Monday, 16 November 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 16/11/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 16/11/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

16/11/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/11/16/the-gioi-hom-nay-16-11-2020/

 

Mười thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, vừa ký kết một hiệp định thương mại. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới và chiếm gần một phần ba GDP toàn cầu. Nhóm này, không bao gồm Mỹ, sẽ tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

 

Donald Trump lần đầu tiên thừa nhận chiến thắng của Joe Biden, nhưng tiếp tục nhấn mạnh bầu cử đã bị gian lận. Sau đó, ông tweet “Tôi KHÔNG thừa nhận GÌ CẢ!” Ông Trump đang theo đuổi các thách thức pháp lý khác nhau xoay quanh vấn đề kiểm phiếu. Không một vụ nào trong số chúng được cho là sẽ thành công. Cuối tuần qua, hàng nghìn người ủng hộ ông Trump đã biểu tình phản đối kết quả ở Washington, DC.

 

Manuel Merino, tổng thống tạm quyền của Peru, đã từ chức chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức. Biểu tình phản đối chính quyền của ông, trong đó người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đã khiến hai người chết và một số người khác bị thương vào cuối tuần. Ông Merino, trước đây là chủ tịch Quốc hội, lên kế vị sau khi Martín Vizcarra bị loại vì các cáo buộc hối lộ, điều ông này phủ nhận.

 

Số người chết do cơn bão kinh hoàng nhất tấn công vào Philippines trong năm nay đã lên tới ít nhất 67 người. Bão Vamco gây ra lũ lụt kinh hoàng ở phía bắc tỉnh Tuguegarao, và làm hư hại hơn 25.000 ngôi nhà. Vamco là cơn bão thứ sáu đổ bộ vào quốc gia này trong 4 tuần qua và là cơn bão thứ 21 trong năm nay.

 

Bộ trưởng tài chính Đức cảnh báo về các biện pháp khắt khe từ bốn đến năm tháng nhằm làm chậm sự lây lan của covid-19, bất chấp những tiến bộ gần đây về vắc xin. Số ca nhiễm virus ở nhiều nước châu Âu, bao gồm cả Đức, vẫn đang tăng lên. Áo đã tuyên bố phong tỏa nghiêm ngặt vào cuối tuần. Trong khi đó Mexico đã vượt ngưỡng 1 triệu ca nhiễm được xác nhận, và số người chết lên tới 100.000.

 

Xung đột giữa chính quyền trung ương Ethiopia và vùng Tigray miền bắc đã vượt qua biên giới quốc tế. Lãnh đạo Tigray xác nhận quân đội đã bắn tên lửa vào thủ đô Eritrea, với cáo buộc quốc gia láng giềng này đưa quân vào Tigray. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã cử lực lượng vũ trang tới Tigray sau khi khu vực này tổ chức bầu cử khu vực bất chấp lệnh của chính phủ ông.

 

An ninh Armenia tuyên bố đã ngăn chặn một cuộc đảo chính và một âm mưu ám sát thủ tướng Nikol Pashinyan. Các quan chức bao gồm cựu lãnh đạo cơ quan an ninh và một cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bị bắt vì liên quan đến âm mưu này. Những người biểu tình đã kêu gọi ông Pashinyan từ chức sau khi ông nhượng lãnh thổ cho Azerbaijan trong thỏa thuận hòa bình Nagorno-Karabakh hồi tuần trước.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP

15 quốc gia Châu Á vừa ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hôm Chủ nhật, trong một buổi lễ trực tuyến do Hà Nội tổ chức. RCEP là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% dân số, thương mại và GDP toàn cầu — ngay cả khi thành viên giả định thứ 16, Ấn Độ, đã rút lui một năm trước. Hiệp định này bao gồm nhiều hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN gồm mười thành viên và các nước châu Á – Thái Bình Dương khác: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

 

Các điều khoản của nó không quá tham vọng, cũng không bao gồm sự tự do hóa mạnh mẽ nào cho thương mại khu vực. Song, vào giữa lúc đại dịch, RCEP là một động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, cũng như cho vị thế của ASEAN. Bên hưởng lợi lớn là Trung Quốc. Họ có thể thể hiện mình là bên ủng hộ tự do thương mại như đã cam kết trong khi Mỹ theo đuổi cuộc chiến thương mại và dường như tương đối xa rời khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị và chiến lược trên khắp châu Á.

 

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhưng không đủ bù đắp tổn thất

Các số liệu tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý ba, được công bố hôm nay, có thể cho thấy phục hồi sau ba quý liền suy thoái. Suy thoái bắt đầu khi GDP giảm 7,1% vào cuối năm 2019 so với cùng kỳ năm trước đó, sau khi tăng thuế tiêu dùng. Nó đạt mức giảm kỷ lục -28,1% theo năm trong quý 2 năm nay, trong bối cảnh các hạn chế vì covid-19. Các kinh tế gia kỳ vọng tăng trưởng khoảng 19% công bố hôm nay – một bước phục hồi lớn, nhưng không đủ để bù đắp tổn thất của các quý trước.

 

Chi tiêu đã tăng lên, cũng như xuất khẩu và tâm lý doanh nghiệp. Nhưng các công ty vẫn còn do dự trong việc đầu tư. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã kêu gọi gói kích cầu thứ ba, có thể trị giá từ 10 nghìn tỷ đến 15 nghìn tỷ yên (96-143 tỷ đô la). Những tiếng nói phản đối e ngại việc tập trung vào nền kinh tế, đặc biệt là chiến dịch thúc đẩy du lịch trong nước, tạo ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Thống kê ca nhiễm covid-19 mới hàng ngày của nước này đạt 1.661 ca vào thứ Năm tuần trước — thấp so với quốc tế, nhưng là mức cao mới đối với Nhật Bản.

 

Thái Lan vẫn bất ổn chính trị

Thái Lan cũng sẽ công bố số liệu GDP quý ba trong hôm nay. Nó có thể cho thấy nước này đã vượt qua hố sâu kinh tế lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính Châu Á 1997. Chính phủ tuyên bố đã loại bỏ covid-19 nhưng biên giới vẫn đóng cửa với hầu hết khách du lịch. Hậu quả là nợ công và nợ tư nhân cao hơn, bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp, bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng. Không như hồi hai thập niên trước, ngành ngân hàng và tiền tệ vẫn đang ổn định.

 

Tuy nhiên, chính trị Thái Lan lại kém ổn định hơn khi hàng nghìn người biểu tình đòi cải cách hiến pháp và hạn chế quyền lực của hoàng gia. Chế độ quân chủ hiện có vẻ an toàn. Những người bảo hoàng kiểm soát nhánh hành pháp, quốc hội, tòa án và bộ máy hành chính. Giới Phật giáo của đất nước cũng ủng hộ hoàng gia, trong khi những người lính được đào tạo để bảo vệ chế độ quân chủ đã phủ nhận tin đồn họ đang lên kế hoạch đảo chính. Song trong khi những hứa hẹn về vắc-xin covid-19 làm dấy lên hy vọng về phục hồi kinh tế an toàn thì vẫn không có dấu hiệu nào như vậy đối với nền chính trị đang nóng bỏng của Thái Lan.

 

Quá trình chuyển giao tổng thống hỗn loạn của Mỹ

Mỹ có một giai đoạn chuyển tiếp tổng thống dài kì lạ: hai tháng rưỡi giữa ngày bầu cử và ngày nhậm chức. Điều này thường giúp bộ máy hành chính liên bang khổng lồ được chuyển giao cho tổng thống đắc cử theo từng giai đoạn một. Quá trình chuyển giao gần như chưa từng có của năm nay đến vào một thời điểm nguy hiểm. Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh Joe Biden đã đánh cắp cuộc bầu cử, ngay cả khi các vụ kiện của ông để lật ngược kiểm phiếu ở nhiều bang khác nhau đã liên tiếp bị bác bỏ hoặc bị ngừng vì không có bằng chứng.

 

Trong khi đó, Mỹ phải đối mặt với làn sóng covid-19 thứ ba — và đợt tồi tệ nhất — với 160.000 ca mới và 1.200 ca tử vong chỉ trong ngày thứ Bảy. Ông Biden đang kêu gọi người Mỹ nghiêm túc đối phó với loại virus này, nhưng ông đang phải lên kế hoạch ứng phó đại dịch thông qua các cuộc nói chuyện phi chính thức với các thống đốc bang và các chuyên gia y tế. Và các tranh cãi bầu cử đã làm gia tăng tính đảng phái đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng: 33% đảng viên Cộng hòa được thăm dò nói họ sẽ không dùng vắc-xin coronavirus kể cả khi nó đã có sẵn, so với 18% của đảng viên Dân chủ.

 

Các công ty bảo hiểm và khách hàng ở Anh kiện nhau ra tòa vì covid-19

Mô hình kinh doanh của các công ty bảo hiểm dựa trên giả định rằng hầu hết khách hàng của họ sẽ không đồng thời bị tai họa ập đến. Thật không may cho các nhà cung cấp bảo hiểm cho trường hợp hoạt động kinh doanh của khách hàng bị gián đoạn, covid-19 đã chứng minh giả định đó là sai. Nhiều công ty nhỏ của Anh, gặp khó khăn do phong tỏa nhiều tháng, đã yêu cầu đền bù theo đúng hợp đồng bảo hiểm của họ. Các công ty bảo hiểm phản đối, cho rằng gián đoạn do đại dịch gây ra không đủ điều kiện để được thanh toán.

 

Một vụ kiện được đưa ra bởi Cơ quan Quản lý Hành vi Tài chính, một cơ quan giám sát ngành, thay mặt cho các doanh nghiệp nhỏ đã được trình lên tới Tòa án Tối cao Anh, nơi sẽ nghe các tranh luận trong hôm nay. Một phán quyết thuận lợi sẽ đem lại phao cứu sinh cho gần 400.000 người mua bảo hiểm giữa lúc họ phải vật lộn với các đợt phong tỏa. Nhưng nếu nhìn vào các phán quyết trước đó, có thể cho rằng các công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp được bảo hiểm có thể sẽ phải cùng chia sẻ thiệt hại: một tòa án cấp thấp hồi tháng 9 phán quyết rằng một số chứ không phải tất cả các hợp đồng bảo hiểm phải đền bù cho các thiệt hại do gián đoạn kinh doanh gây ra bởi đại dịch.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats