Sunday, 22 November 2020

VIỆT NAM LÀM GÌ VỚI BA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI LỚN CÙNG MỘT LÚC? (Quốc Phương - BBC News Tiếng Việt)

 


 

Việt Nam làm gì với ba hiệp định thương mại lớn một lúc? 

Quốc Phương

BBC News Tiếng Việt

20 tháng 11 2020

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55015677

 

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP mà Việt Nam mới ký kết gia nhập hôm 15/11/2020 tại Hà Nội là hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn thứ ba mà nước này tham gia, sau các hiệp định CPTPP và gần hơn là EVFTA với các đối tác.

 

Một số nhà bình luận và quan sát kinh tế, chính trị Việt Nam và khu vực đã đặt vấn đề về việc quốc gia với hơn 95 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á này sẽ điều phối ra sao và nên làm gì để tận dụng hiệu quả hiệp định mới ký kết, giảm thiểu bất lợi, khi Việt Nam cùng lúc có trong tay ba hiệp định khu vực và quốc tế quy mô lớn, bên cạnh nhiều hiệp định thương mại tự do khác ký từ trước.

 

Trao đổi với tọa đàm Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC News Tiếng Việt hôm 19/11, từ Paris nhà báo Võ Trung Dung, chủ biên trang mạng châu Á - Thái Bình Dương bằng tiếng Pháp, nói với BBC:

 

"Việt Nam ký hiệp định đối tác khu vực này cũng là một điều đúng thôi, bởi vì không thể đứng ở ngoài một thị trường như một thị trường quy mô lớn gần 30% giá trị chỉ số của thương mại toàn cầu.

 

"Bất cứ hiệp định nào về kinh tế như ở châu Âu, hay với Trung Quốc, Nhật Bản, hoặc là với Mỹ, đều có một điểm về địa chính trị và ngoại giao trong đó, chứ không phải chỉ đơn thuần về kinh tế.

 

"Việt Nam ký hiệp định này, theo cái nhìn của tôi, là một việc ký hiệp định đúng, nhưng sau đó có tận dụng được nó để cho Việt Nam hay không, đó là câu chuyện khác, câu chuyện về chính sách.

 

"Thứ nhất là về chính sách và thứ hai là về kinh tế, nhưng chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về sau, khi trao đổi ý kiến thêm với các vị khác.

 

"Vấn đề là Việt Nam ký hiệp định này giống như là một công ty mua một chiếc xe vận tải cực kỳ tốt để ngắm để cho nó mục nát, rỉ sét, hay là dùng chiếc xe này để tạo ra công ăn việc làm và tạo ra doanh thu cho công ty, cái đó là vấn đề khác," ông Võ Trung Dung nêu quan điểm từ Paris.

 

 

"Nhiều sự lựa chọn vẫn là tốt hơn"

 

Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, người có nhiều thập niên nghiên cứu, giảng dạy về ngoại thương và theo dõi các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã thực hiện với quốc tế, khu vực, bình luận về việc Việt Nam có thể điều phối thế nào các hiệp định thương mại tự do đang có trong tay, sau khi có thêm RCEP:

 

"Theo quan điểm của tôi, chuyện này cũng không hẳn là phải điều phối gì nhiều, bởi vì nếu chúng ta dùng hình ảnh cái xe mà ông Võ Trung Dung đã nói, thì điều này nó giống như là từ Hà Nội bây giờ tôi có rất nhiều tuyến xe, tôi có thể chọn lựa đi Hải Phòng, hay tôi có thể chọn lựa đi Sài Gòn hay gì đó v.v...

 

"Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một xã hội nào lại đau buồn vì mình có nhiều sự lựa chọn, tôi vẫn nhớ có một câu châm ngôn nói rất rõ rằng "chất lượng cuộc sống không phụ thuộc vào sự giàu có, cũng không phụ thuộc vào tài nguyên hay cái gì cả, nhưng chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào chỗ người ta có bao nhiêu sự lựa chọn và quyền lựa chọn của mình như thế nào.

 

"Vậy khi Việt Nam có rất nhiều hiệp định như vậy, thì điều ấy chứng tỏ là doanh nghiệp Việt Nam có nhiều sự lựa chọn và khi đó có nghĩa là chất lượng đời sống kinh doanh của chúng ta tăng lên, và như vậy tôi sẽ lấy làm mừng thôi.

 

"Hôm trước, tôi có nói chuyện với một cựu sinh viên của tôi, bây giờ anh ấy là giám đốc một doanh nghiệp tương đối lớn về xuất khẩu nông sản và khi tôi bày tỏ những mối lo ngại về chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thì sẽ tăng cường sự lệ thuộc và sẽ làm cho doanh nghiệp Việt Nam yếu đi năng lực cạnh tranh.

 

"Nhưng vị giám đốc này trình bày với tôi là không thấy có gì đáng lo ngại cả bởi vì nông sản Việt Nam có rất nhiều loại. Anh ấy lấy ví dụ rất thông thường là một cây vải có thể có ba tạ quả, thế nhưng EU sẽ chỉ lấy khoảng 30 kg, vậy 270 kg còn lại bán đi đâu, và doanh nghiệp của anh ấy phải bán cho Trung Quốc.

 

"Thế cho nên tôi cảm thấy rằng bất cứ một quốc gia nào cũng sẽ mừng khi quốc gia của mình có nhiều sự lựa chọn. Điều quan trọng mà chúng tôi, với tư cách là là những người am hiểu về kinh doanh, cũng như đã giảng dạy lâu năm, mong muốn là Việt Nam cần có sự truyền đạt những lợi ích, cũng như những thử thách của từng hiệp định một đến với từng doanh nghiệp của Việt Nam.

 

"Để cho doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu được cái tầm của họ, vì khi một doanh nghiệp kinh doanh, thì người ta cần phải phân đoạn thị trường, và nếu người ta biết được mình đang ở phân đoạn thị trường nào thì hiệu quả kinh doanh của người ta sẽ được tốt hơn...," bà Nguyễn Hoàng Ánh nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.

 

.

'Nên thận trọng xem xét lại toàn bộ chiến lược hội nhập'?

 

Đầu tuần này, ngay sau khi Việt Nam vừa ký kết gia nhập RCEP, đặt vấn đề về việc Việt Nam cần lưu ý gì để điều phối tốt các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết và có trong tay, kinh tế gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói với BBC:

 

"Tôi nghĩ đây là một việc khá phức tạp, đòi hỏi những người lãnh đạo Việt Nam và trực tiếp những người lãnh đạo của các ngành khác nhau của Việt Nam rất cần xem lại toàn bộ chiến lược hội nhập của mình một cách cẩn trọng.

 

"Cần đặt lên bàn tất cả những hiệp định mà Việt Nam đã có, xem lại toàn bộ những cam kết mà Việt Nam đã làm, rồi phân tích lợi hại trong từng cái một và đặc biệt cần phải nhận chân cho rõ đâu là những lợi ích cốt lõi, lâu dài của Việt Nam mà giúp cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển về dài hạn theo tinh thần phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.

 

"Chứ không phải chỉ là tăng trưởng nóng trong từng thời gian, hoặc đạt được những chỉ số tăng trưởng về GDP, về xuất khẩu đơn thuần, về FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), mà để rồi rút cục như Việt Nam thời gian vừa qua hội nhập nhiều, nhưng lợi ích nói thực ra thì các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng lợi nhiều hơn là Việt Nam.

 

"Khi Việt Nam hội nhập như vừa qua, các thị trường mở cửa cho Việt Nam, thì lại càng thấy rõ là xuất khẩu của khối FDI tăng lên càng ngày càng mạnh, trước khi tham gia WTO (tổ chức thương mại thế giới), thì FDI chiếm chưa đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng từ khi Việt Nam tha gia WTO, thì thị phần của FDI trong xuất khẩu của Việt Nam tăng dần lên và những năm gần đây họ đạt những mức tăng trưởng khoảng 70%, thậm chí có năm là 72%, như vậy là đẩy Việt Nam vào thế vừa bị phụ thuộc vào FDI trong tăng trưởng, vừa để cho lợi ích của việc hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tay của những doanh nghiệp lớn của bên ngoài, nhiều hơn là cho chính người dân của Việt Nam.

 

"Đấy là nghịch lý mà Việt Nam cần phải khắc phục, cho nên cần phải xem xét thận trọng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã có để xem cái nào mang lại lợi ích cho nội lực của Việt Nam, cho nền kinh tế nội bộ của Việt Nam nhiều hơn, chứ không phải chỉ cho các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, thì đó là điều rất quan trọng.

 

"Thứ hai nữa là ngay cả với mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng vậy, càng hội nhập, Việt Nam sẽ càng có FDI nhiều hơn, nhưng đúng đây là lúc Việt Nam rất cần chọn lựa thận trọng FDI, như tinh thần mà Bộ Chính trị ĐCSVN đã đưa ra qua Nghị quyết số 50 đã đưa ra vào năm 2019, và thấy là FDI phải gắn với những lợi ích lâu dài của Việt Nam, chứ không phải chỉ FDI vào, để rồi rút cục không làm cho nền kinh tế nội bộ tăng trưởng lành mạnh hoặc phát triển được bao nhiêu, tôi nghĩ đấy là điều cơ bản nhất phải đặt lên bàn đàm phán.

 

"Và hơn nữa, đừng có theo cách thức như Việt Nam lâu nay vẫn làm theo truyền thống là có cái gì mới thì rất háo hức, mà nhiều khi có phần nào sao lãng đi những cái cũ mà mình đã đạt được và thêm nữa là nhiều khi tham làm những gì dễ hơn, dề làm - khó bỏ, quan hệ với những thị trường nào mà họ dễ ký, dễ tính hơn một chút, thì có thể lao vào làm, mà không chịu nỗ lực để mà làm với những thị trường khó hơn, nhưng mà qua đó sẽ giúp nâng mình lên, do đó tôi nghĩ Việt Nam cần phải làm nhiều việc lắm để tự điều chỉnh mình."

 

.

Cần tự đưa ra những quy định khắt khe hơn với chính mình?

 

Từ New York, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hợp Quốc, đưa ra một lưu ý của mình với Việt Nam, sau khi nước này đã ký kết RCEP, ông nói với hội luận thứ Năm của BBC:

 

"Hiệp định RCEP không đòi hỏi bất cứ cái gì về môi trường, về bảo vệ lao động, nhiều vấn đề khác nữa, tức là làm gì cũng được, ngoại trừ những quy định của nhà nước mà các nước chỉ đòi hỏi mọi nước đều đối xử ngang nhau (national treatment), do đó nếu Việt Nam muốn có một nền công nghiệp, một nền kinh tế phát triển ở mức cao, thì bản thân nhà nước Việt Nam phải có những quy định và có những luật lệ nhằm đạt những mục đích ấy và có những hệ thống để giúp thực thi những vấn đề đó.

 

"Còn hiện tại, như bây giờ, nếu cứ để cho người ta tự do muốn làm gì thì làm để kiếm đồng tiền, thì dĩ nhiên là xã hội sẽ chỉ có con đường là đi xuống thôi và xã hội Việt Nam trong cả giai đoạn dài vừa rồi như vậy.

 

"RCEP gần như đồng ý với những điều như vậy mà không có đòi hỏi gì cả, vấn đề chính là ở Việt Nam, bản thân chính phủ phải có những quy định, đòi hỏi để nâng cao bảo vệ lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao, bảo vệ cái này, cái kia và cấm, hạn chế những vấn đề gì mà không có lợi ích gì cả. Thì đó là vấn đề của các nhà làm luật, làm chính sách của Việt Nam."

 

 

"Ký vì thành tích hay cần chuẩn bị xong thực chất thì hơn?"

 

Ngay trước cuộc hội luận của BBC News Tiếng Việt hôm 19/11, từ Hà Nội, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, đưa ra bình luận trên quan điểm riêng của ông với BBC:

 

"Tôi thấy trong tình hình mới này có vô số việc cần phải làm, ngay trong điều kiện đại dịch Covid-19 như thế này, rất nhiều nước gián đoạn nguồn cung, xuất khẩu bị giảm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng, xuất khẩu khá mạnh, đó là một ưu điểm, nhưng bên cạnh đó phải nhớ rằng trong mức tăng này, vai trò của các doanh nghiệp một phần thôi, phần lớn vừa qua là các xúc tiến của nhà nước, có nghĩa là quản lý của nhà nước đã đóng một vai trò khá "tích cực" mà tôi đặt trong ngoặc kép.

 

"Tức là nhà nước đã phải hết sức nỗ lực để đạt được việc đó, chứ còn năng lực doanh nghiệp còn rất là yếu... Bản thân mình mà không có năng lực, thì xuất sang các nước khác, các thị trường khác thế nào được. Thí dụ như nông nghiệp, doanh nghiệp mà thiếu nhà nước hỗ trợ thì rất khó để xuất khẩu nổi, bởi vì năng lực của nhiều doanh nghiệp không có.

 

"Đấy là nói lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, thí dụ xuất hoa quả qua các hợp tác xã v.v... thì thực ra cũng không ăn thua, không được nhiều, thế thì ở đây tôi muốn nói rằng trong việc ký hiệp định RCEP này, sự chuẩn bị của nhà nước sẽ tới lúc sẽ phải chuyển hướng để làm những việc khác, người ta sẽ có những điều chỉnh, sẽ có những thứ khác, nhưng liệu Việt Nam có thể làm nổi những thứ ấy không và tất cả đều trong cùng một lúc?

 

"Thế rồi một câu hỏi nữa là chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường như thế nào, còn có việc chạy loanh quanh của các doanh nghiệp trong nội khối RCEP này và từ RCEP với những hiệp định mà Việt Nam đã ký sẽ ra sao?

 

"Thì câu trả lời, tức là về năng lực của Việt Nam như hiện nay, tôi nghĩ sẽ phải chuẩn bị rất là nhiều, kể cả doanh nghiệp, kể cả nhà nước cũng như các cá nhân để xem có thể tồn tại, phát triển được và để có thể hòa nhập ổn được không?

 

"Còn về hình thức, anh ký với 15, 20 hay 30 nước chỉ là hình thức thôi, đây chỉ là phấn khởi về mặt tinh thần thôi, còn tôi cảm nhận sự chuẩn bị về thực lực, nội lực, chiều sâu là chưa có.

 

"Như với EVFTA, phía EU người ta đã chuẩn bị từ bao nhiêu lâu nay rồi cho các doanh nghiệp của họ, nhưng phía Việt Nam thì các doanh nghiệp có nắm biết được nhiều gì đâu, và nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị mình nhiều tới đâu để mà thực hiện và làm ăn đâu, mặc dù đã có hiệu lực rồi.

 

"Vậy mà bây giờ với RCEP mà vộ vàng ký như thế này thì rất khó, khó mà tính toán và chuẩn bị được hết để đối phó với những vấn đề rích rắc, phức tạp nội khối, cũng như ngoại khối, rồi quan niệm, xử thế của Việt Nam với trong khối này và với từng nước ở trong khối, chưa kể là các quan hệ, tương tác với các khối khác.

 

"Tóm lại, tức là khi anh ký rất nhiều hiệp định, anh phải có một sự tính toán rất nhiều, chứ không phải ký để vì thành tích, theo tôi," Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nói với BBC hôm thứ Năm từ Hà Nội.

 

 

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt về việc Việt Nam ký kết hiệp định RCEP và các vấn đề đặt ra.

 

                                             ***

 

TIN LIÊN QUAN

 

RCEP tạo vị thế "chiến lược mạnh" cho Trung Quốc

20 tháng 11 năm 2020

.

Kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng châu Á trong giai đoạn dịch Covid-19

19 tháng 11 năm 2020

.

RCEP và Việt Nam trong lúc Mỹ lùi Trung Quốc tiến tới

19 tháng 11 năm 2020

.

Bà Phạm Chi Lan: “Tôi lo nhiều hơn mừng khi VN ký RCEP"

16 tháng 11 năm 2020

.

RCEP: 15 nước châu Á Thái Bình Dương ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới

15 tháng 11 năm 2020

.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats