

 

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Việt Nam đã tiến hành khởi tố và bắt giữ hai người tự ứng cử Đại biểu Quốc Hội khoá 15 là ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

 

Ông Trịnh Hữu Long, người sáng lập và là Tổng biên tập Luật Khoa Tạp chí bình luận với RFA:

 

"Tôi cho rằng bất kể ý định của chính quyền là gì, thì cái hiệu ứng xã hội mà nó gây ra là nỗi sợ hãi tham chính trong toàn bộ xã hội.

Nỗi sợ hãi tham chính này không chỉ khiến người ta không còn dám tự ứng cử nữa, mà còn khiến người ta không dám phản biện, lên tiếng, đòi quyền lợi chính đáng trong mọi việc. Tín hiệu phát ra từ những việc này là rất rõ ràng: chính trị là việc của Đảng và Nhà nước, thường dân chớ nhúng mũi vào.

Một tín hiệu nữa tôi cho là đáng kể, đó là thường dân thấy đấy, Đảng đang ở thế thượng phong và không thèm đếm xỉa gì đến mọi thế lực trong nước lẫn nước ngoài, kể cả chính phủ các nước lớn.

Những tín hiệu này dập tắt ý chí phản kháng của, tôi cho là, hầu hết mọi người.”

 

Mới đây, nhà thơ người Chăm - Đồng Chuông Tử - tên thật là Nguyễn Quốc Huy, bị công an bắt giam hơn 4 ngày, từ ngày 7/4 đến 10/4, sau khi ông này nói sẽ tự ứng cử trên trang Facebook cá nhân.

 

Hai người bạn của nhà thơ Đồng Chuông Tử là ông Nguyễn Văn Sơn Trung và ông Trần Đức Tín cũng bị công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ, câu lưu nhiều ngày. Hai ông này từng có nhiều bài viết chỉ trích lãnh đạo trên mạng xã hội, và cũng đã tuyên bố tự ứng cử.

 

Ông Trung nói với RFA hôm 14/4 rằng mình bị công an câu lưu năm ngày để thẩm vấn, tra hỏi về những nội dung trên trang cá nhân. Trong đó có vấn đề tự ứng cử Đại biểu Quốc hội mà ông Sơn cùng nhóm bạn đã từng thảo luận.

 

Một ứng viên tự do khác cũng vừa bị loại ở vòng hiệp thương tại địa phương là Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Ông cho biết không phải ai cũng được tham dự cuộc họp cử tri này. Những cử tri có mặt tại cuộc họp này đều được lựa chọn cẩn thận và cuộc họp không được công khai.

 

Trong khi đó, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng nói rằng kỳ bầu cử Quốc hội lần này rất “rộng cửa” cho các ứng viên tự ứng cử.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận xét về phát biểu của người đại diện MTTQ:

 

Họ nói như thế mình phải hiểu có hai ý nghĩa. Thứ nhất là chỉ “rộng cửa” đối với những người tự ứng cử có thể là những người ủng hộ cho chế độ Cộng sản Việt Nam. Đối với những đối tượng như vậy thì chẳng những là mở “rộng cửa”, mà còn được khuyến khích.

Nhưng mà đối với những tiếng nói độc lập, hay là những tiếng nói đối lập, hay là những người bất đồng chính kiến mà người ta ứng cử thì không phải là những người được hoan nghênh. Thì họ tìm mọi cách để triệt hạ. Ví dụ như có rất nhiều người bị bắt khi mà họ tự ứng cử Quốc hội trong đợt vừa qua.”

 

Hồi đầu tháng tư, báo chí nhà nước công bố báo cáo của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) về công tác bầu cử Quốc hội cho biết tại Hà Nội, có 6 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội xin rút, 11 người ứng cử Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội cũng làm đơn xin rút.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định về thông tin này:

 

“Ở đây chắc chắn không phải là những những người này tự nguyện xin rút đâu. Bởi vì trước khi mà họ ứng cử thì họ đã suy nghĩ rất kỹ rồi thì họ mới quyết định ra ứng cử. Thế nên chắc chắn là họ bị đe dọa.

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều chuyện đó. Ở Việt Nam, an ninh, công an và đủ các thành phần họ sẽ đến thuyết phục là nên rút đi, lấy tấm gương của những người đã bị bắt để đe dọa thì những người tự ứng cử sẽ tự xin rút.”

 

 

Bắt bớ theo luật nhưng vi phạm nhân quyền

 

Ông Trịnh Hữu Long, người sáng lập và là Tổng biên tập Luật Khoa Tạp chí bình luận với RFA rằng về các mặt pháp lý, các vụ bắt bớ người này hoàn hợp pháp, vì chính quyền Việt Nam đã sản xuất ra đầy đủ các loại luật để làm cơ sở cho những vụ bắt bớ đó. Nhưng có hai khía cạnh khác:

 

Một là Hiến pháp đảm bảo quyền tham chính cho công dân, trong đó có việc tự ứng cử, có tự do ngôn luận. Nếu không tính Điều 4 thì câu chữ của Hiến pháp Việt Nam khá là đồng bộ với luật quốc tế về nhân quyền chứ không phải không.

 

Chỉ đáng tiếc là Điều 4, cùng với thực tiễn chính trị Việt Nam, đã vô hiệu hóa toàn bộ những điều khoản nhân quyền đẹp đẽ đó. Không có một tòa án độc lập để diễn giải Hiến pháp một cách lý tính thì mọi chuyện ở Việt Nam đều chỉ là câu chuyện chính trị và lợi ích mà thôi.

 

Thứ hai là xét về luật thành văn, kể cả Hiến pháp. Cứ cho là việc bắt bớ này là hợp hiến, hợp pháp đi, thì liệu nó có hợp lý không? Có hợp với lẽ thường không? Tôi cho là không.

 

Không là vì những điều luật hình sự về tội tuyên truyền, tội chống chính quyền hay là nhiều điều khoản khác được sinh ra chỉ để đảm bảo lợi ích và quyền lực của một nhóm nhỏ những người cầm quyền và hy sinh quyền lợi của phần còn lại của công chúng.

 

Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc pháp quyền là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nó sinh ra một nhóm người luôn ngồi trên pháp luật và dùng pháp luật để cai trị phần còn lại của xã hội.”

 

Ân Xá Quốc Tế hôm 1/4 ra thông cáo báo chí lên án chính quyền Việt Nam đang tiến hành một vụ trấn áp trước bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng năm tới.

 

Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc Khu vực về Nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, được trích lời trong thông cáo báo chí rằng:

 

Cơ quan chức năng Việt Nam phải cấm dứt đàn áp và cho phép mọi người tại Việt Nam được tự do thực thi quyền con người của họ mà không sợ bị trả thù....Khi Việt Nam đang muốn tự ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, thì cơ quan chức năng lại can dự vào những vi phạm trắng trợn và rộng khắp ở Việt Nam” .

 

 

Đại biểu Quốc hội nói gì?

 

Ông Lê Văn Cuông, cựu Đại biểu Quốc hội khoá 11 và 12 đánh giá cao việc cơ quan an ninh điều tra “phát hiện sớm các hành vi sai phạm” của những người tự ứng cửa vừa bị bắt giam trong thời gian qua. Theo ông, nếu để những người này lọt được vào Quốc hội rồi mới bị bắt thì sẽ làm mất uy tín của Quốc hội:

 

Quan điểm của tôi là với những cá nhân vi phạm, các cơ quan an ninh phát hiện thì rõ ràng là phải đình chỉ quyền lợi được ứng cử. Đây là vấn đề phát hiện sớm các vi phạm pháp luật để mà ngăn chặn ngay từ đầu, tránh tình trạng khi vào Đại biểu Quốc hội rồi thì lại mới phát hiện ra thì sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội.

Tôi đánh giá cao là các cơ quan an ninh đã phát hiện trước khi họ là Đại biểu Quốc hội. Chứ để sau khi họ đã được làm Đại biểu Quốc hội rồi mới bị bắt thì sẽ làm cho uy tín của Quốc hội bị giảm sút.

Ứng cử tự do là quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Nhưng mà pháp luật cũng quy định là khi cá nhân mà có dấu hiệu phạm tội thì các cơ quan chức năng có quyết định điều tra sai phạm.

Những trường hợp đó là phải tạm dừng, không được tiến hành theo các bước như những người công dân bình thường. Mặc dù chưa bị tòa án kết tội, nhưng có những dấu hiệu bất thường thì dứt khoát là phải dừng lại, chứ không được tiến hành cho cử tri người ta bầu.”

 

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Đại biểu Quốc hội khoá 12 từ chối bình luận về chủ đề này khi được hỏi:

“Tôi không có ý kiến gì về việc này đâu!”

 

Ông Bùi Văn Cường, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 14 nhiệm kì 2016-2021 nghe điện thoại nhưng không trả lời với lý do “đang ở trên máy bay”.

 

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba diễn ra vào ngày 16/4, Chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết số người ngoài Đảng tự ứng cử lần này là 75 người, thấp nhất trong các kỳ bầu cử gần đây.

 

Quốc hội Việt Nam khoá mới dự kiến có 500 đại biểu. Mục tiêu đặt ra là có từ 5 đến 10% đại biểu là người ngoài Đảng.

 

Mặc dù các đại diện của MTTQ Việt Nam kêu gọi người ngoài Đảng tham gia ứng cử nhưng dường như trung thành với Đảng lại được bao gồm trong các tiêu chí. Trong một phỏng vấn với VOV hồi cuối tháng 2, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ nói rằng có nhiều cá nhân ngoài Đảng vì nhiều lý do mà chưa vào Đảng nhưng luôn tán thành với đường lối đổi mới của Đảng. Ông Thực nói  nên khuyến khích những người này ứng cử.

 

-----------------------------------------

 

Tin, bài liên quan

·         Việt Nam tiến hành đợt trấn áp mới trước kỳ bầu cử Quốc hội

·         Miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chuẩn bị bầu ông Vương Đình Huệ

·         Người thứ hai tự ứng cử Quốc hội khóa 15 bị bắt giữ vì cáo buộc "phát tán tài liệu chống nhà nước”

·         "Danh sách ứng viên bầu cử Quốc hội" cũng phải đóng dấu MẬT trong quá trình hiệp thương

·         Quốc hội VN khóa 14 khai mạc trực tuyến kỳ họp thứ 9, dân lo an ninh xã hội

·         Ông Trần Đại Quang tái đắc cử Chủ tịch nước

·         Hội nghị lấy ý kiến cử tri - dân chủ hay phản dân chủ?

·         Quốc hội khoá 14 sẽ bầu lại các lãnh đạo cao cấp

·         Cần một nền chính trị mới?

·         Quốc hội VN bầu lãnh đạo sớm hơn dự kiến

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats