Saturday, 17 April 2021

BẢN TIN NGÀY 17-4-2021 (BTV Tiếng Dân)

 



BẢN TIN NGÀY 17-4-2021

BTV Tiếng Dân

17/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/17/ban-tin-ngay-17-4-2021/

 

Tin Biển Đông

 

Một tuần sau khi kết thúc cuộc tập trận gần Đài Loan, tàu sân bay Trung Quốc tiến xuống Biển Đông, VnExpress đưa tin. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố ảnh vệ tinh chụp hôm qua 16/4, cho thấy, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của TQ di chuyển trên Biển Đông, cách căn cứ Du Lâm của đảo Hải Nam gần 500 km về phía đông nam. Nhóm này gồm tàu sân bay Liêu Ninh và ít nhất 3 tàu đi kèm, khả năng là tàu khu trục phòng không Type-052D, tàu hộ vệ tên lửa Type-054A và tàu hậu cần Type-901.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img1-8-1024x615.jpg

Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển trên Biển Đông, khu vực phía đông nam đảo Hải Nam, hôm qua 16/4. Ảnh: ESA/VNE

 

Sự kiện này diễn ra chỉ 4 ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời Biển Đông. Nhóm tàu đổ bộ USS Makin Island cũng đã rời Biển Đông sau khi kết thúc tập trận. Trước đó, Hải quân Mỹ từng triển khai tàu khu trục USS Mustin, bám theo tàu Liêu Ninh khi nó quay lại Biển Đông ngày 10/4.

 

VTC có clip: Tàu sân bay Trung Quốc tiến xuống Biển Đông.

https://youtu.be/MdGB0bdkF2U

 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Tập trận gần Đài Loan, Trung Quốc muốn nhắn Mỹ ‘hãy lùi bước’. Reuters dẫn nguồn tin an ninh phương Tây lưu ý, trong các đội hình máy bay quân sự mà TQ triển khai, thách thức không phận Đài Loan gần đây, luôn có sự hiện diện của máy bay chống ngầm của TQ hàng ngày ở cực Bắc Biển Đông, để Lầu Năm Góc thấy rằng TQ có thể săn tìm tàu ngầm Mỹ.

 

Nguồn tin của Reuters nhận định, máy bay săn ngầm của TQ không phải để dọa Đài Loan, mà chỉ để đáp trả Mỹ, vì hạm đội tàu ngầm của Đài rất yếu, không đáng để Trung Quốc quan tâm. 

 

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Trung Quốc vừa giả lập một cuộc tấn công vào tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông? Báo Newsweek dẫn nguồn tin từ một số nhà phân tích quốc phòng, trong đó có ông Tô Tử Vân, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu quân sự và an ninh Đài Loan, cho biết, một phi đội máy bay chiến đấu TQ “dường như đã mô phỏng một cuộc tấn công nhằm vào nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ với kỷ lục 25 tiêm kích và máy bay ném bom có ​​khả năng mang vũ khí hạt nhân”.

 

Báo Business Insider lưu ý, sự kiện tương tự đã diễn ra vào tháng 1/2021, khi một nhóm máy bay quân sự TQ cũng “bay qua Đài Loan”, rồi thực hiện một cuộc “tấn công mô phỏng” vào một tàu sân bay của Mỹ. Sự kiện này diễn ra đúng vào tuần lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden. 

 

VnExpress có clip: Một tuần tàu sân bay Mỹ – Trung dằn mặt nhau trên Biển Đông

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Mot-tuan-tau-san-bay-My-Trung-dan-mat-nhau-tren-Bien-Dong-.mp4?_=1

 

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Washington, D.C. Hai bên ra tuyên bố chung: Mỹ – Nhật cam kết cùng chống lại ‘sự uy hiếp’ của Trung Quốc, Zing đưa tin. Thủ tướng Suga phát biểu: “Chúng tôi nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như hành động đe dọa những nước khác trong khu vực”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/2-12-1024x683.png

Thủ tướng Nhật Suga và Tổng thống Mỹ Biden tại buổi họp báo chung ở Nhà Trắng ngày 16/4/2021. Nguồn: EPA-EFE

 

Tổng thống Biden phát biểu: “Thủ tướng Suga và tôi khẳng định sự ủng hộ của mình đối với liên minh Mỹ – Nhật và nền an ninh chung của chúng tôi… Chúng tôi cam kết cùng nhau đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề như biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như Triều Tiên, để đảm bảo tương lai của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”

 

Đài CNBC có clip: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tổ chức họp báo chung.

https://www.youtube.com/watch?v=AX19-VlDGVE

 

Báo Thanh Niên có bài: Bí ẩn dàn rô bốt ‘đe dọa an ninh’ Trung Quốc trên biển. Báo South China Morning Post dẫn tin từ Đài truyền hình TƯ TQ (CCTV), ngày 14/4 tiết lộ, ngư dân TQ tại nhiều khu vực như Giang Tô, Chiết Giang, Hải Nam, khu tự trị Choang Quảng Tây, liên tục phát hiện tàu không người lái ở các vùng biển gần TQ. Một đơn vị nghiên cứu của TQ cho rằng đó là các “thiết bị do thám” dưới biển. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img2-3.png

Tàu không người lái được tìm thấy ở vùng biển gần TQ. Ảnh chụp màn hình CCTV của báo Thanh Niên.

 

Tin cho biết, về hình thù bên ngoài, các tàu không người lái này có thiết kế tương tự dòng tàu không người lái Wave Glider, do công ty Liquid Robotics của Mỹ chế tạo. Một số chuyên gia quân sự TQ cho rằng, đây là mối “đe dọa an ninh”, vì các loại thiết bị lặn không người lái được phát hiện ở các vùng biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

 

Hôm qua, tân Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với người đồng cấp TQ  Vương Nghị, Việt Nam đề nghị Trung Quốc giải quyết bất đồng Biển Đông, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Dù tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, ông Bùi Thanh Sơn vẫn khẳng định “việc giữ gìn và phát triển tình hữu nghị truyền thống, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa VN-TQ luôn là một trong các “ưu tiên hàng đầu” của đối ngoại VN.

 

Bộ Ngoại giao VN tiết lộ: “Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên trao đổi, giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thỏa thuận, nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”.

 

Mời đọc thêm: Lãnh đạo Mỹ-Nhật Bản hội đàm: Khẳng định quan hệ đồng minh (TTXVN). – Lãnh đạo Mỹ, Nhật cam kết chống lại “hành động đe dọa” của Trung Quốc trên Biển Đông, biển Hoa Đông (VietTimes). – Mỹ-Nhật Bản tái khẳng định mối quan tâm chung mạnh mẽ về Biển Đông (TG&VN). – Cựu TNS Mỹ: ‘Mỹ là người bạn đáng tin cậy sẽ hỗ trợ Đài Loan’ (PLTP). – Tàu sân bay Trung Quốc tiến xuống phía nam Biển Đông (TT). – Nguy cơ đụng độ từ sự phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông (ANTĐ). 

 

 

Đại án gang thép Thái Nguyên

 

Phiên tòa xử vụ sai phạm dự án gang thép Thái Nguyên, liên quan đến Tổng Công ty Thép VN (VNS) và Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), sắp tới hồi kết. Hôm qua, các LS bào chữa và bị cáo đề nghị HĐXX chuyển tội danh với khung hình phạt nhẹ hơn, nhưng đề nghị đó đã bị đại diện VKS bác bỏ trong sáng nay. 

 

Đại án Gang thép Thái Nguyên: VKS cho rằng không có căn cứ thay đổi tội danh, báo Thanh Niên đưa tin. Các LS bào chữa lập luận về vai trò của các lãnh đạo, quan chức Chính phủ và Bộ Công thương trong giai đoạn làm dự án, nhưng VKS bỏ qua mọi lập luận, giữ nguyên quan điểm buộc tội. Các LS và bị cáo đều thể hiện ý muốn tiếp tục tranh luận, nhưng HĐXX “phối hợp” với VKS, cho dừng phần tranh luận. 

Sau 6 ngày xét xử, chiều nay, 19 bị cáo đại án gang thép Thái Nguyên nói lời sau cùng, theo báo Pháp Luật TP HCM. Các bị cáo nói nhiều ý khác nhau, nhưng có điểm chung: Họ đều khẳng định đã làm những gì có thể để giảm thiệt hại của nhà nước trong dự án gang thép Thái Nguyên, mong HĐXX xem xét lại các tình tiết của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ và lượng hình cho các bị cáo. Tòa sẽ nghị án và tuyên án ngày 20/4.

 

Trên danh nghĩa, phiên tòa sơ thẩm xử vụ sai phạm gang thép Thái Nguyên dần đi tới hồi kết, nhưng thực tế thì chẳng tới đâu cả. Phiên tòa là một thất bại không chỉ với ngành tư pháp, mà còn với cả chế độ. Ngay ngày xét xử đầu tiên, HĐXX bác đề nghị triệu tập cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cựu lãnh đạo đã ký duyệt nhiều văn bản quan trọng của dự án. 

 

Sang ngày xử thứ 2, đại diện TISCO thông báo, căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, TISCO muốn nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim TQ (MCC) tiếp tục làm dự án gang thép Thái Nguyên. Phiên tòa là một thất bại vì những kẻ phá hoại thật sự vẫn đứng ngoài vòng pháp luật, thậm chí còn được tạo điều kiện để “hạ cánh an toàn” hoặc tiếp tục phá hoại nền kinh tế VN. Những người thừa hành thì bị đem ra “thế mạng” cho những kẻ cầm trịch, để diễn màn kịch “chống tham nhũng” cho dân xem.

Mời đọc thêm: Vụ Gang thép Thái Nguyên: Các bị cáo gây thiệt hại nghiêm trọng (TTXVN). – Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Viện kiểm sát không chấp nhận việc chuyển đổi tội danh (ANTĐ). – Thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại TISCO, vì đâu nên nỗi? (VNN). – Lời sau cùng ân hận của dàn bị cáo vụ thất thoát hơn 830 tỷ đồng (VNN). – Dàn cựu lãnh đạo trong vụ Gang thép Thái Nguyên nói lời “gan ruột”: Động cơ hoàn toàn trong sáng (NĐT). – Xử đại án Gang thép Thái Nguyên: Bị cáo 72 tuổi nói bệnh nặng, xin khoan hồng (KT). – Cựu Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam xin lỗi những người làm gang thép (VTC). 

 

 

Khủng hoảng ngành đường sắt VN

 

Báo Tiền Phong đưa tin: Hệ thống đường sắt quốc gia đi qua Hà Nội xuống cấp thê thảm. Hệ thống đường sắt này được xem là “tài sản quốc gia” có nhiệm vụ “bảo đảm an toàn chạy tàu”, nhưng do không được bảo dưỡng theo định kỳ, nên hệ thống đường sắt chạy qua cầu Thăng Long, Long Biên hiện đang xuống cấp trầm trọng. Vấn đề này đe dọa đến an toàn chạy tàu và tuổi thọ công trình nhà nước.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img5-1.jpeg

Hệ thống đường sắt quốc gia đi qua Hà Nội từng là hạng mục chịu lực và giữ cho tàu chạy an toàn, nhưng hiện nay nhiều thanh tà vẹt chỉ cần dùng tay là có thể bóc từng lớp gỗ mục. Ảnh: TP

 

Trước đó, xuất hiện lời kêu cứu: Ngành đường sắt ‘kêu cứu’ vì 11.000 lao động bị nợ lương, VnExpress đưa tin hôm 14/4. Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) xác nhận, đơn vị này có kiến nghị khẩn đến Thủ tướng về những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. VNR dự kiến được nhà nước giao 2.800 tỉ đồng trong năm 2021 để bảo dưỡng đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động, nhưng sau 3 tháng rưỡi, doanh nghiệp quốc doanh một thời hùng mạnh của chế độ vẫn chưa được giao vốn.

 

VTV có clip: Nợ lương công nhân, đường sắt ‘bị đẩy đến bước đường cùng’.

https://www.youtube.com/watch?v=cGgMt0Td4L0

 

VTC đặt câu hỏi: Vì sao khoản ngân sách 2.800 tỷ đồng cho ngành đường sắt không thể giải ngân? Các lãnh đạo đưa ra lý do, năm nay đã sang tháng 4 nhưng VNR vẫn chưa được Bộ GTVT giao dự toán ngân sách, nên không thể ký hợp đồng với các đơn vị liên quan. Từ năm 2019, VNR chuyển sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước, “siêu ủy ban” do cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập ra, không còn là doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT nữa. 

 

Không giống như trước năm 2019, hiện Bộ GTVT không thể giao nguồn ngân sách bảo trì đường sắt giao cho VNR quản lý, vì như vậy là giao cho doanh nghiệp ngoài ngành, không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước. Nhờ có “siêu ủy ban”, Chính phủ, Bộ GTVT và VNR lại phải ngồi lại loay hoay nghĩ cách giải ngân dòng tiền, trong khi hơn 11.000 công nhân bị đẩy đến đường cùng.

 

Trang Kinh Tế Đô Thị đặt câu hỏi: Thấy gì từ việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam “tố” bị “đẩy đến đường cùng”? Trước mắt, Bộ GTVT trình Chính phủ đề xuất giao thêm cấp trung gian là Cục Đường sắt VN để quản lý nguồn ngân sách cho VNR. Nhưng phía VNR phản đối và cho rằng đề xuất này sẽ “phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, làm đình trệ hoạt động vận tải đường sắt, triệt tiêu vận tải đường sắt”. Có nên dẹp “siêu ủy ban” được lập ra từ “sáng kiến” của cựu Thủ tướng “kiến tạo”?

 

Ba ngày sau khi VNR công khai hết sự tình với công luận, Bộ GTVT lên tiếng thanh minh với một số báo “lề phải”. VOV có bài: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu, Bộ GTVT nói gì? Đại diện Bộ này khẳng định, nguồn vốn bảo trì đường sắt trong năm tài khóa 2021 đã có, nhưng họ không thể giao trực tiếp cho VNR. Đại diện Bộ GTVT cho rằng họ đang làm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020: “Bộ GTVT không thể tự ý làm bất cứ vấn đề gì nếu không căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành”.  

 

Mời đọc thêm: Đường sắt đang lâm nguy? (Zing). – Nợ lương công nhân, đường sắt ‘bị đẩy đến bước đường cùng’ (TN). – Ngành Đường sắt ‘kêu cứu’, đang nợ lương hàng chục nghìn lao động (Tin Tức). – Công ty đường sắt mượn xe, sổ đỏ nhân viên để vay ngân hàng (VNN). – Đường sắt lại nợ lương người lao động: Vướng ở đâu? (ĐĐK). – Bộ Giao thông Vận tải nói gì về không giao nguồn vốn bảo trì cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam? (BNews). – Đường sắt Việt Nam nguy cơ phá sản: Bộ GTVT lý giải nguyên nhân 2.800 tỷ bị tắc (VTC). – Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Xây mới hay nâng cấp? (TP).

 

Tin giáo dục

 

Bài thứ nhất trong loạt bài trên Luật Khoa để so sánh Giáo dục Nam – Bắc Việt Nam: Nền tảng và khác biệt. Sự khác nhau từ gốc: Nền “giáo dục” miền Bắc dạy rất nặng về tư tưởng để biến HS thành công cụ của chế độ, “nhồi sọ” để người dân thể hiện sự thuần phục với chế độ ngay từ lứa tuổi HS. Còn các nhà giáo dục miền Nam VN ủng hộ một mô hình giáo dục đa dạng, phản ánh sự khác biệt của các bộ phận dân cư, nhắm vào việc xây dựng một danh tính công dân VN với văn hóa và bản sắc đặc trưng.

 

Báo Giáo Dục VN đưa tin: Hiệu trưởng trường Xy bị tố chặn tiền của học sinh nghèo. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan chức năng đang xác minh thông tin về vụ trường Tiểu học và THCS Xy không chi trả đúng thời hạn và có nghi vấn bị bớt xén tiền hộ nghèo, tiền thưởng và quà của một số đơn vị tặng HS. Ông Đức nói: “Việc xác minh thông tin sẽ bắt đầu từ ngày 16/4, dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 ngày nữa. Đây là sự việc hết sức đáng tiếc”.

 

Mời đọc thêm: Học sinh Học viện Múa Việt Nam tiếp tục đối mặt nguy cơ không có bằng (Zing). – Học viện Múa Việt Nam: Vẫn nỗi lo học xong không được cấp bằng (KTĐT). – Bộ GD&ĐT lên tiếng việc các trường đại học tăng học phí (GDTĐ). – Nhiều trường đại học ‘hot’ tăng học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì? (PLVN). – Học phí đại học tăng ‘sốc’: Trường muốn người học cùng chia sẻ (VTC). – Không dạy – học bậc trung học phổ thông theo tín chỉ, đổi mới còn nửa vời — 100% giáo viên thống nhất chọn 1 bộ sách giáo khoa là “bất thường” (GDVN). – Khánh Hòa: Đình chỉ cơ sở đánh bé 3 tuổi thâm tím người (VNN). 

 

                                                          ***

 

Thêm một số tin: Việt Nam chuẩn bị gì trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh? (RFA). – Bộ Y tế lên tiếng về công văn xin nhập khẩu 50 triệu liều vắc xin Covid-19 có bất thường (VNN). – Lào, Việt Nam siết biên giới ngăn dịch từ Campuchia, Thái Lan (TT). – Nghệ sĩ Australia tố cáo triển lãm Việt ‘nhái’ tác phẩm (VNE). – Việt Nam hoan nghênh sự điều chỉnh tích cực trong báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ (Tin Tức). – Việt Nam không còn nằm trong danh sách các nước thao túng tiền tệ của Mỹ (VNF). – Cơ hội nào cho người Việt trong diện bị trục xuất khỏi Mỹ? (VOA). 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats