Tuesday, 3 November 2020

TRUMP và BIDEN (Đinh Từ Thức)

 


Trump và Biden

Đinh Từ Thức

03/11/2020

https://baotiengdan.com/2020/11/03/trump-va-biden/

 

Có thể nói, cuộc bầu cử 3 tháng 11 năm 2020, là sự kiện lịch sử ít khi xảy ra lần thứ hai trong đời một người. Không phải là cơ hội lựa chọn bình thường về sự khác nhau trong chính sách cai trị giữa hai đảng vẫn thay nhau cầm quyền, cũng không phải chỉ lựa chọn về cá nhân giữa hai ứng cử viên, mà là một lựa chọn có tính cách sống còn. Một lựa chọn giữa thất vọng và hy vọng, giữa đi tới hay đi lui, giữa đoàn kết hay chia rẽ, giữa yêu thương hay hận thù, giữa cô lập hay hoà đồng, giữa lỗ mãng hay tử tế, giữa ích kỷ hay vị tha, giữa dối trá hay chân thành.

 

Tiêu biểu cho tất cả những khác biệt nêu trên là hai ứng cử viên, Donald Trump, và Joseph Biden.

 

Bài này không nhằm mục đích vận động cử tri bỏ phiếu cho người này hay người kia, vì đã quá muộn để đủ thời gian suy nghĩ hầu có thể thay đổi. Và thực tế, vào khoảng trên hai phần ba tổng số cử tri đã bầu rồi. Những gì viết ra đây chỉ nhằm ghi lại vài nét chính tiêu biểu về nhân cách, cá tính, của hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử lịch sử này. Mọi thứ khác như chính sách về ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, xã hội… của hai đảng đều đã được thông tin khá đầy đủ rồi.

 

 

Donald Trump, “thiên tài” không chịu lớn

 

Donald Trump tự nhận mình là thiên tài, cái gì cũng hơn người, hạng nhất về mọi phương diện.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-3.png

Hình của tác giả chụp từ một bích hoạ ở khu triển lãm thường trực lộ thiên, Wynwood Garden, Miami, Florida, hồi 4 giờ chiều ngày 22/12/2017.

 

Hình trên đây, người viết chụp từ bức tường tại khu triển lãm lộ thiên ở Miami, vào dịp nghỉ lễ Giáng Sinh năm 2017. Qua chữ ký của hoạ sĩ, giống như ba chữ DNK ’17, có thể đoán là hình vẽ năm 2017, sau khi Trump đắc cử tháng 11/2016. Một đứa trẻ còn mặc tã, phóng uế trên Hiến Pháp Mỹ, với những biểu hiệm chim Twitter bay ra từ miệng, phía sau là sọ người, tượng trưng nhiều người chết, và lửa cháy dữ dội, trên trời là địa cầu với bản đồ Châu Mỹ. Bức hoạ mang tính tiên tri, vì vài ba năm sau mới có nạn cháy rừng ở Cali, và vài trăm ngàn người chết vì Covid-19.

 

Nét chính nổi bật về Trump, dưới mắt nhiều người, tuy thuộc nhiều thành phần khác nhau, nhưng có chung nhận xét, là tuy đã ở tuổi 74, Trump vẫn hành động như một đứa trẻ. Sau đây là lời của một số nhân chứng, từ người trong gia đình, đến những cộng sự có cơ hội gần gũi Trump.

 

Trước hết là Mary Trump, một nhà tâm lý học, là cháu gái, viết trong cuốn sách về chú ruột mình “Too Much and Never Enough: How My Family Created the World’s Most Dangerous Man” (Quá nhiều và không bao giờ đủ: Gia đình tôi đã tạo ra một người nguy hiểm nhất của thế giới như thế nào). Mary viết“Tôi luôn tin rằng từ thâm tâm Donald là một đứa trẻ sợ hãi” (I’ve always believed that deep down Donald is a terrified little boy).

 

Nhân chứng thứ nhì là John Bolton, kiên trì theo Cộng Hoà bảo thủ từ khi còn đi học, từng là Phụ Tá Ngoại Trưởng và Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thời George W. Bush, là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia thứ nhì của Trump, viết trong cuốn hồi ký The Room Where It Happened (Căn phòng nơi nó sẩy ra), rằng: “Tôi không nghĩ ông ta có nhân cách hay thích hợp để làm tổng thống. Có lần tôi nói với một nhà tâm lý học rằng Trump không có nhân cách và ổng nói, chắc ông ta có chứ, nhưng có một nhân cách bị khuyết tật” (I don’t think he has the character or fitness to be president. I once said to a psychologist that Trump doesn’t have character and he said, sure he does, he has a character defect).

 

Vẫn trong hồi ký trên, Bolton kể“Charles Krauthammer, một nhà bình luận sắc bén, nói với tôi rằng trước đây ông đã sai khi cho rằng tác phong của Trump giống một đứa bé 11 tuổi. Krauthammer nhận định, ‘Tôi đã sai 10 năm’. ‘Ông ấy giống như đứa trẻ một tuổi. Mọi sự được nhìn qua lăng kính liệu nó có phù hợp với quyền lợi Donald Trump không’” (“Charles Krauthammer, a sharp critic of his, told me he had been wrong earlier to characterize Trump’s behavior as that of an eleven-year-old boy. ‘I was off by ten years,’ Krauthammer remarked. ‘He’s like a one-year-old. Everything is seen through the prism of whether it benefits Donald Trump’.”)

 

Nhân chứng thứ ba là Anthony Scaramucci, một người hoạt động trong lãnh vực tài chánh ở New York, theo đảng Cộng Hoà, được Trump bổ nhiệm làm Giám Đốc truyền thông tại Bạch Ốc vào tháng 7, 2017. Chỉ tại chức được 11 ngày trước khi bị sa thải. Mất việc rồi, ông ta vẫn tiếp tục lên tiếng bênh vực Trump, cho rằng mình theo Cộng Hoà, có bổn phận ủng hộ tổng thống Cộng Hoà.

 

Cho đến năm 2019, khi Trump công kích Dân Biểu Ilhan Omar (D-Minn.) và mấy bạn đồng viện da màu khác của bà này, là sao mấy người không về nước mình sống mà tranh đấu, Scaramucci mới tỉnh ngộ, rằng ông mình cũng là di dân đến từ Ý một trăm năm trước. Ông ta bắt đầu nói ra nhận xét về Trump: “Bạn phải nhìn vào cái tác phong bốc đồng, sự vô lý, thiếu trưởng thành. Ông ấy không phải là một người đã phát triển thành người lớn. Ông ấy đang làm những chuyện kỳ cục và tôi sợ cho thế giới và tôi sợ cho đất nước” (You just have to look at the manic behaviour, the absurdity, the lack of maturity. He’s not a fully developed adult. He’s out there doing ridiculous things and I fear for the world and I fear for the country).

 

Nhân chứng thứ tư là Miles Taylor, cựu chánh văn phòng bộ An Ninh Nội Địa; một bộ lớn trong chính phủ với 240.000 nhân viên; người vào năm 2018 đã viết một bài quan điểm trên The New York Times, nêu ra nhiều lỗi lầm của Trump, ký tên Vô Danh (anonymous). Trump ra lệnh cố tìm tông tích tác giả, nhưng không thành công. Ngày 28/10/2020, Miles Taylor lên tiếng nhận mình là tác giả, và đưa ra tuyên bố, giải thích lý do tại sao đã viết quan điểm ẩn danh, và bây giờ ra mặt.

 

Taylor cũng là tác giả giấu tên một cuốn sách, tựa là A Warning (Một Báo động)trong đó có nhận xét rằng: Trump như một “đứa trẻ-mười-hai-tuổi trong tháp kiểm soát an ninh không lưu, nhấn bừa bãi vào những nút điều khiển, không màng tới những máy bay đang trượt trên đường băng” (Trump as a “12-year-old in an air traffic control tower, pushing the buttons of government indiscriminately, indtfferent to the planes skidding across the runway).

 

So sánh của Miles Taylor trên đây chỉ có tính giả định, không phải sự thật. Trong khi ấy, đã có một chuyện thật gây sôi nổi, kéo dài vài tuần lễ, chỉ vì Tổng Thống bỗng nhiên đóng vai người dự đoán thời tiết. Tạp chí TIME đã ghi lại đầy đủ tiến trình từ đầu đến cuối, sau đây là tóm tắt sự việc.

 

Sáng ngày 1/9/2019, trong khi dân chúng mấy tiểu bang Đông Nam Hoa Kỳ lo âu chuẩn bị đợi bão Dorian tới, Tổng Thống Trump tweeted: Thêm vào Florida – South Carolina, North Carolina, Georgia, và Alabama, phần lớn có vẻ sẽ bị (rất) nặng hơn chờ đợi. Coi như một trong những trận bão lớn nhất từ trước tới nay. Đã ở cấp 5. COI CHỪNG! CHÚA BAN ƠN CHO MỌI NGƯỜI!

 

Khoảng 20 phút sau, sau khi nhận được nhiều thắc mắc lo sợ của dân chúng Alabama, Trạm Khí Tượng Birmingham, Alabama, thuộc Sở Khí Tượng Quốc Gia (National Weather Service – NWS), vội đưa lên Twitter lời trấn an dân chúng: “Alabama sẽ không bị ảnh hưởng gì từ bão Dorian. Chúng tôi nhắc lại, không có ảnh hưởng gì từ bão Dorian sẽ cảm thấy trên toàn Alabama. Hệ thống bão sẽ tồn tại quá xa ở phía đông”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-4-1024x768.png

Ảnh chụp tweet của Trump lúc 10h51′ sáng ngày 1/9/2019

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-5-1024x768.png

Ảnh chụp tweet của Trạm NWS Birmingham lúc 11h11’ sáng 1/9/2019

 

Gần một tuần sau, chủ quản của NWS là Cơ Quan Đại Dương và Khí Quyển Quốc Gia (National Oceanic and Atmospheric – NOAA) nhảy vào bênh Tổng Thống. Qua một tuyên bố không có người ký tên, công bố vào chiều thứ Sáu 6/9, nói rằng: “Tweet của NWS Birmingham hôm Chủ Nhật với giọng điệu cả quyết là không phù hợp với phỏng đoán tốt nhất về thời tiết có được vào lúc đó”.

 

Vào thứ Hai, 9/9, trưởng sở NWS công khai bênh vực các nhà tiên đoán thời tiết đã nói khác với nội dung cái tweet của Trump. Ông nói “họ đã làm những gì như bất cứ văn phòng nào cũng làm để bảo vệ dân chúng”.

 

Tiếp theo là các cựu giới chức ngành khí tượng lên tiếng chỉ trích các giới chức đương nhiệm, vì áp lực hay lý do nào đó, chống lại việc làm của các chuyên viên khoa học để vừa lòng cấp trên, là phản khoa học, làm mất tin tưởng trong dân chúng. Và như thường lệ ở Mỹ, cơ quan điều tra thường đông hơn cơ quan bị điều tra. Kế tiếp là đòi hỏi mở điều tra để làm rõ sự việc từ rất nhiều phía, từ Chính Phủ, Quốc Hội, nghiệp đoàn, giới khoa học, các tổ chức tranh đấu …

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-6-1024x768.png

Tại phòng Bầu Dục, TT Trump trình bầy trước báo chí bản đồ có vẽ thêm vòng mầu đen ở đầu vòng trắng, bao gồm một phần gần biển lãnh thổ tiểu bang Alabama.

 

Trong khi các giới chức khí tượng lo giải quyết nội vụ cho êm thấm, và báo chí xôn xao tìm hiểu sự thật, Tồng Thống Trump nhất định không chịu nhận mình sai. Mặc dù Dorian đã không thực sự đến Alabama, ông nhất định cho là mình không sai. Ngày 4/9/2019, tại phòng Bầu Dục, Trump trình bầy trước báo chí một bản đồ vẽ đường tiến của bão, theo đó, vòng trắng nguyên thuỷ do sở khí tượng vẽ chỉ bao gồm toàn thể Florida, thêm vòng đen vẽ vụng về bên ngoài có bao phủ một phần Alabama. Nhà báo thấy cây bút sharpie nằm trên bàn, hỏi, ông bảo ông không vẽ, và không biết ai vẽ. Vụ này được đặt tên là Sharpiegate.

 

Khi một tổng thống biết quá nhiều, “ke” (care) quá nhiều, bao biện cả những lãnh vực mình không biết, như khí tượng, và không bao giờ chịu nhận mình sai, chịu nhận trách nhiệm, tất nhiên, không tránh được hậu quả rắc rối.

 

Dù sao, hậu quả vụ Sharpiegate không đáng gì so với chuyện sau đó nửa năm, là vụ Covid-19, với trên hai trăm ngàn người chết, và gần mười triệu người nhiễm bệnh ở Mỹ. Là tài tử chính chương trình “Truyền hình thực tế”, những chuyện gây sôi nổi trên thực tế là cơ hội không thể vắng mặt. Khi mọi người lo sợ chong mắt trước tivi đợi tin thay đổi từng phút về tình hình bão, người tiên đoán thời tiết được chú ý số một. Nhất là người này ở vị thế có thể hứa hẹn giúp đỡ, đem tới thất vọng hay hy vọng cho những người đang lo sợ, khác gì vai trò một Thiên Sứ. Vai diễn chính trong màn tuồng thực tế không thể bỏ qua cơ hội hiếm có như vậy. Cho nên, thay vì để các chuyên gia y tế đối phó với đại dịch, giải thích và hướng dẫn người dân phòng ngừa đúng cách, đích thân Tổng Thống đã giành lấy vai chính, tự mình giải thích và đưa ra các biện pháp nhắm vào mục đích ưu tiên: tái đắc cử!

 

Đến nay, mọi việc đã rõ ràng: Trump được Chánh Văn Phòng Bạch Ôc báo trước từ cuối tháng 1, 2020, rằng đại dịch sắp tới vô cùng nguy hiểm, khi nó chưa chính thức được ghi nhận ở Mỹ. Tháng sau, Trump vẫn cả quyết không có gì đáng ngại, mọi chuyện đều trong vòng kiểm soát. Ông sợ, nếu báo động, giá chứng khoán xuống, sẽ mất phiếu.

 

Nói quanh mãi rồi cũng phải đối diện sự thật. Nhưng thay vì nhận trách nhiệm, ông tự nhận mình là người yêu nước: “Sự thật tôi là một hoạt náo viên của đất nước này. Tôi yêu đất nước của chúng ta và tôi không muốn dân chúng phải sợ hãi. Tôi không muốn tạo ra hoảng sợ. Chắc chắn, tôi sẽ không lèo lái đất nước này hay thế giới đến chỗ điên cuồng. Tôi muốn tỏ ra tin tưởng. Tôi muốn chứng tỏ sức mạnh” (“The fact is I’m a cheerleader for this country. I love our country and I don’t want people to be frightened. I don’t want to create panic. Certainly, I’m not going to drive this country or the world into a frenzy. We want to show confidence. We want to show strength”).

 

Năm 2016, dân bầu một “tổng thống vĩ đại”, hoá ra đã bầu một hoạt náo viên.

 

Dân Mỹ chỉ bằng 4% dân số thế giới, số tử vong vì Covid tới 25%, nhưng Trump vẫn cho rằng Mỹ đã đối phó rất tốt với Đại Dịch. Ông lý luận: “Nếu tách riêng các tiểu bang xanh ra, chúng ta ở mức tôi nghĩ không đâu trên thế giới có thể sánh được. Chúng ta thực sự ở mức rất thấp trừ một số tiểu bang – họ là những tiểu bang xanh, và bang-xanh quản trị” (If you take the blue states out, we’re at a level that I don’t think anybody in the world would be at. We’re really at a very low level but some of the states – they were blue states, and blue-state managed”).

 

Đúng là lý luận kiểu trẻ con. TT Mỹ được bầu cử trên cả nước Mỹ, cai trị và có trách nhiệm với cả nước Mỹ, bất kể Blue States (Dân Chủ) hay Red States (Cộng Hoà). Giống hệt một người môi gới địa ốc ba xạo, thuyết phục khách hàng: Cái nhà này tốt lắm, nếu không kể cái hầm bị nước vào thường xuyên, thì trong tình trạng hoàn hảo, không có nhà nào khác cùng giá có thể sánh được!

 

                                                      ***

Tóm lại, tìm hiểu bí quyết thu phục lòng người của Trump, không khó. Thử nhìn cách đối phó với trẻ nhỏ của người mẹ. Một bà mẹ cho con nhỏ ăn, khi đã gần no, nó có vẻ lơ là, không muốn ăn nữa. Bà mẹ dỗ dành, nó vẫn nhởn nhơ, coi như ăn uống là làm ơn cho người khác. Mẹ bèn chỉ về con chị đang chơi gần đó, doạ: ăn đi, không mẹ cho chị ăn bây giờ. Đứa bé sợ, vội vàng ăn hết. Qua vụ bão Dorian, có thể thấy Trump hành động tương tự. Doạ cho người khác sợ, rồi đóng vai nghĩa hiệp, người ta sẽ mang ơn, và làm theo ý mình; ở đây là dồn phiếu cho mình. Năm 2016, Trump thắng lớn ở Alabama. Khi thấy Dorian tới vùng này, Trump dùng bão doạ Alabama, rồi chúc lành và hứa giúp đỡ, tỏ vẻ săn sóc, với hy vọng giữ được thân chủ tốt.

 

Với Covid-19 thì khác. Tự nó đã thực sự là mối đe doạ khủng khiếp rồi, và Trump đã thất bại trong việc đối phó. Trump vẫn theo lối cũ, nhưng lái đe doạ sang hướng khác: Biden và đảng Dân Chủ. “Tôi mà thất cử thì mọi sự tiêu tùng”! Theo AFP, Trump tuyên bố ngày 18 tháng 10 tại Macon, Georgia: Joe Biden sẽ đem đến chế độ Cộng Sản và ngập lụt tội phạm nhập cư”. “Gia đình Biden là một xí nghiệp tội phạm”. Và đảng Dân Chủ chẳng có gì khác hơn là khinh bỉ giá trị của các bạn” và “muốn biến Hoa Kỳ thành một nước Cộng Sản” (Joe Biden would deliver communism and a ‘flood’ of criminal immigrants”. “Biden family is a criminal enterprise”. Democrats “have nothing but disdain for your value” and “want to turn America into a communist country)”.

 

Sau đây là một cái tweet của Trump ngày 10 tháng 9, 2020: “Dân Chủ không bao giờ đề cập tới mấy chữ LUẬT & TRẬT TỰ. Đó là từ nơi họ đang tới. Nếu tôi không thắng, các vùng ngoại ô của Mỹ sẽ bị TRÀN NGẬP với các Dự án Người thu nhập thấp, bọn Vô chính phủ, Xách động, Cướp và, dĩ nhiên, Biều tình Thân hữu”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-7.png

Ảnh chụp tweet của Trump

 

 

Biden: lớn lên từ lỗi lầm

 

Trong cuộc tranh cử tổng thống vòng sơ bộ, giữa các ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ vào tháng 4, 1987, ở New Hampshire, một cử tri, nhà giáo Frank Fahey, hỏi ứng cử viên Biden: “Thưa Nghị Sĩ, tôi có một câu hỏi rất nhanh: Ông đã theo học trường luật nào, và ông xếp hạng mấy?”

 

Biden có vẻ bực mình, quật lại, “Tôi nghĩ rất có thể tôi có chỉ số thông minh IQ cao hơn ông nhiều, tôi nghĩ vậy. Tôi rất vui lòng ngồi xuống và so sánh IQ của tôi với ông, nếu ông muốn” (”I think I probably have a much higher IQ than you do, I suspect. I`d be delighted to sit back and compare my IQ with yours, if you`d like”).

 

Thái độ trên đây của Biden, từ 33 năm trước, rất giống với phản ứng quen thuộc của Trump như nhiều người đã biết, mỗi khi bị ai vặn hỏi về trình độ thông minh của mình. Điều này cho thấy, đã có thời, Biden và Trump giống nhau. Nhưng Trump vẫn thế, không chịu lớn, trong khi Biden nhận lỗi, và lớn lên từ lỗi lầm của mình.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-10.jpg

Nghị Sĩ Joseph Biden loan báo vào ngày 23/9/1987 rằng ông rút khỏi cuộc chạy đua để được đảng Dân Chủ đề cử làm ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử 1988. Hình: Jérôme Delay/AFP/Getty Images.

 

Trump ứng cử tổng thống sau Biden ba thập niên, có lẽ nhờ kinh nghiệm người đi trước, đã cho luật sư Cohen viết thư cho các trường Trump từng theo học, doạ không được công bố điểm của Trump; nếu làm vậy, sẽ bị kiện. Nhờ thế, Trump được tạm yên thân về học lực của mình.

 

Về phần Biden, sau thái độ khó thương nêu trên, đã lãnh đủ hậu quả. Nhiều báo, toàn là các cơ quan truyền thông có khuynh hướng thân Dân Chủ, như Newsweek, New York Times, và tờ báo địa phương ở Iowa, The Des Moines Register, đã phanh phui đủ chuyện sai trái của ứng cử viên ngựa non háu đá này, như:

 

– Thời còn học trường luật, Biden đã bị kỷ luật vì lấy một phần trong law review mà không ghi xuất xứ; đã phóng đại về điểm và thứ hạng trong lớp.

 

– Khi vận động tranh cử, đã lấy từ diễn văn của Robert Kennedy, Hubert Humphrey, và quan trọng nhất, từ Neil Kinnock, một lãnh tụ đảng Lao Động Anh cùng thời, mà vẫn theo thói quen, “quên” ghi nguồn gốc.

 

Trái với Trump không bao giờ chịu nhận mình sai, Biden đã tức thì nhận lỗi, và quyết định rút lui.

 

Trước khi rút lui, Biden đã công bố lời thú nhận:

 

– “Tôi đã không tốt nghiệp với thứ hạng ở nửa trên của lớp tôi tại trường luật như tôi đã nhớ lại không đúng” (”I did not graduate in the top half of my class at law school and my recollection on this was inaccurate).

 

– Đã bị rớt năm thứ nhất trường luật vì trong bài thi có năm trang lấy từ law review mà không ghi rõ nguồn gốc.

 

Báo CHICAGO TRIBUNE Sept. 22. 1987, cho biết, theo điểm trong học bạ được công bố, Biden tốt nghiệp cử nhân với điểm “C” trung bình, thứ hạng 506 trên 688, và ra trường luật với thứ hạng 76 trên 85.

 

Ngày 7 tháng 9, 2020, báo Guardian của Anh cho biết, Neil Kinnock, người đã bị Joe Biden đạo văn trên ba chục năm trước, nhận định về vụ tai tiếng này, rằng: “Ông ta xứng đáng thắng giải “Joe là một gã thành thật” (he deserves to win: ‘Joe’s an honest guy’”. Vẫn theo nhận định của Kinnock, “Joe thành thật, ông ta can đảm, ông ta biết nhiều và kinh nghiệm, và trên mọi sự, ông ta hợp lý, tất cả những thứ khác với Trump. Một trong những điểm mạnh nhất của Joe, tôi nghĩ, chắc tự nhiên có, là ông ta bình thường (Joe is honest, he’s courageous, he’s well-informed and experienced, and most of all, he’s rational, all things that Trump isn’t. One of Joe’s greatest strengths, I think, certainly a natural attribute is that he’s normal).

 

Trước phản ứng của dư luận, Biden đã chính thức rút lui khỏi cuộc tranh cử vào ngày 23 tháng 9, 1987, không đổ lỗi cho ai, ngoài chính mình. Biden nói: “Tôi giận chính tôi đã đặt tôi vào vị trí này”. (‘I’m angry at myself for having been put in the position – put myself in the position). Chẳng những không chửi bới, Biden đã biết ơn báo chí: “Tôi biết ơn sự quan tâm của quý vị. Tôi biết ơn sự có mặt của quý vị ở dây” (I appreciate your consideration. I appreciate your being here).

 

Trong khi loan báo rút lui, Biden tuyên bố cuộc đua của mình đã bị che phủ bởi “bóng râm phóng đại” (exaggerated shadow’). Ông nhận đã làm một số lỗi lầm (I made some mistakes). Tuy nhiên, Biden không hoàn toàn bỏ cuộc. Ông chỉ rút lui để chấn chỉnh lại, học hỏi từ lỗi lầm, hứa hẹn ở những cuộc đua trong tương lai. Biden nói: “Sẽ còn những cuộc tranh cử tổng thống khác, và tôi sẽ có mặt hàng đầu” (‘There will be other Presidential campaigns, and I’ll be there, out front).

 

Hai chục năm sau, Biden tranh cử lần thứ nhì, năm 2007. Lần này, Biden không mắc những lỗi lầm tệ hại như trước, nhưng không thể qua mặt Hillary và Obama. Cuối cùng, nhờ giầu kinh nghiệm trong lãnh vực ngoại giao, được Obama chọn làm phó, và trở thành Phó Tổng Thống hai nhiệm kỳ (2009 – 2017). Bây giờ, tranh cử lần thứ ba, bị đối thủ Trump gọi là “Joe-buồn ngủ”, vì là ứng cử viên già nhất trong lịch sử Mỹ.

 

Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa tất cả ứng viên Dân Chủ vòng sơ bộ, Biden là người nhiều tuổi và nổi tiếng nhất, đã bị tất cả các ứng viên khác tấn công để được chú ý. Bị cú nặng nhất phóng ra từ một nữ ứng viên trẻ, từng là bạn của con Biden: Kamala Harris. Người này không lên án Biden kỳ thị, nhưng buộc tội ông, khi còn là Nghị Sĩ, đã cộng tác thân mật với các đồng nghiệp kỳ thị nổi tiếng ở Thượng Viện, và đã chống lại chương trình dùng xe bus chở trẻ da mầu tới học chung trường với trẻ da trắng; với bằng chứng hiển nhiên, “Tôi là một bé gái da mầu trong số đó”. Nhiều tháng sau, nhớ lại chuyện này, Jill Biden, người ôm mộng thành đệ nhất phu nhân kế tiếp, vẫn chưa quên cú đánh này như một cái đấm vào chỗ hiểm “like a punch to the gut”. Thay vì chửi lại hay trả thù, Biden cuối cùng đã chọn Harris đứng chung liên danh với mình ở địa vị phó. Một nét đáng chú ý của Biden: Ưa kết hợp hơn hận thù.

 

Sau đây là lời của hai cứng cử viên:

 

Biden nói về Trump:

“Nếu bạn cho Donald Trump tám năm ở Bạch Ốc, ông ta sẽ làm thay đổi mãi mãi cá tính căn bản của đất nước này, chúng ta là ai, và tôi không thể đứng nhìn chuyện đó sẩy ra” (If we give Donald Trump eight years in the White House, he will forever and fundamentally alter the character of this nation, who we are, and I cannot stand by and watch that happen).

 

Trump nói về Biden:

Cuộc bầu cử này là lựa chọn giữa một Trump Phục hồi hay một Biden Khủng hoảng. Là lựa chọn giữa kế hoạch của chúng ta Giết con virus – hay kế hoạch của Biden giết Giấc mơ Mỹ. Nếu bạn bầu cho Biden, nghĩa là trường không có trẻ con, không có lễ tốt nghiệp, không đám cưới, không lễ Tạ ơn, không Giáng Sinh và không có cả lễ Độc lập. (This election is a choice between a TRUMP RECOVERY or a BIDEN DEPRESSION. It’s a choice between our plan to Kill the virus – or Biden’s plan to kill the American Dream! If you vote for Biden, it means no kids in school, no graduations, no weddings, no Thanksgiving, no Christmas and no Fourth of July together,”

 

 

Khẩu trang: nhìn vật biết người

 

Trong cuộc bầu cử năm nay, còn một yếu tố đặc biệt chưa từng có trong các cuộc bầu cử trước, đó là cái mặt nạ, hay khẩu trang. Chỉ cần nhìn vật nhò bé này, người ta có thể biết nhân cách của một người, cả ứng cử viên và cử tri. Đeo khẩu trang, không phải chỉ bảo vệ mình, mà bộc lộ mối quan tâm tới an sinh của những người chung quanh, một thái độ hoà đồng, vị tha. Không đeo khẩu trang là chỉ nghĩ tới mình, làm theo ý mình, không chịu hoà nhập, coi thường an sinh cộng đồng.

 

Ngày 20 tháng 7, 2020, Nghị Sĩ Dân Chủ và là cựu ứng viên tổng thống Bernie Sanders, đề nghị dự luật quy định chính quyền Trump cung cấp cho tất cả mọi người dân Mỹ, mỗi người ba khẩu trang “phẩm chất tốt, tái xử dụng”, với tổng số tiền 5 tỷ đô la. Nhưng với chính quyền Cộng Hoà hiện tại, tiền xây tường biên giới có vẻ cần thiết hơn tiền mua khẩu trang.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-11.jpg

Hai ứng viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump. Nguồn: Oliver Douliery/ Brendan Smialowski/Getty Images

 

Trước đó, Tổng Thống Trump vẫn không chịu đeo khẩu trang. Ông nói vào tháng 4/2020, với báo Wall Street Journal rằng, những người đeo khẩu trang là muốn chứng tỏ họ không chấp nhận ông. Ông sẽ không cho báo chí cơ hội “thoả mãn” khi nhìn thấy ông đeo khẩu trang nơi công cộng. Ông còn nói ông không thể đeo mặt nạ khi tiếp các “tổng thống, thủ tướng, nhà độc tài, vua, hoàng hậu”.

 

Trump nghĩ theo lời dậy của bố: ở đời chỉ có hai loại người, những kẻ thắng và những kẻ thua (winners and losers). Muốn thắng phải tỏ ra mạnh bạo, kiên cường, luôn cứng rắn, làm theo ý mình, phải nổi bật. Làm theo người khác, như người khác, nhất là vì áp lực từ người khác, là tỏ ra yếu đuối; thái độ nhu nhược của kẻ thua, sẽ bị thiên hạ coi thường; một thứ “thần tượng đổ vỡ”! Trump quan niệm ông thắng năm 2016 là ở chỗ khác người, chống lại cái bình thường, làm khác những gì đã thành nền nếp. “Chỉ mình tôi – Only me” có thể giải quyết mọi khó khăn, gây dựng lại cơ đồ. Làm như người khác, đeo khẩu trang như mọi người khác. Đâu còn Only me nổi bật?

 

Tin từ CNN ngày 26/6/2020 cho biết: Joe Biden tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ buộc mọi người trên toàn quốc phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Ông chủ trương khẩu trang được cung cấp miễn phí cho dân chúng. Không ai sẽ phải dùng tiền riêng của mình, kể cả trong việc chủng ngừa Covid sau này.

 

Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên cuối tháng 9, Trump làm điệu bộ chế diễu đối thủ Biden đeo khẩu trang. Ông nhận xét, Biden hiện ra với khẩu trang lớn chưa từng thấy. Biden đã từng bị Trump chế diễu vì đeo khẩu trang vào Ngày Tưởng Niệm trước đó trên Twitter. Qua ghi nhận của Dana Bash trên CNN, Biden đáp lại rằng: “Ông ta là một thứ dở hơi. Một kẻ tuyệt tuyệt đối dở hơi mới nói như thế” “He’s a fool. An absolute fool to talk that way,”

 

                                                  ***

Theo ghi nhận của New York Times ngày 1 tháng 11, 2020, Marilyn Crowder, 60, nói khi đợi trong hàng dài cả dẫy phố dọc theo Anna B. Day School ở Tây Bắc Philadelphia tuần cuối tháng 10: “Tôi sẽ bầu giống như đời tôi tuỳ thuộc vào nó” (I’m going to vote like my life depends on it). Phát biểu này đã nói đầy đủ tầm quan trọng của cuộc bầu cử năm nay. Quan trọng đến mức, chưa tới ngày bầu cử, đại đa số, 90 trên 150 triệu, cử tri đã đi bầu.

 

Không cuộc bầu cử nào có ứng cử viên hoàn hảo đối với mọi người. Sẽ có nhiều người vui, nhiều kẻ buồn. Hy vọng không ai quá vui để sau khỏi thất vọng, và không ai quá buồn đến nỗi chán đời.

 

Điều thú vị là, trong cuộc bầu cử năm nay, không cần biết khoa tướng số, chỉ cần cho biết bạn bầu cho ai, có thể biết ngay bạn là người như thế nào.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats