Chính
trị vùng miền Việt Nam là bắt buộc vì lịch sử Việt Nam như thế
Jackhammer
Nguyễn
22/04/2021
Chính trị vùng miền
Kể từ khi đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần
thứ sáu (1986) diễn ra, người Việt hay nói đến sự phân bố quyền lực của đảng cầm
quyền nhiều hơn. Lý do là vì, mặc dù nền chính trị ấy vẫn kín như bưng (bây giờ
vẫn vậy), các thông tin, tên tuổi nhóm cầm quyền được công bố ngày càng nhiều.
Cứ mỗi lần diễn ra đại hội đảng cầm quyền, người
ta lại bàn nhau chuyện bao nhiêu người Nam, Trung, Bắc có mặt trong Tứ trụ, Bộ
Chính trị, Chính phủ. Đại hội đảng lần thứ 13 vừa kết thúc đầu tháng 2/2021
cũng không ngoại lệ, thậm chí việc bàn tán vùng miền còn sôi động hơn, kéo dài
hơn.
Sau khi danh sách Tứ trụ và Bộ Chính trị bị rò
rỉ, người ta phát hiện ra rằng, thiếu người Nam bộ trong danh sách của hai bộ
phận quyền lực nhất là Tứ trụ và Bộ Chính trị. Và thế là dấy lên nhiều chỉ
trích.
Không rõ có phải do những chỉ trích này hay
không mà người ta thấy có những thay đổi nhỏ sau khi đại hội đảng kết thúc,
trong đó có việc chọn ông Nguyễn Trọng Nghĩa, một viên tướng người miền Nam giữ
chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời ông Võ Văn Thưởng, một nhân vật
miền Nam khác, người tiền nhiệm của ông Nghĩa, được công bố ở vị trí số năm
trong danh sách Bộ Chính trị.
Theo ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị
Việt Nam từ Singapore thì cơ
cấu vùng miền đã được điều chỉnh cân bằng hơn sau đại hội 13.
Việc bàn tán về vùng miền này trong chính trị
Việt Nam, thoạt đầu chỉ là những tin đồn trong nhà ngoài ngõ, nhưng trong vài
năm trở lại đây, đôi khi báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam cũng có đề cập
đến, theo hai hướng, hoặc là kiểu “dĩ hòa vi quý”, hoặc là phủ định với lý do rằng
thì là Đảng lúc nào cũng chọn nhân tài, bất cứ là ở vùng nào.
Trên thông tin không chính thống, cũng có nhiều
người Việt cho rằng, Việt Nam là một, không nên làm chính trị theo kiểu vùng miền.
Nhưng thật ra chính trị vùng miền không phải là độc quyền của những người cộng
sản.
Ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đã từng có
những chỉ trích cho rằng bộ phận cầm quyền của chính quyền tổng thống Ngô Đình
Diệm gồm nhiều người gốc Huế (gia đình của tổng thống), hay gốc Bắc di cư. Những
chỉ trích này cũng được các tuyên truyền viên của du kích cộng sản người miền
Nam sử dụng để chống lại chính quyền.
Trong thời gian cai trị của triều Nguyễn, thực
thể chính trị đầu tiên cai trị khá lâu trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (thực thể
thứ hai là Đảng Cộng sản), các viên chức được chọn theo chế độ khoa cử, tuy
nhiên các bà hậu phi (Nhà Nguyễn không lập Hoàng hậu, trừ trường hợp vợ vua Gia
Long và vợ vua Bảo Đại) là người miền Nam, nơi Vua Gia Long được sự ủng hộ mạnh
mẽ trong tiến trình khôi phục lại vương quyền. Ai dám nói rằng các bà hoàng hậu
và người thân, đồng hương của họ không có ảnh hưởng gì trong những quyết định
chính trị của nhà vua?
Lịch sử quốc gia
đa dạng
Đa số người nói tiếng Việt trên thế giới quan
niệm lịch sử quốc gia của mình như sau: Bắt nguồn từ vùng đồng bằng sông Hồng,
Nam tiến rồi đạt đến lãnh thổ “thống nhất” như ngày nay. Các sách
giáo khoa lịch sử, kể cả của những người cộng sản đều được biên soạn theo kiểu
như vậy.
Trên thực tế, hình hài quốc gia Việt Nam như
ngày nay chỉ bắt đầu từ năm 1802, khi Vua Gia Long lên cầm quyền (có người nói
chính triều Tây Sơn thống nhất quốc gia, nhưng thật ra trong những năm bình yên
nhất của triều đại ngắn ngủi này vùng Qui Nhơn và Gia Định nằm dưới tay hai người
anh em của vua Quang Trung, không hoàn toàn phủ phục chính quyền trung ương, thậm
chí có lúc đánh nhau).
Vào thế kỷ thứ hai sau Thiên chúa, khi vùng
sông Hồng vẫn nằm dưới sự thống trị của Trung Hoa, cả dải đất miền Trung là quốc
gia Champa, cả miền Nam là vương quốc Phù Nam, văn hóa chính trị và dân cư của
ba vùng rất khác biệt nhau.
Nhà nước Champa suy tàn vào năm 1471, sau cuộc
chinh phạt từ miền Bắc của Vua Lê Thánh Tôn, Chiêm Thành tồn tại đến cuối thế kỷ
18. Miền Nam Việt Nam chính thức rơi vào tay các viên quan cai trị nói tiếng Việt,
kể từ đó.
Trên các vùng đất miền Trung và miền Nam được
người từ miền Bắc tới chinh phục, là những cộng đồng dân cư pha trộn rất phức tạp
kéo dài hàng trăm năm. Ông Hồ Trung Tú, một nhà báo ở Đà Nẵng từng công bố một
công trình về ngôn ngữ mang tên “Có 500 năm như thế”. Trong sách này,
ông đưa ra nhiều minh chứng cho thấy tiếng Việt tại miền Trung Việt Nam bị ảnh
hưởng rất lớn bởi ngôn ngữ Chăm. Tương tự như vậy, người ta có thể dễ dàng tìm
thấy ảnh hưởng của tiếng Khmer lên tiếng Việt miền Nam.
Việc soạn sách lịch sử theo kiểu Văn
minh sông Hồng là chủ đạo, là bất công và không đúng. Khuynh hướng bắt
đầu quan tâm đến lịch sử riêng ở miền Trung và miền Nam đã bắt đầu dưới chế độ
Việt Nam Cộng hòa (một nhà nghiên cứu theo khuynh hướng đó là ông Bình Nguyên Lộc).
Thời Việt Nam Cộng sản cũng có khuynh hướng
đó, khi gần đây họ công bố bộ sử 10 cuốn, trong đó các quyển đầu tiên nói về
vương quốc Champa khá kỹ và chi tiết. Bộ sách này do các ông Phan Huy Lê, Lương
Ninh, Hà Văn Tấn chủ biên, trong đó ông Lương Ninh là một chuyên gia về tiếng
Phạn và văn minh Ấn Độ, viết phần về Champa. Một nhà nghiên cứu sử học xác nhận
với tôi rằng, bộ sách này bị dừng lại sau một lần tranh cãi với các nhân vật
tuyên giáo ở Việt Nam, không được biên soạn tiếp, và chấm dứt luôn sự tồn tại của
nó. Một bộ sách mới 15 quyển được ra đời vào năm 2017, không có gì mới.
Với một lịch sử chiến tranh phân liệt kéo dài,
cùng đặc điểm địa lý chia cắt vùng miền rất rõ ràng, cư dân các vùng đất khác
nhau, dù nói cùng một thứ tiếng, có thể hiểu nhau dễ dàng, nhưng do có nguồn gốc
lịch sử khác nhau, sự khác biệt giữa ba miền Bắc – Trung – Nam khá lớn. Trong
huyết quản người miền Trung Việt Nam, có rất nhiều giọt máu Chiêm Thành, còn
người Nam Bộ thì mang nhiều gene từ người Khmer.
Như vậy, có thể kết luận rằng tính
vùng miền của chính trị Việt Nam không phải nên có, mà là bắt buộc phải có,
nhất là trong tình hình độc đảng cai trị như hiện nay, không có bầu cử, một địa
phương nắm thế chính trị mạnh dễ dàng chèn ép các địa phương khác.
Người ta có thể lấy cơ cấu trung ương đảng, một
loại quốc hội De Facto để nói rằng, sự cân bằng địa phương được tôn trọng,
nhưng với cơ cấu luân chuyển cán bộ, những người trong Bộ Chính trị
vẫn có thể gài người vào các địa phương yếu thế hơn.
Và lịch sử cũng phải được viết lại với sự tôn
trọng nguồn gốc bản xứ của cư dân, những nền tảng văn hóa, chính trị mà mỗi
vùng, mỗi miền đã trải qua.
No comments:
Post a Comment