Monday, 5 April 2021

BỘ NGOẠI GIAO MỸ BÁO CÁO TÌNH TRẠNG NHÂN QUYỀN THẾ GIỚI (Phạm Phú Khải)

 


Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo tình trạng nhân quyền thế giới

Phạm Phú Khải

05/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-bao-cao-nhan-quyen/5841060.html

 

Vào ngày 30 tháng Ba vừa qua, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo tình hình nhân quyền năm 2020 cho quốc hội Mỹ, công dân và người dân khắp nơi.

 

Khi công bố các báo cáo này, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, đã khẳng định rằng: Nhân quyền, tự do và nhân phẩm luôn gần gũi với trái tim của người Mỹ. Như Tổng thống Biden đã nhấn mạnh, “Chúng ta phải bắt đầu bằng chính sách ngoại giao bắt nguồn từ các giá trị dân chủ được trân trọng nhất của Hoa Kỳ: bảo vệ tự do, đề cao cơ hội, duy trì các quyền phổ quát, tôn trọng pháp quyền và đối xử với mọi người một cách công bằng."

 

Bản báo cáo ngắn nhất thì cũng 20 trang trở lên. Dài nhất có lẽ là tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc. Trong đó, có các mục riêng cho Hồng KôngMacau và Tây Tạng. Bộ Ngoại Giao Mỹ dùng từ tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại để nhấn mạnh đến tình trạng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) trong báo cáo về nhân quyền của Trung Quốc năm qua.

 

Bản báo cáo về Việt Nam dài 43 trang, với phần tóm tắt ở trang đầu như sau:

“Các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng bao gồm: giết người bất hợp pháp hoặc tùy tiện của chính phủ; tra tấn bởi các đặc vụ chính phủ; bắt bớ và giam giữ tùy tiện bởi chính phủ; tù nhân chính trị; những vấn đề đáng kể về tính độc lập của cơ quan tư pháp; can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư; các hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận, báo chí và internet, bao gồm việc bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính phủ, kiểm duyệt, chặn trang web và các luật về tội phỉ báng; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội; những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do đi lại, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng nghiêm trọng; buôn người; những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do hiệp hội của người lao động; sử dụng và buộc trẻ em lao động.”

 

Tôi tò mò muốn biết Bộ Ngoại giao Mỹ nói gì về tình trạng nhân quyền của Úc. Báo cáo cho biết, các vấn đề vi phạm nghiêm trọng bao gồm những cáo buộc đáng tin cậy về những cái chết liên quan đến việc bỏ bê hoặc đối xử tồi tệ trong tù, và đôi khi bỏ rơi hoặc ngược đãi tù nhân, đặc biệt là những người hoặc người khuyết tật thuộc Thổ dân hoặc Đảo Torres Strait. Điều này là xác thực.

 

Đây là bản báo cáo lần thứ 45 của Mỹ về tình trạng nhân quyền của gần 200 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Mỗi năm chiếu theo Đạo luật Trợ giúp Nước ngoài 1961, và Đạo luật Thương mại 1974, Bộ Ngoại giao phải nộp các báo cáo này cho quốc hội. Bản báo cáo đầu tiên là vào năm 1977, về tình trạng nhân quyền năm 1976.

 

Có vài điều xin được chia sẻ về bản Báo cáo về Thực hành Nhân quyền các Nước (Country Reports on Human Rights Practices) lần này.

 

Một, chiều dài tỷ lệ thuận với sự vi phạm. Bản báo cáo càng dài thì càng cho thấy có nhiều vấn đề và nhiều vi phạm tại các nước đó. Chẳng hạn, Úc thì có 23 trang, và sự vi phạm không nhiều, nên không dài. Việt Nam thì nhiều vi phạm, dài 43 trang. Trung Quốc có lẽ dài nhất, dài 79 trang; và nếu kể luôn Macau (15 trang), Tây Tạng (22 trang), và Hồng Kông (27 trang), thì tổng cộng là 143 trang. So với năm 2019 thì chỉ thua có 2 trang (145 trang năm 2019).

 

Hai, tính chuyên môn cao. Các bản báo cáo này nghiêm túc, chi tiết, kỹ lưỡng đối với gần 200 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, kể cả những nước có nền dân chủ hàng đầu như Úc, Anh, Canada, New Zealand, các nước Bắc Âu, Đức, v.v… cho thấy tầm quan trọng và tính chuyên môn của công việc này. Đây là việc làm tốn nhiều nguồn lực, và chỉ có Mỹ mới có khả năng thực hiện ở tầm vóc như thế. (Ngoài Bộ Ngoại giao Mỹ thì các tổ chức Amnesty International, Human Rights Watch, Freedom House cũng có các báo cáo định kỳ và hàng năm. Các cơ quan công quyền Anh, Úc, Canada v.v… cũng thực hiện nhưng không thường xuyên và chuyên sâu như Mỹ. Ngoài ra Liên Hiệp Quốc và Bertelsmann Stiftung của Đức là hai tổ chức cũng có các báo cáo nhân quyền thường xuyên và chuyên sâu.) Trung Quốc không hiểu, hay không muốn hiểu, rằng các bản báo cáo của Mỹ được thực hiện dựa trên các quan sát nhân quyền từ sau Thế Chiến II đến nay, dựa trên các nguồn tin được kiểm chứng hẳn hoi, và được đi qua một quy trình đã được định hình bấy lâu nay bằng phương thức khoa học và chuyên môn. Tất nhiên nó sẽ không thể nào phản ảnh hoàn toàn, đầy đủ hay chính xác 100%. Sẽ không bao giờ có điều đó. Nhưng đây là công việc nghiêm túc, chuyên môn dựa trên dữ kiện hẳn hoi.

 

Ba, tính khả dụng cao. Các bản báo cáo này là nguồn dữ liệu quan trọng cho những ai quan tâm đến, hay làm việc với, các vấn đề nhân quyền. Nó được dùng cho việc học, nghiên cứu về nhân quyền. Hay để đánh giá các trường hợp xin tị nạn ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, vì các báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hầu như không chừa nước nào. Trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền bằng đạo luật Magnitsky chắc cũng dựa một phần vào các bản báo này, khi thông tin thích hợp, tuy trường hợp áp dụng cho Magnitsky nhắm vào cá nhân hơn là quốc gia.

 

Rất ít người Việt chịu khó tìm hiểu các bản báo cáo này, dù quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Muốn được bản báo cáo này trình bày đầy đủ thì bổn phận của những người quan tâm là viết lại, một cách trung thực nhất có thể, bao gồm các dữ kiện liên quan đến một sự kiện hay vi phạm nhân quyền nào đó. Nếu sự kiện xảy ra mà không ai viết, hay có viết nhưng không trung thực khách quan đủ, thì Bộ Ngoại giao Mỹ hay các tổ chức nhân quyền như Amnesty International, Human Rights Watch, Freedom House v.v… sẽ không thể nào phổ biến được. Trung thực, khách quan, dữ kiện được kiểm chứng v.v… (factual) là yếu tố quan trọng nhất.

 

Trung Quốc từ lâu nay đã bày tỏ sự phẫn nộ về các bản báo cáo nhân quyền của Mỹ, và các tổ chức khác, nên họ đã trả đũa bằng cách thực hiện các bản báo cáo riêng của mình về tình trạng nhân quyền của Mỹ. Thế nhưng các báo cáo của họ chủ yếu là tuyên truyền, chẳng có giá trị hay trọng lượng nào, nên cũng không mấy ai quan tâm. Nhưng Trung Quốc không từ bỏ mưu đồ này mà còn muốn thay đổi định nghĩa về nhân quyền, để qua lăng kính đó biện minh cho sự vi phạm nhân quyền tồi tệ của mình trong nước.

 

Liệu họ có khả năng làm điều đó không, sẽ được bàn sâu vào các bài tới.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats